Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Chạy thử CPU Intel desktop Core Gen 8 i5-8400

Chạy thử CPU Intel desktop Core Gen 8 i5-8400
October 18
00:34 2017
VỌC THỬ CHO BIẾT

 

 

Thấm thoát đã 9 năm kể từ khi gia đình CPU Intel Core i-series chào đời tháng 11-2008 cùng lúc với việc Intel đưa ra vi kiến trúc Nehalem. Mở đầu cho thế hệ Intel Core i thứ nhất chính là CPU Intel Core i7-9xx tên mã Bloomfield, công nghệ 32nm và Socket LGA1366. Và bây giờ, tháng 10-2017, chúng tôi được trải nghiệm thế hệ Intel Core i Gen 8 tên mã Coffee Lake, công nghệ 14nm và Socket LGA1151. Cụ thể là CPU Intel Core i5-8400.

Cuộc trải nghiệm này của chúng tôi được sự hỗ trợ của Intel Global thông qua agency tại Việt Nam là Vero IMC, Công ty công nghệ Viễn Sơn – nhà phân phối motherboard Gigabyte và RAM GEIL ở Việt Nam, Công ty Samsung Vina – nhà cung cấp màn hình chơi game công nghệ Quantum Dot Display.

CPU Intel Core i5-8400 Gen 8 Socket LGA1151 (bên trái) và CPU Intel Core i9-7960x Core X-series Socket LGA2066.

CPU Intel Core i5-8400 Gen 8 Socket LGA1151 (bên trái) và CPU Intel Core i9-7960x Core X-series Socket LGA2066.

Làm quen

Các vi xử lý cho máy tính để bàn Intel Core thế hệ thứ 8 mà Tập đoàn Intel ra mắt ngày 24-9-2017 (theo giờ Mỹ) tại Santa Clara (bang Califormia) được nhấn mạnh là CPU chơi game xuất sắc nhất xưa nay của nhà Intel. Cụ thể là Intel Core i7-8700K Gen 8 có thể tăng tốc độ mở khung ảnh (fps) lên cao hơn 25%, làm việc đa nhiệm tốt hơn 45%, biên tập video 4K nhanh hơn 32% so với Gen 7 và 65% so với các PC đã 3 năm tuổi (chạy CPU Core Gen 4 i7-4790K).

CPU Intel Core i5-8400

Thế hệ Intel Core Gen 8 được Intel phát triển cho các game thủ (gamer), các nhà sáng tạo nội dung (content creator) và giới chơi máy tính ép xung (overclocker) vốn là những người luôn đòi hỏi phải có hệ thống máy tính có hiệu năng siêu đẳng (premium performance). Bởi vậy, chúng có biên độ “đôn dên”, “xoáy nòng” cao hơn hẳn các thế hệ trước. Chẳng hạn, như em Intel Core i5-8400 này có tốc độ nền là 2.8GHz, nhưng có thể Max Turbo lên cái ót tới tận 4GHz (chênh nhau tới 1.2GHz). Trong khi ở Gen 7, ngay cả con desktop mạnh nhất nhì là Core i7-7700 cũng chỉ có thể từ 3.6GHz nhảy lên 4.2GHz (chênh 0.6GHz), hoặc ngay cả con mạnh nhất hiện nay và dành cho giới ép xung là Core i7-7700K có tốc độ nền là 4.2GHz và Max Turbo là 4.5GHz.

Khi giới thiệu Intel Core Gen 8 ngày 5-10-2017, Intel cho biết, HWBOT, tổ chức xếp hạng và điều hành các cuộc thi ép xung quốc tế, cho tới cuối tháng 9-2017 đã công nhận Intel Core i7-8700K mới chào sân đã đạt được 2 kỷ lục thế giới toàn diện và 9 vị trí số 1 trên toàn cầu

Thế hệ Core Gen 8 hiện nay gồm các dòng Core i3, Core i5 và Core i7 lần đầu tiên được tích hợp chíp xử lý đồ họa cấp UltraHD là Intel UHD Graphics. Cụ thể là Intel UHD Graphics 630. Ở Core Gen 7, GPU tích hợp là Intel HD Graphics 630, nghĩa là ở cấp độ FullHD. Có lẽ sự khác biệt nằm ở chỗ thuật toán xử lý. Trước nay, với các thế hệ CPU mới, Intel vẫn thường quan tâm đáng kể vào việc nâng cấp, tăng cường sức mạnh cho chip đồ họa tích hợp, có khi còn được đầu tư nhiều hơn là về kiến trúc CPU. Đáng chú ý là lần đầu tiên CPU công bố số đơn vị xử lý đồ họa (Execution Units) trên GPU tích hợp của mình (GPU của Gen 8 hiện có 23 hay 24 đơn vị xử lý đồ họa). Theo hãng Futuremark chuyên gia bào chế các công cụ benchmark đồ họa (3DMark) và hệ thống (PCMark), sức mạnh của GPU tích hợp Intel UHD Graphics 630 tương đương với GPU rời NVIDIA GeForce GT 730, GPU tich hợp NVIDIA GeForce 920M và GPU tích hợp Intel Iris Graphics 540.

CPU Intel Core i5-8400

Ở Intel Core Gen 8 này, CPU desktop Core i5 lần đầu tiên có tới 6 nhân (trước đây là  4 nhân) và Core i3 lần đầu tiên có 4 nhân (trước đây là 2 nhân). CPU Core Gen 8  cũng có 16 làn PCIe 3.0 như ở Gen 7. Trong khi đó, chipset Intel Z370 Express hỗ trợ 24 làn PCIe 3.0. Nhờ vậy mà hệ thống PC chạy CPU Intel Core Gen 8 sẽ có tổng cộng 40 làn PCIe 3.0, thoải mái cho việc mở rộng khả năng xử lý đồ họa, lưu trữ và các I/O. Cụ thể, bạn có thể gắn thêm card đồ họa trong cấu hình multi-GPU hay thêm những ổ lưu trữ SSD PCIe.

Bạn lưu ý giùm chi tiết này hén. Mặc dù cùng xài Socket LGA1151 như CPU Intel Core Gen 7 (Kaby Lake), nhưng CPU Core Gen 8 (Coffee Lake) không thể chạy trên các motherboard của thế hệ trước được. Ngược lại cũng vậy đó. Trong khi, các motherboard chipset Intel 100 series và 200 series (ngoại trừ X299 dành riêng cho CPU Core X-series) đều hỗ trợ hai thế hệ CPU Core 7 và 6. Intel đã phát triển chipset mới Intel Z370 Express cho thế hệ CPU Core Gen 8 này. Chuyện này chớ hề mới với nhà Intel, không ít lần hễ có CPU mới là phải xài motherboard mới, thậm chí quạt mới và RAM mới. Có lẽ tuy cùng có 1151 điểm tiếp xúc, nhưng mỗi loại CPU có thiết kế mạch khác nhau, cũng như điện áp có thể không giống nhau. Do đặc điểm của Core Gen 8 là có thêm nhân, thêm luồng, cũng như khả năng tăng tốc Max Turbo mạnh hơn, các chipset cũ có lẽ không thế tối ưu hóa người mới được.

Thêm một lưu ý là cũng giống như Core Gen 7, CPU Intel Core Gen 8 sẽ chỉ chạy với hệ điều hành Windows 10. Chỉ có điều, đó là chủ trương mà Microsoft đã đưa ra từ đầu năm 2016 khi nói rằng  các thế hệ Kaby Lake silicon của Intel,  8996 silicon của Qualcomm, và Bristol Ridge silicon của AMD trở về sau sẽ chỉ chạy với Windows 10 mà thôi. Một số nhà quan sát công nghệ nói rằng đây là cách Microsoft bắt tay với các nhà phát triển chip để buộc người ta phải chuyển sang Windows 10 nếu muốn sử dụng nhựng hệ thống PC mới nhất.

Chạy thử

Chúng tôi chạy thử CPU Intel Core i5-8400 trên hệ thống:

• Motherboard Gigabyte AORUS Z370 Ultra Gaming

• Bộ nhớ RAM 16GB DDR4-3000 GEIL (8GBx2).

• Card graphics Palit NVIDIA GTX 1080-8GB GDDR5.

• Bộ nguồn PSU Cooler Master GX 750W

• HDD WD 500GB.

• Windows 10 Pro x64 Build 16294.

Các phần mềm benchmark được để ở các thiết đặt mặc định.

+ Futuremark PCMark 10 v1.0.1271 Advanced Edition

Intel Core i5-8400 Intel Core i9-7980XE Intel Core i9-7960X
PCMark 10 4496 3880 4033
Essentials 6198 5513 5653
Productivity 5641 5116 5192
Digital Content Creation 7054 5623 6069

+ Futuremark PCMark 8 v2.7.613 Professional Edition

– Accelerated: dùng OpenCL để cải thiện hiệu năng.

– Conventional: đo đạc hiệu năng cơ bản (baseline performance).

Intel Core i5-8400 Intel Core i9-7980XE Intel Core i9-7960X
Home Accelerated 4855 4599 4600
Home Conventional 4237 4052 4086
Work Accelerated 5015 4510
Work Conventional 3411 3320

+ Futuremark 3DMark v2.3.3963 Professional Edition

Time Spy: DX12 benchmark for Gaming PC.

Intel Core i5-8400 Intel Core i9-7980XE Intel Core i9-7960X
3DMark 7248 6518 7464
Graphics score 7802 6296 7304
CPU score 5169 8155 8529

+ AIDA64 Extreme Edition 5.90/5.92

Intel Core i5-8400 Intel Core i9-7980XE Intel Core i9-7960X
MEMORY
Read (cao tốt) 31316MB/s 60250MB/s 59518MB/s
Write (cao tốt) 31863MB/s 47197MB/s 54773MB/s
Copy (cao tốt) 28237MB/s 54343MB/s 54044MB/s
Latency (thấp tốt) 65,0ns 84,4ns 90,2ns
CACHE L2
Read (cao tốt) 479,26GB/s 1654,9GB/s 1561,6GB/s
Write (cao tốt) 357,66GB/s 1081,3GB/s 999,10GB/s
Copy (cao tốt) 512,66GB/s 1559,5GB/s 1473,8GB/s
Latency (thấp tốt) 3,0ns 5,0ns 5,1ns
CACHE L3
Read (cao tốt) 218,97GB/s 1520,6GB/s 161,66GB/s
Write (cao tốt) 150,17GB/s 940,47GB/s 82,872GB/s
Copy (cao tốt) 165,36GB/s 1215,0GB/s 109,07GB/s
Latency (thấp tốt) 14,3ns 22,5ns 21,6ns

+ Cinebench R11.5

  Intel Core i5-8400 Intel Core i9-7980XE Intel Core i9-7960X
OpenGL 72,81fps 104.42fps 99,52fps
CPU 10,97pts 28,41pts 27,41pts

+ Cinebench R15

  Intel Core i5-8400 Intel Core i9-7960X
OpenGL 111,11fps 147,91fps
CPU 947cb 2620cb

+ SiSoftware Sandra Platinum 2017 Lite

Điểm tổng hợp Intel Core i5-8400 Intel Core i9-7980XE Intel Core i9-7960X
Processor Multi-Media 403,7659MPix/s 1664,59MPix/s 1490,71MPix/s
Processor Cryptography 9,063GB/s 23,477GB/s 23,254GB/s
Memory Bandwidth 22,228GB/s 47.278GB/s 47.218GB/s
Cache & Memory Latency 23,7ns 31,0ns 32,4ns

Chia sẻ

Khi xem các kết quả benchmark mà chúng tôi tiến hành, bạn ắt ngạc nhiên khi hệ thống chạy Intel Core i5-8400 (Core Gen 8) lại đạt kết quả cao hơn hẳn hai CPU desktop mạnh nhất nhì hiện nay thuộc gia đình CPU Intel Core X-series trong các thử nghiệm với các công cụ benchmark nổi tiếng của hãng Futuremark. Trong khi ở các benchmark khác, nó lại an phận thủ thường ở đúng vị trí chiếu dưới của mình. Thú thật là chúng tôi không thể giải thích về sự khác biệt này. Phải chăng do thuật toán của Futuremark được tối ưu hóa cho Intel Core Gen 8, dành cho nó nhiều ưu ái hay là hiểu nó hơn.

Tất nhiên, trong các đo đạc benchmark, không phải hễ là CPU hiện đại nhất, mạnh mẽ nhất và đắt tiền nhất luôn có những kết quả cao nhất. Không tính tới thực tế mỗi lần chạy benchmark, cả hệ thống lẫn ứng dụng không phải lúc nào cũng cố định, bản thân mỗi CPU có những ưu thế và nhược điểm khác nhau. Có khi CPU này vô đối ở mặt này nhưng lại kém cạnh ở mặt kia. Vấn đề quan trọng hơn cả là CPU đó có đáp ứng được các nhu cầu thực tế của người dùng không.

Thực tế, Intel Core Gen 8 có vẻ là một sự nâng cấp, tối ưu hóa từ Gen 7 hơn là một dòng CPU hoàn toàn mới, như trường hợp Core i9/Core X-series. Nó vẫn dùng công nghệ sản xuất 14nm như Gen 6 và Gen 7 (có tài liệu nói Gen 8 dùng công nghệ 14nm cải tiến, gọi là 14nm++). Từ năm 2016, Intel đã cho nghỉ hưu cái lộ trình sản phẩm trứ danh 2 giai đoạn gọi là Tick-Tock, trong đó phase Tick là quy trình sản xuất (process) mới và phase Tock là kiến trúc (architecture) mới cho quy trình đó. Bây giờ, lộ trình sẽ có 3 giai đoạn: quy trình sản xuất, kiến trúc và tối ưu hóa. Core Gen 8 vẫn dùng kiến trúc của cả CPU lẫn GPU tích hợp của Gen 7, có thể gọi là kiến trúc “Kaby Lake refresh” (Kaby Lake-R). Vì thế, người ta vẫn đang mong chờ một thế hệ CPU Intel Core thật sự là mới với kiến trúc kế tiếp (có thể là Cannonlake) và trên quy trình sản xuất 10nm.

Một số chuyên gia nói rằng ở Core Gen 8, Intel đã phá vỡ một “truyền thống” thường thấy của mình là tập trung nhiều nhất vào chip đồ họa tích hợp. Không chỉ nâng cấp GPU lên tầm mức UHD, Intel còn chuẩn bị cho phần vi xử lý sẵn sàng cho kiến trúc kế tiếp và công nghệ sản xuất 10nm.

Với những tác vụ bình thường, có lẽ người ta không thấy rõ sự khác biệt giữa Core Gen 8 và Core Gen 7 do bản thân Gen 7 đã quá mạnh rồi. Nhưng với các tác vụ nặng, đa nhiệm và thiên về đồ họa, Core Gen 8 được tối ưu hóa nên tỏ ra vượt trội hơn. Ưu thế soái ca của CPU Core Gen 8 chính là thêm nhân, thêm luồng. Kế đó là có dung lượng bộ nhớ Cache lớn hơn và tốc độ bộ nhớ DDR4 cao hơn.

Giá tham khảo:

• CPU Intel Core i5-8400: giá đề xuất của Intel chung trên thế giới từ 182 tới 187 USD.

• RAM GEIL DDR4-3000: khoảng 3.890.000 đồng một bộ kit 2 thanh 8GB.

• Motherboard Gigabyte Aorus Z370 Ultra Gaming: giá khoảng 4.800.000 đồng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

CPU Intel Core i5-8400 và motherboard Gigabyte AORUS Z370 Ultra Gaming

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới