Trong vài năm gần đây, sử dụng dịch vụ truyền hình có trả phí (truyền hình cáp, vệ tinh…) đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng chất lượng hình ảnh của từng công nghệ có khác nhau. Nếu được tư vấn tốt, người tiêu dùng sẽ được dùng hàng có chất lượng. Còn nếu… thì “tiền mất tật mang” với những người có thu nhập thấp.

" />
Thứ Tư ngày 18 tháng 9 năm 2024

Tech MediaOnline

Truyền hình trả tiền chọn công nghệ nào?

August 20
00:00 2010

Nhiều công nghệ để lựa chọn
Truyền hình cáp (Community Access Television – CATV) là phương thức truyền hình theo công nghệ analog và cả kỹ thuật số thiết lập trên cơ sở hệ thống thiết bị truyền dẫn cố định bằng cáp. Nhà cung cấp truyền hình cáp trang bị hệ thống chuyên dụng để cùng một lúc nhận tín hiệu của nhiều hãng truyền hình trong nước và khắp nơi trên thế giới nhờ các vệ tinh, sau đó khuếch đại những tín hiệu thu được và phân phối đến từng hộ khách hàng thông qua cáp đồng trục hoặc cáp quang. Công nghệ này có ưu điểm là dải tần số lớn, đủ để đáp ứng số lượng kênh lớn, chia sẻ một đường cáp cho nhiều tivi trong nhà với khả năng hiệu chỉnh từng kênh độc lập cho mỗi tivi; vì tín hiệu được truyền trong cáp quang và cáp đồng trục nên giảm thiểu được sự ảnh hưởng của thời tiết lên chất lượng tín hiệu; không bị ảnh hưởng vì địa hình, tạo nét mỹ quan cho các đô thị vì không sử dụng anten. Vì băng thông rộng nên trên sợi cáp có thể tích hợp các dịch vụ cộng thêm như: thoại, Internet, video theo yêu cầu,… Nhưng công nghệ này cũng có những nhược điểm như: được phát triển từ những năm 1950, triển khai mạng truyền hình cáp hữu tuyến tốn rất nhiều chi phí, thời gian và công sức; khó thể triển khai cho vùng nông thôn và miền núi, sử dụng công nghệ analog nên chất lượng vẫn còn kém hơn so với truyền hình kỹ thuật số, hay gặp sự cố đứt cáp đường truyền, dẫn đến mất tín hiệu và buộc phải nhờ đến nhà cung cấp dịch vụ có chức năng mới xử lý được.

Truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DVB-T – Digital Video Broadcasting – Terrestrial) là truyền hình chất lượng cao nhờ công nghệ chuyển đổi từ tín hiệu analog sang digital được phát sóng ra từ các trạm chuyên dụng đặt nhiều nơi của nhà cung cấp dịch vụ truyền hình. Hiện nay, có ba tiêu chuẩn về truyền hình số mặt đất: ATSC, DVB-T và ISDB-T. Công nghệ truyền dẫn này có những ưu điểm: dễ dàng phủ sóng hình ảnh sắc nét, có chiều sâu, loại bỏ hiện tượng nhiễu, bóng ma, tia sóng phản xạ,…; cùng một kênh có thể phát được nhiều chương trình; có thể dùng máy tính có thể xem công nghệ này trên máy tính thông qua card gắn bên trong hay loại box USB ngoài. Nhược điểm của công nghệ này cũng khá “phong phú”: mua đầu thu kỹ thuật số và anten bắt sóng chuyên dụng; phụ thuộc nhiều vào địa hình; vùng phủ sóng còn hạn chế, phải đặt anten hướng về đài phát và trên hướng đó phải không bị nhiều vật cản; trên thị trường có quá nhiều loại set-top-box, mã hóa tùy chỉnh khác nhau,… làm khó cho người sử dụng; mỗi set-top-box chỉ dành cho một tivi, nếu chia sẻ ra nhiều tivi thì tất cả tivi phải xem cùng một đài khi chuyển kênh.

Truyền hình kỹ thuật số vệ tinh (DTH – Direct To Home) là công nghệ cho phép truyền tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh đến thẳng thiết bị đầu cuối của người dùng. Để sử dụng công nghệ này, cần dùng chảo ăngten để thu tín hiệu và đầu thu để giải mã tín hiệu từ vệ tinh. Truyền hình vệ tinh có vùng phủ sóng rộng, không phụ thuộc vào địa hình, giải quyết tốt bài toán phủ sóng cho nông thôn và miền núi; chất lượng thu sóng ổn định và đồng đều trên toàn quốc nên hình ảnh, âm thanh có chất lượng tốt; DTH chỉ cần anten có đường kính 0,6m trở lên. Có thể truyền dẫn nhiều chương trình truyền hình độ phân giải cao trên cùng một bộ tách sóng, ngay cả hệ thống âm thanh stereo hay âm thanh lập thể AC3… Nhược điểm của công nghệ này không ít: chất lượng tín hiệu sẽ giảm (hình bị dừng, ảnh bị vỡ,…) khi có mưa bão; mỗi set-top-box chỉ xem được cho một tivi, nếu chia sẻ ra nhiều tivi thì tất cả tivi phải xem cùng một đài khi chuyển kênh.

Truyền hình kỹ thuật số Internet (IPTV – Internet Protocol Television) là công nghệ truyền hình sử dụng mạng Internet băng rộng. Người sử dụng có thể dùng máy tính (để bàn hoặc xách tay) hay TV kết hợp với set-top-box để sử dụng dịch vụ IPTV.
Ngoài các kênh truyền hình theo chuẩn SD, IPTV còn cung cấp các kênh truyền hình có chất lượng hình ảnh và âm thanh theo chuẩn HD. IPTV có phần mềm khóa các chương trình có nội dung không phù hợp với trẻ em, hướng dẫn chương trình điện tử giúp tìm kiếm thể loại, xem lịch phát sóng, ghi và lưu trữ các chương trình truyền hình, sau đó mở ra xem lại bất cứ khi nào vì có sẵn phần mềm và ổ cứng. Dịch vụ IPTV còn có gói truyền hình theo yêu cầu (TV on Demand) giúp người dùng lựa chọn và xem lại các chương trình truyền hình, phim ảnh, ca nhạc, thể thao, tin tức, karaoke,… đã phát trước đó hoặc có sẵn trong tài nguyên hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ bất cứ lúc nào.
Nhưng công nghệ truyền hình IPTV cũng có nhiều nhược điểm: phụ thuộc vào tốc độ và độ ổn định của đường truyền Internet, mà tại VN đây là một vấn đề đau đầu cho nhà mạng và người tiêu dùng. Vì tốc độ không ổn định, băng thông bị “lấn” mà chương trình thường xuyên bị treo.

Công nghệ nào “ngon” hơn?
Trong nhiều công nghệ đang có mặt tại Việt Nam, theo giới kỹ thuật, truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh đang là đối thủ của nhau. Truyền hình kỹ thuật số mặt đất đang trên đường “suy vong”. Còn IPTV mới bắt đầu, chưa hứa hẹn điều gì tốt đẹp.
Với phương tiện truyền dẫn là cáp, truyền hình cáp có số lượng kênh khoảng từ 70 đến 100 kênh (kể cả analog và kỹ thuật số) nên các nhà cung cấp dịch vụ VCTV (Truyền hình cáp Việt Nam), HTVC (Truyền hình cáp TP.HCM), VTC (Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam), SCTV (liên doanh giữa Saigontourist và VTV) và HCTV (Truyền hình cáp Hà Nội) có số lượng người dùng lớn nhất, nhất là các đô thị lớn. Ngoài các gói SD, các nhà cung cấp dịch vụ còn có các gói HD. Hiện đã có 3 nhà đài cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hữu tuyến độ nét cao HD (High Definition) là HTVC, VTC và SCTV. Việc cho ra đời các chương truyền hình chuẩn HD là sự phát triển tất yếu đáp ứng nhu cầu thưởng thức truyền hình ngày càng cao của người tiêu dùng. Với các chương trình HDTV, số điểm ảnh hiển thị giờ đây được tăng lên rất nhiều lần, do đó các màn hình LCD và Plasma chuẩn HD 720p hay Full HD 1080p có kích thước lớn sẽ phát huy được tính năng và thế mạnh vốn có của nó, mang đến những hình ảnh có chất lượng cao, âm thanh trung thực
hơn. Điểm yếu của truyền hình cáp là do nén quá nhiều kênh nên chất lượng hình ảnh (nhất là các gói SD) chưa thể sánh bằng khi xem trên các thiết bị phát như đầu DVD. Ngoài ra, vì phát trên cáp nên khi điểm phát bị cắt điện, các thuê bao trong khu vực đó bị cắt. Bên cạnh đó, một số kênh nước ngoài vẫn chưa cập nhật phụ đề hoàn toàn làm người dùng chỉ xem hình đoán nội dung hoặc bị bỏ qua.
Truyền hình kỹ thuật số mặt đất đã có cách đây gần 10 năm, được các đài truyền hình BTV, HTV, VTC,… phát sóng miễn phí (chỉ cần mua đầu giải mã với giá khoảng 2 triệu đồng), số lượng và nội dung kênh hay hơn các chương trình truyền hình cộng đồng nên lúc đó, dịch vụ này được mọi người trông đợi khá nhiều. Nhưng khi có sự cạnh tranh của truyền hình cáp, vệ tinh, truyền hình kỹ thuật số mặt đất đã bị bỏ quên do chúng không thu lại lợi nhuận. Từ đó, công nghệ này không được đầu tư đúng mức, số lượng kênh ít…, truyền hình kỹ thuật số mặt đất đang dần dần bị “lép vế” so với truyền hình kỹ thuật số vệ tinh. Với số kênh ngày càng bị cắt giảm (còn khoảng hơn 20 kênh hoạt động tốt), đa phần còn sót lại là những kênh có nội dung không mấy gì hấp dẫn, khó bắt sóng và nhà đài “khóa” các set-top box đời cũ (hay không phải là loại hàng chính hãng) đã làm cho nhiều người quay lưng với truyền hình KTS mặt đất mặc dù chúng vẫn miễn phí. Hiện nay chỉ còn BTV và VTC là có bán các thiết bị này nhưng không còn ai mua.
Truyền hình kỹ thuật số vệ tinh là “đối thủ” của truyền hình cáp. Thế mạnh của công nghệ này là không bị giới hạn về không gian, kỹ thuật lắp đặt và số lượng kênh. Hiện nay, có 3 nhà cung cấp dịch vụ là VTV, VTC và VSTV (thương hiệu K+) với số lượng kênh từ 32 đến 70 kênh, trong đó được chia thành nhiều gói với hai nhóm kênh SD và HD. Nhược điểm của truyền hình vệ tinh là do thời tiết và không thể chia sẻ nhiều tivi tự động xem các kênh khác nhau. Nhưng bù lại, công nghệ này có nhiều lựa chọn về chuẩn hình ảnh, nội dung kênh,… Ngoài việc chạy đua về số lượng và chất lượng kênh truyền hình, các nhà cung cấp của công nghệ này còn chạy đua trong việc mua bản quyền của một số kênh “hot” trên thế giới. Cụ thể là vụ việc K+ với chuyện độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh và Ý đang là vấn đề được dư luận quan tâm và Bộ Thông tin – Truyền thông phải can thiệp.
Truyền hình kỹ thuật số IPTV đang được các nhà cung cấp dịch vụ quan tâm. Mỗi nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Internet đều đặt tên riêng cho đứa con của mình, VNPT gọi là MyTV, FPT gọi là iTV, VNPT & VTC gọi là SaigonTV,… Nhưng hiện nay, với số lượng kênh còn ít và nội dung (bắt được khoảng 30 kênh ổn định dù được thông báo là 60 kênh), nội dung lặp đi lặp lại cùng hạn chế thường xuyên rớt mạng là những thứ mà khách hàng thường gặp khi sử dụng dịch vụ truyền hình Internet này. Bên cạnh đó, vấn đề tiền thuê bao hàng tháng còn cao (50.000 – 150.000 đồng), hỗ trợ kỹ thuật chậm chạp, thường gặp trục trặc với modem, nghẽn băng thông. Để sử dụng được dịch vụ này, mặc dù được các nhà cung cấp giảm cước và các khoản chi phí khác nhưng giá dịch vụ vẫn còn cao hơn các công nghệ khác từ 10 – 30%, chưa kể phải trả thêm tiền cho những dịch vụ khác. Theo FPT, giá thiết bị giải mã là 1,4 triệu đồng, còn cước thuê bao tháng là 80.000đ/tháng. Dù là công nghệ có nhiều tiện lợi nhưng IPTV vẫn cần phải điều chỉnh nhiều nếu muốn cạnh tranh với các dịch vụ truyền hình khác.
Với những thế mạnh yếu khác nhau, mỗi công nghệ truyền hình phù hợp với điều kiện sống, sở thích của người tiêu dùng mà lựa chọn. Vì đặc thù công nghệ, khi lựa chọn công nghệ nào, cần phải trung thành vì có những ràng buộc nhất định.

Phương Lê – Hoàng Vy – Minh Trân

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới