Việt Nam thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên

Cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam đã được Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và đối tác là Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện thành công vào lúc 10g sáng 10-5-2019 tại Hà Nội. Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm thành công mạng 5G.
Cuộc gọi 5G đầu tiên này có tốc độ kết nối mạng 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5Gbps đến 1,7Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.
Theo kế hoạch, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP.HCM.

Cuộc gọi 5G đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện với sự hợp tác giữa nhà mạng Viettel và công ty Ericsson (Thụy Điển)
Tại Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thứ năm (5G) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 21 và 22-3-2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bản chất công nghệ 5G là để phục vụ cho hệ sinh thái Internet cho vạn vật (Internet of Things, IoT), giúp kết nối data giữa mọi thiết bị, công cụ. Bởi vậy, cần tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp IoT khi quy hoạch phát triển công nghệ này. Bộ TT-TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G. Ông nói: “Mạng 5G là hạ tầng kết nối vạn vật – hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong cách mạng 4.0 thì mạng 5G phải đi trước và đi đầu. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước. Đầu tư trước kinh doanh sau, đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng. Mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới. Số lượng trạm BTS cho 5G sẽ phải lớn hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đó. Do vậy, dùng chung hạ tầng, chia sẻ hạ tầng viễn thông với các hạ tầng điện, nước, giao thông là rất quan trọng để giảm chi phí xã hội.”
Hiện nay trong số 6 nhà mạng di động ở Việt Nam, mới có 2 nhà mạng được Bộ TT-TT cấp phép thử nghiệm mạng 5G. Viettel là nhà mạng di động đầu tiên của Việt Nam được Bộ TT-TT cấp phép thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP.HCM ngày 22-1-2019. Nhà mạng di động MobiFone ngày 25-4-2019 đã được cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP. HCM.
Trong tháng 4-2019, Viettel đã lắp đặt trạm 5G đầu tiên tại Việt Nam trên nóc nhà Trung tâm Viettel ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ngày 25-4-2019, Viettel đã phát sóng thử nghiệm thành công mạng 5G trên mọi băng tần được Bộ TT-TT cấp phép. Theo thông báo của Viettel, tốc độ kết nối trong các bài thử nghiệm dao động từ 600 – 700Mbps, tương đương với tốc độ cung cấp cho khách hàng của mạng 5G Verizon (Mỹ). Theo kế hoạch, trong tháng 6-2019, Viettel sẽ triển khai thêm 70 trạm 5G thử nghiệm tại Hà Nội và TP.HCM nhằm đánh giá chi tiết về vùng phủ, dung lượng, tốc độ tối đa để chuẩn bị cho công tác quy hoạch, thiết kế mạng 5G diện rộng.
Ngày 4-4-2019 là ngày đầu tiên mạng 5G được triển khai thương mại trên thế giới tại Hàn Quốc với các nhà mạng SK Telecom, KT, LG Uplus của Hàn Quốc và Verizon của Mỹ.
Theo hãng công nghệ Huawei, doanh nghiệp đang nắm giữ nhiều bằng phát minh về 5G nhất thế giới, công nghệ 5G đang đến nhanh hơn so với dự đoán trước đây và hình dung của thế giới. Nếu như thế giới cần 10 năm để đạt được con số 500 triệu thuê bao cho công nghệ 3G (từ 2001-2010), cần 6 năm để đạt được 500 triệu thuê bao 4G (từ 2009-2015) thì dự báo 5G chỉ cần 3 năm (2019-2022) để đạt được số lượng thuê bao tương tự. Trong khi trước đây cần phải mất 3 năm để các nhà sản xuất điện thoại 3G và 4G đưa một thiết bị từ phòng thí nghiệm ra thị trường, thì khoảng thời gian để thương mại hóa các thiết bị cầm tay 5G chỉ là 1 năm.
Các số liệu thống kê cũng cho hay trong năm 2019, dự kiến thế giới sẽ có hơn 60 mạng thương mại 5G, trên 40 smartphone 5G được đưa ra thị trường, và sẽ có khoảng 10 triệu kết nối 5G trên toàn cầu. Theo Huawei, giá của các sản phẩm smartphone 5G cũng sẽ giảm nhanh chóng cùng với sự gia tăng số lượng sản phẩm được tung ra thị trường: Nếu năm 2019, mức giá trung bình của một smartphone 5G sẽ là khoảng 600 USD, thì năm 2020, sẽ có hơn 100 mẫu smartphone được bán ra với mức giá trung bình 300 USD, và năm 2021, chúng ta sẽ có những chiếc smartphone 5G có mức giá 150 USD.
Các quốc gia trên thế giới cũng đang tích cực tham gia vào làn sóng triển khai công nghệ 5G trên quy mô lớn. Năm 2018 đã có 15 quốc gia công bố kế hoạch đấu giá băng tần 5G và con số này trong năm 2019 là 35 quốc gia. Số liệu thống kê cũng cho thấy mức giá của băng tần 5G trên toàn cầu thấp hơn 60% so với mức giá của băng tần 4G. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ băng thông rộng di động. Và các băng tần C-band và TDD 2.6GHz sẽ là những băng tần 5G được nhiều quốc gia sử dụng.
NGÔ LÊ
+ Ảnh: Internet.Thanks.