Thứ Ba ngày 16 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Bphone 2017 có thật là… chất?

Bphone 2017 có thật là… chất?
August 14
09:10 2017

Sau hơn 2 năm 2 tháng hầu như im hơi lặng tiếng từ cuộc chào đời đứa con đầu lòng bùng nổ đầy tâm huyết, tự tin, tự hào của cha mẹ nhưng chẳng may không vượt qua được “định mệnh”, smartphone “Made in Vietnam” Bphone đã trở lại thị trường cũng là đấu trường sinh tử. Sáng 8-8-2017 trong một sự kiện ra mắt sản phẩm chắc chắn là hoành tráng nhất ở Việt Nam trong mấy năm nay, “cha đẻ” của Bphone là ông Nguyễn Tử Quảng, nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Công nghệ Bkav, đã đứng trên sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) mở đầu bằng lời chào “Tôi ở đây.” được hiểu là Bphone đã trở lại cuộc chơi.

Ông Nguyễn Tử Quảng giới thiệu Bphone 2017.

Nếu như ở Bphone đầu tiên, câu điệp khúc “thật không thể tin nổi” mà ông Quảng lặp đi lặp lại với ý nhấn mạnh trong sự kiện ra mắt sản phẩm đã gây “bão mạng”, thì ở Bphone 2017 này, từ khóa trên mạng truyền thông là chữ “chất” mà Bkav muốn trở thành một slogan hay một dấu chứng nhận chất lượng cho Bphone 2017. Sau mỗi tính năng, mỗi chi tiết của Bphone 2017 mà Bkav tâm đắc, ông Quảng và đội ngũ của mình lại chốt hạ bằng câu “chúng tôi gọi đó là chất”.

Vậy thì liệu Bphone 2017 có là “thực chất” như được giới thiệu?

Có lẽ để tập trung hơn, chúng ta nên xem xét đựa theo các tiêu chí mà ông Quảng đã nêu lên cho Bphone 2017 được giới thiệu là tổng kết vô số phản hồi và kết quả những cuộc khảo sát cộng đồng, đặc biệt là người tiêu dùng. Đó là “camera phải tuyệt vời, âm thanh phải xuất sắc, màn hình phải trung thực, pin phải sử dụng thật thoải mái, và đặc biệt là giá phải tối ưu”.

Camera có chất từng điểm ảnh?

Có thể nói theo xu thế hiện nay, một trong yếu tố quyết định “giá trị” của một smartphone giờ đã bão hòa về kiểu dáng và cấu hình chính là khả năng chụp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh “tự sướng” selfie.

Bphone 2017 được trang bị máy ảnh sau 16MP với cảm biến hình ảnh Sony IMX298 Exmor RS. Đây là một cảm biến ảnh ra đời từ tháng 11-2015 có kích thước cảm biến tầm trung (6,5mm; 1/2.8″) và kích thước điểm ảnh chuẩn của smartphone (1.12 μm). Mặc dù hiện nay chỉ là loại cảm biến hình ảnh thường thường bậc trung của Sony, IMX298 vẫn có thể cho chất lượng hình ảnh tốt. Tuy nhiên, như ông Quảng nhấn mạnh, các yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng hình ảnh chụp ra trên một smartphone chính là ở các linh kiện, công nghệ và giải thuật xử lý hình ảnh. Phần cứng hữu hạn, phần mềm vô cực. Bkav chọn cách tiếp cận này với lợi thế ở đội ngũ lập trình có đẳng cấp của họ. Đây cũng là giải pháp mà Apple làm từ lâu với iPhone và Samsung ngày càng đẩy mạnh như trên Galaxy Note 7, Galaxy S8,…

Bphone 2017 có ống kính nhiều thành phần, công nghệ lấy nét tự động theo phase PDAF, công nghệ chống rung quang học OIS. Và đặc biệt hơn cả, có lẽ Bphone là smartphone đầu tiên trên thế giới công bố ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào camera. Theo ông Quảng, kết hợp với chống rung phần cứng OIS, thuật toán AI của Bkav sẽ xử lý thông minh hiện tượng rung, nhòa trên ảnh cho ra hình ảnh chất lượng cao hơn.

Với camera trước dành cho người chụp ảnh selfie, độ phân giải 8MP chỉ cao hơn mức trung bình 5MP một chút, nhưng Bphone 2017 tích hợp công nghệ lấy nét tự động, có ống kính góc rộng 88 độ. Ông Quảng nhấn mạnh rằng các công nghệ của camera sau đều được áp dụng cho camera trước để bảo đảm trải nghiệm chụp ảnh cho dân selfie. Riêng bộ công cụ làm đẹp cho selfie, Bphone 2017 được tinh chỉnh để có vẻ đẹp tự nhiên, giảm thiểu tính ảo tung chảo của ảnh chụp ra.

Ông Quảng đã đưa ra 3 tấm ảnh để so sánh được nói là được chụp bởi Bphone 2017 và 2 smartphone đối chứng thuộc hàng cao cấp hiện ay (ai cũng tự hiểu đó là iPhone 7 và Galaxy S8) để rồi kết luận Bphone 2017 chụp ảnh chẳng thua kém gì các smartphone cao cấp đó. Khi giới thiệu Bphone 2017, Bkav đã có chừng mực hơn khi so sánh với các đối thủ, không còn là “nhất” và “hơn hẳn” như ở lần đầu. Điều này dễ chấp nhận hơn nhưng vẫn giúp Bkav khoe Bphone 2017 tuy có mức giá cận cao cấp mà lại ngang tầm nhiều sản phẩm cao cấp. Điều này thì chúng ta cứ phải chờ xem và đường dài mới biết ngựa hay.

Màn hình có chất từng điểm ảnh?

Bphone 2017 được trang bị màn hình IPS 5.5 inch có độ phân giải Full HD 1080 x 1920 pixel. Điểm nhấn ở màn hình này là mật độ điểm ảnh cao tới 441ppi (trong khi cùng kích thước 5.5 inch Full HD và dùng tấm nền cao cấp AMOLED, nhưng nhiều màn hình khác như của Moto Z2 Play, OnePlus 5, Galaxy J7-2017,… chỉ có mật độ 401ppi). Màn hình có mật độ càng cao, hình ảnh hiển thị càng sắc nét.

Ông Quảng đã công bố kết quả thử nghiệm chất lượng của màn hình Bphone 2017 bằng công cụ chuyên dụng cho thấy màn hình này tái tạo gần như đầy đủ màu sắc thực tế.

Âm thanh có chất từng thanh âm?

Màn trình diễn khả năng playback âm thanh của Bphone 2017 trên sân khẩu ra mắt quả là “chất ngất”. Âm thanh đầy đặn, bổng ra cao, trầm ra thấp.

Tất nhiên, xét về cấu hình hệ thống xử lý âm thanh của Bphone 2017 quả là “chất”. Nó có DAC rời, hỗ trợ âm thanh chất lượng cao 32-bit/384KHz, nghĩa là vô tư mà chơi nhạc lossless, Hi-Res.

Các thông số xử lý âm thanh như thế này trước đây chỉ có ở một số smartphone cao cấp dành cho những người mê âm nhạc như các audiophile. Chẳng hạn như Samsung Galaxy S7 hỗ trợ 24-bit/192KHz và tới Galaxy S8 nâng cấp lên 32-bit/384KHz.

Hiện nay có rất ít smartphone được trang bị bộ chuyển đổi số sang tương tự DAC (Digital-to-analog converter) rời. Do âm thanh mà con người nghe là tín hiệu tương tự (analog), trong khi âm thanh được xử lý bên trong thiết bị bằng tín hiệu số (digital), người ta cần phải dùng một mạch điện tử có chức năng chuyển đổi những tín hiệu dạng số sang tín hiệu dạng tương tự để xuất qua các cổng, như jack 3.5mm. Để tiết kiệm chi phí và phù hợp với không gian nhỏ hẹp của thiết bị, các smartphone thông thường được trang bị một con chip tổng hợp được tích hợp các bộ chuyển đổi tín hiệu tương tự qua số ADC (analog-to-digital converter), DAC, bộ giải mã âm thanh (codec), bộ khuếch đại âm thanh (amplifier). Tất nhiên các thành phần rời chuyên dụng vẫn cho chất lượng xử lý tốt hơn nhiều khi chỉ chung chạ. Bạn có thể liên tưởng tới chip đồ họa tích hợp trong CPU và card đồ họa rời trong máy tính.

Pin có chất từng giờ?

Cái clip trình chiếu trên sân khẩu ra mắt cho thấy Bphone 2017 có thời lượng pin dài tới 2 ngày. Thực tế là pin của Bphone 2017 chỉ có dung lượng 3.000mAh không phải là ấn tượng gì. Nhưng theo ông Quảng, 3 yếu tố chính quyết định thời lượng pin là chíp CPU, thiết kế bản mạch và hiệu suất ăngten. Điều này cũng góp phần “giải ngố” là vì sao Bkav lại chọn CPU Snapdragon 625 vừa cũ, vừa tầm trung cho Bphone 2017 vì đây là CPU nổi tiếng về hiệu suất năng lượng (siêu tiết kiệm điện). Bkav đã đầu tư thiết kế bản mạch Bphone 2017 tốt hơn phiên bản đầu. Bản mạch PCB dày tới 12 lớp với các mạch điện được mạ vàng. Ăngten cũng được thiết kế để thu sóng nhạy hơn, giảm thiểu hiện tượng chập chờn khiến ăngten luôn phải gồng mình dò sóng – một tác vụ ngốn năng lượng.

Phó Chủ tịch Qualcomm, ông Mantosh Malhotra

Chính Phó Chủ tịch Qualcomm, ông Mantosh Malhotra nói tại lễ ra mắt Bphone 2017 là đội ngũ kỹ sư Bkav đã chứng tỏ được được sức sáng tạo của mình trong việc thiết kế ăngten – vốn được coi là một quy trình có tính thách thức lớn nhất đối với hầu hết các nhà sản xuất smartphone.

Bphone hỗ trợ tính năng sạc nhanh theo công nghệ Quick Charge 3.0 của Qualcomm cho tốc độ sạc nhanh gấp 3 lần so với bình thường. Cụ thể là có thể sạc pin từ 0% tới 80% chỉ trong vòng 35 phút. Bkav cho biết phần cứng được thiết kế tối ưu để bảo vệ tuổi thọ và sự an toàn của pin.

Giá có chất tới từng đồng?

Mặc dù đã được báo trước là Bphone 2017 sẽ bán ở Việt Nam với giá dưới 10 triệu đồng và thậm chí hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Động cũng đã thu tiền đặt cọc trước ở mức tối đa là 8 triệu đồng, nhưng khi CEO Quảng công bố giá bán chính thức của Bphone 2017 là 9.789.000 đồng, nhiều người đã phải cảm thán ngạc nhiên. Bởi đơn giản, với số tiền đó, người ta có nhiều lựa chọn với những thương hiệu quốc tế và những sản phẩm đã khẳng định được. Người tiêu dùng rộng rãi không quan tâm tới những công của đầu tư, những tình tiết, tính năng và công nghệ đằng sau của một thiết bị mà cân nhắc sản phẩm đó ở dung nhan tổng thể khi khoe mình trên kệ trong mối tương quan chung. Hơn nữa, bất luận thế nào, Bphone vẫn là một sản phẩm thương hiệu nội địa. Thêm vào đó, di chứng của Bphone đầu tiên vẫn còn đó, cho dù đã sau 2 năm.

Ở thời đại này sẽ thật là sống ảo nếu đồng hóa việc tiêu dùng một sản phẩm nào với tinh thần yêu nước của người tiêu dùng Việt. Thực tế thì khi đứng trước 2 sản phẩm có mức giá chệnh lệch không đáng kể, tuyệt đại đa số người Việt sẽ tậu món nước ngoài. Vì thế, nếu không thể chứng tỏ được các ưu thế vượt trội của mình, sản phẩm thương hiệu Việt chỉ có đường sống duy nhất là lợi thế về giá.

Tất nhiên đây luôn là nỗi đau đầu kinh niên của nhà sản xuất và phân phối. Với thị trường quá hẹp, nhà sản xuất và phân phối khó lòng có được giá thấp, đặc biệt với các sản phẩm ngốn nhiều chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển như Bphone.

Vậy thì giá thực tế của Bphone 2017 thực chất nên là bao nhiêu? Chúng tôi nghĩ rằng với một nhà phân phối dạn dày trận mạc và có “số má” như Thế Giới Di Động, họ hiểu rõ Bphone 2017 nên bán ở giá nào là hợp lý nhất để bàn bạc với Bkav.

Đôi điều ghi nhận

Cho dù có ke re cắc rắc ra sao, người ta cũng phải nhìn nhận rằng Bphone 2017 đã có tiến bộ toàn diện, và vượt trội ở nhiều mặt, so với thế hệ đầu tiên.

Khi thiết kế Bphone 2017, Bkav vẫn trung thành với triết lý tối giản mà hiện đại của mình. Từ hình dáng thiết bị cho tới giao diện người dùng, hệ điều hành, ứng dụng, ngay từ những chi tiết nhỏ như những biểu tượng (icon) cũng tuân thủ triết lý này. Trên nền hệ điều hành Andoid 7.1.2 Nougat, Bkav đã tinh chỉnh thành hệ điều hành BOS với yêu cầu “giao diện thoáng, tối giản, các hiệu ứng được trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ nhất, mang đến sự trơn tru và mượt mà cho hệ điều hành”. Toàn bộ thao tác trên BOS theo triết lý tối giản trong sử dụng, áp dụng những công nghệ đoán nhận giao tiếp thông minh để tối ưu các thao tác (chỉ cần chưa đến 3 thao tác để thực hiện một tác vụ nào đó).

Khâu hoàn thiện sản phẩm được trau chuốt tỉ mỉ từ đầu tiên cho tới cuối cùng. Khung nhôm nguyên khối kết hợp với kính cường lực mép cong 2.5D ở cả hai mặt máy.

Như chia sẻ của ông Quảng trước đó với báo chí, Bkav không mạo hiểm đưa ra thiết kế “độc lạ” như ở đứa con đầu lòng. Vì thế Bphone 2017 có thiết kế tổng thể quen thuộc của thiết bị smartphone loại có nút Home cơ kết hợp cảm biến dấu vân tay. Ngay cả cụm camera + đèn flash ở sau lưng cũng đơn giản. Máy khá nhẹ (162g) và gọn nhỏ (76 x 156,6 x 7,5 mm), nhưng cầm chắc tay và không có cảm giác bị cấn.

Có thể nói rằng, hai lấn cấn nổi cộm nhất ở Bphone 2017 khiến cộng đồng mạng “không ngủ yên” là giá bán và dòng CPU sử dụng.

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Bkav, giải thích rằng Bkav đã chọn CPU Qualcomm Snapdragon 625 cho Bphone 2017 vì nó là tối ưu cho tiêu chí của sản phẩm này. Mặc dù hơi cũ (chip này ra đời từ tháng 2-2016), nhưng Snapdragon 625 trên công nghệ sản xuất 14nm có sức mạnh đáng kể (8 nhân 64-bit Cortex-A53 cùng chạy ở tốc độ 2GHz, tích hợp GPU Adreno 506, hỗ trợ RAM LPDDR3-1866 Dual-Channel; kết nối Wi-Fi 802.11ac và 4G LTE Cat 7); đặc biệt được đánh giá là siêu tiết kiệm điện năng.

Có lẽ do yếu tố chi phí và thời gian mà Bphone 2017 đã vuột cơ hội được trang bị CPU tầm trung thế hệ mới nhất Snapdragon 660 (ra đời tháng 5-2017) như một số smartphone khác trong phân khúc. Snapdragon 660 không chỉ ứng dụng các công nghệ mới nhất của Qualcomm mà có sức mạnh hơn hẳn và hiệu suất năng lượng chẳng kém Snapdragon 625.

Nếu chỉ nhìn vào cấu hình, người ta sẽ thấy Bphone 2017 ở mức thường thường bậc trung trong phân khúc. Nhưng thực tế, đội ngũ Bkav đã tích hợp vào đó khá đậm chất công nghệ, đặc biệt là công nghệ của riêng mình. Chẳng hạn, Bkav vốn nổi tiếng về an ninh bảo mật máy tính và mạng, nên Bphone 2017 được tuyên bố là smartphone có tính an ninh bảo mật cao, không có virus và không có tin nhắn rác. Có thể nói, với sự hỗ trợ của Qualcomm, đội ngũ kỹ thuật Bkav đã tinh chỉnh đủ thứ chức năng của Bphone 2017: âm thanh, màn hình, camera, mạng,… sao cho họ ưng ý nhất. Tuy nhiên, cái “chất công nghệ” này thì với người dùng bình thường lại chẳng hề được quan tâm mà họ chỉ có thể cảm thấy ưng cái bụng sau thời gian dài trực tiếp sử dụng. Nghĩa là cần có thời gian để xác định.

Bkav đã chọn cho mình một cái ngách quá hẹp khi định vị Bphone 2017 vào phân khúc cận cao cấp có mức giá xấp xỉ 10 triệu đồng. Mặc dù đây là phân khúc an toàn,  vừa ít có đối thủ, vừa có thể xác định đẳng cấp sản phẩm, nhưng nó lại quá hẹp và kén người dùng. Hơn nữa, mặc dù có ít đối thủ, nhưng ở phân khúc cận cao cấp này hiện đã có sẵn những tay chơi có đẳng cấp có thể gây nhiều bất lợi cho một lính mới như Bphone.

Có lẽ chiến lược của Bkav là định vị Bphone ngay từ đầu ở phân khúc thị trường cận cao cấp và cao cấp. Đây là cách mà Apple đã làm khi sản xuất iPhone. Vì thế, một khi đã chốt hạ giá sản phẩm ở mức đó trong khi chưa có được bề dày xác thực về chất lượng, Bkav chỉ có thể thu hút được người tiêu dùng nếu như Bphone có cấu hình, thiết kế, vật liệu, công nghệ, tính năng vượt trội các đối thủ khác.

Bất luận thế nào, với Bphone 2017, Bkav đã chứng tỏ sự nghiêm túc và quyết tâm của mình trong việc thực hiện cái mà CEO Nguyễn Tử Quảng chia sẻ trong lễ ra mắt Bphone 2017. “Chúng tôi có một kế hoạch dài hạn để Việt Nam có được một ngành công nghiệp sản xuất smartphone do người Việt Nam làm chủ. Và trước tiên, nó phải bắt đầu bằng những chiếc smartphone cụ thể “Made in Vietnam. Bphone 2015 là khởi đầu cho kế hoạch này, sau 4 năm đầu tiên chuẩn bị… Đây là một kế hoạch dài hạn. Và chúng tôi biết một sản phẩm vừa ra mắt thì không thể có thành công ngay. Thậm chí phải nhiều năm, nhiều chục năm. Nhưng thực sự là chúng tôi chưa lường hết có quá nhiều khó khăn đến như vậy. Nhưng hôm nay, tôi đã ở đây.”

Trong lần trở lại chiến trường này, Bkav không còn đơn độc. Sự kiện ra mắt Bphone 2017 do Bkav đồng tổ chức với Qualcomm và Thế Giới Di Động chứng tỏ điều đó. Về mặt công nghệ và phần cứng, Bkav đã được Qualcomm coi là một đối tác chiến lược. Ông Mantosh Malhotra, Phó Chủ tịch Qualcomm, mô tả mối quan hệ này: “chia sẻ phát minh sáng chế; nghiên cứu và phát triển sản phẩm; cung cấp linh kiện CPU; kiểm định chất lượng sản phẩm; đưa Bphone ra thị trường trong nước và quốc tế”. Ông cho biết: “Các kỹ sư Qualcomm đã hợp tác chặt chẽ với đội ngũ Bkav trong tất cả các giai đoạn phát triển sản phẩm, từ thiết kế ban đầu, thử nghiệm, đến tinh chỉnh và tối ưu hóa để phát triển dòng smartphone cao cấp đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.”

Xuất hiện trên sân khấu ra mắt Bphone 2017, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động, cho biết mối quan hệ giữa Bkav và TGĐD xuất phát từ sự nối kết của ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam. Ông nói hôm nay TGDĐ rất tin vào Bphone là một smartphone rất là Việt Nam do Bkav sản xuất để phục vụ cho người Việt. TGDĐ hiện chiếm 45% thị phần kinh doanh điện thoại ở Việt Nam. Với mạng lưới khoảng 1.500 cửa hàng TGDĐ và Điện máy Xanh trên cả nước, Bphone 2017 có nhiều cơ hội đến với người dùng rộng rãi.

Vấn đề còn lại vẫn là thuộc Bkav để Bphone 2017 có thể thuyết phục được người dùng Việt Nam lựa chọn nó trong hằng hà sa số smartphone khác.

Và phải chăng nhiệm vụ cụ thể của Bkav vẫn là làm sao để Bphone ngày càng thêm “chất” và giá thì đỡ “chát” hơn?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: P.H.P.

Slogan và từ khóa mà Bkav dành cho Bphone 2017 là “CHẤT”. Tôi đã thử tìm hiểu xem nó “chất” ra sao. Bài này đã được đăng trên báo Thanh Niên Online theo khuôn khổ và format của báo. Còn ở đây là bản full không che

Bkav đã tự làm khó cho mình khi chọn con đường tự mình thiết kế và làm ra một chiếc smartphone thật sự là của Việt Nam. Xin đừng lăn tăn với chuyện gia công ở đâu, mua linh kiện của ai… vì nhà sản xuất nào cũng làm như vậy thôi. Ngay cả với iPhone, Apple cũng chỉ thiết kế và thậm chí con CPU A-series thì họ cũng chỉ thiết kế, rồi tất tần tật gia công xứ người. Chưa thấy ai hỏi trong iPhone có những gì của Mỹ, có bao nhiêu phần trăm linh kiện Mỹ. Tất nhiên tôi không hề có ý định đem iPhone ra so sánh với Bphone (ai lại thế cơ chứ ạ), cho dù tên gọi chúng chỉ khác nhau có mẫu tự đầu tiên, mà chỉ muốn cho thấy chuyện gia công, mua linh kiện của hãng thứ ba là bình thường trong phân công xã hội của một thời gia công toàn cầu. Thiên hạ có lẽ chỉ có mình ông khổng lồ Samsung là có thể tự làm được hầu hết (không phải tất cả) các thứ cho sản phẩm của mình.
 
Bkav, mà đầu tiên là CEO Nguyễn Tử Quảng, có khát vọng – thậm chí là tham vọng cũng chẳng sao – và đam mê của mình. Đã là dân công nghệ thì dễ đam mê “khùng” mà còn làm kinh doanh nữa thì thêm đam mê “điên”. Nhưng không có những người “khùng điên” như vậy thì làm sao chúng ta có được những sản phẩm mới lạ, khác biệt và làm sao cuộc đời có thể đa dạng màu mè hoa lá cành.
 
Bkav đã không chọn cho mình con đường rộng mà hầu hết các đối thử đang đi là chọn những mẫu mã sản phẩm tham chiếu hay những mẫu có sẵn của các hãng chuyên gia công để về mông má lại, chỉnh sửa, thêm thắt chút đỉnh rồi in cái logo lên thành sản phẩm của mình. Người làm việc bài bản hơn thì mua mọi thứ có sẵn về lắp ráp lại thành sản phẩm hoàn chỉnh. Người ăn xổi ở thì chỉ việc chọn mua các sản phẩm gần như hoàn chỉnh về in cái logo của mình lên.
 
Làm theo kiểu Bkav thì phải đầu tư nhiều tiền của và công sức, nhiều mạo hiểm hơn và giá thành đắt dẫn tới khó bán, khó thu hồi vốn. Làm theo cách của thiên hạ thì không cần đầu tư nhiều, rẻ tiền hơn, có sản phẩm nhanh hơn và “quen nhìn” hơn nên dễ bán và có lời ngay trong vòng 2 nốt nhạc.

Cái tôi tiếc cho Bkav là họ sản xuất Bphone ngay tại Việt Nam – một nơi mà các thứ đố kỵ, ganh tị, định kiến, tự đại, tự ti luôn chất ngất. Ở đây, 10 người khởi nghiệp thì họa may có 1 người trụ được, có những sản phẩm bị chính đồng hương của mình hả hê bóp chết ngay từ trong trứng nước. Tôi mà như Mr. Q. là tôi chọn một xứ nào đó – Mỹ là một “Made in…” quá tốt, rồi Taiwan, cùng lắm thì Cambodia hay Lào, làm nơi hạ sinh cho Bphone để lấy xuất xứ ở đó rồi gia công búa xua thành sản phẩm hoàn chỉnh đem bán khắp thiên hạ. Ta có thể in xuất xứ lên lưng sản phẩm như vầy “Designed by Bkav Vietnam in (USA hay Taiwan). Assembling in Vietnam hay Myanmar.” Ghét ghê vậy đó!