Hồi trung tuần tháng 10-2011, bạn Nguyễn Chánh Trung, phóng viên Ban Khoa học – Công nghệ của báo Người Lao Động (TP.HCM), có một buổi trao đổi với anh Phạm Hồng Phước, Chủ biên Siêu Thị Số, về chuyện roaming điện thoại (chuyển vùng quốc tế) khi đi ra nước ngoài. Do đây là một vấn đề mà nhiều người dùng điện thoại di động quan tâm, STS xin trích giới thiệu cuộc trao đổi này.

" />
Thứ Bảy ngày 27 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Kinh nghiệm Roaming điện thoại quốc tế khi ở nước ngoài

November 20
00:00 2011

NGUYỄN CHÁNH TRUNG: Hiện nay việc đăng ký roaming và sử dụng khi đi nước ngoài có dễ dàng không và chất lượng dịch vụ roaming khi anh sử dụng có tốt không?
Anh PHẠM HỒNG PHƯỚC: Chưa bao giờ việc đăng ký và sử dụng dịch vụ roaming lại dễ dàng như hiện nay. Thuê bao có thể đăng ký bằng tin nhắn SMS chứ không cần phải tới các cửa hàng dịch vụ. Điều đặc biệt là thuê bao không cần phải đặt cọc như trước đây nữa (như các mạng của VNPT trước đây yêu cầu phải đặt cọc 5 triệu đồng). Số lượng các nước và các đối tác nước ngoài có thể kết nối với các mạng di động của Việt Nam hiện rất phong phú. Chất lượng roaming ở nước ngoài tùy thuộc vào chất lượng của mạng sở tại, nhưng nhìn chung là không có gì phải phàn nàn.

Anh đã từng bị “sự cố” gì khi sử dụng roaming ở nước ngoài không và cách khắc phục là như thế nào?
– Có một số “sự cố” mà thuê bao roaming có thể gặp ở nước ngoài. Thí dụ: Sóng có thể không ổn định ở những khu vực có nhiều đối tác roaming hoạt động cùng một lúc. Điện thoại sẽ liên tục nhảy qua lại giữa các mạng (khi nó phát hiện mạng nào có sóng mạnh hơn). Có nơi có mạng hỗ trợ đầy đủ các tính năng, có nơi mạng chỉ cho phép gọi mà không thể nhắn tin SMS. Thuê bao có khi bị cắt dịch vụ do tiền cước phát sinh đã vượt qua hạn mức cho phép. Lúc đó, nếu muốn tiếp tục sử dụng, khách phải liên lạc với người ở nhà đi đóng tiền điện thoại. Sự cố này thường xảy ra khi thuê bao chỉ có hạn mức sử dụng mặc định quá thấp (chủ yếu do chưa đem hộ khẩu đến chi nhánh của nhà mạng để bổ sung cho cơ sở dữ liệu người dùng nhằm tăng hạn mức sử dụng). Thí dụ với mạng MobiFone, thuê bao trả sau mặc định chỉ có hạn mức cước sử dụng khoảng 400.000 đồng. Sau khi đem hộ khẩu tới cửa hàng để đăng ký thuê bao, khách được cấp hạn mức sử dụng tới hơn 3 triệu đồng.

