Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Khuya nay 15-8-2016 bắt đầu vĩnh biệt truyền hình analog

Khuya nay 15-8-2016 bắt đầu vĩnh biệt truyền hình analog
August 15
21:36 2016

logotruyenhinhsovietnam0 

Theo thông báo của Bộ Thông tin – Truyền thông, kể từ 24g ngày thứ Hai 15-8-2016, truyền hình phát theo kỹ thuật tương tự (analog) mặt đất chính thức chấm dứt phát sóng tại 4 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ. Các kênh truyền hình analog này sẽ được chuyển sang phát theo công nghệ kỹ thuật số mặt đất DVB-T2. Các tivi thế hệ cũ không hỗ trợ DVB-T cần phải có đầu thu DVB-T (dạng hộp set-top box) mới có thể xem được các kênh DVB-T. Riêng các thuê bao truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh vẫn tiếp tục xem được các kênh analog nay đã được chuyển sang KTS. Các TV từ 32 inch trở lên sản xuất tại Việt Nam từ tháng 4-2014 đã được trang bị sẵn bộ thu DVB-T2 theo quy định mới của Chính phủ.

Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành với Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27-12-2011 và chính thức được khởi động từ ngày 1-4-2014.

Theo Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam (thuộc Bộ TT-TT), hiện nay, vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T tại 4 thành phố nói trên đã được bảo đảm lớn hơn hoặc bằng vùng phủ sóng truyền hình analog trước đó. Tại phần lớn các địa bàn đã được phủ sóng truyền hình số DVB-T, số lượng kênh truyền hình có thể thu được từ 26 kênh đến 70 kênh, trong đó có 5 đến 7 kênh HD. Tất nhiên, đây là các kênh miễn phí.

Vào thời điểm này, theo sự phân công, có 4 đơn vị phụ trách phát sóng truyền hình số DVB-T ở các khu vực là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Công ty Cổ phần Truyền dẫn phát sóng Đồng bằng Sông Hồng (RTB), Công ty TNHH truyền hình KTS Miền Nam (SDTV), và Công ty Truyền hình cáp SCTV. Số lượng kênh chương trình truyền hình miễn phí mà người dân có thể thu xem lên tới 70 kênh, trong đó có 6 kênh HD (gồm VTV1, VTV3, VTV5, VTV6, VTV7, VTV9). Tại Hà Nội, Hải Phòng có thể thu xem 45 kênh SD, tại TP HCM, Cần Thơ: 65 kênh SD.

settopbox-dvb-t

Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu thu KTS cho các hộ nghèo và cận nghèo. Trước mắt, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích (Bộ TT-TT) đã hỗ trợ đầu thu KTS cho hơn 400.000 hộ tại 4 thành phố ngưng phát sóng truyền hình analog đầu tiên này cùng 19 tỉnh lân cận bị ảnh hưởng. Hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo phát sinh theo tiêu chuẩn mới cũng sẽ được tiếp tục hỗ trợ đầu thu KTS.

Truyền hình analog là công nghệ có ngay từ thời khai sinh ra truyền hình. Hình ảnh biểu tượng nổi tiếng cho công nghệ này là trên nóc mỗi nhà  mọc lên một cây gắn loại ăng-ten xương cá. Chất lượng truyền hình analog rất thấp và bị ảnh hưởng nghiêm trọng mỗi khi có thời tiết xấu, mưa gió.

Với truyền hình KTS, tín hiệu được truyền theo mã nhị phân 1 và 0, chất lượng hình ảnh và tiếng cao hơn hẳn, phát được các chuẩn HD, và ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết hơn. Ở công nghệ số, nếu TV thu được đủ cường độ tín hiệu thì có hình có tiếng, không đủ thì thôi chứ không xảy ra hình ảnh bị xé hình, rỗ chằng chịt, mờ nhạt như ở truyền hình analog.

Sau giai đoạn 1 kết thúc ngày 15-8-2016 với 4 thành phố lớn, ở giai đoạn 2 sẽ ngừng phủ sóng truyền hình analog ở tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng trước ngày 31-12-2016. Tiếp đó là giai đoạn 3 tắt sóng analog tại các tỉnh duyên hải miền Trung trước ngày 31-12-2018. Mục tiêu là tới năm 2020 trên cả nước chỉ còn truyền hình KTS.

Tuy cũng là truyền hình KTS nhưng tùy thuộc cách truyền dẫn tín hiệu mà có những chuẩn khác nhau. Ở Việt Nam hiện có 3 chuẩn truyền hình KTS là DVB-T (Digital Video Broadcasting — Terrestrial, kỹ thuật số mặt đất), DVB-S (Digital Video Broadcasting — Satellite, kỹ thuật số vệ tinh) và DVB-C (Digital Video Broadcasting — Cable, kỹ thuật số cáp). Cả ba chuẩn này hiện đều đã được nâng cấp lên thế hệ 2 có nhiều ưu điểm hơn, dung lượng cao hơn từ 30% trở lên. Thời kỳ kỹ thuật số của đài Truyền hình Bình Dương là thế hệ 1 DVB-T. Sau này, thế hệ 2 được viết tắt là DVB-T2.

Tín hiệu được thu bằng ăng-ten xương cá với DVB-T, ăng-ten chảo với DVB-S và cáp với DVB-C. Cả ba chuẩn này đều cần có đầu thu tín hiệu rời (set-top box) hay tích hợp sẳn trong TV. Khi có đủ các thành phần này, bạn có thể thoải mái xem các chương trình truyền hình KTS, thậm chí kênh HD, nhưng chỉ là các kênh truyền hình miễn phí (hay còn gọi truyền hình quảng bá). Riêng với truyền hình cáp, bạn vẫn phải đóng phí thuê bao hàng tháng. Còn đối với các kênh truyền hình trả tiền đặc biệt đã được khóa mã hóa, bạn cần phải trả tiền để được nhà cung cấp gắn thêm thẻ giải mã mới coi được.

settopbox-dvb-t-dvb-s-combo

Một loại đầu thu set-top box kết hợp cả thu DVB-T và DVB-S.

Tất nhiên, với truyền hình KTS DVB-T, nếu không chuyển sang xài cáp, trên nóc nhà vẫn tiếp tục còn những cây ăng-ten như thời truyền hình analog. Nhưng tín hiệu thì khác hàon toàn.

Chuyển từ truyền hình analog sang truyền hình KTS là xu thế chung của cả thế giới. Nó đem lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên có liên quan. Người xem truyền hình có thể xem được nhiều kênh hơn với chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt hơn rất nhiều.

Tối 15-8-2016, chúng ta bắt đầu nói lời vĩnh biệt (không phải là chia tay hẹn tái ngộ chi ráo) với truyền hình analog mà mình đã cặp kè cùng nó từ thời mới làm quen với truyền hình. Ở miền Bắc, truyền hình phát sóng lần đầu tiên tại Hà Nội vào tối 7-9-1970. Còn ở miền Nam, truyền hình phát sóng đầu tiên tại Saigon vào tối 7-2-1966. Truyền hình analog đã hoàn thành vẻ vang sứ mạng của mình.

Chính ăngten là yếu tố quyết định cho chất lượng hình ảnh và số lượng kênh có thể thu được. Ăngten KTS gọn nhẹ hơn ăngten analog cũ. Gía ăngten chuyên thu DVB-T2 từ 100.000 đồng tới 200.000 đồng. Nếu ở gần trạm phát, bạn có thể dùng ăngten râu trên TV hay ặngten gắn trong nhà. Do tín hiệu KTS truyền theo đường thẳng, bạn sẽ khó thu tín hiệu nếu ở quá xa trạm phát, chừng 100km đường chim bay. Ăngten càng hướng chính xác về phía trạm phát thì càng thu tín hiệu tốt hơn.

logotruyenhinhsovietnam0

Theo quy định, TV hay đầu thu có khả năng thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất có dán thêm logo này.

AN NGUYÊN

+ Ảnh: Internet. Thanks.

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới