Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam 2018 (VDE Forum 2018) về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), cụ thể là nhóm Chuyên gia Kinh tế số Việt Nam (Vietnam Digital Economy – VDE) phối hợp cùng Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) và Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố (HIDS) dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM tổ chức “Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam 2018″ (Vietnam Digital Economy Forum, VDEF) với chủ đề “Thách thức và giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, diễn ra vào ngày 1-11-2018 tại Khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM).
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã tạo nên nhiều tác động lớn đối với kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới. Mỗi ngày, hàng triệu người được hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo với chất lượng cao nhưng chi phí thấp hơn, thông qua ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong cải thiện năng suất và gia tăng hiệu quả về kinh tế. Kỹ thuật số đã trở thành một công cụ chiến lược cạnh tranh của các doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhiều nhận định cho rằng, CMCN 4.0 chính là cơ hội cuối cùng của Việt Nam để không bỏ lỡ chuyến tàu bắt kịp với các nước phát triển khác. Và đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể theo kịp với các doanh nghiệp lớn, tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp lớn tiếp theo.
Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam 2018 (VDE Forum 2018) là diễn đàn quốc tế lớn trong năm được tổ chức tại Việt Nam về Kinh tế số hóa nhằm tạo cơ hội đối thoại đa phương cho các chuyên gia hàng đầu, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp quan tâm đến chủ đề này trên toàn thế giới. Hai mục tiêu chính của VDE Forum 2018 là chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tế của những người tiên phong và xu hướng của sự chuyển đổi không thể thiếu trong nền kinh tế kỹ thuật số; đồng thời đánh giá hiện trạng, thách thức và cơ hội liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số.
Tham dự Diễn đàn VDEF năm nay có hơn 21 diễn giả là những chuyên gia cao cấp của các tổ chức trong nước và quốc tế về chính sách công, công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối Blockchain), đổi mới sáng tạo trong quản lý và mô hình kinh doanh. Có thể kể đến ông André Laperrière – Tổng giám đốc của chương trình Dữ liệu mở toàn cầu về Nông nghiệp và Dinh dưỡng của Liên Hiệp Quốc; Ludovic Bodin – Đại sứ đầu tư quốc tế, France AI; Ryan Jacildo – Chuyên gia kinh tế về khu vực châu Á tại Trung tâm phát triển thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế OECD; Pierre Slamich – Phó chủ tịch Chương trình dữ liệu mở về thực phẩm, mỹ phẩm – Open Food Facts & Open Beauty Facts; Chawapol Jariyawiroj – Giám đốc quốc gia của dịch vụ Điện toán đám mây Amazon Web Services tại Thái Lan và Việt Nam; Hồ Tú Bảo – Giáo sư về Khoa học Tính toán tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản; Bruce Cran – Giám đốc của DFO Global Performance Commerce.
Một số ý kiến của chuyên gia
Ông Pierre Slamich, Phó chủ tịch Chương trình dữ liệu mở toàn cầu về Thực phẩm, cho biết: “Dữ liệu mở toàn cầu của Open Food Facts được cung cấp bởi 10 tập đoàn sản xuất thực phẩm lớn nhất tại Pháp, và tập hợp các thông tin và dữ liệu của hơn 650.000 thực phẩm, mỹ phẩm trên toàn thế giới với hơn 100 ứng dụng sử dụng dữ liệu mở. Mục đích của Open Food Facts & Open Beauty Facts là hướng đến việc giúp người dân lựa chọn thực phẩm, mỹ phẩm an toàn bằng cách minh bạch hóa thông tin về sản phẩm.”
Ông Jariyawiroj Chawapol, Giám đốc quốc gia của Công ty Amazon Web Services, nhận định rằng: “Năm 2020 sẽ có 75 tỉ thiết bị kết nối Internet trên thế giới, trung bình 9,4 thiết bị/người. Và tương lai thuộc về các công nghệ dự đoán được nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Có nhiều ví dụ về các phát minh sáng chế công nghệ, nhưng những đổi mới sáng tạo quan trọng nhất vẫn là các công nghệ hoặc quy trình giải phóng trí tưởng tượng của con người, giúp họ hiện thực hóa ước mơ cá nhân.”
Ông Bruce Cran, Giám đốc của DFO Global Performance Commerce, nêu ý kiến: “Thương hiệu cần phải gần gũi và đến được người tiêu dùng. Và để nâng cao thương hiệu, doanh nghiệp cần xây dựng các chỉ số định lượng, có thể đo lường, cũng như phù hợp với sự phát triển nhanh của thương hiệu. Đồng thời, doanh nghiệp cần thu thập, phân tích và tối ưu hóa tất cả các nguồn dữ liệu khác nhau.”
Ngoài ra, Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam 2018 còn có sự tham gia của những nhà hoạch định chính sách từ các tổ chức nhà nước như các ông: Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông); Lê Trung Nghĩa – Trưởng ban Thúc đẩy Ứng dụng CNTT, Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học – Công nghệ; Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc Công viền Phần mềm Quang Trung; Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Nguyễn Đức Khương – GS Tài chính trường IPAG Paris, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Với các nội dung tham luận và thảo luận có hàm lượng chuyên môn cao, Diễn đàn hướng đến việc kiến tạo một nền tảng đối thoại và kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế với các nhà hoạch định chính sách quốc gia trước thách thức của cơn lốc chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội.
Ông Vũ Ngọc Anh, Giám đốc AVSE Global kiêm Sáng lập viên Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam (VDE Forum) cho biết diễn đàn năm nay nhắm đến bốn mục đích chính: (1) Xác định những yếu tố cơ bản tác động lên nền kinh tế số; (2) Trao đổi về các mô hình kinh doanh mới có hiệu suất sử dụng vốn và nhân lực cao; (3) Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp; (4) Giới thiệu các dịch vụ công và tư hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thông tin chi tiết về Diễn đàn VDE Forum 2018 có tại đây.
MEDIAONLINE