Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Bản quyền YouTube

Bản quyền YouTube
March 25
07:14 2016

 

 

Sở dĩ tôi đặt cái tít là “Bản quyền YouTube” là vì muốn nói tới cả hai khía cạnh “bản quyền của YouTube” và “bản quyền từ YouTube”. Cả hai chuyện này đều phức tạp và ẩn chứa nhiều rắc rối cho người dùng mạng truyền thông xã hội chia sẻ video lớn nhất thế giới này.

Thực tế là YouTube không “kiểm duyệt” coi trước các video trước khi được post lên. Trong quá trình xử lý video, họ dùng cỗ máy bản quyền để quét toàn bộ video đó xem có những đoạn mã nào trùng khớp với cơ sở dữ liệu bản quyền của họ không. Khi phát hiện có lỗi, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo cho người post và chủ nhân của nội dung có bản quyền kia để tùy ý xử lý.

youtube-iphone

Chính vì việc xử lý vi phạm bản quyền quá nhiêu khê và phức tạp mà YouTube không tránh khỏi những vụ xử oan. Mới đây, YouTube đã thừa nhận tình trạng này và đã thành lập một đội mới có nhiệm vụ “chuyên trách để tối thiểu hóa các sai lầm và cải thiện chất lượng hành động của chúng tôi”. Đội đặc nhiệm mới này sẽ chịu trách nhiệm trong cả việc hủy bỏ việc kiếm tiền (monetization platform) của các kênh YouTube thông quá các quảng cáo chèn vào video lẫn viêc gỡ bỏ các video vi phạm. Google, chủ của YouTube, cũng có chính sách gánh chịu chi phí pháp lý cho những tài khoản YouTube nào bị bên thứ ba kiện tụng chuyện vi phạm bản quyền nhưng phía YouTube là coi đó là những trường hợp “Fair Use” (sử dụng ngay thật). Đây là những trường hợp sử dụng những nội dung có bản quyền trong những tình huống và mục đích nào đó. Tuy nhiên, chuyện này là hên xui vì YouTube chỉ chọn ngẫu nhiên là chính một số trường hợp điển hình.

Vì thế, YouTube khuyến cáo rằng trước khi sử dụng một nội dung nào của người khác (video, ảnh, nhạc,…) vào video của mình, bạn phải xin phép và được cho phép cụ thể của người giữ bản quyền nội dung đó. Có một số người tạo video đã tham gia giấy phép Creative Commons cho phép người khác sử dụng lại nội dung của mình.

Trang Reelseo chuyên hướng dẫn cho nhà tiếp thị video nhấn mạnh: “Luật bản quyền là một trong những vùng xám nhất trên Internet, và số vụ vi phạm nó xảy ra thường nhiều hơn cả số comment trêu chọc nhau được post lên YouTube.” Nội dung bị chi phối bởi luật bản quyền cũng rộng và dễ gây tranh cãi. Bạn ghi lại một chương trình truyền hình, một vở kịch, đưa ảnh chụp lại một tác phẩm mỹ thuật, một bản nhạc hay hòa âm,… đều dính tới bản quyền.

Cách an toàn nhất là nếu muốn có nhạc nền, bạn tự chơi nhạc hay hát bài hát nào đó hoặc đơn giản hơn là tìm và tải về các track nhạc và hiệu ứng âm thanh miễn phí trong thư viện Audio Library của YouTube.

Rõ ràng, việc đưa video lên YouTube hay trích sử dụng video có trên YouTube mà đã được bảo vệ bản quyền đều phải tuân thủ các quy định về bản quyền của YouTube và luật bản quyền quốc tế và của từng nước.

YouTube phải chặt chẽ là để tự bảo vệ mình bởi từ ngày ra đời, họ đã liên tục bị kiện tụng chuyện để thành viên post các nội dung vi phạm bản quyền. Mà các vụ bản quyền thường có mức bồi thường rất cao. Chẳng hạn hãng Viacom đã khởi kiện đòi YouTube bồi thường 1 tỷ USD thiệt hại do hãng này đã phát hiện hơn 150.000 video clip có chứa các nội dung của họ phát trên YouTube và được xem tổng cộng 1,5 tỷ lần.

Tất nhiên, một khi YouTube và các đối tác, nhà sáng tạo nội dung kiếm tiền từ các video trên mạng này thì bắt buộc họ phải tôn trọng các luật lệ về bản quyền tác giả. Chẳng có tác giả nào lại ngồi yên cho người khác dùng tác phẩm của mình để thu tiền. Sân chơi nào cũng có luật chơi của nó mà mọi thành viên phải tuân thủ.

Xin mời đọc tiếp trên báo Người Lao Động ngày 23-3-2016 hay trên báo Người Lao Động Online

PHẠM HỒNG PHƯỚC

160323-baibao-nguoilaodong_resize

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới