Thứ Ba ngày 19 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Sharp ăn nên làm ra trở lại dưới bàn tay của Hon Hai

Sharp ăn nên làm ra trở lại dưới bàn tay của Hon Hai
April 14
11:26 2017

 

Hãng Sharp (Nhật Bản) đã được tập đoàn công nghệ Hon Hai (Đài Loan) giải cứu ngoạn mục từ chỗ đang hấp hối giờ sống lại và bắt đầu sống khỏe. Trong thông cáo ngày 17-2-2017, Sharp cho biết dự báo mới cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2017 là khoản lợi nhuận hoạt động (operating profit) của hãng sẽ đạt 47,4 tỷ yen (khoảng 418 triệu USD), thay vì dự báo là 37,3 tỷ yen đưa ra ngày 3-2-2017. Trước đó nữa, mức lợi nhuận được dự báo là 25,7 tỷ yen. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh của Sharp đang ngày càng khởi sắc hơn.

Trong quý 4-2016, Sharp đã đạt lợi nhuận 4,2 tỷ yên, trong khi cùng kỳ năm trước đó, hãng Nhật Bản này bị lỗ 24,7 tỷ yen. Đây là lần đầu tiên Sharp công bố đạt được lợi nhuận hàng quý trong vòng 2 năm qua.

Tập đoàn Hon Hai, công ty mẹ của công ty Foxconn, hồi tháng 3-2016 đã mua lại Sharp với giá 3,5 tỷ USD và nắm giữ 66% cố phần của Sharp. Danh chính ngôn thuận là thương vụ giữa Foxconn và Sharp. Và từ đó, Sharp đã kết thúc lịch sử 105 năm hoạt động độc lập hoàn toàn của người Nhật. Tổng giám đốc mới của Sharp là Tai Cheng-wu, người Đài Loan trước đó là phó tướng của Terry Gou, Chủ tịch Tập đoàn Hon Hai. Ngay sau khi nắm quyền trực tiếp điều hành Sharp của Nhật Bản, ông Tai nói rằng mình sẽ giúp Sharp có được lợi nhuận ngay trong 6 tháng cuối năm 2016 và sẽ cải tổ Sharp trong năm 2017.

Khoảng 500 nhà báo đã có mặt trong cuộc họp báo chung Hon Hai – Sharp tại Osaka (Nhật Bản) ngày 2-4-2016 công bố việc Hon Hai mua lại Sharp. (Ảnh: Kyodo).

Terry Guo, Chủ tịch Hon Hai/Foxconn (giữa), Kozo Takahashi, Tổng giám đốc Sharp (bìa phải) và Tai Cheng-wu, Phó Chủ tịch Hon Hai trong cuộc họp báo chung tại Osaka (Nhật Bản) ngày 2-4-2016. (Ảnh: AFP)

Tai Cheng-wu, người của Hon Hai, trở thành Tổng giám đốc mới của Sharp.

 

Trong khi đó, báo Nhật Bản Mainichi Shimbun (17-2-2017) cho biết Hon Hai và Sharp đang có kế hoạch thành lập một liên doanh tại Zhengzhou (Trịnh Châu), thủ phủ của tỉnh Henam (Hà Nam) ở Trung Quốc để sản xuất màn hình OLED cho smartphone. Nhà máy này có mục tiêu cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc để cung cấp màn hình cho thế hệ iPhone mới của Apple trong năm 2017 này. Hon Hai có lợi thế hơn hẳn vì hiện là một nhà lắp ráp gia công iPhone và iPad cho Apple với nhà máy cũng đặt tại Zhengzhou. Theo Nikkei Asian Review, chi phí đầu tư xây dựng nhà máy OLED mới này vào khoảng 100 tỷ yen. Hon Hai buộc lòng phải đầu tư mạnh hơn để tăng sức mạnh cạnh tranh khi Apple làm việc với BOE Technology Group Co., một trong những nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng lớn nhất ở Trung Quốc, để xem xét khả năng đưa hãng Trung Quốc này vào chuỗi cung cấp màn hình iPhone.

Hồi tháng 1-2017, Hon Hai/Sharp đã bị Công ty Samsung Điện tử (Hàn Quốc) kiện ra tòa quốc tế đòi bồi thường thiệt hại vì bị Sharp ngưng cung cấp màn hình cho các thế hệ TV Samsung năm 2017. Sau khi mua lại Sharp, Hon Hai đặt ra mục tiêu sẽ đạt được một bước nhảy vọt về sản xuất TV trong năm 2018 (Sharp cũng là một thương hiệu TV Nhật Bản nổi tiếng) và tăng gấp đôi số lượng TV bán ra. Vậy là Hon Hai đã báo với Samsung là họ không cung cấp màn hình TV cho khách hàng Hàn Quốc cũng là đối thủ của Sharp nữa. Trước đó, mỗi năm trung bình Samsung được Sharp cung cấp 4-5 triệu tấm nền LCD. Để bù lấp khoản thiếu hụt quá lớn này, Samsung đã phải tìm nguồn cung cấp khác, thậm chí kể cả từ Công ty LG Display Co. của đối thủ đồng hương LG. Có tin nói rằng Samsung muốn Sharp bồi thường 492 triệu USD.

Cũng khó trách Sharp khi hồi tháng 9-2016, sau khi Sharp thuộc về Hon Hai, Samsung đã bán hết số cổ phần của mình ở Sharp, chiếm khoảng 0,7% tổng số cổ phần của Sharp, trị giá khoảng 45 triệu USD. Vào thời tình nồng thắm, Samsung hồi năm 2013 đã đầu tư gần 101 triệu USD vào Sharp, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 5, nắm khoảng 3% cổ phần của Sharp.

Một day chuyển sản xuất TV LCD của Sharp tại Yaita (tỉnh Tochigi (Nhật Bản).

Trong một diễn biến khác, Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) của Nhật Bản ngày 3-3-2017 cho biết Hon Hai quyết định bán bớt 1% cổ phần của mình ở Sharp để giúp hãng Nhật Bản này đủ điều kiện được đưa trở lại nhóm thứ nhất (the first section) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE). Từ tháng 8-2016, cổ phiếu giao dịch của Sharp đã bị tụt từ nhóm 1 xuống nhóm 2 sau khi Sharp báo cáo rằng tính tới cuối tháng 3-2016, các khoản nợ nần của công ty đã vượt qua khỏi giá trị tài sản của Sharp. Hồi tháng 2-2017, Sharp báo cáo đã đạt được lợi nhuận 4,2 tỷ yen trong quý 4-2016. Theo nguyên tắc, muốn ở nhóm 1 – nơi các hãng lớn giao dịch – trên TSE, các hãng phải có không ít hơn 35% cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường. Vì thế, Hon Hai quyết định giảm 1% cổ phần của mình ở Sharp để xuống còn 65%, thay vì 66% như ban đầu. Với động thái này kết hợp với hoạt động tiếp tục có lợi nhuận của Sharp, cổ phiếu của Sharp có thể được trở lại nhóm 1 của TSE vào cuối năm 2017 hay đầu năm 2018.

LÊ ANH

+ Ảnh: Internet. Thanks.