Nhạc sĩ Quốc Bảo & chiếc máy ảnh Leica

Khi người ta có điều kiện thì có thể dễ dàng sắm cho mình một chiếc máy ảnh, còn đối với anh, chiếc Leica này đã đến như thế nào?
Công việc nuôi sống tôi nhiều năm trời (từ 1992 – 1997) là viết báo. Làm báo, dù là viết riêng về văn hóa – văn nghệ, cũng buộc phải chụp ảnh. Thế thì nhiếp ảnh trở thành kỹ năng cần thiết cho công việc trước khi nó biến thành ý thích. Thời gian làm báo mà tôi vừa nói, tôi có điều kiện tiếp cận hầu hết các nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ Việt, và có được một bộ sưu tập chân dung họ khá phong phú. Sau khi đã nhẹ nhõm hơn trong việc kiếm sống, tôi mới trở lại với nhiếp ảnh như một thú vui. Lúc ấy thì muốn làm gì cũng được. Và tôi tiếp tục chụp chân dung, tĩnh vật, khỏa thân, trải qua nhiều loại máy khác nhau. Có khi tình yêu nhiếp ảnh được tình yêu MÁY ẢNH nuôi dưỡng không chừng.
Với công việc của một nhà báo, chắc anh đã dùng qua nhiều loại máy ảnh?
Tôi đã dùng hầu hết các loại máy ảnh phim khổ nhỏ (35mm) và khổ trung. Mỗi chiếc máy, mỗi hiệu máy có một lịch sử, một câu chuyện riêng; phần lớn đều độc đáo và thú vị. Leica có nhiều câu chuyện nhất: nó gắn liền với lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh và lịch sử báo chí. Thế thì việc sở hữu nó đồng nghĩa với việc có thêm một người bạn quý, biết rất nhiều, dạy mình rất nhiều điều.
Leica M6 xem như “làm đầy” dòng RF 35mm. Hasselblad thì lấp kín dòng medium format. Vậy chắc nếu có “tham” mà tìm thêm, tôi chỉ quan tâm đến các máy hộp phim tấm nữa thôi.
Leica là một thương hiệu máy ảnh thuộc dòng hiếm và dành cho giới quý tộc, có phải vì thế anh chọn như một cách để thể hiện mình?
Có vô vàn thứ quý tộc mà tôi không có, và không định có đấy chứ!
Anh đã có được nhiều bức hình mình ưng ý nhất và có ý nghĩa nhất được chụp với Leica?
Chụp bằng Leica thì phải rất “lỏng tay”, tức là xem nó như vệt nối dài của đầu óc, của trái tim, chứ không phải là một cái máy phức tạp để ta điều khiển. Trong đầu nghĩ gì, trong tim cảm gì, thì cứ bấm thôi. Những khi có được trạng thái tinh thần đó, thì tôi có ảnh đẹp. Cũng chưa nhiều.
Bộ sách ảnh của anh thực hiện như thế nào và ý tưởng của nó xuất phát từ đâu?
Đầu 2006, tôi ra tập sách ảnh Mặt, đó là một phần trong bộ sưu tập chân dung văn nghệ sĩ và bạn bè tôi đã chụp từ trước đó khá lâu. Còn sắp tới, với Thị Dân (dự định phát hành cuối tháng Ba), tôi lại không chụp bằng Leica, mà bằng một “máy ảnh” rất tiện dụng: chiếc điện thoại Samsung Omnia HD.
MÃ SIÊU