Thứ Tư ngày 17 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Malaysia: tin giả, tù thật

Malaysia: tin giả, tù thật
May 03
06:38 2018

 

Người đầu tiên bị xét xử theo Luật chống tin giả (Anti-Fake News Act) ở Malaysia là một công dân Hà Lan nói theo giọng Yemen. Salah Salem Saleh Sulaiman, 46 tuổi, ngày 30-4-2018 đã bị một tòa án Malaysia kết tội lan truyền tin giả trên mạng truyền thông xã hội. Ông ta đã bị quan tòa tuyên phạt 10.000 ringgit (2.552 USD), nhưng xin tòa cho nhận tùy chọn là ở tù 1 tháng vì không có tiền nộp phạt.

Salah Salem Saleh Sulaiman, người đầu tiên lãnh án vì phát tán tin giả ở Malaysia, đang bị cảnh sát áp giải ra tòa.

Sulaiman đã đưa lên YouTube một video chê bai cảnh sát Malaysia phản ứng quá chậm, mất tới 50 phút mới phản ứng lại với những cuộc gọi điện báo tin sau khi xảy ra vụ Fadi al-Batsh, một giảng viên người Palestine, bị hai tay súng bắn chết tại Kuala Lumpur ngày 21-4-2018. Cảnh sát nói rằng họ chỉ mất có 8 phút để xử lý vụ giết người này. Dữ liệu lưu lại của cảnh sát cho thấy họ nhận được cuộc gọi cấp báo lúc 6g41 sáng 21-4-2018 và chỉ 8 phút sau là một xe tuần cảnh đã có mặt tại hiện trường. Sulaiman bị khởi tố với tội “có động cơ xấu đã post tin tức giả thông qua một video trên mạng YouTube”.

Một panel tuyên truyền tại một nhà ga xe lửa ở Malaysia có in dòng chữ “Sharing a lie makes you a liar” (chia sẻ một điều dối trá biến bạn thành một kẻ nói láo).

Malaysia là một trong những nước đầu tiên đưa tin giả (fake news) ra ngoài vòng pháp luật, coi việc tạo ra và phát tán tin giả là phạm pháp. Ngày 2-4-2018, Quốc hội Malaysia đã thông qua dự Luật chống tin giả. Luật này định nghĩa tin giả là “tin tức, thông tin, dữ liệu và báo cáo là giả hoàn toàn hay một phần”. Các tin nói ở đây có hình thức là những câu chuyện, video hay nội dung audio. Đối tượng bị xử phạt là mọi người trên lãnh thổ Malaysia bao gồm người dân trên các mạng truyền thông xã hội (social media) hay những người làm việc tại các đơn vị truyền thông số (digital publication). Người bị xử tội tin giả có thể bị phạt tiền tối đa là 500.000 ringgit (123.000 USD) và có thể bị phạt tù tới 6 năm (trong một dự thảo trước đó, án tù lên tới 10 năm).

Thậm chí, tòa án Malaysia cũng có thể xử phạt những người ở bên ngoài lãnh thổ Malaysia nhưng tung tin giả có hại cho đất nước và người dân Malaysia.

Tin giả trong thời gian qua đã trở thành một vấn nạn toàn cầu. Nó phát triển theo phạm vi mở rộng của các mạng truyền thông xã hội. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên chiến với tệ nạn tin tức giả, đặc biệt sau khi có những cáo buộc thế lực nước ngoài dùng tin tức giả làm ảnh hưởng tới cuộc tổng tuyển cử năm 2016 ở Mỹ. Các mạng truyền thông lớn trên thế giới đã phải tăng cường đầu tư, đưa ra những biện pháp để xử lý nạn tin giả hòng tránh bị chính quyền các nước xử phạt. Hồi năm 2017, Đức đã đưa ra một kế hoạch phạt các nền tảng truyền thông xã hội nếu như họ không kịp thời gỡ bỏ các nội dung có chứa những yếu tố thù hận. Hồi đầu tháng 4-2018, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới này đã làm không đủ mức để ngăn chặn sự phát tán của những tin nhắn chống Hồi giáo trên nền tảng Messenger của mình. Ngày 29-3-2018, chính quyền Mỹ đã đưa ra quy định mới yêu cầu người xin thị thực vào Mỹ phải khai tài khoản mạng xã hội trên Facebook, Twitter hoặc Instagram đồng thời phải cung cấp địa chỉ email, số điện thoại và sơ yếu lý lịch trong vòng 5 năm trở lại, tính từ thời điểm nộp đơn xin cấp visa.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.