Chọn máy tính cho năm học mới
Xu hướng: chọn máy tính xách tay
Chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng theo thông tin từ các hệ thống bán lẻ, gần 70% khách hàng mua MTXT trong vài năm gần đây là sinh viên, học sinh! Xét về giá cả, chiếc MTXT có sức mạnh tương đương máy để bàn có giá cao gần gấp đôi. Nhưng việc học sinh – sinh viên chọn MTXT ngày càng phổ biến có nhiều lý do. Với sinh viên, đó là thường xuyên dời chỗ trọ. Hệ thống Wi-Fi tại các trường đại học đã được phổ cập, bất kỳ mọi lúc, mọi nơi đều có thể dễ dàng truy cập Internet. Giải trí cơ động và riêng tư. Trong khi đó, bộ máy tính để bàn cồng kềnh, chiếm mặt bằng vốn rất eo hẹp của phòng trọ, không thể di chuyển, không thể lướt Web “mọi lúc, mọi nơi” cho dù giá rẻ hơn khá nhiều.
Dù sức mua của nhóm hàng MTXT cho tới nay không được như mong đợi của các nhà sản xuất và bán lẻ, nhưng trên thị trường, nhóm hàng này được đánh giá là phong phú về cấu hình, thiết kế, có nhiều thương hiệu nổi tiếng mới và cũ chính thức góp mặt trên thị trường. Điểm nổi bật của thị trường MTXT là giá ngày càng rẻ. Nếu tính bằng đơn vị là đồng USD, giá bình quân của MTXT hiện nay đã ở mức 350 USD/chiếc. Nhưng vì thị trường tỷ giá tăng mạnh, quy ra đồng tiền Việt Nam, giá MTXT vẫn chưa thấp như mong đợi của người tiêu dùng. Nhưng cho dù thế nào, dòng MTXT vẫn đang trên đà “đè bẹp” máy tính để bàn tại thị trường Việt Nam. Không ít ý kiến của giới kinh doanh máy tính nói chung cho rằng, có thể vài năm nữa, tỷ lệ MTXT sẽ vượt qua máy tính để bàn. Còn hiện nay, tỷ lệ đó là 4 – 6.
Nhu cầu thấp – chọn máy rẻ
Có thể thấy, “khó khăn” lớn nhất của sinh viên khi lựa chọn MTXT là số tiền được phép chi. Với những sinh viên ở tỉnh về TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,… trọ học, vì còn nhiều khoản phải lo, ngân sách để mua máy tính thường dao động từ 6 – 8 triệu đồng. Trừ trường hợp những sinh viên có nhu cầu sử dụng máy tính có cấu hình mạnh như các ngành: kiến trúc, mỹ thuật, công nghệ thông tin,… mới dám bỏ ra từ 12 – 20 triệu đồng để mua MTXT.
Những mẫu MTXT có mức giá từ 8 – 12 triệu đồng là phân khúc đang được sinh viên lựa chọn. Công việc họ cần máy tính xử lý chủ yếu là: gõ văn bản, soạn đề án, bảng tính, chat, duyệt Web, lập trình cơ bản, xem phim, nghe nhạc, chơi vài game online nhẹ nhàng,… Không chỉ cải thiện về giá mà cấu hình của chiếc MTXT đang được các nhà sản xuất, bán lẻ chú ý để phục vụ nhóm đối tượng sử dụng là sinh viên, học sinh. Nếu hay di chuyển, sử dụng trên giảng đường, nên nghĩ đến một chiếc Netbook có màn hình 9 – 10 inch. Nhóm hàng này thường chỉ phù hợp với nữ. Còn với nam, thường sử dụng những chiếc máy tính có kích cỡ từ 12 – 14 inch, tích hợp ổ quang DVD/RW. Để tiết kiệm tiền, nếu sử dụng những ứng dụng bình thường, chỉ nên chọn mua loại chạy CPU Intel Dual Core hoặc Core 2 Duo, RAM 1GB, dung lượng ổ cứng HDD 120GB, kết nối Wi-Fi a/b/g/n, Webcam tích hợp, đồ họa onboard, dung lượng hoạt động của pin phải chạy được hơn 3 giờ,… Nếu khá hơn, nên chọn bộ xử lý Intel Core i3 trở lên để không phải lạc hậu về công nghệ, cũng như giá loại này đang hạ khá nhanh. Nếu “ngân sách” eo hẹp, chọn bộ xử lý AMD hoặc một chiếc MTXT “second hand” có cấu hình Intel Core 2 Duo vẫn đáp ứng tốt cho công việc học tập và giải trí. Chú ý, khi mua máy cũ, chỉ mua ở nới thật đáng tin cậy.
Chuyên ngành – tùy theo công việc
Nếu là sinh viên các trường mỹ thuật, xây dựng hay lập trình “hạng nặng” đòi hỏi sử dụng nhiều đến các phần mềm đồ họa cao cấp, bạn không nên mua những chiếc laptop có cấu hình thấp, không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu xử lý dựng hình đồ họa 3D hay chạy các phần mềm lập trình “khủng”. Dòng chip mạnh mẽ đang được ưa chuộng hiện nay là Intel Core i5 trở lên (theo nhiều người, các dòng CPU của Intel có ưu thế về tính tương thích cao đối với các phần mềm chuyên ngành). Nếu ít tiền, có thể lựa chọn các bộ xử lý cũ hơn, nhưng có tốc độ xử lý cao (như Intel P8800,…). Bộ nhớ RAM trung bình khoảng 2GB trở lên (tốc độ bus càng cao càng tốt), ổ cứng HDD từ 250GB. Tốc độ vòng quay của ổ cứng cũng khá quan trọng, nên chọn tốc độ vòng quay ổ cứng loại 7200rpm. Bên cạnh đó là việc chọn máy có card đồ họa rời ATI hay NVIDIA, có bộ nhớ đồ họa độc lập 256MB trở lên (không tính phần share từ bộ nhớ chính), màn hình có thể chọn loại 14 đến 17 inch giúp việc quan sát hình ảnh được thoải mái và rõ nét.
Nếu năng lực tài chính dồi dào, có thể chọn những dòng MTXT MacBook thế hệ mới của Apple (trừ dòng MacBook Air có cấu hình không mạnh) hay dòng AlienWare, vì đây là những loại máy được đánh giá cao về khả năng xử lý đồ họa, dựng hình 3D cũng như nhập/xuất hình ảnh số khá chuẩn xác.
Chọn máy tính để bàn
Nếu không có nhu cầu di chuyển nhiều, một chiếc máy tính để bàn có cấu hình mạnh mẽ, giá rẻ, chạy ổn định bao giờ cũng đáp ứng tốt hơn nhu cầu về tốc độ và khả năng xử lý đồ họa, lập trình cao cấp cho nhóm sinh viên chuyên ngành. Hiện nay, vì mức độ cạnh tranh gay gắt từ MTXT nên nhóm sản phẩm máy tính để bàn cũng rẻ hơn, có nhiều lựa chọn hơn.
Sinh viên các ngành công nghệ thường mua máy tính để bàn theo dạng tự chọn linh kiện về lắp ráp. Cách này đòi hỏi người mua phải có kiến thức cơ bản về máy tính để chọn cấu hình linh kiện sao cho phù hợp và tương thích tốt nhất. Ưu điểm của cách này là dễ dàng tùy biến cấu hình theo nhu cầu. Nếu thích nghe nhạc, chọn loại có card sound chuyên dụng (Creative X-Fi). Nếu thích giải trí với game chọn thêm card đồ họa rời hỗ trợ 3D. Chưa kể, được quyền chọn mainboard, ổ DVD/RW, bàn phím chuột, Webcam, loa,… theo thương hiệu nổi tiếng mà mình thích, cũng như tùy thuộc túi tiền mà lựa chọn dung lượng bộ nhớ RAM, ổ cứng,…
Trong trường hợp không rành về máy tính hoặc không tự tin, bạn buộc lòng phải chọn máy tính đã được lắp ráp sẵn. Hiện nay, nhóm sản phẩm này có hai loại: do các cửa hàng hoặc các công ty Việt Nam lắp ráp và nhóm sản phẩm do các nhà sản xuất nước ngoài sản xuất. Ưu điểm của các bộ máy do cửa hàng hoặc doanh nghiệp Việt Nam lắp ráp là có giá rẻ, nhưng mẫu mã xấu, chất lượng thấp và kém ổn định (ngoại trừ máy bộ của các công ty, cử
a hàng có tên tuổi). Còn nhóm sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như: Dell, Acer, HP,… có độ ổn định cao hơn, nhưng giá cao ít nhất là gấp 1,5 lần so với máy tính bộ trong nước.
Nhược điểm của các dòng máy lắp ráp sẵn, không phân biệt trong nước hay nước ngoài là có ít cấu hình để lựa chọn, việc nâng cấp cũng tương đối khó khăn, vì đa phần vỏ máy của chúng được thiết kế khá đặc biệt, linh kiện nâng cấp cũng phải tương thích tốt với mainboard.
Chọn linh kiện lắp ráp máy tính để bàn
Nếu chọn linh kiện, nên chọn linh kiện của các hãng quen thuộc vì dễ thay thế khi gặp trục trặc. Nên nhớ rằng, tốc độ của máy tính để bàn được quyết định bởi sự đồng bộ của các linh kiện, đừng lầm tưởng tốc độ CPU sẽ quyết định tất cả. Sau CPU, linh kiện được xem xét kỹ là mainboard, nên chọn mainboard có chất lượng ổn định, có khả năng mở rộng thêm cho các thiết bị sau này. Với CPU Intel Core 2 Duo (hoặc dòng AMD 2 nhân), bộ nhớ RAM tối thiểu 2GB, ổ cứng 320GB trở lên, ổ DVD-RW, card màn hình và sound onboard (cũng có thể gắn card màn hình và sound card rời nếu nhu cầu chơi game và nghe nhạc nhiều), chọn màn hình LCD 17 inch và chọn mua thêm một bộ loa 2.1 – 5.1 (Creative, Altec Lansing, Logitech,…), giá thành khoảng 6 – 9 triệu đồng.
Nếu là sinh viên ngành kỹ thuật, nên ưu tiên chọn CPU. Có thể chọn bộ xử lý Intel Core 2 Duo tốc độ cao (E7500, E8400,…) hoặc là Intel Quad Core (Q8300, Q9400,…). Nếu có nhiều tiền, nên chọn CPU intel Core i5 hoặc Core i7. Nên chọn mainboard có tên tuổi như: ASUS, Gigabyte, MSI,… nhằm đảm bảo hiệu năng của băng thông luôn ổn định giữa các thành phần trong máy. Đã là máy tính cao cấp, nên trang bị card đồ họa chuyên dụng của NVIDIA, ATI để “render” hình ảnh khi làm đồ họa được nhanh và chính xác hơn.
Ngân Phượng – Phương Danh – Thái Minh