Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Google để mất thông tin khách hàng: có ảnh hưởng đến bán hàng online?

Google để mất thông tin khách hàng: có ảnh hưởng đến bán hàng online?
October 12
11:24 2018

 

Thứ Hai 8-10-2018 mở ra một tuần lễ buồn cho Google nói riêng và với cộng đồng những người dùng dịch vụ Google nói chung, Ngày hôm đó, Google đã công bố một thông tin chấn động: tập đoàn công nghệ này sẽ chính thức đóng cửa phiên bản người tiêu dùng (consumer version) của mạng xã hội Google+ (Google Plus) vào cuối tháng 8-2019. Google+ đã tồn tại 7 năm nay và hiện có hơn 110 triệu người dùng thực tế trên toàn cầu.

Lý do được Google đưa ra thậm chí còn gây xôn xao hơn: một lỗi trên website này đã dẫn đến việc có khả năng lộ dữ liệu của 500.000 người dùng. Các thông tin bị lộ theo Google bao gồm: tuổi, giới tính, nghề nghiệp và địa chỉ email của user. Báo chí quốc tế cho biết, thật ra ngay từ tháng 3-2018, Google đã phát hiện một lỗ hổng trong Google+ API có thể cho phép các ứng dụng của bên thứ ba truy xuất dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng. Báo Mỹ The Wall Street Journal có được một bản ghi nhớ nội bộ Google cho thấy các quan chức của Google chọn giải pháp không công bố sự việc này cho người dùng vì sợ bị truyền thông tấn công và gặp rắc rối với các cơ quan chức năng. Họ đã âm thầm khắc phục.

Do Google+ không phổ biến ở Việt Nam nên sự cố của Goole này có vẻ không gây hại đến ai. Tuy vậy, theo các chuyên gia từ iPrice Group – đơn vị có nhiều báo cáo về thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á, vụ scandal này của Google rất có thể sẽ ảnh hưởng tới chén cơm của giới bán hàng online và digital marketing thế giới và Việt Nam.

Quy định ngặt nghèo hơn

Sau vụ scandal này, Google chắc chắn sẽ đưa ra nhiều quy định mới để hạn chế các đơn vị chạy quảng cáo Google tiếp cận với data của khách hàng, nhằm tránh xảy ra các vụ tương tự. Điều này trước mắt là sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng đo lường và nhắm đối tượng quảng cáo của người dùng Google Ads. Còn về lâu dài, nó sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của Google Ads.

Với mức độ phổ biến của Google Ads với giới bán hàng online Việt Nam thì những thay đổi này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh chung.

Còn nhớ hồi tháng 3-2018, sau khi để xảy ra scandal lộ dữ liệu người dùng, Facebook cũng đã lập tức tuyên bố sẽ đóng cửa các công cụ hỗ trợ quảng cáo như Facebook Partner Categories, gây bối rối cho các nhà quảng cáo, đặc biệt là những đơn vị bán hàng nhỏ lẻ, vốn dựa nhiều vào công cụ này để tiếp cận khách hàng.



Nguy cơ Google phải đối đầu về pháp lý ở Mỹ

Còn có một nguy cơ xa xôi hơn nhưng nguy hiểm hơn là Google cũng có thể bị pháp luật Mỹ sờ gáy như Facebook ít tháng trước. Ngày 11-10-2018, Chủ tịch Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải Thượng nghị viện Mỹ, đã cùng chủ tịch hai tiểu ban có liên quan ký tên chung một lá thư gửi ông Sundar Pichai, CEO Google, để yêu cầu báo cáo về vụ để lộ thông tin người dùng này. Hạn trả lời là 30-10-2018. Trước đó, ngày 10-10, một số thượng nghị sĩ Dân chủ cũng đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) mở cuộc điều tra về vụ scandal này.

Nếu điều này xảy ra, các quốc gia trên thế giới rất có thể sẽ nối đuôi nhau để ra thêm nhiều quy định mới nhằm vừa bắt Google phải bảo mật tốt hơn, vừa ngăn chặn khả năng Google lấy được quá nhiều data của người dùng.

Những người làm digital marketing chắc ai cũng hiểu data của người dùng chính là công cụ để Google cũng như Facebook bảo đảm độ hiệu quả của quảng cáo, giúp người chạy quảng cáo tiếp cận đúng đối tượng và bán được hàng. Vì vậy, một khi data bị tước đi thì cũng không có gì bảo đảm quảng cáo của những dịch vụ như Google Ads vẫn sẽ giữ được hiệu quả như cũ.

Tuy đây chỉ mới là những suy đoán dựa theo những gì xảy ra với Facebook trước đây, nhưng quả thật đã đến lúc giới bán hàng online tại Việt Nam cần nghĩ đến việc mở rộng kênh marketing, tăng cường bán hàng trực tiếp để tránh các nguy cơ không cần thiết.

ĐẶNG ĐĂNG TRƯỜNG (iPrice Việt Nam)

+ Ảnh từ Internet. Thanks.



 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới