Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Việt Nam xếp hạng 43/50 trong Chỉ số Kết nối Toàn cầu GCI 2016 của Huawei

Việt Nam xếp hạng 43/50 trong Chỉ số Kết nối Toàn cầu GCI 2016 của Huawei
April 12
15:15 2016

 

Việc tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia cho thấy mối tương quan với năng suất, năng lực cạnh tranh và cải tiến đổi mới

 

(STS:12.04.2016) Những tiến bộ toàn cầu hiện nay đã được thể hiện ở các cấp độ tổng thể về số hóa nền kinh tế và các quốc gia. Đó là ghi nhận theo Chỉ số Kết nối Toàn cầu (Global Connectivity Index – GCI 2016) của Huawei được công bố ngày 11-4-2016.

Trong năm thứ 3 ra đời, báo cáo thường niên GCI 2016 đo lường sự tiến bộ của 50 quốc gia trong đầu tư và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để đạt được số hóa kinh tế. Các cải tiến lớn nhất trên toàn cầu đã được ghi nhận là độ phủ sóng băng thông rộng và tốc độ, đồng thời các quốc gia cũng đang cho thấy tương lai gắn kết với các công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, và Internet của vạn vật (Internet of Things, IoT).

gci-huawei

Từ năm 2014, báo cáo GCI bắt đầu được Huawei đầu tư thực hiện để phân tích một chuỗi đầy đủ các số đo về hoạt động kết nối và cung cấp một bản đồ chi tiết về nền kinh tế số toàn cầu.

50 quốc gia được GCI 2016 đánh giá và xếp hạng chiếm 90% GDP toàn cầu và 78% dân số thế giới. Để thực hiện báo cáo GCI 2016, nhóm thực hiện đã tiến hành cuộc thăm dò về số hóa công nghiệp với 3.000 doanh nghiệp ở 10 nước thuộc cả 3 nhóm nước.

Chỉ số GCI 2016 ghi nhận cách thức các quốc gia đang thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số dựa trên 40 chỉ số bao gồm việc cung ứng, nhu cầu, kinh nghiệm và tiềm năng trong năm nhân tố công nghệ gồm: băng thông rộng, các trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), và IoT. Huawei nhấn mạnh: Đầu tư vào 5 công nghệ này sẽ giúp các quốc gia số hóa nền kinh tế của họ.

Theo báo cáo GCI 2016, các cấp độ kết nối quốc gia trung bình cao hơn 5% so với năm 2015. 12 quốc gia đã cải thiện được vị trí của họ, trong khi 4 quốc gia bị tụt hạng. Ba nền kinh tế phát triển hàng đầu là Hoa Kỳ, Singapore và Thụy Điển. Các nền kinh tế phát triển hàng đầu là các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) xếp ở vị trí 19, Qatar đứng thứ 21, và Trung Quốc ở vị trí 23.

Ví dụ về các quốc gia tăng hạng gồm có Anh ở vị trí thứ 5, tăng 1 bậc so với năm ngoái; Malaysia nhảy 4 bậc lên vị trí thứ 25; và Indonesia tăng 2 bậc lên vị trí thứ 41. Sự tăng hạng của Malaysia và Indonesia là nhờ triển khai công nghệ băng thông rộng để từ đó phát triển các trung tâm dữ liệu quan trọng. Hai công nghệ cơ bản này đã đặt nền tảng cho ba nhân tố công nghệ tiên tiến khác là đám mây, dữ liệu lớn, và IoT.

Các điểm số GCI tiếp tục cho thấy một mối tương quan tích cực với GDP, tương tự như những phát hiện năm ngoái. Tuy nhiên, mức độ mà GCI ảnh hưởng đến GDP thay đổi theo từng giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số ở mỗi nước.

GCI 2016 chia ra ba nhóm nước: Nhóm khởi động (Starters) đang bắt đầu cuộc hành trình kỹ thuật số của họ và điểm số ở khoảng giữa 20 và 34. Hiện tại, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của họ chưa đủ phát triển để gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới GDP. Nhóm đang triển khai (Adopters) có hạ tầng số mạnh hơn và điểm số ở khoảng từ 35 – 55. Các quốc gia này đã đạt được tốc độ tăng GDP lớn nhất trên mỗi điểm tăng GCI. Nhóm Tiên phong (Frontrunners) cho thấy sự phát triển kỹ thuật số lớn nhất với số điểm trên 55, mặc dù mức tăng GDP bình quân trên mỗi điểm GCI sẽ thấp hơn so với nhóm đang triển khai. Tuy nhiên, nhóm tiên phong cho thấy độ sẵn sàng cao về các công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn và IoT cho việc số hóa nền kinh tế sâu rộng hơn.

gci-2015b

gci-2016

Việt Nam trong GCI 2016 đạt 30 điểm (giảm 3 điểm) và xếp hạng 43 (tăng 2 hạng) so với năm 2015, hiện đứng thứ 6/13 trong nhóm khởi động. GCI 2016 đánh giá lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam đã trải nghiệm tiến bộ nhanh chóng. Sự phát triển ban đầu của các dịch vụ băng thông rộng cố định (cáp) đã cung cấp một nền tảng vững chắc để khởi sự nền kinh tế số và hiện nay vẫn còn có tầm quan trọng mang tính chiến lược đối với Việt Nam. Sự tăng trưởng kinh tế vững chắc ở Việt Nam trùng khớp với sự gia tăng sử dụng băng thông rộng, chứng tỏ có sự tập trung thị trường mạnh mẽ của các nhà cung cấp.

Theo khuyến cáo của GCI 2016, Việt Nam cần có các kế hoạch phát triển và các chiến lược hơn nữa để mở rộng độ phủ của băng thông rộng và xóa khoảng cách giữa các khu vực thành thị và nông thôn. Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn ban đầu của sự phát triển về công nghệ phần cứng và phần mềm ICT. Sự mở rộng cơ sở hạ tầng mạng, cả băng rộng cố định và di động, được coi như một xư hướng hỗ trợ dài hạn cho sự tăng trưởng của thị trường phần cứng và phần mềm. Trong kế hoạch phát triển ICT tới năm 2020, Việt Nam có mục tiêu là mở rộng cơ sở hạ tầng băng rộng tới hầu như tất cả các làng xóm nông thôn, với các mạng di động băng thông rộng bao phủ 95% số dân Việt Nam.

GCI 2016 chỉ ra rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tương quan với mức tăng GDP vì nó góp phần làm tăng cường năng suất, hiệu quả và sự năng động của nền kinh tế. Để thúc đẩy tăng trưởng GDP hơn nữa, các quốc gia cần vượt qua điểm nghẽn công nghệ bằng cách đầu tư vào công nghệ mới và đảm bảo chúng được chấp nhận ứng dụng bởi các chính phủ, ngành công nghiệp, và người dân.

Theo báo cáo này, các quốc gia với điểm số GCI cao cũng có năng lực cạnh tranh và sáng tạo cao hơn, một sự tương đồng giữa điểm số GCI và các xếp hạng về Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Index) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index) do Đại học Cornell, INSEAD, và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới của Liên Hiệp Quốc đồng xuất bản.

Ông Kevin Zhang, Chủ tịch Marketing doanh nghiệp của Huawei, nhận xét: “Một sự thay đổi mang tính cách mạng đang diễn ra trên thế giới, với các nền kinh tế trên khắp hành tinh đang đẩy nhanh số hóa. Các quốc gia đang trong những giai đoạn đầu của việc số hóa nền kinh tế cần xây dựng các kế hoạch công nghệ dài hạn bao gồm băng thông rộng và các trung tâm dữ liệu để gặt hái những lợi ích của sự phát triển mạnh mẽ. Các nền kinh tế phát triển muốn tận dụng năng lực ICT tiên phong của họ nên đầu tư nhiều hơn nữa vào các giải pháp và công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, và IoT đạt được đầy đủ các lợi ích của một nền kinh tế kỹ thuật số.”

Mời xem video:

 

MEDIA ONLINE

+ Bạn có thể tham khảo sâu hơn và chi tiết hơn về GCI tại đây.

+ Whitepaper về GCI 2016 có thể download tại đây.

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới