Giai đoạn 2005-2010 được đánh giá là thành công của dòng tivi LCD. Theo các chuyên gia và các nhà sản xuất hàng điện tử, năm 2011 sẽ là năm đánh dấu
sự khởi đầu của dòng tivi LED khi trên thị trường có hàng loạt các thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất tivi đã giới thiệu nhiều mẫu tivi LED với nhiều tính năng mới, và đặc biệt là giá mềm hơn. Công nghệ LED đang dần trở thành xu hướng công nghệ tất yếu của nhóm sản phẩm màn hình phẳng. Không chỉ xuất hiện ở những chiếc tivi mà công nghệ màn hình LED còn xuất hiện rộng rãi trong nhóm sản phẩm màn hình máy tính, laptop, điện thoại, máy tính bảng,…

" />
Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Tivi Led khởi đầu xu hướng tiêu dùng mới

May 05
00:00 2011

Tivi LED – nhiều ưu điểm
Tên gọi chung cho nhóm tivi có thiết kế mỏng là tivi LED, nhưng trong ngành công nghiệp điện tử, chúng vẫn được gọi là tivi LCD LED-lit. Thay vì sử dụng đèn huỳnh quang CCFL (cold cathode fluorescent lamp) như các dòng sản phẩm LCD truyền thống, ở tivi LED, các tấm nền được chiếu sáng bằng rất nhiều đèn LED nhỏ. Mỗi điểm LED (Light Emitting Diode) là một diode cực nhỏ, phát sáng do sự vận động của các electron bên trong môi trường bán dẫn. Để chiếu sáng toàn bộ màn hình, các đèn nền LED phải xếp tương ứng với ma trận điểm ảnh màu. Việc sắp xếp như vậy, cho phép điều chỉnh độ sáng chính xác đến từng điểm ảnh trên toàn bộ màn hình, mang lại sự tương phản tốt hơn và loại bỏ được hiện tượng lệch màu tại các góc màn hình. Ưu điểm của công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED là độ tương phản cao, màu sắc rực rỡ và tiết kiệm điện năng hơn 40%.
Không giống như màn hình Plasma và OLED sở hữu các điểm ảnh có thể tự phát sáng, màn hình LED sử dụng hệ thống đèn LED chiếu sáng nằm ngay dưới tấm nền (panel) hoặc ở bên các cạnh của tấm nền. Có hai kiểu bố trí đèn nền LED: gắn trực tiếp hoặc gắn xung quanh (phía sau) tấm panel. Lợi thế của việc gắn trực tiếp có thể điều chỉnh độ tương phản bằng cách cho một số đèn LED tắt giúp khả năng thể hiện màu đen sâu hơn. Còn với loại gắn xung quanh, lợi thế cho phép tạo ra những màn hình mỏng đến khó tin. Hiện nay, để đạt đến chất lượng hình ảnh tốt hơn, các nhà sản xuất áp dụng công nghệ kiểm soát tối mờ từng vùng, nhờ đó, tùy theo từng điểm, từng vùng sáng hay tối trên màn hình, hệ thống đèn LED sẽ điều chỉnh hoặc tắt sáng theo. Nhờ đó, màn hình LED cho độ tương phản cực cao và có màu đen gần như Plasma.
So sánh giữa các loại màn hình: LED, LCD và Plasma, lợi ích thực tế đầu tiên của tivi LED là giảm điện năng tiêu thụ một cách đáng kể. Trong đó, công nghệ LED còn tiêu thụ điện năng ít hơn cả nhờ vào việc sử dụng các đèn chiếu sáng nằm ở phía trên và dưới, bốn cạnh của màn hình cùng khả năng kiểm soát tối mờ cục bộ, cho phép giảm tối đa năng lượng cung cấp cho màn hình. Màn hình LED còn có giá trị thân thiện với môi trường bởi vì nó không chứa chất độc chì, không tia cực tím, không bức xạ tia hồng ngoại, phát nhiệt của ánh sánh thấp, không chứa thủy ngân và những chất có hại…
Những mẫu tivi LED đã có thể trình diễn chất lượng màu đen, góc nhìn rộng, độ tương phản của hình ảnh và các “pha” chuyển động nhanh đã trở nên mịn màng. Đây chính là một trong những ưu điểm của tivi LED. Ngoài ra, không thể phủ nhận các dòng tivi LED ổn định màu sắc theo thời gian hơn tivi LCD truyền thống. Theo lý thuyết, tivi LED có tuổi thọ cao hơn các dòng tivi Plasma và LCD.
Nhờ nâng cao độ tương phản, tần số quét hình, góc nhìn,… nên các dòng tivi LED sẽ là môi trường nền tảng cho công nghệ hình ảnh 3D phát triển. Hiện có rất nhiều tivi LED đang có mặt trên thị trường được tích hợp công nghệ 3D riêng của từng hãng như: Samsung có 3D HyperReal Engine, Toshiba có 3D Resolution+, LG có 3D-FPR,… Như vậy, với những ưu điểm từ chất lượng hình ảnh, kiểu dáng thiết kế, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, tuổi thọ cao, nhiều tính năng mở rộng độc đáo,… những chiếc tivi LED đang dần chiếm lĩnh thị trường, trở thành sản phẩm chiến lược của dòng sản phẩm tivi trên thị trường, chủ yếu là thị trường tại các đô thị lớn.

Công nghệ LED (Light-emitting Diod) lần đầu tiên được nhà khoa học Oleg Losev phát minh ra ở Nga vào năm 1920. Bóng đèn LED được giới thiệu thương mại hóa lần đầu tiên ở Mỹ năm 1962. Nick Holonyak Jr, được xem là cha đẻ của công nghệ đèn đa sắc LED, đã hợp tác cùng với M. Geogre Crawford ở Trường Đại học Illinois để hoàn thiện hết các màu sắc sẵn có của LED. Về mặt mỹ thuật, màn hình sử dụng công nghệ LED không cần dùng pannel kính nên khung viền màn hình được thiết kế mỏng hơn, giúp màn hình trở nên thanh thoát, dể sáng tạo.

Khởi đầu…
Từ khi Sony và Samsung chính thức đưa các mẫu tivi ứng dụng công nghệ màn hình LED ra thị trường với những ưu điểm vượt trội, công nghệ màn hình LED bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong công nghệ sản xuất màn hình tivi. (Cần nhớ rằng, Sony là hãng đầu tiên cho ra đời tivi LED chứ không phải Samsung, nhưng nhà sản xuất này không muốn gọi là tivi LED. Sau đó, Samsung, dù giới thiệu sau nhưng lại tiên phong dùng thuật ngữ tivi LED, đọc là “eo-i-đi”, và trở thành nhà sản xuất đầu tiên thương mại hóa tivi LED – PV). Xu hướng mới được bắt đầu từ năm 2009 khi hàng loạt các hãng như: Samsung, LG, Sony, Sharp, Panasonic,… bắt đầu quan tâm và sản xuất các dòng tivi LED thương mại trên thị trường. Nhưng thời điểm năm 2009 – 2010 chỉ là thời điểm “manh nha”, còn sau khi đã xác lập được chỗ đứng trên thị trường, các nhà sản xuất cho rằng, năm 2011 được ghi nhận là năm đầu tiên của thời kỳ tivi LED.
Giờ đây, không chỉ có các bóng đèn LED sắc trắng được dùng trong chiếu nền, các nhà sản xuất đã mở rộng vùng màu sắc cho ứng dụng đèn nền LED như: Sharp Quartron, LG Full LED Slim, Samsung Series 8/9,… Nhờ đó, mỗi điểm ảnh bao gồm các màu đỏ, lục, lam, vàng kết hợp với nhau để tạo ra hàng tỷ màu sắc trung thực khác nhau. Mỗi điểm ảnh hiển thị đầy đủ các màu cơ bản cần thiết, tái hiện lại toàn bộ màu trong dải, nên các thông tin màu sắc tương đương công nghệ Plasma.
Được biết, trong năm 2011, các hãng sản xuất tivi hàng đầu như: Sony, Samsung, Panasonic, Toshiba, LG,… liên tục cho ra đời các mẫu tivi LED với nhiều công nghệ cải tiến như: Edge LED, Intelligent Peak LED, Dynamic Edge LED,… cùng hàng loạt các tính năng tiện ích giải trí đa phương tiện kèm theo chiếc tivi LED. Một chiếc tivi LED hiện nay, ngoài khả năng mang tính chất “truyền thống” là xem các chương trình truyền hình, xem phim qua đầu đĩa, còn làm được nhiều công việc khác như: lướt Web, xem nội dung trên YouTube, chat trên Facebook, thực hiện các cuộc gọi video miễn phí qua dịch vụ Skype, trình chiếu phim HD trực tiếp từ USB, xem và mua nhạc/phim trực tuyến, sử dụng điện thoại để điều khiển tivi của bạn, nhập dữ liệu văn bản bằng bàn phím từ xa, tích hợp đầu thu kỹ thuật số, chia sẻ không dây các nội dung giải trí được lưu trữ trên các thiết bị tương thích như PC, laptop, máy chơi game,… từ bất kỳ nơi nào trong nhà thông qua công nghệ không dây DLNA.


Năm 2011 là thời điểm “tấn công” của Samsung về dòng tivi LED khi gọi tên nhóm sản phẩm này là “Smart TV”. Điểm nổi bật của tivi LED Samsung là chức năng Smart Hub kết hợp 5 tính năng mới là Web Browser – duyệt Web ngay trên TV, Search All – tìm kiếm nhanh thông tin và nội dung giải trí, Your Video – trung tâm phim ảnh, Samsung Apps – kho ứng dụng và Social TV – chat và cập nhật các mạng xã hội. Những dòng tivi LED từ Series 6 (D6600) đến Series 7 (D7000) và Series 8 (D8000) đều tích hợp những tính năng này. Hiện những sản phẩm tivi LED Smart TV của Samsung, với kích thước từ 32 inch – 60 inch đã được bán tại thị trường Việt Nam với giá dao động từ 16,2 triệu đồng đến 109,9 triệu đồng tùy theo kích thước.
Một số mẫu tivi LED cao cấp của Sony (NX800, LX900, HX925) còn tích hợp công nghệ cảm ứng hiện diện thông minh tương tác giữa sản phẩm với người sử dụng một cách độc đáo. Nó cảm nhận được trạng thái của người xem thể hiện qua nét mặt, góc nhìn, nhận dạng trẻ em, đưa ra cảnh báo về âm lượng và khoảng cách xem. Tivi sẽ tự tắt khi không có người trong phòng hay khi người sử dụng ngủ quên, “biết” được cường độ ánh sáng, âm thanh hiện tại thông qua biểu hiện trên khuôn mặt con người để sau đó điều chỉnh hợp lý. Cảm biến thông minh này còn đo được góc xem và ảnh hưởng của môi trường ánh sáng xung quanh để điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ màu phù hợp, góc nhìn tốt hơn.

Thanh Bình – Hoàng My