Truyền hình internet cũng nhảy vào HD

Có thêm nhà cung cấp
Đầu năm 2009, FPT Telecom là ISP đầu tiên tại Việt Nam đưa dịch vụ IPTV ra thị trường với tên gọi iTV. Hiện nay, dịch vụ này đã có mặt tại các tỉnh thành như: TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Nha Trang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, Đồng Nai… Theo bộ phận tư vấn kỹ thuật của FPT Telecom, vì sử dụng hạ tầng mạng thế hệ mới NGN (Next Generation Network) với băng thông lên 10Gbps, khách hàng đang sử dụng gói dịch vụ ADSL tốc độ nào đều được nâng tốc độ đường truyền lên 6Mbps để sử dụng dịch vụ iTV. Còn nếu đăng ký mới, tốc độ mặc định là 5Mbps. Riêng tại TP.HCM và Hà Nội, FPT Telecom đã sử dụng công nghệ mạng MetroE để ổn định và chống nghẽn mạch cho dịch vụ iTV.
Còn VTC Digicom (Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam – VTC), theo ông Chu Tiến Đạt, Trưởng phòng Kinh doanh, hiện nay IPTV của VTC đã triển khai tại 14 tỉnh thành. Để sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ cần đường truyền Internet ADSL không bị giới hạn về tốc độ. “Với các tỉnh phối hợp với VTC Digicom triển khai dịch vụ đã được chuyển đổi từ cáp 1 lõi sang cáp 2 lõi để Internet và IPTV chạy song song với nhau”, ông Đạt giải thích.
Cuối tháng 9-2009, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ra mắt dịch vụ IPTV. Trong đó, Công ty Dịch vụ Giá trị gia tăng (VASC) sẽ chịu trách nhiệm lo về nội dung, còn Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) sẽ lo hạ tầng mạng. Ban đầu dịch vụ này sẽ được triển khai tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Nhưng còn chập chờn
Nhưng yếu tố cạnh tranh mà các nhà cung cấp dịch vụ IPTV đang làm các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp lo ngại chính là tăng cường công nghệ hình ảnh mới nhất: hình ảnh chuẩn HD. Hiện nay đã có VTC và VNPT có những gói dịch vụ dành cho khách hàng muốn xem truyền hình, phim truyện hình ảnh theo chuẩn HD. Để xem hình ảnh HD của VTC, khách hàng phải đăng ký gói HD với giá 30.000đ/ tháng, mua hộp giải mã HD giá 2,8 triệu đồng và đầu tư băng thông cao hơn, tối thiểu từ 8Mbps trở lên. Hiện nay, VTC Digicom đã cung cấp 9 kênh truyền hình có độ phân giải cao theo chuẩn HD. Còn sử dụng gói HD của VNPT, chỉ cần mạng tốc độ từ 8Mbps và hộp giải mã HD giá 2 triệu đồng.
Chất lượng qua thử nghiệm đạt yêu cầu, nhưng trên thực tế sử dụng, với những khách hàng ở xa các trạm chuyển tín hiệu, hình ảnh thường hay bị treo hoặc bị giật. Theo ông Đạt, đây là nhược điểm của công nghệ IPTV nói chung, trong đó có dịch vụ truyền hình HD.
“Về mặt lý thuyết, chúng tôi sẵn sàng giải quyết nhưng đang vướng vào hạ tầng mạng không đồng bộ, dẫn đến tốc độ không thống nhất là hình bị giật, bị treo… Với những khu dân cư mới, hình ảnh tốt hơn, ổn định hơn”, ông Đạt lý giải. Với chất lượng chưa đồng bộ, khi đăng ký sử dụng dịch vụ này, người tiêu dùng cần chú ý để tránh những phiền toái về sau.
Theo một nguồn tin riêng, để hỗ trợ dịch vụ IPTV tại Việt Nam phổ biến rộng rãi hơn, nhất là những gói dịch vụ có chuẩn hình ảnh có độ phân giải cao, VDC và Công ty Mekong Media đang triển khai một dự án khoa học có tên là Open IPTV để giải quyết công nghệ xử lý hình ảnh có độ phân giải cao, chất lượng tương đương với chuẩn HD. Dự án còn đang trong quá trình hoàn thiện.
Nghiêm Quảng