Khi sử dụng roaming ở nước ngoài thì chúng ta cần lưu ý những điều gì để tránh bị mất tiền “oan”?
– Điều mà bạn không bao giờ được quên là cước roaming cực kỳ đắt. Tùy thuộc vào từng nước mà giá cước khác nhau. Nhưng nói chung, cước roaming không phải là cước điện thoại nội địa của nước sở tại mà là cước gọi quốc tế của nước sở tại cộng với chi phí quản lý roaming của mạng Việt Nam. Chẳng hạn như tôi sử dụng mạng MobiFone khi roaming sử dụng ở Malaysia hồi tháng 7-2011, cước cho 1 tin nhắn SMS là 40 xu Mỹ (khoảng 8.600 đồng), cước cuộc gọi 3,5 USD cho block 6 giây hay 6,5 USD cho một phút. Cước này chưa bao gồm các phí dịch vụ của nhà mạng Việt Nam. Vì thế, trước khi tới nước nào mà mình dự định sử dụng dịch vụ roaming, bạn cần phải khảo sát trước cước viễn thông quốc tế của nước đó. Trước đây, khi nhận tin nhắn ở nước ngoài, bạn cũng phải trả tiền. Vì thế nỗi ám ảnh là những tin nhắn “vu vơ”, đặc biệt là những tin nhắn “rác”, tin nhắn quảng cáo. Bạn chỉ có thể từ chối nhận cuộc gọi nào đó, nhưng bất lực đối với tin nhắn (hễ thấy báo có tin nhắn là nó đã chạy vào máy mình rồi). Có lần ở Nhật Bản, tôi đã méo mặt khi một bà chị chung trường rất mê làm thơ gửi qua SMS cho tôi mấy bài thơ, mỗi bài dài hơn 10 tin nhắn. Hoảng quá, tôi phải nhắn tin lại rằng tôi đang ở nước ngoài, phải trả tiền cước nhận tin nhắn rất đắt. “Rằng thơ hay thật là hay, Nhận tin ngậm đắng nuốt cay thế nào”. (Xin lỗi cụ Nguyễn Du). Gần đây, nhà mạng Việt Nam bỏ không thu cước nhận tin nhắn nữa (dĩ nhiên khi gửi đi thì vẫn thu bình thường). Nhưng với các cuộc gọi, dù gọi hay nhận, bạn vẫn phải trả tiền (người trong nước gọi hay nhắn tin cho thuê bao roaming chỉ phải trả cước nội địa bình thường, còn phần cước từ tổng đài ra nước ngoài, thuê bao nhận phải trả). Với các mạng hỗ trợ tính năng hiển thị số phone người gọi, bạn có thể chủ động nhận hay từ chối nhận cuộc gọi nào đó. Còn với các mạng khác, điện thoại chỉ hiển thị số của tổng đài.
Tôi từng nếm mùi đau thương với chuyện phải trả cước nhận cuộc gọi khi roaming. Hồi tháng 6-2011 khi đang công tác tại Taipei, tôi nhận một cuộc gọi của một bà chị chung trường từ Mỹ gọi sang. Chị nói mình mới mua một thẻ phone 52 phút và hỏi tôi rằng chị có thể nói chuyện hết thời lượng thẻ không. Nghĩ rằng chị bạn đã trả tiền cuộc gọi, tôi “vô tư” hoan nghênh. Vậy là hai chị em thoải mái “tám” cho tới khi tài khoản thẻ của bà chị cạn hết. Đang tận hưởng cái thú được trò chuyện với chị bạn, tôi giật mình đánh thót khi nhớ lại mình đang ở Taipei chứ không phải ở Việt Nam, có nghĩa là tôi cũng phải trả cước nhận cuộc gọi tới. Hậu quả nhãn tiền là về Việt Nam, tôi phải trả hơn 2.000.000 đồng cho 52 phút nghe điện thoại đó.


Mặc dù do nhu cầu công việc nên vẫn phải sử dụng dịch vụ roaming quốc tế, nhưng anh Phạm Hồng Phước giờ đây tận dụng tối đa các dịch vụ phone qua Internet ở những nơi có kết nối Wi-Fi. Trong ảnh: Anh đang sử dụng phone IP khi ngồi chờ tại sân bay Taipei trong chuyến đi dự IDF 2011 ở Mỹ hồi tháng 9-2011.

Vì thế, bạn chỉ nên sử dụng dịch vụ roaming khi có nhu cầu phải duy trì liên lạc với các đối tác thường xuyên của mình ở Việt Nam hay nước ngoài (qua số phone chính thức của bạn). Còn chỉ để liên lạc bình thường, kinh tế hơn cả là bạn mua một SIM trả trước của nước sở tại (thường có bán ngay tại sân bay nơi đến) sau đó khi cạn tài khoản thì lại mua thẻ nạp thêm tiền vào. Nó có lợi là khi gọi cho các số phone ở nước sở tại, bạn chỉ phải trả cước nội địa; còn khi gọi về Việt Nam, bạn chỉ phải trả cước quốc tế của nước sở tại mà không phải trả thêm phí dịch vụ roaming. Xin lưu ý là có một số nước và vùng lãnh thổ (như Hàn Quốc, Taiwan,…) chỉ bán SIM trả trước cho công dân của họ.
Bây giờ dịch vụ roaming hỗ trợ cả tính năng truyền tải gói data (như GPRS). Nó tiện cho người có nhu cầu (thiểu số thôi), nhưng lại là một nỗi kinh hoàng cho người bình thường. Thí dụ, khi sử dụng một số dịch vụ hay ứng dụng trên phone có nhu cầu phải kết nối mạng, nếu không tìm được sóng Wi-Fi, phone sẽ chuyển sang kết nối GPRS. Vậy là bạn phải trả thêm cước truyền data roaming, cực đắt. Những người thích dùng GPS hay Google Maps để tìm đường hay theo dõi hành trình của mình sẽ phải đứng trước nguy cơ trả cước GPRS mệt mỏi luôn. Dạo ban đầu, khi roaming cả gói data, nhà mạng không thông báo (hay có thông báo mà người dùng không để ý), báo hại có nhiều người là nạn nhân. Tôi có một anh bạn đi sang Mỹ và quen với kiểu đi tới đâu mở Google Maps xem lộ trình tới đó, rồi cũng mở tính năng kết nối GPRS thường trực như ở trong nước. Hậu quả là khoảng nửa tháng sau, công ty bên nhà gọi điện sang báo cho biết nhà mạng vừa báo tin tiền cước đã tới 15 triệu đồng, và tới khi về nước, anh ấy đã phải thanh toán cước roaming 20 triệu đồng. Bản thân tôi, lúc đó có chuyến công tác ở Thái Lan, quen như trước chỉ bị tính cước cuộc gọi nên cứ để tính năng GPRS mặc định. Hậu quả là chỉ sau 3 ngày công tác về, tiền cước đã lên tới 1,7 triệu đồng (trong khi trước đây đi 5 – 6 ngày chỉ tốn 400.000 – 500.000 đồng).
Vì thế, khi đi ra nước ngoài, bạn nhớ tắt tính năng GPRS hay truyền tải gói data của phone, và chớ nên đụng chạm tới những dịch vụ hay ứng dụng cần kết nối dữ liệu với mạng.

Người dùng Việt Nam khi sử dụng roaming ở nước ngoài thường hay gặp những sự cố, trục trặc hay khó khăn gì khi sử dụng không ạ?
Nói chung là việc roaming hoàn toàn tự động. Tới nước nào đó, khi mở lại nguồn, phone sẽ tự động dò tìm và kết nối với mạng di động đối tác của nhà mạng Việt Nam để bạn có thể sử dụng được ngay. Một số nhà mạng có thêm chức năng tự động chỉnh lại giờ địa phương cho phone của bạn. Xin lưu ý là thường thì các nhà mạng sở tại gửi tin nhắn gợi ý bạn sử dụng một số dịch vụ cộng thêm của họ. Bạn cần thận trọng (tốt nhất là bỏ qua) để không phải tốn tiền lãng nhách. Với một số nước chỉ có mạng 3G (như Nhật Bản), phone của bạn phải hỗ trợ cả băng tần 3G/UMTS. Còn đi tới một số nước (như Mỹ) không sử dụng băng tần GSM 900/1800 như Việt Nam, bạn phải thiết đặt lại Network settings để chọn băng tần GSM 850/1900. Như vậy, khi đi tới những nước đó, phone của bạn cũng phải thuộc loại hỗ trợ Quad-band GSM.
Nói tóm lại, roaming chỉ có cái lợi lớn nhất là cho phép bạn giữ được số phone thường dùng của mình để tiếp tục duy trì liên lạc khi đi nước ngoài. Còn thì nói chung, nó ẩn chứa quá nhiều nguy cơ “hao tài, tốn của” cho những người dùng bình thường. Nhưng tất nhiên, dịch vụ roaming là cực kỳ cần thiết và tiện lợi cho những ai thật sự có nhu cầu.

NCT