Thứ Ba ngày 16 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Công nghệ là để làm giàu cuộc sống

Công nghệ là để làm giàu cuộc sống
March 13
10:46 2017

 

Các hãng sản xuất thiết bị công nghệ gia dụng đang tiếp tục cuộc chạy đua ngày cáng gay gắt hơn về những công nghệ, tính năng mới được trang bị cho những thế hệ sản phẩm mới. Và có thể ghi nhận rằng, thành công thuộc về các nhà sản xuất biết đưa ra những thứ gì có lợi thiết thực cho người dùng trong cuộc sống hàng ngày của mình. Người tiêu dùng ngày nay thông minh hơn và nhiều thông tin hơn. Vì thế, họ khó mắc bẫy trong cái mớ bòng bong các thứ mà nhà sản xuất giới thiệu là công nghệ và tính năng mới. Điều này dẫn tới việc người tiêu dùng không còn dễ dàng chịu tốn tiền cho những thứ vô bổ, nặng màu sắc khoa trương và quảng cáo từ các nhà sản xuất.

Đành rằng mỗi phiên bản và thế hệ mới của sản phẩm cần phải có những công nghệ và tính năng mới. Chỉ có điều là không phải bất cứ thứ gì. Người tiêu dùng chỉ chuộng những thiết bị có những tính năng được cải thiện tốt hơn và đem lại nhiều tiện ích, tiện dụng hơn cho cuộc sống của họ.

Xu hướng này thấy rõ tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2017 ở Las Vegas (Mỹ) hồi tháng 1-2017 và Đại hội Thế giới Di động MWC 2017 tại Barcelona (Tây Ban Nha) từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 3-2017. Đây là 2 sự kiện thường niên mang tầm cỡ toàn cầu được nhìn nhận như những định hướng của từng ngành hàng này trong cả năm mới.

Thưởng thức TV kiểu mới

Công nghệ tấm nền OLED với đặc trưng đi-ốt hữu cơ có khả năng tự phát sáng không cần phải nhờ vả tới nguồn sáng đèn nền (backlight) như công nghệ LED hiện nay hay LCD trước đây. Với nhiều đặc điểm vượt trội, OLED hiện nay được coi là công nghệ tấm nền tốt nhất. Nhờ khả năng tải tạo màu đen phong phú và sâu “thiên hạ vô đối”, màu sắc chính xác, góc nhìn hầu như không bị hạn chế, OLED cho hình ảnh hiển thị với độ sắc nét và màu sắc trung thực hơn bất cứ công nghệ hiển thị nào hiện nay. Có thể nói OLED là người kế nhiệm xứng đáng của công nghệ plasma. TV OLED có thể mỏng không công nghệ nào sánh nổi. Tại CES 2017, hãng LG giới thiệu TV OLED Signature W Series 65 inch 4K HDR mỏng chỉ 2,57mm.

LG OLED TV Signature W Series 65 inch 4K HDR

LG là nhà sản xuất TV đầu tiên thương mại hóa dòng OLED TV. Họ đã vượt qua được những yếu tố mà trước đây tưởng như bó tay bó chân OLED như kích thước màn hình và độ phân giải.

Và tại CES 2017, Sony đã trở thành một đối thủ đáng gờm của LG khi hãng Nhật Bản này cũng đã giới thiệu dòng TV OLED XBR-A1E Bravia 4K. Sony xưa nay vẫn là hãng TV có công nghệ xử lý hình ảnh hàng đầu thế giới.

Sony OLED TV XBR-A1E Bravia 4K

Nhưng màn hình OLED lại có một nhược điểm “chết người” có thể sánh với cái Gót chân Achilles là giá thành cực đắt, gấp trên dưới 3 lần màn hình LED. Cho dù hiện nay là đã giảm giá rất mạnh, nhưng 1 chiếc TV OLED 55 inch UHD 4K của LG cũng có giá ở Mỹ tầm 2.700 USD (khoảng 62 triệu đồng) so với giá 1.100 USD (25 triệu đồng) của TV LED 55 inch UHD 4K của LG.

Đó là lý do mà hầu hết các hãng TV đều đang nỗ lực cải tiến công nghệ LED để “vượt lên chính mình”, tiếp cận gần hơn với những ưu thế của OLED mà vẫn không làm đội giá thành lên quá cao so với mặt bằng chung.

Samsung, nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới, đã chọn cho mình con đường khác là phát triển công nghệ TV QLED, ra mắt thị trường thế hệ đầu vào năm 2016. Chữ Q trong tên gọi có nghĩa là Quality (chất lượng) hay Quantum Dot (chấm lượng tử) mà khi thể hiện, hai chữ QLED và OLED dễ lẫn lộn với nhau. Cũng có ý thôi khi Samsung đặt mục tiêu nâng QLED lên ngang tầm, thậm chí vượt trội OLED, trong nhiều yếu tố.

