Hơn 10.000 cơ quan nhà nước, dịch vụ công dùng Zalo kết nối với người dân
Hơn 10.000 cơ quan nhà nước, dịch vụ công hiện dùng Zalo để kết nối với người dân là con số khá ấn tượng nếu so sánh với số lượng 10.566 xã phường ở Việt Nam. Đáng chú ý là việc ứng dụng Zalo trong phòng ngừa tội phạm có sự phát triển nổi bật trong năm qua, với hơn 5.000 đơn vị Công an mở tài khoản Zalo (OA Zalo) tính đến tháng 12-2022. Đã có 3.534 cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ chatbot để tương tác với người dân
Hơn 10.000 cơ quan nhà nước, dịch vụ công dùng Zalo kết nối với người dân. (Ảnh: Nguyên Thảo, do Zalo cung cấp).
Thông qua nền tảng Zalo, hơn 1,3 tỷ tin nhắn giữa người dân và chính quyền đã được thực hiện. Không cần máy tính kết nối Internet, không cần đến tận nơi, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh cài đặt Zalo là các cuộc trao đổi giữa người dân và Chính quyền sẽ diễn ra chỉ trong vài phút.
Hơn 3.500 cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ chatbot để tương tác với người dân. (Ảnh do Zalo cung cấp).
Zalo đã trở thành kênh tương tác hiệu quả khi người dân cần thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) công, kênh truyền thông khi liên tục cập nhật những tin tức chính thống và góp phần vào công tác giữ gìn trật tự công cộng, an ninh xã hội tại các địa phương.
Hơn 5.000 tài khoản Zalo An ninh, tương đương 50% số xã phường ở Việt Nam
Năm 2022 cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng ấn tượng của mô hình Zalo An ninh cả về số lượng lẫn chất lượng. Với hơn 5.000 tài khoản (tính đến tháng 11-2022) được thiết lập từ tỉnh thành đến tận xã phường, thôn bản xa xôi, Zalo An ninh đã góp phần rất lớn vào việc phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự góp phần mang đến cuộc sống bình yên cho người dân.
Zalo An ninh giúp tạo kênh tương tác thân thiện, kịp thời giữa người dân và chính quyền. (Ảnh: Nguyên Thảo, do Zalo cung cấp).
Chia sẻ về việc ứng dụng Zalo, hầu hết các đơn vị công an đều nhận định: Sử dụng Zalo là cách thức tuy đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao trong công tác số hóa thủ tục hành chính và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Do đó, các đơn vị đã khai thác triệt để những tính năng trên Zalo vào công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Thông qua Zalo, công an có thể tiếp nhận tin báo liên quan an ninh trật tự (ANTT), tố giác tội phạm từ người dân kịp thời, an toàn, bảo mật tuyệt đối. Tuyên truyền vận động người dân trong phòng, chống tội phạm, mang lại sự tin yêu và gần gũi hơn với người dân.
Các hoạt động truyền thông tuyên truyền của ngành Công an đã giúp mô hình Zalo An ninh phổ biến, quen thuộc với người dân. (Ảnh: Nguyên Thảo, do Zalo cung cấp).
Không chỉ phát huy vai trò giữ gìn ANTT, mô hình Zalo An ninh còn góp phần vào công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh chóng và giảm phiền hà khi giải quyết các TTHC của ngành công an. Nổi bật trong năm 2022 phải kể đến chiến dịch cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và triển khai Đề án 06 đến tận cấp xã, phường.
Trên ứng dụng Zalo, các đơn vị tạo nhiều tính năng, menu hướng dẫn thủ tục hành chính, đăng tải các biểu mẫu, đường dẫn đến website của Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Bộ Công an để người dân thao tác dễ dàng.
Đặc biệt, với chức năng truy vấn, trả lời tự động (chatbot) của Zalo, ngành công an cũng đã tích hợp những vấn đề người dân quan tâm nhiều như thông báo thời gian, thủ tục cấp CCCD; đăng ký phương tiện; quản lý cư trú; phòng cháy, chữa cháy (PCCC),… giúp việc tìm hiểu thông tin dễ dàng, chủ động hơn.
Tích cực chuyển đổi số, phát triển các mô hình mới
Trong mảng dịch vụ công, tài khoản Zalo của các tỉnh thành đều liên tục bổ sung các tiện ích mới để phục vụ người dân thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, mô hình Zalo Chính quyền điện tử cũng mở rộng đến tận quận huyện, xã phường.
Có thể thấy, việc ứng dụng Zalo để đưa thông tin, thủ tục hành chính tiếp cận đến từng người dân đã giúp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị, giảm thời gian, chi phí đi lại và tạo thuận lợi cho người dân. Qua đó, nâng cao điểm số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công của các tỉnh thành.
Ứng dụng Zalo trong thực hiện TTHC trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian. (Ảnh: Nguyên Thảo, do Zalo cung cấp).
Ứng dụng Zalo trong thực hiện TTHC trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian. (Ảnh: Nguyên Thảo, do Zalo cung cấp).
Nhiều tỉnh còn tận dụng nền tảng Zalo để xây dựng, thiết kế các tiện ích phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương. Chẳng hạn, tại Hà Giang, từ tháng 7-2022, tỉnh này đã đưa vào sử dụng trang Zalo “Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên” cung cấp thông tin liệt sĩ giúp thân nhân, đồng đội, cựu chiến binh thuận lợi hơn khi đến viếng thăm.
Hay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2022 vừa qua, các tỉnh thành lớn như Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Giang,.. đã triển khai hình thức tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT trên Zalo, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin nhanh chóng, chính xác. Nhờ đó, hàng chục nghìn thí sinh, phụ huynh học sinh đã tra cứu điểm thi thuận lợi, tránh tình trạng các hệ thống bị nghẽn mạng khi số lượng người truy cập lớn.
Dù mới phát triển, nhưng mô hình OA Zalo Tuổi trẻ nhận được nhiều sự quan tâm. (Ảnh chụp màn hình, do Zalo cung cấp).
Để tiếp cận với giới trẻ – những người năng động, nhạy bén với công nghệ – các đơn vị cũng sáng tạo các mô hình mới điển hình là mô hình OA Zalo Tuổi trẻ. Dù mới ra mắt, nhưng mô hình này đã có sự phát triển tích cực với hơn 350 tài khoản thiết lập trong vòng 3 tháng.
Với những đóng tích cực, hiệu quả vào công tác chuyển đổi số; phòng, chống dịch COVID-19; giữ gìn ANTT, cải cách TTHC trên cả nước, trong năm 2022, Zalo đã liên tục đón nhận bằng khen, giấy khen từ các cơ quan, tỉnh thành.
T.T.Z.
Nguồn do Zalo cung cấp.