Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Giải mã ẩn số Huawei

Giải mã ẩn số Huawei
June 23
15:00 2016

160613-huawei-shenzhen-media-tour-22_resize

 

Ngày 15-6-2016, tạp chí doanh nghiệp nổi tiếng thế giới Forbes đã công bố bảng xếp hạng Top 5 hãng smartphone trên thị trường Trung Quốc lớn nhất thế giới (hơn 1,3 tỷ dân) dựa trên số liệu quý 1-2016 của hãng nghiên cứu thị trường quốc tế IDC.

Số 5 là  Xiaomi, chiếm 9% thị phần (giảm 32% so với năm ngoái). Số 4: Apple chiếm 12,8% (giảm 19,1%). Số 3: Vivo chiếm 13,3% (tăng 121,7%). Số 2: Oppo chiếm 15,4% (tăng 173,1%). Và số 1: Huawei chiếm 16,2% (tăng 47,6%).

Còn trên thị trường toàn cầu, dựa trên số liệu thị trường quý 1-2016, hãng IDC ngày 27-4-2016 công bố bản báo cáo về Top 5 hãng smartphone thế giới. Số 1 là Samsung chiếm 24,5% thị phần thế giới (giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2015). Số 2: Apple chiếm 15,3% (giảm 16,3%). Số 3: Huawei chiếm 8,2% (tăng 58,4%). Số 4: Oppo chiếm 5,5% (tăng 153,2%). Số 5: Vivo chiếm 4,3% (tăng 123,8%).

Điểm nổi bật trong thị trường smartphone cả trên thế giới lẫn ở Trung Quốc là sự vọt lên mạnh mẽ của hai hãng Oppo và Vivo (đều của Trung Quốc), đẩy Lenovo ra khỏi Top 5 của cả thế giới lẫn Trung Quốc và đẩy Xiaomi ra khỏi Top 5 thế giới và nằm mấp mé cuối Top 5 ở Trung Quốc.

Huawei (Hoa Vĩ) vẫn là một tay chơi mạnh và không ngừng tăng trưởng cả trên thế giới lẫn ở sân nhà Trung Quốc. IDC đánh giá là Huawei thành công vì đã làm tốt được ở cả hai khu vực: cao cấp thì có các smartphone P9, Mate Series, và Nexus 6, còn ở entry level thì có thương hiệu Honor đặc biệt mạnh trên các hệ thống bán hàng online.

2011-communic-asia-singapore-php

Đối với những ai quan tâm tới mảng smartphone, cả về thị trường lẫn công nghệ và thiết bị, Huawei vẫn là một ẩn số hấp dẫn để giải mã và khám phá. Mà không ngạc nhiên sao được khi một doanh nghiệp khởi nghiệp vào năm 1987 với số vốn 21.000 nhân dân tệ (quy đổi lúc đó khoảng 5.600 USD) mà vào cuối năm 2015, tức 28 năm sau, đã có doanh thu tới 60,8 tỷ USD và có tổng trị giá tài sản 57,3 tỷ USD.

huawei-05

Tôi không có khả năng để phân tích thấu đáo bí quyết thành công của Huawei. Ở đây, từ những tư liệu thu thập được trên Internet, qua báo chí và đặc biệt là được mắt thấy, tai nghe, tay sờ chạm trong chuyến thăm tổng hành dinh của Huawei tại thành phố Shenzhen (Trung Quốc), cũng là nơi ra đời của Huawei, hồi trung tuần tháng 6-2016, tôi ghi lại một số nét chấm phá mà mình ưng mắt nhất.

160613-huawei-shenzhen-media-tour-20_resize

PHP và chị Nguyễn Thị Thanh Trà, Huawei Việt Nam tại tổng hành dinh Huawei ở Shenzhen tháng 6-2016.

VĂN HÓA LÀ CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG

Xin hiểu đây là văn hóa (hay có nơi gọi là triết lý) của từng công ty. Các doanh nghiệp lớn và thành danh trên thế giới xưa nay vẫn cố gắng xây dựng cho mình một văn hóa riêng gắn với hình ảnh của thương hiệu.

Tạp chí Mỹ Harvard Business Review ngày 11-6-2015 đã cho đăng một bài lớn với cái tít “Huawei’s Culture Is the Key to Its Success” (văn hóa của Huawei là chìa khóa cho sự thành công của họ). Hai tác giả David De Cremer và Tian Tao viết: “Điều gì làm cho họ (Huawei) thành công đến như vậy? Có câu cách ngôn: “Thành công có nhiều ông bố” (Success has many fathers). Nhưng giống như với nhiều công ty lớn, chúng tôi tìm kiếm từng mảnh ghép của câu đố này bằng cách xem xét những giá trị đặc biệt định nghĩa cho văn hóa của Huawei. Việc phỏng vấn những người đang làm cho Huawei, đọc các bài báo, các lá thư và bài nói chuyện của nhà sáng lập Nhiệm Chính Phi (Ren Zhengfei), và cuối cùng là trực tiếp phỏng vấn ông Nhiệm, đã cho phép chúng tôi hiểu được nền tảng của văn hóa do tính giá trị chủ đạo của Huawei.” Các tác giả đã đưa ra 4 thành phần cấu thành của nền văn hóa Huawei, lần lượt là quan điểm khách hàng là trước hết (Customer-First Attitude), sự cống hiến của người lao động (Employee Dedication), suy nghĩ dài hơi (Long-Term Thinking) và quyết định từng bước một (Gradual Decision-Making). Có một chi tiết, tác giả David De Cremer là giáo sư khoa quản trị của Đại học Cambridge (Anh), còn tác giả Tian Tao là đồng giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Cách tân Ruihua của Đại học Triết Giang (Zehjiang University) và là tác giả cuốn sách The Huawei Story (Câu chuyện Huawei).

20160613_112917_resize

Ông Jim Xu (giữa).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của ông Jim Xu, Phó Chủ tịch Huawei Consumer Business Group (CBG), dành cho các nhà báo Việt Nam ngay tại trụ sở Huawei ở Shenzhen, tôi có hỏi: “Đâu là nền tảng văn hóa của Huawei?” và được ông Xu trả lời: “Tôi làm ở Huawei được 20 năm, kể từ khi tốt nghiệp đại học. Có 12 năm làm việc ở thị trường nước ngoài (2000-2012). Tôi đã có những trải nghiệm thành công cùng Huawei. Nói vậy để cho thấy tôi có thể hiểu được văn hóa của công ty mình. Nền tảng văn hóa quan trọng nhất của Huawei là lấy khách hàng làm trung tâm, với B2C là lấy người tiêu dùng làm trung tâm.

Thứ hai là chiến lược dài hạn, không chỉ là một vài năm mà là dài hạn tập trung vào người tiêu dùng, để họ cảm nhận được từ trong sâu thẳm của họ về giá trị thực sự mà công ty chúng tôi mang lại.”

HỘI TỤ SỨC MẠNH TOÀN CẦU

Cũng tạp chí Harvard Business Review số đã dẫn cho biết: Ngày nay, Huawei là công ty Trung Quốc duy nhất (trong tổng số 91 công ty Trung Quốc đại lục có tên trong bản danh sách Fortune Global 500) kiếm được doanh thu ở nước ngoài còn nhiều hơn cả ở nội địa. Xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2005 cho tới nay. Tổng doanh thu năm 2014 của Huawei chỉ có 38% là từ trong nước. Vào năm 2012, Huawei đã qua mặt Ericsson của Thụy Điển (lúc đó là công ty viễn thông và mạng đứng đầu thế giới) về doanh số bán hàng và lợi nhuận ròng. Huawei đã giữ được xu hướng này tiếp tục những năm sau đó. Năm 2014, Huawei đạt doanh số bán hàng cao kỷ lục 46,5 tỷ USD và kiếm được lãi ròng 4,49 tỷ USD.

Từ lâu rồi, Huawei đã thoát ra khỏi cái bàn mạt-chược Trung Quốc để trở thành một tay chơi toàn cầu trên bàn cờ vua thế giới.

