Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Xiaomi – tay chơi mới trên thị trường công nghệ điện tử và di động Việt

Xiaomi – tay chơi mới trên thị trường công nghệ điện tử và di động Việt
March 16
09:37 2017

 

Xiaomi, một trong những hãng công nghệ nổi tiếng thế giới của China, ngày 15-3-2017 đã chính thức vào thị trường Việt Nam thông qua hợp tác chiến lược với nhà phân phối Digiworld – Thế Giới Số. Các sản phẩm Xiaomi đầu tiên được bán chính thức tại Việt Nam là 3 smartphone Mi MIX (phiên bản 6GB RAM + 256GB ROM), Redmi Note 4 (3GB RAM + 32GB ROM) và Redmi 3A (2GB RAM + 16GB RAM), cùng một số phụ kiện như sạc dự phòng Mi Power Bank, vòng đeo tay thông minh chăm sóc sức khỏe Mi Band 2, kính thực tế ảo MiVR Play,…

Tại sự kiện ra mắt Xiaomi ở TP.HCM chiều 15-3-2017, Xiaomi cũng đã giới thiệu nhiều sản phẩm công nghệ đa dạng của mình như laptop Mi Notebook Air 13.3, thiết bị bay điều khiển từ xa Mi Drone, Mi TV 3s 65 inch màn hình cong UHD 4K, loa Bluetooth, tai nghe, wireless Mi Router, camera an ninh Mi 360 Webcam, xe điện Mi Electric Scooter gọn nhẹ có thể gập lại, người máy Mi Robot, người máy hút bụi Mi Robot Vacuum,…

 

Xiaomi vào Việt Nam thông qua ông mai Digiworld

Từ trái qua các ông: Donovan Sung, Giám đốc Tiếp thị và Quản lý sản phẩm Xiaomi Toàn cầu; Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch kiêm CEO Digiworld; Wang Xiang, Phó chủ tịch cấp cao Xiaomi Toàn cầu; và Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam và Đông Dương.

Công ty Digiworld sẽ chịu trách nhiệm phân phối, mở rộng thị trường và bảo hành cho tất cả các dòng sản phẩm công nghệ của Xiaomi ở Việt Nam. Các sản phẩm của Xiaomi sẽ được bán rộng rãi tại các siêu thị, cửa hàng, chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, AEON, MobiFone, VinPro, Hnam, Mai Nguyên,… cũng như được bán online trên cửa hàng Lazada Việt Nam. Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Digiworld, nói rằng: “Định hướng phát triển của Xiaomi đồng nhất với chiến lược của Digiworld là tích cực tiên phong đón đầu cơ hội, đem những ứng dụng công nghệ tiên tiến tương lai Internet of Things (IoT) tới người dùng rộng rãi với chi phí hợp lý nhất. Digiworld và Xiaomi sẽ hợp tác phát triển thị trường cho toàn bộ hệ sinh thái Mi-Eco của Xiaomi.”

Xiaomi cũng đã xây dựng cộng đồng Mi Community ở Việt Nam với ứng dụng di động Mi Community có trên Google Play.

 

Bước đại nhảy vọt chỉ trong 7 năm

Công ty công nghệ điện tử Xiaomi được thành lập tại Bắc Kinh vào tháng 4-2010 bởi 8 nhà đồng sáng lập là 8 người đàn ông, phần lớn còn trẻ. Chữ Xiaomi (Xảo Mi) trong tiếng Hoa có nghĩa là “hạt kê”. Năm 2011, CEO Lei Jun của Xiaomi giải thích rằng chữ Xiaomi còn có ý nghĩa sâu xa hơn chỉ là “gạo và kê”. Ông liên hệ chữ “Xiao” với khái niệm của Phật giáo rằng “một hạt gạo của một Phật tử cũng lớn như một ngọn núi”. Xiaomi muốn làm việc từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống (Xiao cũng có nghĩa là tiểu, là nhỏ), thay vì phải bắt đầu bằng cách vắt kiệt sức cho sự tuyệt hảo. Ông cũng giải thích chữ “mi” còn là viết tắt của Mobile Internet (Internet di động) và Mission Impossible (tên một series phim Hollywood Nhiệm Vụ Bất Khả Thi) để ám chỉ những khó khăn, trở ngại tưởng như không thể vượt qua khi mới khởi nghiệp. Rồi sang năm 2012, Lei Jun lại giải thích Xiaomi có nghĩa bóng nói về một cuộc cách mạng và khả năng đưa phát mình, sáng tạo vào một lĩnh vực mới.

Thôi kệ, nghĩa là gì cũng là tên của người ta. Nhưng điều không thể phủ nhận là Xiaomi là một trong những hãng công nghệ Trung Quốc giàu sáng tạo và có đậm chất công nghệ cao trong những sản phẩm của mình. Trong danh sách xếp hạng các công ty có tính sáng tạo nhất trong năm 2016, công ty tư vấn quản trị Mỹ Boston Consulting Group (BCG) đã xếp Xiaomi đứng thứ 35, trong khi Apple số 1, Google số 2, Microsoft số 4, Facebook số, Uber số 17, Intel số 40,… Ưu thế thị trường của các sản phẩm công nghệ Xiaomi là thiết kế đẹp, công nghệ tiên tiến và giá bán cạnh tranh.

Ngay từ vòng gọi vốn đầu tiên, Xiaomi đã có được những nhà đầu tư danh tiếng như Temasek Holdings (công ty đầu tư của Nhà nước Singapore), quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Capital, Qiming Venture Partners, và đặc biệt là hãng công nghệ di động Qualcomm. Tháng 8-2010, chỉ 4 tháng sau khi ra đời, Xiaomi đã chính thức đưa ra giao diện người dùng MIUI dựa trên Android đầu tiên của mình. Một năm sau, tháng 8-2011, chiếc smartphone đầu tiên Xiaomi Mi1 được công bố. Năm 2014-2015, Xiaomi là thương hiệu smartphone số 1 trên thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Xiaomi nằm trong Top 5. Theo hãng nghiên cứu thị trường quốc tế IDC, vào tháng 10-2014, Xiaomi là nhà sản xuất smartphone lớn số 3 thế giới (chỉ sau Samsung và Apple) và đứng số 4 vào quý 2-2015. Năm 2014, Xiaomi bán được hơn 60 triệu chiếc smartphone. Theo báo tài chính Mỹ The Wall Street Journal (12-2014), sau khi nhận được 1,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư, Xiaomi trở thành công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị lớn số 4 trên thế giới, với giá trị thị trường hơn 46 tỷ USD.

Xiaomi xây dựng tam giác phát triển với 3 mũi nhọn gồm đỉnh là phần cứng, và hai góc dưới là dịch vụ Internet và hệ sinh thái Mi. Tới nay, có hơn 50 triệu thiết bị đã được kết nối vào hệ sinh thái này. Xiaomi có một chiến lược kinh doanh và phát triển vừa nhanh, vừa thực tế là biến mình thành một hạt nhân chính với vô số các vệ tinh xoay quanh. Họ như một ông chủ vườn ươm khởi nghiệp. Hiện nay có 77 doanh nghiệm đang sản xuất những sản phẩm mang thương hiệu chung Xiaomi.

Tiểu Mị

Có thêm sự tham gia của Xiaomi, thị trường điện tử và di động Việt Nam sẽ càng thêm đông đúc những tay chơi tới từ xứ láng giềng Trung Quốc. Các tay chơi Trung Quốc sẽ cạnh tranh nhau (hay chia phần nhau) ngay trên thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng với 93 triệu dân vốn luôn sục sôi bầu máu nóng mua sắm hàng di động. Xiaomi và Huawei có lợi thế giống nhau là sản xuất đa ngành. Và các nhà sản xuất Trung Quốc cùng có lợi thế “thiên hạ vô đối” là thị trường nội địa lớn nhất hành tinh với 1,4 tỷ dân mà chỉ cần kinh doanh trong nước là đủ thu hồi vốn và lời khẳm, nên ra nước ngoài chỉ là “hàng dôi dư” cốt làm thương hiệu với ngân sách tiếp thị rủng rỉnh. Sẽ có không ít ông lớn cũng phải mệt cầm canh! Có thể nói rằng, không giống như ở hầu hết các nước khác, cái khó nhất của các sản phẩm Trung Quốc tại thị trường Việt Nam là “sự nhạy cảm về xuất xứ” buộc các hãng Trung Quốc phải nỗ lực (đồng nghĩa với tốn kém) gấp nhiều lần để “vượt lên chính mình” và “vượt thoát định mệnh”. Bất luận thế nào, người Trung Hoa vốn nhạy bén kinh doanh chắc chắn thấy được sức hấp dẫn chết người của…. người tiêu dùng Việt Nam mà tới Kong kia cũng phải chịu trận. Phần mình, tôi vẫn thích gọi Xiaomi là “Tiểu Mị” bởi nó nhắc tôi nhớ da diết cái lần được tới thăm nơi Dương Quý Phi – giai phân sủng ái của Đường Minh Hoàng tắm suối nước nóng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Ảnh: PHẠM ANH PHÚ

Mi Robot.

Mi TV 3s 65 inch màn hình cong UHD 4K

Người máy hút bụi Mi Robot Vacuum

Kính thực tế ảo Mi VR Play

Mi Electric Scooter

 

 

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới