… vào cuối năm 2009, khi Intel giới thiệu dòng xử lý Core i, không chỉ dành cho máy tính để bàn mà còn dành cho dòng MTXT. Để trải nghiệm thực tế những sản phẩm mới, thay vì dùng máy tính để bàn như trước đây thì nay người tiêu dùng có quyền trải nghiệm trên MTXT…

" />
Thứ Sáu ngày 11 tháng 10 năm 2024

Tech MediaOnline

Thị trường máy tính để bàn "đất" ngày càng hẹp nhưng vẫn sống được!

October 05
00:00 2010

1. Từ năm 2007, giới kinh doanh nhóm sản phẩm máy tính để bàn đã nhìn ra tương lai khá ảm đạm về nhóm hàng này. Nhà sản xuất linh kiện sẵn sàng cung cấp cho nhà sản xuất thành phẩm cuối cùng. Nhưng nhà sản xuất máy tính để bàn lại chuyển sang hướng kinh doanh khác: máy tính xách tay và các thiết bị di động, thay vì phải gắn bó với nhóm hàng ngày càng “tụt dốc”, dù chưa đến mức thảm hại.
Tuy lượng hàng tồn cao (do sức mua thấp), nhưng theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường, sức mua nhóm hàng máy tính nói chung của Việt Nam trong 2 quý đầu năm 2010 vẫn tăng trưởng so với năm 2009. Trong quý 2-2010, thị trường máy tính nói chung tại Việt Nam tăng 6,6% so với quý 1 và tăng 12% so với 2 quý đầu năm 2009. Trong 2 quý đầu năm, thị trường máy tính Việt Nam đã tiêu thụ gần 900.000 máy, trong đó quý 2 là 462.407 máy. Nhưng các chuyên gia phân tích thị trường của IDC cũng xác nhận rằng, dù số lượng có tăng, nhưng chủ yếu là tăng ở nhóm hàng máy tính xách tay, còn máy tính để bàn ngày càng giật lùi (theo khảo sát của IDC, quý 2-2010, máy tính để bàn giảm 5,4% so với quý trước – PV). Tình hình này, chủ yếu ở nhóm hàng máy tính để bàn ngày càng khó khăn hơn khi càng về cuối năm, sức mua nhóm sản phẩm này ngày càng giảm. Nếu có tăng trưởng, chỉ hy vọng vào những dự án nhà nước mua sắm tài sản công bằng nguồn ngân sách nhà nước.

2. Trong khi tỷ giá tăng mạnh (19.500đ/USD) và vàng tăng mạnh (29,5 triệu đồng/lượng), những mặt hàng nào chỉ cần giữ giá đã là giảm giá. Suy luận như vậy hoàn toàn hợp lý theo quy luật quy đổi giá trị tiền và hàng. Và vì hàng tồn còn khá lớn nên các nhà phân phối và các nhà bán lẻ, dù chưa tới mức bán đổ bán tháo nhưng cũng đã giảm giá. Nếu 3 năm trước, để có một chiếc máy tính để bàn với cấu hình Intel Core 2 Duo phải chi 7 – 8 triệu đồng, thì vào thời điểm này chỉ còn 3 – 4 triệu đồng. MTXT cũng vậy. Vào thời điểm năm 2007, khi chi 600 USD (gần 12 triệu đồng, tỷ giá hiện nay) mới mua được chiếc máy tính có cấu hình Celeron, thì nay với số tiền đó có thể mua được cấu hình Intel Core i3! Vì những lẽ đó, việc thị phần MTXT tăng mạnh, còn thị phần máy tính để bàn ngày càng “giảm dần đều” không lấy làm khó hiểu. Cũng từ nguồn nghiên cứu của IDC, dù sức mua chậm, nhưng thị trường của nhóm hàng MTXT vẫn đạt mức tăng trưởng cao – khoảng 38% so với cùng khoảng thời gian của năm trước với những tên tuổi quá cũ: Dell, Acer, Asus, Lenovo, HP, Sony, MSI,…

3. Không chỉ có sự khác biệt về giá mà máy tính để bàn đang bị sức ép từ MTXT về nhiều yếu tố: cấu hình, công nghệ tích hợp, thiết kế,…
Điều dễ nhận ra là kiểu dáng của MTXT liên tục thay đổi. Thay đổi về hình thức dễ nhận ra nhất là độ dày của máy. Từ những chiếc MTXT dày như quyển “tự điển tuyển tập” thì nay chiếc MTXT còn “mỏng như lá lúa”, nhỏ như quyển tập và nhẹ như “bông”. Vỏ bọc máy cũng có sự thay đổi đáng kể, không chỉ đảm bảo độ bền cho máy mà còn đẹp như thiết kế bằng hợp kim nhôm, vân chìm và thiết kế hoa văn trên nắp máy. Trong khi đó, chiếc máy tính để bàn chỉ có hai cuộc “cách mạng” nho nhỏ là có thêm dòng máy tính để bàn có thùng máy dạng mini để tiết kiệm không gian và phát triển thêm dòng máy tính để bàn “all in one”; nhưng cả hai dòng sản phẩm mới này không thể phát triển nhanh vì giá cao và khó tìm linh kiện thay thế khi máy có sự cố. Những dòng máy tính để bàn được thiết kế riêng cho giới game thủ lại có số người sử dụng hạn chế.
Dăm ba năm trước, khi nhà sản xuất CPU công bố dòng vi xử lý mới, chủ yếu là giới thiệu cho dòng máy tính để bàn trước, những sản phẩm cho laptop có độ trễ từ 6 tháng cho đến một năm. Nhưng từ cuối năm 2009 trở lại đây, độ trễ này đã được rút ngắn. Có những sản phẩm, độ trễ chỉ còn một tháng. Cụ thể, vào cuối năm 2009, khi Intel giới thiệu dòng xử lý Core i, không chỉ dành cho máy tính để bàn mà còn dành cho dòng MTXT. Để trải nghiệm thực tế những sản phẩm mới, thay vì dùng máy tính để bàn như trước đây thì nay người tiêu dùng có quyền trải nghiệm trên MTXT. Chưa kể dòng MTXT còn có những kết nối mới như cổng giao tiếp HDMI, hiển thị hình ảnh 3D,… Nghĩa là chiếc MTXT không hề thua kém máy tính để bàn về sức mạnh.

4. Máy tính để bàn ngày càng rẻ. Các nhà nhập khẩu khẳng định như vậy. Bằng chứng, trong hai năm nay (2009 và 2010), dù sức mua giảm, nhưng mức giảm đó được tính theo chỉ số tăng trưởng bình quân của nhóm hàng này trong năm. “Năm nay, mức tiêu thụ máy tính để bàn nguyên bộ thấp hơn năm ngoái, nhưng không vì thế mà bi quan. Lượng sản phẩm cung cấp thị trường vẫn còn cao hơn kế hoạch từng quý mà công ty đặt ra”, giám đốc sản phẩm của một nhà nhập khẩu máy tính nói như vậy.
Trên thực tế, nhiều nhà lắp ráp, sản xuất và cả nhập khẩu máy tính để bàn vẫn còn sống được, không chỉ nhờ người tiêu dùng đầu cuối, mà còn nhờ vào các dự án nhà nước, các chương trình liên kết với các tổ chức xã hội để phổ biến sản phẩm này ngày càng rộng hơn đến nhiều đối tượng trong xã hội. Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu máy tính các loại, cũ mới khác nhau. Trong đó, tỷ lệ máy tính để bàn vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo: 60%, còn MTXT khoảng 40%. Tỷ lệ này đã được rút ngắn nhanh hơn dự kiến, nhưng ông Đoàn Hồng Việt, Giám đốc DigiWorld nói rằng, ngay cả nhiều quốc gia lớn như Mỹ,… tỷ lệ máy tính để bàn vẫn còn cao hơn MTXT từ vài phần trăm cho đến 10%. “Khó mà san bằng được tỷ lệ giữa hai nhóm sản phẩm này. Thế mạnh của mỗi nhóm sản phẩm có khác nhau. Điều đó có nghĩa mỗi nhóm sẽ có khách hàng riêng. Không phải ai cũng di động để sắm MTXT”, ông Việt bình luận thêm.
Chưa có con số thống kê về lượng máy tính để bàn bán ra trong 8 tháng của năm nay, nhưng theo như nhận định của ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Kinh doanh của Intel khu vực Đông Dương: “Dù tốc độ tăng trưởng của năm sau có thể không bằng năm trước, nhưng nhóm máy tính để bàn vẫn còn “đất” để các nhà sản xuất và bán lẻ tại Việt Nam sống được”.

Thế Chân

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới