Lan man về cảnh giới “Chúng Ta Sống Để Lắng Nghe…” của Nguyễn Phong Việt
Tết Con Rồng 2024 này, A Phủ có lộc đọc sách. Ít bữa sau khi được “trung niên bằng hữu lưu niên” Nguyễn Trí Thông ship tặng cuốn du ký “Có Gì Sau Phía Chân Trời”, A Phủ lại được một văn nhân họ Nguyễn khác là cậu em Nguyễn Phong Việt gửi tặng tập tản văn “Chúng Ta Sống Để Lắng Nghe…”
Nghĩ cũng lạ thiệt, họ là 2 trung niên họ Nguyễn, người kia xuất xưởng năm 1979, còn người này chun ra đời năm 1980, cách nhau 1 năm. Người kia là một nhà quản lý doanh nghiệp từng giữ những chức vụ không hề nhỏ tại một số tập đoàn công nghệ lớn quốc tế và quốc nội, người này được định danh là một nhà thơ. Và hai người cùng ra sách tản văn trong tháng đầu tiên của năm 2024 tại Sài Gòn.
Nguyễn Phong Việt vốn nổi tiếng ở mảng thơ. Những bài thơ nhẹ nhàng, đằm thắm mà đọng nhiều suy nghĩ về người, về đời. Những tập thơ của chàng dễ thương cả hồn lẫn xác nên thường được dùng làm quà tặng dịp lễ Tết, lúc vui vẻ. Chàng cũng hay được mời đi sự kiện. Và nếu hầu hết những nhà thơ “truyền thống” (nhà thơ thiệt sử chứ không phải là những người viết thơ) thường trông hoặc xù xì, hoặc lùi xùi, nhà thơ Nguyễn Phong Việt luôn chỉn chu, lịch lãm, đỏm đáng và đôi chút thời trang, nói gọn là dễ coi và dễ thương.
Thấy Nguyễn Phong Việt làm thơ đều đều, tựa như gà mái đẻ sai, A Phủ nhiều phen nhủ thầm chắc chàng ta ôm một bụng thơ, hễ khều khều là tòi ra ngay. Mà sai trái nhưng toàn “hàng Việt Nam chất lượng cao” mới đáng nể phục. Đại từ điển bách khoa Wikipedia giới thiệu về Nguyễn Phong Việt: “Các tập thơ đã xuất bản của anh đã tạo nên những hiện tượng xuất bản ở Việt Nam khi đã bán được hàng chục ngàn bản in, một điều rất hiếm thấy đối với thơ Việt Nam trong hàng thập kỷ trước đó”.
Nhà thơ thường được cho là những người lãng mạn, mộng mơ, hay ngồi “nhìn mây bay ngang cửa sổ”. Còn người viết tản văn lại là những ông cụ non, biết chiêm nghiệm sự đời. Những tưởng hai người đó không thể “đồng sàng”, dè đâu lại có thể “hội tụ” 2-in-1 nơi Nguyễn Phong Việt. Nếu thơ của chàng nhẹ nhàng mà đọng nhiều suy gẫm, thì văn của chàng sâu lắng nhưng lại nhẹ nhàng. Tưởng không mà lại có, mà có cứ như không.
Tập tản văn mà Nguyễn Phong Việt tặng tôi được in lần thứ 2 vào đầu năm 2024 có tựa đề “Chúng Ta Sống Để Lắng Nghe…” Nó như thể là phần 3 sau 2 tập tản văn “Chúng Ta Sống Có Vui Không?” (xuất bản năm 2020) và “Chúng Ta Sống Là Vì…” (năm 2022).
À, mà cái sự “biết lắng nghe” nó quan trọng đại vô cùng. Không lắng nghe thì không thể hiểu được nhau. Chắc ai cũng nhớ cái câu slogan nổi tiềng của một hãng bảo hiể nhân thọ quốc tế “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Không biết lắng nghe thì dễ ngộ nhận, hiểu lầm nhau – nguồn gốc của những cuộc chia ly, đổ vỡ trong những mối quan hệ, và thậm chí gây ra những cuộc xung đột, chiến tranh. Bạn hãy lắng nghe để mà sống, trước tiên là lắng nghe từ chính nội tâm và cơ thể của mình, rồi lắng nghe thiên nhiên, lắng nghe con người và vạn vật. Xin cam đoan, một khi chịu lắng nghe và biết lắng nghe, bạn sẽ khám phá được nhiều hơn là khi cứ tranh nhau mà nói.
Tập tản văn dày 168 trang này gồm rất nhiều chương, mở đầu là chương “Mình chỉ là một con người” như thể điều xác tín “ta là ai”. Tác giả kết chương đầu như vầy: “Chỉ cần vậy thôi! Mình được là mình, với thứ niềm vui mình muốn vui, công việc mình muốn làm, những người mình muốn gặp, tình yêu mình muốn trao gởi và cuộc đời mình muốn trải nghiệm. Hiểu được mình và chấp nhận mình. Hiểu được người và chấp nhận người. Minh chỉ là một con người, một con người bình thường…” Trải suốt tập tản văn, Nguyễn Phong Việt với nhân xưng là “mình” cứ thủ thỉ, rủ rỉ rù rì cùng đối tượng tri kỷ gọi là “bạn” về nhiều thứ chuyện riêng và chung. Chương nào cũng gợi nhiều suy nghĩ. Để rồi cuối cùng, Nguyễn Phong Việt kết lại bằng một lời chúc nằm ngay giữa một trang: “Chúc cho chúng ta một năm mới nhìn thấu suốt được hết biển rộng sông dài. Để cho lòng mình được bỏ xuống ít nhiều những món nợ trần ai!”. Vậy là sau khi “mình” trải lòng tâm tình cùng “bạn”, tác giả chúc cho cả hai – chúng ta một lời chúc phảng phất lời mời gọi “buông bỏ” khi đời rất vô thường.
Khép cuốn tản văn “Chúng Ta Sống Để Lắng Nghe…” có giá bìa 70.000 đồng lại, A Phủ lan man câu hỏi: Hỗng biết trong tập tản văn thứ tư tới đây (nếu có) nhà thơ viết tản văn Nguyễn Phong Việt sẽ “Chúng Ta Sống” cái gì nữa đây. Bởi lẽ cuộc sống con người đa đoan và ngồn ngộn, biết bao điều để nói, để khám phá, ngay từ khám phá chính mình. Với cái tạng của mình trải qua 3.000 đại thiên thế giới, A Phủ rất khoái cái cảnh giới “Chúng Ta Sống Để Yêu Nhau”.
PHẠM HỒNG PHƯỚC