Hiện nay Huawei có hơn 170.000 nhân viên làm việc ở hơn 170 nước trên thế giới với 15 tổng hành dinh khu vực, 16 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), 31 trung tâm hợp tác sáng tạo, 45 trung tâm đào tạo.

20160613_093424_resize

Trong buổi giới thiệu về Chiến lược New Thing của Huawei, bà Ada Xu, Giám đốc PR thuộc Huawei CBG, mói rằng Huawei xây dựng được một mạng lưới tổ ong cách tân (sáng tạo) toàn cầu (Global Innovation Hive) với vô số những dự án đa dạng hợp tác với các đối tác nổi tiếng trên toàn cầu được liên kết với nhau theo dạng tổ ong để tạo nên một sức mạnh thống nhất cho Huawei.

Về phía nội bộ, mạng lưới tổ ong cách tân toàn cầu của Huawei hiện dựa trên 4 thành tố: chế độ CEO luân phiên, nghiên cứu phát triển sáng tạo được tập trung, tư nhân nắm giữ, và quyền sở hữu của người lao động.

Muốn chơi với quốc tế thì phải hành xử như người quốc tế và chơi theo luật quốc tế. Nhờ hợp tác với các tên tuổi quốc tế về thời trang, thiết kế, công nghệ,… Huawei đã cho ra đời những sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Như chiếc đồng hồ thời trang thông minh Huawei Watch là sản phẩm của Huawei kết hợp với Swarovski, Barnaba Fornasetti,… Mối lương duyên Huawei –Google cho ra đời smartphone Nexus 6P. Cuộc tình Huawei – Leica cho ra dòng smartphone P9.

Có hơn 40% nhân sự của Huawei là người nước ngoài. Người đứng đầu các hoạt động truyền thông toàn cầu của Huawei hiện nay là Joe Kelly, một chuyên gia Anh có hơn 20 năm kinh nghiệm về truyền thông chiến lược.

20160613_092734_resize

Ông Joe Kelly.

TOÀN TÂM TOÀN Ý CHO CÔNG NGHỆ

Lần nào gặp nhau hay gặp nhau ở đâu, các quan chức Huawei cũng nhắc đi nhắc lại Huawei không phải là một công ty sản xuất mà là một công ty công nghệ ICT (công nghệ thông tin – viễn thông).

Có tới 45% nhân viên của Huawei làm trong mảng R&D. Chị Nguyễn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Huawei Việt Nam, cho biết: hầu hết các nhà lãnh đạo Huawei, từ cấp cao nhất, đều là dân công nghệ và kỹ thuật. Ngay cả những người phụ trách các mảng kinh doanh, tiếp thị cũng có nguồn gốc từ công nghệ nên rất am hiểu về công nghệ.

Vì thế, trong lịch sử phát triển của mình, Huawei đã tập trung đầu tư rất dữ và rất bài bản cho nghiên cứu phát triển. Trong vòng 10 năm qua, Huawei đã đầu tư tới 37 tỷ USD cho các hoạt động R&D. Trong cuộc gặp gỡ giới truyền thông Việt Nam tại tổng hành dinh của mình, Huawei đã loan báo những thành quả mà các nhà nghiên cứu của họ đã đạt được trong nỗ lực phát triển mạng di động 5G từ kinh nghiệm tích lũy trong quá trình phát triển chuẩn LTE-Advanced, 4.5G. Huawei coi 5G là con đường dẫn tới một thế giới siêu kết nối và là nền tảng cho Internet of Things. Huawei đã huy động hơn 200 kỹ sư cho dự án R&D 5G và dành khoản đầu tư tới năm 2018 ít nhất là 600 triệu USD. Huawei loan báo đã đạt được tốc độ 5G trong phòng thí nghiệm lên tới 115Gbps (trong khi tốc độ đỉnh danh định của chuẩn 5G là 10Gbps – gấp 4 lần mạng 4G). Dự kiến tới năm 2020, Huawei có thể đưa ra thị trường tram thu phát sóng BTS 5G có tốc độ tới 50Gbps.

Hồi năm 2015, Huawei và Apple đã đạt được thỏa thuận rằng Huawei có thể sử dụng 769 bằng sáng chế (patent) của Apple và Apple sử dụng 98 bằng sáng chế của Huawei.

Huawei cho rằng một trong những nguyên do giúp Huawei thành công là ngay từ khi ra đời tới nay, Huawei chỉ tập trung vào công nghệ ICT chứ không mở rộng ra lĩnh vực phi công nghệ nào khác. Họ nói rằng muốn bảo đảm thành công, người ta chỉ nên chuyên tâm làm lĩnh vực nào mình nắm vững và có hứng thú nhất. Ông Jim Xu nói rằng: “Năm 1987, khi chúng tôi xây dựng khu campus này, 2km xung quanh đây chẳng có cái gì cả. Tại thời điểm đó nếu Huawei tập trung đầu tư vào bất động sản thì chúng tôi sẽ kiếm lời được khoảng 20 lần. Nhưng Huawei không làm thế, mà tập trung mọi nguồn lực cho ICT, vì Huawei tin rằng để trở thành một leader trong ngành ICT toàn cầu thì phải thực sự chuyên tâm. Điều thứ hai là sự cởi mở. Chúng tôi mở các trung tâm R&D ở khắp nơi trên thế giới. Sự cởi mở là để học hỏi lẫn nhau, vì rất nhiều công nghệ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Vì thế, để trở thành người dẫn đầu thì cần phải tích cực học hỏi và phát triển để đạt được sự tối ưu nhất.”

20160613_093335_resize

Hiện nay, 3 mảng kinh doanh chính của Huawei là nhà mạng (carrier business group), doanh nghiệp (enterprise business group), và người tiêu dùng (consumer business group). Cơ cấu doanh thu của 3 mảng này vào năm 2014 là nhà mạng chiếm 67%, người tiêu dùng 26% và doanh nghiệp 7%. Theo số liệu mới nhất mà anh Đặng Kim Long, Giám đốc Truyền thông Huawei Việt Nam, cho biết: trong năm 2015, doanh thu của mảng thiết bị người tiêu dùng đã tăng lên, chiếm 1/3 doanh thu công ty, tức khoảng 20 tỷ USD.

LUÂN PHIÊN NHAU LÀM CEO

ceo-huawei

Ông Nhiệm Chính Phi (Ren Zhengfei).

Tạo được sự ngạc nhiên thú vị cho bất cứ ai khi nghe tới là chế độ Rotating CEO (tổng giám đốc luân phiên) mà Huawei áp dụng trong giai đoạn thử nghiệm 2015 tới 2017.

Ông Nhiệm là nhà sáng lập và giữ chức CEO chính thức của Huawei từ đó tới nay. Ông chỉ là Phó chủ tịch Ban Giám đốc (Board of Directors, BOD), giống như Hội đồng quản trị.

Ba CEO luân phiên hiện nay là 3 phó chủ tịch Xu Zhijun (Eric Xu), Guo Ping, và Hu Houkun (Ken Hu). Ông Xu là CEO Luân phiên đầu tiên vào ngày 1-4-2015. Sau đó là ông Ping và hiện nay là ông Hu. Sau khi hết nhiệm kỳ làm CEO Luân phiên, các quan chức này giữ vị trí một phó chủ tịch phụ trách từng mảng của Huawei.

160613-huawei-shenzhen-media-tour-03_resize

Ông Nhiệm giải thích đây là một chế độ lãnh đạo để bảo đảm cho Huawei luôn có được một sự điều hành tươi mới. Nhưng có nhiều bình luận bên ngoài cho rằng đây là một tuyệt chiêu của ông Nhiệm, gọi là “nhốt 3 mãnh hổ vào chung một chuồng”. Ông có thể giữ chân được các nhân tài, cho họ có cơ hội thi thố tài năng và chứng tỏ bản thân, thay vì để họ chạy sang các đối thủ.

huawei-06

Thoạt tiên, ai cũng nghĩ rằng điều này sẽ gây rối cho hoạt động của Huawei khi mỗi CEO có cách điều hành riêng và có những mục tiêu riêng của mình. Các quan chức Huawei mà tôi tiếp xúc giải thích rằng các CEO Luân phiên (cũng được gọi là Quyền Tổng giám đốc – Acting CEO) này không có quyền ra quyết sách riêng, mà chỉ trổ tài thực hiện sao cho hiệu quả nhất chính sách và chiến lược chung của công ty. Họ chịu dưới quyền lãnh đạo của BOD. Huawei đánh giá là cho tới nay chế độ CEO Luân phiên đang hoạt động rất hiệu quả ở Huawei.

Giới lãnh đạo Huawei hiện nay vừa là dân công nghệ, vừa trẻ tuổi. Ngoài ông Nhiệm sinh năm 1944 và bà Sun Yafang, Chủ tịch Hội đồng Giám đốc, sinh năm 1955, tất cả 3 phó chủ tịch và CEO Luân phiên đều ở đời cuối lứa tuổi 6X, mà lớn nhất là ông Guo Ping sinh năm 1966.

CÔNG TY DO NGƯỜI LAO ĐỘNG SỞ HỮU

Có vẻ Huawei khoái được gọi là “công ty toàn cầu do tư nhân làm chủ” (a privately-own global company). Ngay cả từ điển bách khoa Wikipedia cũng ghi Huawei thuộc loại hình công ty do người lao động làm chủ (employee-owned corporation).

Có lẽ ai cũng phải ồ lên ngạc nhiên khi biết ông Nhiệm Chính Phi là nhà sáng lập và CEO không nhiệm kỳ của Huawei, nhưng hiện nay chỉ nắm giữ chưa tới 1,4% cổ phần của Huawei (theo báo cáo thường niên 2014). Gần 99% cổ phần còn lại của Huawei do hơn 82.000 người lao động người Trung Quốc nắm giữ. Tất nhiên, số cổ phần không chia đều cho mọi người mà tùy theo sự đóng góp của từng người cho công ty. Khi đưa ra ý tưởng này, ông Nhiệm muốn chia sẻ cả trách nhiệm lẫn lợi ích cho các đồng nghiệp của mình. Vâng, tất cả đều là đồng nghiệp của nhau vì ở Huawei, không ai được hành xử như kẻ bề trên. Với chế độ trao quyền sở hữu cổ phần cho người lao động, ông nhiệm muốn mọi người có thể hành động như chủ nhân của Huawei (tất nhiên công ty có cơ chế để không phải ai muốn làm gì thì làm, tự tung tự tác cũng được).

Theo tạp chí Harvard Business Review, không ít người trong nội bộ Huawei lâu nay vẫn tin rằng một khi Huawei lên sàn, tiến hành IPO để trở thành một công ty đại chúng, chỉ có một số ít người trở nên rất giàu do nắm được nhiều cổ phần. Đó là lý do mà ông Nhiệm luôn tránh đưa Huawei lên sàn. Ông luôn nhấn mạnh rằng cấu trúc sở hữu của người lao động hiện nay là động lực giúp công ty vẫn duy trì được tinh thần chiến đấu tập thể mạnh mẽ.

huawei-products-01

Hiện nay, Huawei đã xác định sứ mạng của mình là “Xây dựng một thế giới được kết nối tốt hơn” (Building a better connected world). Họ cũng không hề tránh né mà không công bố tham vọng của mình là trở thành người dẫn đầu thị trường di động toàn cầu với mục tiêu cụ thể là qua mặt Samsung (số 1) và Apple (số 2) vào năm 2020.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

160613-huawei-shenzhen-media-tour-17_resize

160613-huawei-shenzhen-media-tour-21_resize

20160613_092443_resize_resize

20160614_121249_resize

Đoàn media Việt Nam thăm tổng hành dinh Huawei tại Shenzhen tháng 6-2016.

20160613_092847_resize huawei-01 huawei-02

huawei-03

huawei-04

 

 

 

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới