Những điều cần lưu ý khi bạn mua linh kiện tự ráp một chiếc PC
Bạn cần lưu ý: Máy PC nguyên bộ được nhà sản xuất bảo hành trọn bộ. Còn máy tính tự ráp thì việc bảo hành dựa theo từng linh kiện và do hãng sản xuất (hay nơi bán) linh kiện đó chịu trách nhiệm. Vì thế, bạn cần chú ý lưu giữ cẩn thận các phiếu bảo hành cho từng linh kiện.
Bất luận được lắp ráp cho mục đích sử dụng gì, một chiếc Desktop PC đều phải bao gồm những thành phần chính: CPU, motherboard, RAM, HDD, card đồ họa (có thể dùng loại tích hợp sẵn), ổ đĩa quang (cũng có thể tùy chọn), bộ nguồn PSU và thùng máy (case).
Motherboard chính là trung tâm điều khiển của PC, nơi mà hầu hết các chip và linh kiện được gắn vào đó và hoạt động cùng nhau. Khi mua motherboard, bạn cần biết chắc sẽ dùng cho loại CPU nào, loại bộ nhớ nào, cũng như cần bao nhiêu khe cắm mở rộng và cổng I/O.
Các linh kiện, đặc biệt là các món không có hộp, đều được đựng trong những chiếc túi nhựa chống tĩnh điện (antistatic). Bạn phải giữ chúng trong bao bì cho tới khi lắp vào hệ thống. Tình trạng bị sốc tĩnh điện (static shock) có thể làm hỏng các linh kiện hay khiến chúng chạy chập chờn. Đây chính là lý do mà trước khi trực tiếp chạm tay vào các linh kiện, bạn phải được khử tĩnh điện (bằng cách chạm tay vào một vật kim loại, như thùng máy tính, hay chuyên nghiệp hơn là đeo một chiếc vòng cổ tay khử tĩnh điện, antistatic wrist strap).
Thành phần quan trọng số 2 của một PC là bộ vi xử lý CPU, bộ não của PC. Tùy nhu cầu làm việc và khả năng tài chính mà bạn chọn cho mình một CPU thích hợp. Ở đây, có lẽ bạn cần phải nhờ tới tư vấn hay tham khảo kỹ các thông số kỹ thuật của từng loại CPU. Mặc dù cùng một dòng và một tốc độ, nhưng CPU vẫn có những loại khác nhau. Với những PC cần phải xử lý các tác vụ nặng nề, như video, đồ họa, bạn cần các CPU có tốc độ càng cao càng tốt, có số nhân xử lý càng nhiều càng tốt, dung lượng bộ nhớ Cache càng lớn càng tốt.
Số 3 là bộ nhớ RAM. Đây chính là nơi để chứa các dữ liệu phục vụ cho việc xử lý của hệ thống. Bộ nhớ nhiều, tốc độ cao, băng thông rộng sẽ giúp cải thiện rõ rệt sức mạnh của hệ thống. Hiện nay, các hệ thống mạnh và đời mới sử dụng loại RAM mạnh nhất là DDR3. Nhưng vẫn còn được sử dụng nhiều nhất là DDR2. Với các CPU thế hệ mới như Intel Core i Series, bạn phải chọn DDR3. Nên sử dụng công nghệ bộ nhớ kênh đôi Dual Channel (với DDR2, DDR3) hay kênh ba Triple Channel (DDR3) để có băng thông cao nhất. Trong khi Intel đã tung ra các chipset hỗ trợ DDR3 từ lâu, AMD mới hỗ trợ thế hệ bộ nhớ này từ dòng chipset 800 Series với CPU Socket AM3. Bạn lưu ý là mặc dù PC có càng nhiều bộ nhớ càng tốt, nhưng nó còn tùy thuộc vào sự hỗ trợ của hệ điều hành: các hệ điều hành 32-bit chỉ hỗ trợ tối đa 3GB RAM (gắn nhiều quá thì vừa vô tác dụng, vừa lãng phí). Nếu muốn sử dụng hơn 3GB RAM, bạn phải chạy hệ điều hành 64-bit.
Kế tới là hệ thống xử lý đồ họa. Các thế hệ CPU mới có khả năng xử lý tác vụ một cách toàn diện, nên việc đầu tư vào một CPU mạnh mẽ là điều bạn cần nghĩ tới đầu tiên khi muốn tăng cường khả năng xử lý đồ họa của PC. Với cùng một card đồ họa, sức mạnh xử lý đồ họa chung của hệ thống sẽ khác nhau tùy theo sức mạnh của CPU. Các bộ xử lý đồ họa GPU có chức năng thực hiện các tác vụ chuyên biệt và nặng nề về đồ họa như: video, xử lý đồ họa, chơi game 3D (game PC chứ không phải game online),… Chẳng hạn như GPU NVIDIA QUADRO FX 3800 sẽ giúp khai thác công nghệ Mercury Playback Engine của bộ công cụ phần mềm Adobe Premiere CS5. Nhờ có GPU mạnh mà một số tác vụ render sẽ được chuyển từ CPU sang cho GPU xử lý giúp cho quá trình xử lý các hiệu ứng thời gian thật và thời gian xuất ra nhanh hơn, chất lượng cao hơn. Hiện nay, với thế hệ CPU Core i Series, Intel đã tích hợp GPU trực tiếp vào nhân xử lý (thay vì ở trong bộ chipset trên motherboard), giúp tăng sức mạnh xử lý đồ họa cho công nghệ đồ họa tích hợp. Nhưng bất luận thế nào, cho tới nay, đồ họa tích hợp vẫn không thể mạnh bằng đồ họa độc lập. Vì thế, với một PC cho nhu cầu multimedia, bạn phải đầu tư một card đồ họa rời. Việc chọn GPU của NVIDIA hay ATI nói chung là tùy theo ý thích của từng người. Cái cần quan tâm hơn cả là sức mạnh và công nghệ mà từng card đồ họa hỗ trợ. Nếu trong cùng một dòng, như Series 8, Series 9, card có tốc độ cao hơn sẽ mạnh hơn. Nếu cùng dung lượng bộ nhớ, loại có tốc độ cao hơn, bus lớn hơn sẽ mạnh hơn. Do khác biệt về công nghệ mà đặc tính của hai gia đình GPU NVIDIA và ATI có khác nhau. Theo nhiều người dùng, GPU NVIDIA thiên về các tông màu lạnh và xử lý game tốt nên được các gamer chuộng hơn; còn GPU ATI thiên về màu tươi sáng và cho hình ảnh sắc nét nên được giới đồ họa và video khoái hơn.
Thành phần số 5 là thiết bị lưu trữ. Hiện nay, phổ biến là ổ đĩa cứng HDD giao diện SATA-2. Số lượng HDD tùy theo nhu cầu lưu trữ và khả năng hỗ trợ của motherboard (số đầu cắm SATA). Hiện nay, dung lượng HDD đã lên tới 2TB (2.000GB) và sẽ còn tăng lên. Bạn nên mua HDD có dung lượng từ 320GB trở lên. Nếu có khả năng tài chính, bạn gắn 1 HDD 250GB để chạy hệ điều hành và 1 HDD dung lượng lớn để lưu trữ dữ liệu.
PC cần có một ổ đĩa quang hỗ trợ đĩa DVD. Phổ biến nhất hiện nay là ổ ghi DVD Writer. Tất nhiên, nếu có nhu cầu xem video Full HD 1080p, bạn có thể đầu tư một ổ Blu-ray disc/DVD Combo. Giá một ổ đĩa Combo có khả năng ghi đĩa Blu-ray disc hiện trên dưới 200 USD, trong khi một ổ ghi DVD chỉ khoảng 30 USD. Không nên chọn ổ đĩa quang giao diện cũ IDE/PATA, mà nên dùng giao tiếp SATA có tốc độ nhanh hơn và hỗ trợ nhiều công nghệ mới hơn.
Bộ nguồn PSU chính là trái tim bảo đảm nguồn năng lượng cho cả hệ thống. Việc đầu tư một PSU chất lượng cao là rất quan trọng vì nó không chỉ giúp các thành phần khác hoạt động ổn định mà còn giúp kéo dài tuổi thọ cho chúng. Tối thiểu phải tậu một PSU có công suất thật từ 500W. Các card đồ họa cao cấp đòi hỏi PSU hệ thống phải từ 650W trở lên. Lời khuyên: đừng tiếc tiền đầu tư cho một PSU tốt (về chất lượng và công suất).
Thùng máy (case) được mua tùy theo kích thước của hệ thống mà b
ạn cần có. Thùng máy phải chắc chắn, có thiết kế thông thoáng. Tốt nhất là chọn loại gắn các linh kiện bằng chốt gài thay vì ốc vít.
Digimama