Phóng sự truyền hình đầu tiên ở Việt Nam do ChatGPT viết kịch bản phát trên CafeTek HTV
Sáng Chủ nhật 12-2-2023, chương trình công nghệ hàng tuần CafeTek trên Kênh HTV9 của Đài Truyền thình TP.HCM (HTV) được nhiều người háo hức đón xem hơn thường lệ. Từ mấy ngày trước, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin về việc một phóng sự truyền hình do công cụ siêu trí tuệ nhân tạo AI ChatGPT viết kịch bản và nội dung sẽ được phát chính thức trên CafeTek. Theo nhóm thực hiện CafeTek, đây là phóng sự phát sóng do AI viết đầu tiên tại Việt Nam và nó đã thu hút sự quan tâm, chú ý của khán giả cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.
Cuộc sống Tương lai CafeTek phát sóng vào lúc 8h Chủ nhật hàng tuần trên HTV9 (và phát lại lúc 7h30 thứ Tư trên HTV7) là một chương trình truyền hình kiểu mới về công nghệ với nội dung và cách thể hiện gắn với cuộc sống và con người. Và giữa trào lưu sốt nóng toàn cầu sau khi chatbot ChatGPT được Công ty OpenAI (Mỹ) chính thức ra mắt ngày 30-11-2022, đề tài AI là một xu hướng mà CafeTek phải đề cập đến trong nội dung của chương trình. Vì thế, thay vì cần một biên tập viên để viết nội dung cho phóng sự “Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam”, êkip thực hiện chương trình quyết định thử để cho AI viết một kịch bản về chính công nghệ này tại Việt Nam.
Với câu hỏi: “Thực hiện một phóng sự về chatbot và AI ở Việt Nam hiện nay cần mấy phần chính?”, ChatGPT đã đề xuất chia thành 5 phần chính với các nội dung cụ thể. Sau đó, chính nó có thể viết được cho mỗi phần đó nội dung tới 500 chữ.
ChatGPT đề xuất 5 phần của phóng sự về AI ở Việt Nam.
Ngoài ra, ChatGPT còn đề xuất được những chuyên gia có thể phỏng vấn để bổ sung vào bài phóng sự. Sau khi có được bài viết từ AI, êkip tiến hành đưa đi đọc và lồng tiếng, hậu kỳ và dựng clip trên nền văn bản mà ChatGPT đã viết. Khi hoàn thành các công đoạn, phóng sự mà ChatGPT viết kịch bản được đánh giá là thật sự dễ nghe, đủ thông tin và đúng bố cục từng phần đối với một phóng sự cơ bản. Vậy là nó được thông qua kiểm duyệt nội dung để chính thức phát sóng.
Êkip CafeTek đang làm hậu kỳ cho phóng sự truyền hình do ChatGPT viết kịch bản. Nhà báo Ngô Trần Thịnh là người đứng trong ảnh.
Nhà báo Ngô Trần Thịnh, người phụ trách sản xuất chương trình CafeTek của HTV, cho biết, văn bản mà trí thông minh nhân tạo có thể tự tổng hợp, bố cục và viết bài gần với kết quả của một biên tập viên có 1 đến 2 năm tuổi nghề. Không quá hay nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn, đủ để phục vụ thông tin cho khán giả. Thời gian để có được một kịch bản như vậy do ChatGPT tạo ra chỉ khoảng 8 phút so với gần 1 tiếng nếu một biên tập viên bình thường có thể làm.
Sau khi được phát sóng chính thức trên HTV9, phóng sự truyền hình do AI viết được khán giả rất quan tâm với hàng trăm lượt bình luận thích thú trên các diễn đàn về khả năng của AI trong ngành làm nội dung. Cả những chuyên gia công nghệ cũng đánh giá sự khó lường với khả năng công nghệ trí thông minh mang lại.
Ông Vũ Anh Tuấn trong phóng sự về AI ở Việt Nam trên CafeTek HTV sáng 12-2-2023.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TP.HCM, đánh giá: “Khó có thể nhận ra đây là phóng sự do AI viết nếu êkip không thông báo, những thông tin mà AI tổng hợp trong phóng sự đầy đủ toàn diện trong ngành công nghệ của Việt Nam. Rõ ràng với lượng dữ liệu lớn và học hỏi liên tục của AI, ‘kinh nghiệm’ tổng hợp thông tin của công nghệ này thực sự tốt và rút ngắn thời gian cho con người rất nhiều so với cách chúng ta phải từ lục tìm qua nhiều tư liệu của các nguồn rồi lại phải tổng hợp thủ công, rất mất thời gian.”
Bà Trần Thị Nguyệt Oanh trong phóng sự về AI ở Việt Nam trên CafeTek HTV sáng 12-2-2023.
Bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Nhân sự, Ngân hàng HSBC Việt Nam, nói mình cảm thấy vô cùng bất ngờ khi xem phóng sự do AI viết nên, cho thấy khả năng tổng hợp và dùng từ ngữ của AI đã tốt lên rất nhiều theo thời gian. Tuy nhiên. bà cũng đánh giá, công nghệ này chỉ dừng ở mức hỗ trợ công việc nhanh hơn chứ chưa thể thay thế hoàn toàn và có được sự sáng tạo của con người. Nếu ứng dụng công nghệ AI đúng cách, người làm nội dung có thể hoàn thành công việc nhanh hơn, có được nhiều tác phẩm hơn.
Nhà báo Ngô Trần Thịnh của HTV cho biết thêm, dữ liệu do AI cung cấp cho êkip CafeTek chưa thể đưa qua đọc tiếng được ngay mà còn phải qua thêm một lớp rà và chỉnh sửa lại từ ngữ để hợp với góc nhìn phóng sự, sử dụng danh từ chính xác thay cho các từ ngữ do máy học tổng hợp đề xuất. Thêm nữa, không phải chỉ đặt 1 câu hỏi là AI có thể ra được kết quả đạt yêu cầu ngay mà êkip phải hỏi AI đến 8 câu để dẫn dắt cho AI hiểu được ý của nhóm biên tập. Anh nói: “Ở góc nhìn của tôi, công nghệ này là một công cụ hỗ trợ thực sự đắc lực chứ không thể thay thế được người làm nội dung truyền hình. Tuy nhiên, điều này sẽ gia tăng sức ép lên những bạn sinh viên mới ra trường với yêu cầu nghiệp vụ cao hơn vì những tác vụ cơ bản thì AI đúng là có thể làm được”.
Một thành viên CafeTek HTV đang chat với ChatGPT.
Êkip thực hiện Chương trình CafeTek HTV chia sẻ: Qua phóng sự truyền hình do AI viết kịch bản này, có thể thấy được năng lực khó tin của AI hiện nay và chắc chắn là trong tương lai, công nghệ này sẽ còn phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, xét cho cùng, tiến bộ công nghệ vẫn phải nhằm phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Do đó, hãy tận dụng sức mạnh và lợi thế từ công nghệ AI như CafeTek đã làm trong phóng sự ngày hôm nay thay vì lo sợ AI sẽ cướp mất công việc từ tay mình.
Vốn nhấn mạnh ngay từ đầu các ứng dụng AI như ChatGPT dù có siêu thông minh ra sao vẫn là công cụ do con người tạo ra để phục vụ và hỗ trợ con người, ông Phạm Hồng Phước, một nhà báo công nghệ, tỏ ra rất hứng thú với việc mà êkip CafeTek vừa làm với ChatGPT. Đó là một thực nghiệm lý thú và hữu ích. Thay vì chỉ đu theo nhiều người, bàn tán và suy diễn là chính, hay chỉ dựa trên lý thuyết, những nhà báo trẻ đam mê cái mới và thích trải nghiệm những thách thức về công nghệ như êkip CefeTek đã đích thân “làm việc” với ChatGPT để có thể khám phá những ưu và nhược điểm của nó. Tất nhiên để có thể đạt yêu cầu mong muốn, họ không chỉ cần tri thức đủ và tay nghề cao mà còn cần cả bản lĩnh để có thể bình tĩnh và dẫn dắt ChatGPT, không để nó làm mình bị “ngộp” và lạc lối. ChatGPT không phải chỉ là một công cụ công nghệ thông thường, nó là một công cụ AI, thậm chí “siêu AI”, nên với các mục đích nghiêm túc, nó cần người dùng có đủ năng lực để kiểm soát nó và hướng nó phục vụ tối ưu cho lợi ích của con người. Hy vọng, trong thời gian đến, êkip CafeTek sẽ tiếp tục nghĩ ra những cách thức để khai thác những thế mạnh của các ứng dụng AI nhằm phục vụ cho khán giả. ChatGPT như con dao pha, làm được cái gì là tùy tay người cầm. Và không ai có thể phủ nhận được khả năng hỗ trợ con người “siêu thần lực” nhưng “không phải tối thượng” của nó.
Xin mời xem phóng sự truyền hình đầu tiên do ChatGPT viết kịch bản:
.
HOÀI XUÂN
Nguồn do CafeTek cung cấp.