QLED TV của Samsung.

Nhân tố cơ bản của công nghệ QLED chính là công nghệ hiển thị Quantum Dot với những chấm cực nhỏ. Vừa qua, TV QLED 2017 của Samsung được hội đồng kiểm định đẳng cấp thế giới Verband Deutscher Elektrotechniker (VDE) của Đức chứng nhận là TV đầu tiên trên thế giới hiện nay có khả năng tái tạo được toàn bộ 100% dải màu sắc (color volume).

Cũng với công nghệ QLED, Samsung thiết lập những chuẩn mực đặc tả mới cho việc thiết kế chiếc TV để ngày càng tiện dụng hơn. Từ năm 2016, Samsung đã chuyển sang thiết kế TV với mặt lưng “sạch”, giấu tất cả các cổng kết nối vào một khoang có nắp che. Năm 2017 này, QLED TV có thiết kế mới nhằm giải quyết các vấn đề phiền toái người dùng thường gặp khi sử dụng TV như rối dây cáp, thiết bị treo tường dày và quá nhiều thiết bị hỗ trợ bên dưới TV. Samsung đưa ra giải pháp cáp đơn vô hình “Invisible Connection”, nghĩa là tất cả các thiết bị ngoại vi đều được kết nối với TV thông qua một sợi cáp nhỏ tới mức hầu như không thể “vướng mắt”. Ngoài ra, thiết kế mới “No-gap wall-mount” giúp TV dễ dàng gắn lên tường hơn và liền lạc không để lại một khe hở nào giữa TV và tường.

TV thông thường có khe hở khi gắn lên tường (bên phải), trong khi TV mới của Samsung gắn sát tường (bên trái).

Ngoài ra, với giải pháp One Remote, Samsung cũng phát triển chiếc điều khiển từ xa thông minh Smart Remote mới nhỏ nhắn, đơn giản và xinh xắn có thể điều khiển TV, đầu đĩa, đầu phát media, tác vụ download media và thưởng thức media trực tuyến, máy chơi game console,… Thậm chí, chiếc remote này cũng điều khiển được hệ thống loa thanh không dây wireless soundbar thế hệ 2017 của Samsung. Người giải trí tại nhà vậy là đã được giải thoát khỏi lủ khủ các chiếc remote – mỗi thiết bị ngoại vi có một remote khác nhau.

Với thế hệ AQUOS Smart TV 2017, hãng Sharp tạo dấu ấn với dòng XU Series (70 inch và 80 inch) lần đầu tiên kết hợp giữa công nghệ nâng cấp 8K-Upconverter và công nghệ Quattron Pro 4 màu cho hiển thị màu sắc và hình ảnh đẹp tương đương chất lượng UHD 8K ngay trên màn hình có độ phân giải Ultra HD (4K) và Full HD.

Trải nghiệm giặt giũ tất cả trong một

Trong những năm qua, Samsung luôn đi đầu trong những nỗ lực cải tiến công việc giặt giũ quần áo. Họ đã liên tục đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm với những công nghệ và tính năng mới giúp cho việc giặt giũ hiệu quả cao hơn theo các tiêu chí nhanh, sạch, tiết kiệm và tiện dụng.

Năm 2017, Samsung đã tạo được một bước đột phá trong công việc giặt giũ với một hệ thống máy giặt tất cả trong một All-in-One tích hợp 2 máy giặt và 1 máy sấy vào trong một máy giặt sấy FlexWash. Ở phía trên chiếc máy FlexWash này là một máy giặt cửa trên có trọng lượng 3.5kg dành để giặt các loại quần áo lụa, mỏng, giặt nhẹ nhàng. Phần dưới là một chiếc máy giặt cửa trước có trọng lượng tới 21kg dùng để giặt bình thường hay các loại nặng nề. Chiếc máy giặt này còn có thiết kế AddWash độc đáo với một cửa sổ nhỏ để người dùng có thể bỏ thêm quần áo trong khi máy giặt đang hoạt động. Và chiếc máy giặt chính này cũng là một chiếc máy sấy có thể điều chỉnh nhiệt độ tới 35 độ C.

Hệ thống máy giặt thông minh FlexWash còn có tính năng kết nối IoT cho phép người dùng thông qua ứng dụng trên thiết bị di động có thể điều khiển máy giặt từ xa qua kết nối Internet.

 

Máy lạnh không còn thổi ra những luồng gió lạnh

Nhiều cải tiến đã được các hãng sản xuất máy điều hòa không khí (air conditioner), mà ta quen gọi là máy lạnh, liên tục tung ra với mục tiêu chung là giúp cho người dùng được hưởng một không khí lạnh ngày càng thật hơn, trong lành, nhẹ nhàng, an toàn, thoải mái và nhất là ít hao điện.

Các dòng máy lạnh iAUTO của Panasonic không chỉ có công nghệ làm lạnh cực nhanh mà còn có cả tính năng Aerowings mới với 2 cánh thoát hơi lạnh độc lập cho phép tập trung hơi lạnh vào một khu vực hẹp nào đó mà người dùng muốn làm lạnh nhanh và ưu tiên.

Không phải bất cứ ai hay bất cứ lúc nào, người ta cũng cần máy lạnh phà những luồng gió lạnh mạnh mẽ vào phòng. Vào ban đêm hay phải làm việc dưới máy lạnh, người ta cảm thấy chẳng dễ chịu chút nào khi bị những luồng khí lạnh từ máy lạnh thổi tốc vào mình.

Vì thế, có hãng thiết kế máy lạnh thổi khí lạnh lên trên trần rồi mới dội xuống người dùng. Tất nhiên giải pháp này vẫn có những nhược điểm như phải gắn gần với trần nhà, không có những vật cản trên trần, tốn nhiều hơi lạnh hơn,…

Samsung trong năm 2017 đã đưa ra một giải pháp thiết kế đặc biệt Wind-Free cho hơi lạnh lan tỏa ra khắp phòng qua 21.000 chiếc lỗ nhỏ li ti trên thân máy lạnh. Phòng vẫn được làm cho mát lạnh nhưng nhẹ nhàng và đều hơn, không còn những luồng gió lạnh phả ra nữa.

Để tiện dụng hơn, máy lạnh thế hệ mới vẫn có hai tính năng cho người dùng tùy chọn khi có nhu cầu. Bình thường, người dùng có thể để cửa mở thổi hơi lạnh ra như các máy lạnh truyền thống. Khi cần dùng chế độ Wind-Free, người ta chỉ cần đóng nắp cửa thoát lạnh lại.

Trong năm 2017, hãng Sharp đã đưa ra thị trường những dòng máy lạnh mới. Hãng Nhật Bản này cho biết: công nghệ J-tech Inverter thế hệ mới đem đến các lợi ích như tiết kiệm điện năng tối ưu đến 65% so với máy lạnh thông thường, làm lạnh mạnh mẽ với khả năng giảm ngay 5oC trong chỉ 5 phút, nhiệt độ điều chỉnh thấp nhất 14oC mới, cùng cánh đảo gió lên xuống và trái phải linh hoạt hơn, đưa luồng khí mát lạnh thoải mái khắp phòng. Dòng máy lạnh tích hợp Công nghệ Plasmacluster Ion độc đáo có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc, chất gây dị ứng trong không khí, bảo vệ toàn diện sức khỏe cho cà gia đình.

 

Tủ lạnh thông minh và kết nối

Bạn có thể hình dung được một chiếc tủ lạnh to đùng được tích hợp cả một chiếc màn hình LED 21,5 inch trên cánh cửa tủ, mà người dùng không chỉ có thể điều khiển tất tần tật các chức năng của tủ lạnh, mà còn có thể xem truyền hình như một màn hình “gương” truyền tiếp từ chiếc TV trong phòng khách, hay truy cập vào Internet lướt web, xem video, nghe nhạc. Đó chính là chiếc tủ lạnh Family Hub 2.0 được Samsung giới thiệu năm 2017 này.

Với những chiếc camera bên trong, bạn có thể ở ngoài nhìn trên màn hình trên cửa hay thông qua ứng dụng di động từ bất cứ đâu để nhìn thấy những gì đang lưu trữ bên trong tủ lạnh. Khi đang đi siêu thị, bạn có thể dùng tính năng này để kiểm tra coi trong tủ lạnh có những thứ gì sắp hết.

Chiếc màn hình trên cửa tủ lạnh còn giúp loại bỏ chuyện phải dán những tấm giấy sticker thông báo chi chít trên tủ lạnh. Mỗi thành viên trong gia đình có thể thiết lập một tài khoản riêng và có thể thông báo cho mọi người những gì mình muốn nhắn gửi.

Trong dòng sản phẩm của năm 2017, hãng Sharp cũng trang bị cho các tủ lạnh mới công nghệ J-Tech Inverter thế hệ mới với 36 cấp độ làm lạnh giúp tiết kiệm điện năng tối ưu và hoạt động êm ái, lưu giữ và bảo quản thực phẩm hiệu quả hơn tủ lạnh thông thường. Đặc biệt dòng tủ lạnh siêu cao cấp Double French Inverter hoàn toàn mới với thiết kế 5 cửa, dung tích lớn lên đến 768 lít, có ngăn điều chỉnh đa nhiệt độ (3oC, 0oC, -8oC, -18oC) có khả năng vừa giữ tươi, vừa cấp đông thực phẩm.

Tủ lạnh 5 cửa của Sharp SJ-F5X75VGW-BK.

Theo thiết đặt của người dùng, có những chiếc tủ lạnh thông minh có thể tự động liên lạc và đặt hàng với siêu thị, nhà cung cấp mỗi khi nó phát hiện món hàng lưu trữ trong tủ lạnh đó đã hay sắp hết.

 

Tậu người máy về hút bụi cho nhà mình

Chiếc robot hút bụi POWERbot VR7000 mà Samsung giới thiệu năm 2017 này mạnh hơn, thông minh hơn và tiện dụng hơn. Với lực hút mạnh hơn và thiết kế mỏng hơn, robot hút bụi mới có chiều cao 97mm, mỏng hơn 28% so với máy hút bụi robot thế hệ trước của Samsung (so sánh với dòng POWERbot VR9000).

POWERbot VR7000 sẽ làm sạch tốt hơn bằng cách tạo ra đến 20 watt điện hút, và có thể chạm đến mọi ngóc ngách mà máy hút bụi thủ công “bó tay”, chẳng hạn như dưới gầm giường hoặc bên dưới các đồ nội thất khác. Tính năng Edge Clean Master cho phép máy hút bụi có thể di chuyển trong phạm vi 15mm sát tường. Nó cũng có thể nhận biết loại bề mặt để thay đổi lực hút phù hợp.

Robot hút bụi POWERbot VR7000 được trang bị rất nhiều tính năng thông minh tăng cường hiệu suất tự động của thiết bị. Các tính năng Visionary Mapping Plus và FullView Sensor 2.0 giúp nhận diện vị trí xung quanh và ghi nhớ đường nét thiết kế của căn phòng giúp làm sạch triệt để hơn. Tiếp đến, nó có thể tự động di chuyển đến những khu vực bẩn ở bất kỳ bề mặt nào. Nó cũng có thể phát hiện và làm sạch xung quanh các chướng ngại vật hoặc các vật dụng nhỏ hơn 10mm.

Thú vị hơn nữa là hệ thống tự-làm-sạch Self-Cleaning Brush System độc đáo robot hụt bụi có thể làm giảm đáng kể lượng bụi và tóc bị kẹt bên trong lòng bàn chải.

Và cũng giống như nhiều thiết bị gia dụng thông minh khác của Samsung, POWERbot VR7000 được ứng dụng công nghệ Kết nối Vạn vật (IoT) có thể được điều khiển từ xa bằng ứng dụng di động Android và iOS thông qua mạng Internet. Từ một chiếc điện thoại thông minh hoặc thiết bị di động khác, người dùng có thể cho máy chạy hoặc dừng máy, cập nhật thời gian lịch trình làm sạch, cũng như kiểm tra lịch sử làm sạch.

 

Cảm ứng vân tay nhạy và đa năng hơn

Ngày càng có thêm nhiều thiết bị di động được trang bị tính năng cảm biến dấu vân tay. Trải qua nhiều thế hệ, cảm biến vân tay giờ nhạy hơn và nhanh hơn. Với cảm biến 360 độ, người ta chỉ cần chạm nhẹ ngón tay của mình lên là cảm biến lập tức quét và nhận diện được ngay, dù chỉ có một phần ngón tay chạm vào. Ngón tay bị ướt hay dính bụi giờ đây cũng không còn có thể ngăn cản cảm biến ghi nhận. Nếu đúng là vân tay chính chủ thì chỉ cần chạm nhẹ một cái là ngay lập tức khóa được… bung.

Từ cảm biến vân tay quét thế hệ đầu (mỗi lần mở phải đợi cảm biến quét dấu vân tay), phát triển sang cảm biến vân tay nhấn (chỉ cần đặt ngón tay vào vị trí cảm biến và nhấn nút) rồi bây giờ là cảm biến vân tay một chạm (chỉ cần chạm nhẹ ngón tay lên cảm biến), việc sử dụng công nghệ sinh trắc học để bảo mật trở nên tiện dụng hơn. Tất nhiên, nhà sản xuất cũng phải nâng cấp các biện pháp bảo mật cao hơn.

Cảm biến vân tay giờ không chỉ dùng để khóa thiết bị mà còn có thêm chức năng mở các ứng dụng. Hệ thống cảm biến vân tay có thể nhận diện nhiều ngón tay để người dùng có thể cho phép nhiều người sử dụng chung thiết bị hay thiết đặt mỗi ngón tay mở một phần mềm ứng dụng.

Ngay cả vị trí cảm biến vân tay cũng không còn cố định ở mặt trước mà có nhiều hãng thiết kế lại đưa nó ra phía sau lưng thiết bị.

 

Các công nghệ và tính năng mới chỉ thật sự có giá trị và đáng để người dùng chi tiền khi chúng thiết thực phục vụ người dùng trong cuộc sống hàng ngày. Chúng giỏi hơn, thông minh hơn nhưng vẫn cần phải tiện dụng hơn.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.