Cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố lần thứ 4 trong năm 2018
Từ chiều ngày 23-8-2018, tình trạng kết nối Internet ở Việt Nam, đặc biệt là ra nước ngoài và có kết nối với các dịch vụ xuyên biên giới ở nước ngoài, bị chập chờn, chậm hẳn lại. Nhiều bạn lên mạng xã hội than rằng họ vào Facebook, YouTube,.. bỗng dưng khó và chậm.
Ngày 24-8-2018, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết từ 14g35ph ngày 23-8-2018, họ đã phát hiện tình trạng gián đoạn liên lạc trên một số kênh truy cập Internet quốc tế qua tuyến cáp quang ngầm dưới biển AAG. Theo trang ICTNews, nguyên nhân gây ra sự cố được xác định là do rò nguồn điện hệ thống AAG và điểm sự cố cách trạm cập bờ Vũng Tàu 250km.

Kỹ thuật viên đang sửa chữa tuyến cáp quang AAG trong một lần sự cố trước đây. (Ảnh: Internet. Thanks)).
Đại diện VNPT cho biết sự cố này ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết nối Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong, Singapore, Mỹ trên tuyến cáp quang biển AAG. Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom, NetNam đều sử dụng tuyến cáp quang biển AAG. Tuy nhiên do đã có quá nhiều kinh nghiệm với các tuyến cáp quang biển trong những năm qua, các ISP ở Việt Nam luôn có phương án dự phòng và xử lý để có thể nhanh chóng khắc phục phần nào ảnh hưởng của sự cố (chủ yếu bằng cách định tuyến, chuyển hướng truy cập qua các tuyến cáp khác). Riêng VNPT, tới trưa 24-8-2018, họ đã hoàn tất việc chuyển dung lượng trên tuyến cáp AAG sang các hướng cáp khác, bảo đảm khách hàng của mình có thể sử dụng các dịch vụ quốc tế như Gmail, Facebook bình thường.
Thực tế là mỗi khi xảy ra sự cố với một tuyến cáp Internet quốc tế nào đó, tình trạng kết nối Internet ở Việt Nam đều bị ảnh hưởng không ít thì nhiều (tùy dung lượng khai thác trên tuyến cáp đó). Do dung lượng dự phòng có giới hạn, việc điều hướng dung lượng từ tuyến cáp bị sự cố sang các tuyến cáp khác chỉ mang tính chia sẻ và khiến các tuyến cáp khác bị quá tải. Hiện nay, ngoài các tuyến cáp quang trên đất liền đi qua lãnh thổ Trung Quốc, Việt Nam chủ yếu kết nối Internet quốc tế qua 6 tuyến cáp quang biển: TGN-IA (Tata TGN-Intra Asia), AAG (Asia-America Gateway), SMW3 (South-East Asia – Middle East – Western Europe 3), APG (Asia-Pacific Gateway), AAE-1 (Asia Africa Europe-1) và TVH (Thailand-Vietnam-Hong Kong). Trong các tuyến cáp quang biển, chủ lực là AAG, kế đó là 3 tuyến chính IA, SMW3 và APG. Hai tuyến IA, và AAG cập bờ tại Vũng Tàu, còn 2 tuyến SMW3 và APG cập bờ tại Đà Nẵng.
Đây là lần thứ 4 trong năm 2018, tuyến cáp AAG gặp sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết nối Internet quốc tế ở Việt Nam. Trước đó là các sự cố kỹ thuật hay phải sửa chữa cáp AAG xảy ra vào các ngày 6-1, 22-5 và 16-6-2018. Riêng lần gần đây nhất phải mất hơn 1 tháng, tới ngày 19-7-2018, cáp AAG mới sửa chữa xong.
Tuyến cáp quang dưới biển AAG có chiều dài 20.191km (12.000 mile) kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với đất liền ở Mỹ (điểm cuối tại California). Cụ thể, cáp AAG cập bờ ở Malaysia (tại Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hong Kong (South Lantau), Philippines (Currimao) và Mỹ (Guam, Hawaii và California). Tốc độ truyền tải của cáp AAG đạt 2.88 Tbit/s (US-Hawaii & Hong Kong-South East Asia) và 1.92 Tbit/s (đoạn Hawaii-Hong Kong).
Cáp AAG có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD từ 19 đối tác AT&T (USA), BayanTel (Philippines), Bharti (India), BT Global Network Services (UK), CAT Telecom (Thailand), ETPI (Philippines), Authority for Info-Communications Technology Industry (Brunei Darussalam), Indosat (Indonesia), PLDT (Philippines), StarHub (Singapore), Ezecom/Telcotech (Cambodia), Telkom Indonesia (Indonesia), Telstra (Australia), Telekom Malaysia (Malaysia), Telecom New Zealand (New Zealand), VNPT (Vietnam), FPT Telecom (Vietnam), Viettel (Vietnam), và Saigon Postal Corporation (Vietnam). Cáp AAG được chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 10-11-2009.
Từ điển bách khoa Wikipedia nhận định về cáp quang biển AAG như sau: Cáp AAG mang tiếng xấu cho những lần gặp sự cố thường xuyên từ sau khi nó đi vào hoạt động. Hầu hết các lần sự cố xảy ra tại các đoạn liên Á giữa Hong Kong và Singapore, mà phổ biến nhất là ở nhánh Việt Nam. Trong khi đó, nhánh giữa Hong Kong và Philippines ít bị sự cố hơn. Còn đoạn từ Philippines tới Mỹ thì khá ổn định. (The AAG cable is notorious for its frequent breaks and outages since it was made ready for service in late 2009. Most of the outages have been located at the intra-Asia segments between Hong Kong and Singapore, with most problems occurring in the Vietnam section, while the segment between Hong Kong and the Philippines seems to have fewer problems. The segments between the Philippines and the United States are quite stable.)
LÊ ANH