Thời của Wi-Fi Mesh với D-Link
Có thể nói ngay rằng, giải pháp Mesh (mạng lưới) đã đánh trúng yêu cầu thực tế hiện nay của một mạng Wi-Fi là sóng mạnh và ổn định, phủ rộng và đều, hỗ trợ nhiều thiết bị cùng kết nối, và còn khuyến mại thêm cái tính năng đặc trưng là liền lạc thành một mạng duy nhất.
Thật ra, điều làm nên sự khác biệt của giải pháp Wi-Fi Mesh chính là ở cái chỗ liền lạc (seamless). Cho dù có kết hợp bằng bao nhiêu đơn vị (gọi là nút – node) đi nữa, cả hệ thống Wi-Fi Mesh bao phủ sóng toàn bộ ngôi nhà một cách liền lạc với chỉ một tên điểm phát Wi-Fi (SSID). Bạn có thể đi khắp tòa nhà, lên xuống các tầng mà không bị ngắt quãng tín hiệu mỗi khi đổi điểm mở rộng sóng như ở hệ thống Wi-Fi truyền thống với các thiết bị Wi-Fi extender.
Trước đây, để mở rộng phạm vi phủ sóng của một hệ thống Wi-Fi, đặc biệt là ở các tòa nhà nhiều phòng, nhiều tầng, có nhiều điểm chết (dead spots, không thể tiếp nhận hay có sóng yếu), người ta thường áp dụng giải pháp bổ sung thêm các thiết bị mở rộng sóng (extender, repeater,…).
Có gì khác biệt giữa Mesh system và Wi-Fi extender?
Thiết bị Wi-Fi range extender hoạt động với tính năng truyền phát lại (repeating) tín hiệu Wi-Fi từ nguồn phát. Nó giống như một trạm truyền phát sóng truyền hình. Khi được cài đặt vào một mạng Wi-Fi, extender sẽ liên lạc trực tiếp với router của mạng đó và truyền phát lại tín hiệu từ router đó. Cả router và extender đều hoạt động riêng biệt tạo ra hai mạng riêng với tên truy cập riêng. Chẳng hạn bạn đang có mạng Wi-Fi tên CoHangXom, nên sẽ đặt thêm một tên nào đó, như CoHangXom 2, cho extender vừa gắn thêm vào. Về nguyên tắc, khi chuyển qua lại giữa 2 điểm phát Wi-Fi này, thiết bị sẽ phải tiến hành thủ tục truy cập sang điểm phát mới. Hậu quả là kết nối bị rớt nhịp trong khi thiết bị chờ kết nối với điểm phát khác. Nếu thiết bị không thể kết nối tự động, bạn sẽ phải kết nối thủ công mỗi khi chuyển sang điểm phát mới. Ngay cả khi thiết bị có thể kết nối tự động, bạn củng cần phải chờ một thời gian cho nó kết nối.
Điều bất tiện hơn nữa là thiết bị của bạn thường phải kết nối với mạng hiện hành cho tới khi nó ra khỏi hoàn toàn vùng phủ sóng rồi mới có thể đăng nhập vào điểm phát mới. Hậu quả là có một khu vực ở biên phải nhận sóng yếu.
Giải pháp Wi-Fi range extender cũng có lợi thế là chi phí đầu tư rẻ hơn và có thể dùng lẫn lộn bất cứ thương hiệu nào với nhau (tất nhiên, dùng extender chung một thương hiệu với router vẫn được tối ưu hóa hơn).
Bà Karen Sohl, một chuyên gia về thiết bị mạng, lưu ý: “Việc sử dụng extender khác thương hiệu với router có thể gây nên tình trạng thắt cổ chai băng thông (bandwidth bottlenecking), chủ yếu do có công nghệ mạng khác nhau giữa các nhà sản xuất.” Bà nói thêm: “Băng thông Wi-Fi bị giảm mất một nửa khi bạn dùng một extender. Mạng không dây là băng thông được chia sẻ và nó là bán song công (half duplex, chỉ truyền thông tin một chiều mỗi lần). Có nghĩa là bạn không thể cùng một lúc gửi và nhận dữ liệu song song nhau.”
Trong khi đó, một hệ thống Wi-Fi Mesh được phát triển gần đây có thể khắc phục những nhược điểm công nghệ và hoạt động của Wi-Fi extender. Nó hoạt động liền lạc hơn, hiệu quả hơn và có thể update nhanh chóng.
Khác với Wi-Fi extender mà bạn có thể bổ sung thiết bị mở rộng sóng vào hệ thống Wi-Fi đang có, các hệ thống Wi-Fi Mesh về nguyên tắc thay thế hoàn toàn hệ thống Wi-Fi đang hoạt động. Tất nhiên, bạn vẫn có thể dùng các đơn vị Mesh để tandem (mở rộng dạng nối tiếp) với router hiện dùng của mình, nhất là trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đòi hỏi (như phải dùng modem router của họ, đặc biệt là với mạng cáp quang). Về nguyên lý, hệ thống Wi-Fi Mesh được thiết kế để thay thế cơ chế router-and-extender phức tạp bằng các đơn vị đa đồng nhất (multiple identical units) được đặt quanh ngôi nhà tạo thành một tấm mền Wi-Fi rộng lớn phủ khắp mọi ngõ ngách ngôi nhà.
Cũng nhờ còn được thiết kế để hoạt động với cơ chế tandem, hệ thống Wi-Fi Mesh lại có một số lợi thế hơn các extender. Chúng không tạo ra một mạng riêng biệt như extender mà thật sự làm chuc năng mở rộng phạm vi phủ sóng của router. Vì thế, dù di chuyển tới bất cứ nơi nào trong ngôi nhà nằm trong vùng phủ sóng, bạn vẫn luôn được kết nối tự động ngay lập tức với node gần nhất mà không bị tình trạng rớt mạng trong khi chờ kết nối.
Hơn nữa, do tất cả các đơn vị trong một Wi-Fi Mesh chạy cùng một phần mềm, chúng có thể dùng các logic phức tạp hơn để gửi và nhận dữ liệu.
Ngoài ra, các hệ thống Wi-Fi Mesh có thể khắc phục được vấn dề bán song công của mạng Wi-Fi bằng cách sử dụng đa sóng radio (multiple radio) để gửi và nhận thông tin cùng một lúc.
Một ưu thế nữa của hệ thống Wi-Fi Mesh là việc thiết đặt và quản lý mạng dễ dàng hơn rất nhiều so với Wi-Fi extender. Sau khi đã cài đặt và gắn node đầu tiên vào hệ thống Wi-Fi, khi có nhu cầu bổ sung thêm những node khác, bạn chỉ việc đặt những node mới bên cạnh node đầu tiên là chúng tự động bắt tay với nhau phục vụ bạn. Thay vì phải xử lý các trang cấu hình khác nhau của router và từng extender, bạn có thể quản lý toàn bộ hệ thống từ một ứng dụng di động dễ xài. Nhiều hệ thống Wi-Fi Mesh cũng có thể tự động cập nhật các firmware mới từ nhà sản xuất giúp thiết bị luôn có được những công nghệ mới nhất.
Wi-Fi Mesh COVR của D-Link
Với kinh nghiệm hơn 32 năm trong lĩnh vực thiết bị và giải pháp mạng, hãng D-Link của Taiwan cũng đã cho ra đời thương hiệu sản phẩm Mesh là COVR. Hiện nay đã có một loạt sản phẩm như COVR-C1203, COVR-2202, COVR-3902, COVR-P2502,… Các hệ thống D-Link Mesh COVR này được thiết kế để hoạt động tối ưu với các Wi-Fi router AC của D-Link.
D-Link gọi giải pháp COVR của mình là giải pháp Mesh cho mọi người. Điểm cộng của các thiết bị D-Link Mesh là chúng đều hỗ trợ chuẩn Wi-Fi cao tốc AC, với tốc độ từ AC1200 (COVR-C1203) lên tới AC3900 (COVR-3902), và được trang bị phiên bản release mới 802.11ac Wave 2 hỗ trợ MU-MIMO có thể đạt tốc độ từ 2,34Gbps tới 3,47Gbps (so với 1,3Gbps của 802.11ac Wave 1). Tốc độ này đủ nhanh để hỗ trợ đa thiết bị cùng kết nối mạng một lúc với tốc độ cao để thực hiện các tác vụ nặng như HD Streaming, video chat,….
Tất nhiên độ phủ sóng của hệ thống Wi-Fi Mesh COVR mạnh và rộng hơn hẳn các thiết bị mở rộng sóng Wi-Fi truyền thống. Hầu hết các hệ thống Wi-Fi phủ sóng toàn ngôi nhà (whole home) khách chỉ dùng 2 ăngten nhận sóng. Trong khi đó, COVR có tới 3 ăngten nhận sóng (receiving antenna) để dò tìm và nhận nhiều dữ liệu hơn từ tất cả các thiết bị kết nối.
Chẳng hạn, với hệ thống có cấu hình thấp nhất của COVR là COVR-C1203 gồm 3 đơn vị rời có thể kết thành vùng phủ sóng Wi-Fi liền lạc rộng tới 5.000 sqft (khoảng 464 mét vuông). Còn cấu hình cao COVR-3902 gồm 1 router AC2600 (COVR-2600R) và 1 đơn vị extender (COVR-2600R) có thể phủ sóng tới 6.000 sqft (khoảng 550 mét vuông).
Các hệ thống COVR của D-Link cũng đa dạng. Nó gồm bộ 3 đơn vị (COVR-C1203), hay 2 đơn vị (COVR-2202), hoặc 1 đơn vị (COVR-P2502), hay 1 router và 1 extender (COVR-3902). Ngoài các loại kết nối qua sóng Wi-Fi bình thường, có cả dòng kết nối qua đường dây điện nhà Powerline (COVR-P2502).
Hiện nay, D-Link Việt Nam đang giới thiệu rộng rãi bộ Wi-Fi Mesh Dual-Band Whole Home Wi-Fi System COVR-C1203. Đây là bộ Wi-Fi Mesh có cấu hình thấp nhất của D-Link và có tính phổ cập cao với 3 đơn vị (3-pack). Bộ Wi-Fi Mesh COVR-C1203 này khi kết nối toàn bộ 3 đơn vị có thể phủ sóng trên diện tích tới 465 mét vuông (hay 5.000 feet vuông).
COVR-C1203 hỗ trợ chuẩn Wi-Fi cao tốc AC Dual-band 802.11AC (AC1200) MU-MIMO. Thiết bị cung cấp 2 băng tần 2.4GHz cho các tác vụ cơ bản (lướt web. check e-mail, vào mạng xã hội,…) và 5GHz cho các tác vụ Internet nặng như xem phim, chơi game, tải dữ liệu,… Tốc độ tổng cộng của thiết bị đạt 1.200Mbps gồm 300Mbps của băng tần 2.4GHz và 866Mbps của băng tần 5GHz. Với công nghệ Multi-User MIMO (MU-MIMO), C1203 cho phép nhiều thiết bị cùng kết nối một lúc để gia tăng tốc độ và hiệu năng. Laptop, tablet, smartphone, media player, game console,… của bạn có thể nhận dữ liệu cùng một lúc với nhau mà không phải chờ tới lượt.
Giá bán trên siêu thị online Amazon ở Mỹ của một bộ D-Link COVR-C1203 (3-pack) vào cuối tháng 1-2019 là từ 233 USD. Giá bán lẻ tại hệ thống cửa hàng Phong Vũ là từ 3,8 triệu đồng tới 5,5 triệu đồng. Bạn có thể theo dõi trên các cửa hàng online Tiki, Lazada,… để có giá tốt hơn. Các sản phẩm mạng D-Link cũng được phân phối tại Việt Nam qua Công ty Viscom.
Xin mời xem video:
PHẠM HỒNG PHƯỚC