Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Bám theo vòng bánh xe đạp Đỗ Khắc Cương (bài 4)

Bám theo vòng bánh xe đạp Đỗ Khắc Cương (bài 4)
August 18
21:32 2018

DU LỊCH QUÁ GIANG

NGÀY THỨ NĂM 20-7-2018 TỚI NGÀY THỨ BẢY 22-7-2018:

Anh Đỗ Khắc Cương, một người bạn của tôi làm ở Microsoft Việt Nam, vừa làm một chuyến hành phương Bắc bằng xe đạp, khởi hành từ sân bay Phú Bài (Huế). Là một người mê giong ruổi, thích đạp xe, yêu sử Việt, có tài viết lách, anh đã có những ghi chép thú vị dọc hành trình của mình. Được phép của anh, tôi xin mời bạn cùng làm một chuyến “du lịch quá giang” với anh bạn làm công nghệ, mê thể thao này, khoái di dịch này.

Đỗ Khắc Cương tại thành nhà Hồ.

Cầu Bông ở Sài Gòn, chợ Đông Ba ở Huế và làng hoa Yên Phụ ở Hà Nội trước đây có tên là Cầu Hoa, chợ Đông Hoa và làng Yên Hoa. Vì lý do kị húy với tên Hoàng thái hậu Hồ Thị Hoa, là chánh thất của vua Minh Mạng và mẹ đẻ của vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, nên ba địa danh trên trở thành Cầu Bông, Đông Ba và Yên Phụ.

Thanh Hóa trước đây là trấn Thanh Hoa, sau thời vua Thiệu Trị (1841) cũng vì kị húy mà đổi tên thành Thanh Hóa, là cái tên rất cũ của vùng đất này.

Và trong chiều dài lịch sử Việt Nam, không đâu là nơi phát tích ra nhiều triều đại vua chúa như nơi đây. Thanh Hóa chính là nơi sinh ra Lê Hoàn, Lê Lợi, Hồ Quí Ly, ba vua lập ra các triều đại Tiền Lê, Hậu Lê và nhà Hồ. Rồi Thanh Hóa cũng là quê hương của Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm, là thủy tổ của hai dòng chúa Trịnh và Nguyễn thời Lê Trung Hưng. Đó là lý do người ta gọi đất Thanh là vùng đất 3 vua 2 chúa.

Ranh giới hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

Hai ngày hôm nay đạp xe quanh xứ Thanh, tôi thật sự được học thêm nhiều điều và có nhiều trải nghiệm rất đáng nhớ. Hôm qua (21-7) thức dậy từ rất sớm từ 5 giờ sáng để chuẩn bị và ăn sáng, rồi xuất phát lúc 6 giờ sáng từ thị xã Hoàng Mai của tỉnh Nghệ An tiếp tục theo QL1 đi ra Thanh Hóa. Đoạn đường này đi qua nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên có rất nhiều người mặc áo phía sau có chữ NSRP. Thời tiết tốt, mặt đường đẹp nên gần 10 giờ sáng là tôi đã đến thành phố Thanh Hóa. Chụp hình ở tượng đài vua Lê Thái Tổ ngay trung tâm thành phố, ăn trưa sớm rồi tôi tiếp tục đi theo QL47 về phía Tây để đến Lam Kinh. Đoạn đường này dài tầm 50km nhưng đạp rất vất vả, vì lên miền trung du nên phải qua rất nhiều đồi dốc. Tuy nhiên đạp cung này cũng thích vì khung cảnh khác đường QL1, dân cư thưa thớt hơn và hai bên đường có nhiều cánh đồng mía rất là mát mắt. Đi hết QL47 sẽ đến đường Hồ Chí Minh, rẽ phải đi vài km sẽ đến khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Lam Kinh là kinh thành Lam Sơn, kinh thành do nhà vua Lê Lợi cho xây dựng ở quê hương đất tổ. Trải qua gần 600 năm với vô vàn biến cố, trong đó có bị quân nhà Mạc và Tây Sơn đốt, điện Lam Kinh chỉ còn phế tích. Tuy nhiên gần đây, nhà nước đầu tư lớn và dựng lại điện Lam Kinh trên nền phế tích cũ vô cùng nguy nga với hàng trăm cột gỗ lim lớn đưa từ bên Lào về. Bây giờ di tích điện Lam Kinh hầu như lấy lại vẻ hoành tráng ngày xưa, đầy đủ ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu, những nền đá tượng đá cũ (nguyên bản) và mới xen lẫn vào nhau. Và về đến Lam Kinh, cảm xúc đặc biệt nhất là được tận mục sở thị Vĩnh Lăng và bia Vĩnh Lăng, là nơi yên nghỉ và văn bia của người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Lăng mộ nhà vua đơn giản, hình vuông, phía trên không có xây nóc. Bia Vĩnh lăng là bia nguyên bản dựng từ năm 1433, được soạn ghi công lao của người anh hùng dân tộc Lê Lợi bởi một người anh hùng dân tộc khác là Nguyễn Trãi, đối với tôi đó là một báu vật quốc gia.

Nơi an nghỉ của anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Nếu có dịp đến Thanh Hóa, các bạn nhớ ghé thăm Lam Kinh, vì khi đến thăm Lam Kinh, các bạn sẽ biết thêm rất nhiều điều mà tôi không thể kể hết ở đây được, ví dụ như ai (được cho) là nữ tình báo đầu tiên của nước Việt?…

Rời Lam Kinh, tôi theo đường đê dọc sông Chu, rồi theo đường liên huyện Thọ Xuân-Yên Định để đạp về thành nhà Hồ, một di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Trên đường đi có đến đền thờ Lê Hoàn, là vua lập triều nhà tiền Lê, cũng ở cùng huyện Thọ Xuân với Lê Lợi. Cung đường liên huyện Thọ Xuân-Yên Định mặt đường xấu nên đạp cũng vất vả, tuy nhiên đây là cung đường mà tôi cảm nhận được dân số đông đảo của tỉnh Thanh Hoá vì hai bên đường, dù là ở nông thôn, nhà cửa cứ san sát trên suốt cả trục đường.

Thành nhà Hồ nằm ngay cuối thị trấn Vĩnh Lộc, do Hồ Quí Ly xây dựng năm 1397, đây cũng là thành kinh đô của nước Đại Ngu, là quốc hiệu của Việt Nam thời nhà Hồ. Thành xây bằng đá, và là thành xây bằng đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á. Đến tận nơi thành nhà Hồ, tận mắt nhìn thấy những tảng rất đá to lớn ở chân cổng thành, tôi cảm nhận thấy được nền văn minh của cha ông ngày xưa.

Vậy là hôm qua tôi đạp xe qua 3 di tích gắn liền với 3 triều đại nhà vua Tiền Lê, Hậu Lê và Hồ, hành trình dài 150km. Hôm nay tôi tiếp tục từ thành nhà Hồ đạp vào làng Sóc Sơn, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc và sau đó là làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, là nơi phát tích của hai dòng chúa Trịnh và Nguyễn, và sau đó đạp tiếp về Ninh Bình.

Được mời uống nước và dùng chè lam ngay trước di tích Lam Kinh.

Chị chủ quán dúi vào tay chè lam, rút điện thoại ra chụp lại mà chị ấy chạy đi không cho chụp, nên chỉ chụp được mỗi tay mình.

Hành trình hôm nay dài 90km nhưng đạp trong mưa gió nên cũng mệt không khác gì hôm qua. Bây giờ nghĩ lại thấy hơi liều! Nhưng vì liều đạp xe một mình trong mưa gió nên được nhiều người thương, hôm qua chị chủ quán nước trước di tích Lam Kinh mời vào giữ xe, uống nước, ăn chè lam, hút thuốc lào, tất cả đều miễn phí. Lúc đi chị ấy còn dúi vào tay cho được gói chè lam nói để ăn đạp xe cho đỡ đói. Hôm nay được anh chủ nhà tốt bụng trước đền Gia Miêu không những chỉ đường tận tình còn xin các chú bộ đội cho mình đi tắt ngang qua doanh trại quân đội về Bỉm Sơn gần được mấy cây số.

ĐỖ KHẮC CƯƠNG

+ Ảnh: ĐỖ KHẮC CƯƠNG

Đỗ Khắc Cương tại khu vực tượng vua Lê Thái Tổ ngay trung tâm thành phố Thanh Hóa.

Đường lên Lam Kinh, ven quốc lộ 47 còn nhiều đồng lúa ngập nước do bão Sơn Tinh.

Qua cầu Mục là đến Lam Kinh. Đây là dòng sông Chu, là dòng sông qua căn cứ Lam Sơn. Ngọn núi cao là núi Mục, là trạm canh gác của nghĩa quân Lam Sơn ngày xưa.

Giếng cổ – Giếng Ngọc có từ thời Lam Sơn khởi nghĩa.

Công tác phục dựng điện Lam Kinh trên nền phế tích cũ được làm tương đối tốt, tốt hơn ở Huế nhiều.

Màu đá cũ là đá nguyên gốc 600 năm. Phần đá mới là đá phục tạo sau này.

Cột lim trong điện Lam Kinh là cột lim mới trên nền đá cũ.

Các chi tiết hoa văn được chú ý khi phục dựng lại điện Lam Kinh.

Một góc bên ngoài điện Lam Kinh.

Bên trái là quan văn. Tượng nguyên bản 600 năm.

Quan võ bên phải, Tượng nguyên bản.

Lam Kinh còn là nơi yên nghỉ của nhiều vị vua nhà Lê khác.

Bia Vĩnh Lăng – một báu vật quốc gia

Đỗ Khắc Cương bên bia Vĩnh Lăng. Bia được làm từ đá trầm tích.

Hoa văn rồng vẫn còn sắc nét trên bia Vĩnh Lăng.

Rùa đội bia Vĩnh Lăng có đến 6 ngón thay vì 5 ngón như các tượng rùa đội bia khác.

Đền Lê Hoàn.

Bên trong đền Lê Hoàn.

Cửa Nam Thành nhà Hồ.

Thành nhà Hồ được xây bằng đá. Có viên dài hơn 2m cao hơn 1m.

Từ trong Thành nhà Hồ nhìn ra

Thành nhà Hồ.

Được mời cả hút thuốc lào.

Đền Trịnh Tùng. Trịnh Tùng được coi như Chúa đầu tiên của nhà Chúa Trịnh.

Làng gốc nhà Trịnh, Trâu làng bên ngựa sắt thành phố.

Biển báo di tích quốc gia gì mà cũ kỹ đơn giản quá.

Miếu Triệu Tường là miếu thờ Nguyễn Kim – cha của Chúa Nguyễn Hoàng và cha vợ của Trịnh Kiểm.

Hình chụp lại cho thấy ngày xưa miếu Triệu Tường to đẹp thế này. Chưa tìm hiểu di tích bị phá lúc nào. Bây giờ đang tôn tạo lại.

Đình Gia Miêu đang được tôn tạo lại.

Anh chủ nhà rất nhiệt tình mời uống nước, chỉ đường tận tình và xin bộ đội cho mình đi đường tắt về Bỉm Sơn cho nhanh.

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới