Legatus
Thứ Ba ngày 01 tháng 4 năm 2025

Tech MediaOnline

Tương lai ngành hàng không thế giới và Việt Nam theo dự báo của Boeing

Tương lai ngành hàng không thế giới và Việt Nam theo dự báo của Boeing
October 28
09:36 2019

 

Bản Dự báo Thị trường Thương mại thường niên của Boeing (CMO, Commercial Market Outlook 2019 – 2038) đã được ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing Thương mại của Tập đoàn Boeing, chia sẻ trong hai cuộc họp báo tại Hà Nội (ngày 24-10) và TP.HCM (ngày 25-10-2019). Bản dự báo CMO của Boeing có phạm vi dự báo xa nhất trong ngành và được đánh giá là phân tích toàn diện nhất trong ngành hàng không.

Cuộc họp báo của Boeing công bố CMO tại TP.HCM ngày 25-10-2019.

Ông Darren Hulst.

Chúng tôi xin được chia sẻ nội dung trình bày của ông Darren Hulst trong sự kiện tại TP.HCM ngày 25-10-2019 qua bản ghi lại của Matterhorn Communications, Đại diện truyền thông của Boeing tại Việt Nam.

Tầm nhìn toàn cầu

CMO (Commercial Market Outlook) là báo cáo thường niên do Boeing thực hiện để định hình chiến lược của hãng, đồng thời giúp các khách hàng của hãng nắm được những xu hướng của ngành hàng không. Trong bản dự báo năm nay, Boeing ước tính trong vòng 20 năm tới, số lượng máy bay mới được cung cấp trên toàn cầu sẽ lên đến khoảng 40.000 chiếc, tương đương với khoảng 2.200 chiếc mỗi năm. Riêng con số 2.200 đã chiếm hơn 40% số lượng máy bay mà Boeing cung cấp trong năm trước. Có thể thấy rằng sự tăng trưởng của ngành hàng không ảnh hưởng đến các nhu cầu trong ngành như thế nào. Đội máy bay trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới, xuất phát từ hai nhu cầu chính: mở rộng mạng lưới đường bay và thay thế các máy bay đã cũ.

Khu vực Châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam

Về phương diện kinh tế, Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng dẫn đầu thế giới trong ngành hàng không. Có hai động lực trong sự tăng trưởng này: hàng không khai thác bên trong khu vực Châu Á, và các đường bay từ Châu Á và đến Châu Á. Từ năm 1998 đến 2008, ngành hàng không tại đây tăng trưởng gấp hai lần và tiếp tục tăng trưởng gấp hai lần trong 10 năm tiếp theo. Qua đó có thể thấy ngành hàng không Châu Á đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Bên trong khu vực Châu Á, lưu lượng hàng không thậm chí còn tăng trưởng nhanh hơn, xuất phát từ nguyen nhân có nhiều điểm đến được kết nối hơn, và sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, qua đó thúc đẩy lưu lượng hàng không gia tăng.

Riêng Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Châu Á. Tại khu vực này, Boeing ước tính nhu cầu về máy bay mới trong vòng 20 năm tới (2019-2038) sẽ là 4.500 chiếc. Chiếm phần lớn trong số máy bay này sẽ là loại máy bay một lối đi (loại thân hẹp, thí dụ Boeing 737). Số lượng máy bay một lối đi ước tính sẽ chiếm đến hơn 3.600 chiếc, và nhu cầu về máy bay thân rộng như Boeing 777 hay Boeing 787 sẽ chiếm khoảng 800 chiếc. Song song với nhu cầu lớn về số lượng máy bay, nhu cầu về các dịch vụ liên quan để hỗ trợ sự tăng trưởng của các đội máy bay cũng sẽ rất lớn. Để bảo đảm về phụ tùng và các thành phần của  máy bay, dịch vụ mặt đất, dịch vụ kỹ thuật – bảo trì máy bay, các giải pháp số để giúp các hãng hàng không tăng trưởng hiệu quả hơn, ngành hàng không cần đến hơn 800 tỷ USD cho ngành dịch vụ hàng không thương mại trong 20 năm tới, tính riêng tại khu vực Đông Nam Á. Chỉ tính ở khía cạnh đào tạo và nâng cao trình độ cho các chuyên gia, nhân viên trong ngành hàng không, riêng khu vực Đông Nam Á đã cần đến hơn 200.000 nhân sự.

Bên cạnh sự tăng trưởng của ngành hàng không trên thế giới và trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như Đông Nam Á, Việt Nam là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không tại Đông Nam Á. Yếu tố đầu tiên thúc đẩy nhu cầu của ngành hàng không luôn là sự phát triển kinh tế, và dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trong sáu năm tới, bản dự báo cho thấy tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam sẽ đạt hơn 6%, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Chỉ số GDP chỉ là một trong số những yếu tố thúc đẩy sự nhu cầu trong ngành hàng không. Ngoài GDP, còn có các yếu tố như thu nhập tăng để có thể sử dụng dịch vụ hàng không. Chỉ số nhân khẩu học của Việt Nam cũng ngày càng trở nên thuận lợi hơn cho ngành hàng không. Trong vòng 15 năm tới, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi, với khoảng 15 triệu người sẽ gia nhập tầng lớp này tại Việt Nam, và đây là yếu tố chủ chốt thúc đẩy nhu cầu về hàng không trên thế giới.

Liên quan đến sự tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam, trong vòng 5 năm qua, ngành hàng không Việt Nam đã liên tục tăng trưởng, với các chỉ số được sử dụng để đo lường như lưu lượng hành khách, lượng hàng hóa, số lượng máy bay. Trong 5 năm qua, số lượng hành khách tăng gấp 3 lần, số lượng hàng hóa tăng gấp 2 lần, và đội máy bay được khai thác tăng gấp 2 lần. Đây chỉ là bước đầu của sự phát triển của ngành hàng không, vì sự phát triển của ngành hàng không có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của nền kinh tế.

Ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng xấp xỉ 10% và đây là tốc độ tăng trưởng nhanh gần gấp đôi ngành du lịch trên toàn thế giới. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam bằng đường hàng không đã tăng gấp 2 lần trong bốn năm qua. Năm 2018 có 12 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam, và con số này được cơ quan chính phủ dự kiến sẽ tăng gấp 2 hoặc gấp 3 trong vòng sáu năm tới. Qua đó có thể thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn của ngành hàng không Việt Nam nhờ các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế, và sự thu hút của Việt Nam đối với du khách nước ngoài.

Phân khúc thị trường máy bay một lối đi và máy bay hai lối đi

  • Phân khúc thị trường máy bay một lối đi – thị trường lớn nhất

Trong vòng 10 năm qua, trên toàn thế giới, loại máy bay một lối đi đã giúp các hãng hàng không đưa vào mạng lưới bay thêm khoảng 8.000 đường bay. Sự kết nối tăng lên, nhiều đường bay đưa vào khai thác hơn giúp hành khách đi lại dễ dàng và hàng hóa vận chuyển hiệu quả hơn. 8.000 đường bay mới được khai thác trong 10 năm qua trên toàn thế giới, tương đương với khoảng 2 đường bay mới được đưa vào khai thác mỗi ngày bằng máy bay một lối đi.

Tại thị trường Việt Nam, 10 năm trước có 31 đường bay thẳng nội địa, và hiện nay con số này đã tăng gần gấp 2 lần. Số lượng các chuyến bay thẳng giữa các thành phố đã tăng 3,5 lần trong vòng 10 năm qua. Tại 3-4 thị trường lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, có khoảng 30 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày. Sự tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa của Việt Nam được đánh giá là cực kỳ ấn tượng, và phần lớn các đường bay trong thị trường này được khai thác bằng máy bay một lối đi.

Đội máy bay một lối đi của Boeing trước đây bao gồm máy bay 737-NG và hiện nay là 737 MAX. Hiện tại dòng máy bay 737 MAX vẫn đang chờ để bay trở lại. Boeing khẳng định ưu tiên hàng đầu của hãng là tính an toàn, và đưa ra các sản phẩm an toàn nhất. Boeing đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan quản lý tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới để bảo đảm dòng máy bay 737 MAX của hãng sớm cất cánh trở lại, dự kiến vào cuối quý này.

Trong vòng 40 năm qua, 10.000 máy bay Boeing 737 đã được giao hàng và đang được sản xuất theo đơn đặt hàng. Thành viên mới nhất trong gia đình 737 là chiếc máy bay 737 MAX 10 dự kiến đưa vào phục vụ vào năm 2020. Đây là máy bay Boeing 737 kích thước lớn nhất mà hãng từng cung cấp, đồng nghĩa với việc chở được nhiều hành khách hơn, với chi phí trên mỗi ghế nhỏ nhất từ trước đến nay. Hiện tại Boeing có 650 đơn đặt hàng máy bay 737 MAX 10 từ 20 hãng hàng không và công ty cho thuê máy bay trên toàn cầu. Với kích thước và hiệu suất như vậy, Boeing 737 MAX 10 rất có tiềm năng tại thị trường Việt Nam.

  • Phân khúc thị trường máy bay thân rộng

Đặc điểm chung của máy bay thân rộng và máy bay thân hẹp là mang đến nhiều kết nối và đường bay mới. Có 1/3 các đường bay giữa các thành phố hiện nay trên thế giới hiện nay không tồn tại ở thời điểm 10 năm trước. Một phần lớn trong sự tăng trưởng này có liên quan với năng lực và sản phẩm mới của các hãng hàng không. Nhờ hiệu năng cao của các máy bay thân rộng nhỏ và vừa như Boeing 787 và Boeing 777, các hãng hàng không trên thế giới đã đưa vào khai thác thêm 500 đường bay thẳng trong 10 năm qua.

Sự tăng trưởng của ngành hàng không toàn cầu có liên quan đến sự tăng trưởng của ngành hàng không quốc tế tại Việt Nam. Chỉ trong vòng 1 năm đã có gần 50 đường bay quốc tế được mở đến và đi từ Việt Nam. Ước tính đến cuối năm nay sẽ có tổng cộng đến 200 đường bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam. Thị trường hàng không quốc tế ở Việt Nam đang tăng trưởng ở mức 15% hàng năm.

Các chuyến bay quốc tế có thể là tầm ngắn, tầm trung hoặc tầm xa; nhưng tiềm năng thấy rõ tại thị trường Việt Nam là các chuyến bay quốc tế tầm xa. 10 đường bay dài nhất đến và đi từ Việt Nam đều được khai thác bằng máy bay thân rộng. Có hai đặc điểm chính về 10 đường bay này: thứ nhất, đó là các điểm đến tập trung tại Châu Âu; thứ hai, có đến 8/10 đường bay này đang được các hãng hàng không nước ngoài hoặc Vietnam Airlines khai thác bằng máy bay Boeing thân rộng 777 hoặc 787.

Hiện nay, các đường bay thẳng từ Việt Nam đang tập trung về phía Châu Âu và chưa có đường bay xuyên Thái Bình Dương đến Bắc Mỹ. Các đường bay dài qua Thái Bình Dương hiện có thể được khai thác bằng các máy bay thân rộng 787 hoặc 777X.

Trong số các thị trường nối Châu Á và Bắc Mỹ đang chưa có đường bay thẳng, Việt Nam đang nắm trong tay 2 trong số 3 thị trường lớn nhất: Việt Nam – Los Angeles và Việt Nam – San Francisco. Điều này đưa đến nhu cầu về đường bay tầm siêu xa (ultra long-haul) với tầm bay trên 11.000km. Đến 75% trong tổng số các đường bay siêu xa trên toàn thế giới hiện nay đang được khai thác bằng máy bay Boeing thân rộng. Đây là xu hướng ngày càng phổ biến: kết nối các điểm đến có khoảng cách xa bằng đường bay thẳng.

Hiện nay, dòng máy bay Boeing hiệu năng cao và linh hoạt nhất là 787 Dreamliner. Với số ghế từ 250 đến hơn 300 ghế, các máy bay 787-8, 787-9 và 787-10 có hiệu năng cao nhất, linh hoạt nhất trong tất cả các loại máy bay thân rộng kích cỡ trung bình. Boeing rất vui mừng vì máy bay 787-10 được khai thác tại Việt Nam. (Tối 16-8-2019, Vietnam Airlines đã đón nhận máy bay Boeing 787-10 Dreamliner mang số hiệu VN-A879 tại sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là chiếc đầu tiên trong tổng số 8 chiếc Boeing 787-10 được bàn giao dần cho Vietnam Airlines từ nay đến cuối năm 2020).

Về khía cạnh phát triển lâu dài, dòng máy bay này có thể tăng thêm 20 đến 60 ghế cũng như hiệu quả tốt hơn về mặt kinh tế, giúp hãng hàng không phát triển nhanh hơn với chi phí thấp hơn. Trên cả hai loại đường bay tầm trung và tầm xa, Boeing 787-10 là loại máy bay mang lại hiệu quả cao nhất cho khách hàng. Boeing rất tự hào 787-10 đã gia nhập Vietnam Airlines và đang được khai thác tại thị trường này. (Sáng 2-10-2019, chuyến bay đầu tiên khai thác loại máy bay Boeing 787-10 Dreamliner thân rộng hiện đại của Vietnam Airlines khởi hành từ TP. HCM đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Incheon ở Seoul).

Máy bay 777 và máy bay 777X mới

Hiện nay, máy bay Boeing 777 đang làm chủ thị trường đường bay tầm xa. Boeing đã và đang thực hiện thiết kế, cải tiến dòng máy bay này để đưa ra dòng máy bay 777X mới, có tầm bay xa nhất cũng như khả năng chuyên chở hành khách lớn nhất so với các đối thủ. Với hai động cơ và cánh máy bay từ vật liệu composite, đây là loại máy bay mới và hiệu năng cao cho các đường bay dài.

Trong 4 năm qua, Boeing đã cung cấp xấp xỉ 2/3 lượng máy bay thân rộng cho thị trường thế giới và chiếm đến gần 70% số đơn đặt hàng máy bay thân rộng trên toàn thế giới.

Châu Á –  Thái Bình Dương là thị trường hàng không lớn nhất thế giới, trong đó Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực. Với nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và sự gia tăng tầng lớp trung lưu, cũng như sự phát triển của ngành du lịch tại Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng rất lớn không chỉ trong việc phát triển các đường bay trong khu vực mà còn là các đường bay quốc tế tầm xa.

Boeing cam kết duy trì và tăng cường sự hiện diện của hãng tại Việt Nam, không chỉ trong việc cung cấp máy bay, mà còn về các lĩnh vực như đầu tư, đào tạo, chuỗi cung ứng,… Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, không chỉ trong những năm tới mà còn tiếp tục trong những thế hệ tiếp theo.

Đây là nội dung trình bày của ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing Thương mại của Tập đoàn Boeing, về bản Dự báo Thị trường Thương mại thường niên của Boeing (CMO, Commercial Market Outlook 2019 – 2038) trong cuộc họp báo tại TP.HCM (ngày 25-10-2019), qua bản ghi lại của Matterhorn Communications, Đại diện truyền thông của Boeing tại Việt Nam.

Bản dự báo Boeing Commercial Market Outlook 2019 – 2038 đầy đủ được đăng tại đây.

MEDIAONLINE

+ Ảnh: P.H.P.