Tía con tôi học đánh vần ra sao?
Một số bạn cưng trên Cõi Phây biết tôi thuộc hệ số 8 nhiều chuyện (talkactive) đã biểu tôi thử “trên tay” hay “preview” mấy cái hình khối tròn vuông giác hỗm rày biến thành một trend trên mạng. Tôi lượng sức mình là kẻ có trình độ thấp ngang level mà bà con nông dân Nam bộ trước đây gọi là “rút rơm trâu ăn mê”, cũng chẳng phải là nhà chuyên môn ngôn ngữ học, có nói gì thì cũng giống như bao la bạn bè khác hỗm rày múa phím thôi.
Mà thiệt ra, tôi chỉ đơn giản coi đó như một trong các phương pháp mà giáo viên bày ra để giúp trẻ vỡ lòng hiểu rằng mỗi tiếng, mỗi chữ trong tiếng Việt hoàn toàn tách rời nhau. Cũng na ná như chuyện dùng những chiếc que để tập đếm. Ở đây, tôi không phân tích sâu có cần như vậy không. Theo tôi nghĩ, cách dạy trực quan này có vẻ hợp với những dân tộc không có chữ viết hay không thuộc hệ chữ Latinh, cũng như những trẻ không có nhiều điều kiện tiếp xúc với các chữ viết. Tôi cũng không thể kiểm chứng để xác định sách dạy vỡ lòng của Trung Quốc dùng kiểu hình khối tương tự có trước hay sau bộ sách tiếng Việt CNGD, từ đó suy ra ai học từ ai. Chỉ có điều, chữ Việt và chữ Hoa đều thuộc nhóm ngôn ngữ đơn âm; riêng chữ Việt có lẽ là chữ Latinh đơn âm hiếm hoi trên thế giới. Lại có người đưa ra hình ảnh dẫn chứng tiếng Anh cũng được dạy ghép bằng những khối hình Lego. Nhưng cần phân biệt rõ chữ Anh thuộc hệ đa âm, chữ Việt là hệ đơn âm.
Vì thế, tôi chỉ xin nhiều chuyện kể chuyện tía con tôi học tiếng Việt.
Chuyện của tía
Tôi học tiếng Việt ở miền Nam trước năm 1975. Cô giáo của tôi chỉ dạy cho tôi biết đọc bộ chữ cái tiếng Việt gồm 29 chữ cái và ghi nhớ một số ngoại lệ và luật. Và chỉ cần học thuộc bấy nhiêu là tôi có thể đọc được bất cứ chữ nào mình nhìn thấy.
Các ngoại lệ và luật mà tôi phải thuộc lòng như:
– Phụ âm sẽ được đọc nhẹ đi khi có thêm phụ âm h ở sau, như ch, kh, ph, nh, và th.
– Phụ âm q luôn đi kèm với nguyên âm u.
– Chỉ có các phụ âm c, m, n, p, t và các phụ âm kép ch, ng, nh là có thể đứng đầu hay cuối chữ.
– Phụ âm kép ng sẽ phải thêm phụ âm h nếu như đứng trước hai nguyên âm e và i.
– Phụ âm g khi đứng trước nguyên âm i vẫn đọc bình thường [giê-i-di]; nhưng khi đứng một mình trước các nguyên âm khác thì phải đọc cứng. Thí dụ: “ga” [giê-a-ga] khác “gia” [giê-i-gi-a-da].
– Nguyên âm ă [á] khi đứng trước phụ âm c, p và t thì đọc là [ắc], [ắp] hay [ắt]; khi đứng trước các phụ âm n, ng, m thì đọc là [ăn], [ăng] hay [ăm].
– Nguyên âm ấ [ớ] khi đứng trước phụ âm c, p và t thì đọc là [ấc], [ấp] hay [ất]; khi đứng trước các phụ âm n, ng, m thì đọc là [ân], [âng] hay [âm].
Tôi được dạy theo phương pháp truyền thống, đánh vần tất cả các con chữ có trong chữ (gọi là đánh vần theo chữ), và học chữ nào thì biết nó gồm bao nhiêu chữ cái và viết ra đầy đủ như vậy. Thí dụ, chữ “thức” được đánh vần là [tê hát ư thư xê thức sắc thức].
Chuyện của con
Con tôi học tiếng Việt theo phương pháp mới. Nó cũng được học bộ chữ cái gồm 29 chữ cái và các ngoại lệ, luật. Tất nhiên cách đọc con chữ khi đánh vần thì khác hẳn, như tôi đọc chữ c là [xê], hắn đọc là [cờ], nói chung là bỏ cái âm [ê] mà thay bằng âm [ơ]. Nhưng con tôi sẽ còn phải học thuộc bộ âm vần gồm 44 âm vần. Và để đọc các âm vần này, hắn vẫn phải đánh vần từng cái để học thuộc lòng.
Do được dạy theo phương pháp mới đánh vần theo âm, con tôi phải tiến hành ráp phụ âm với âm vần. Thí dụ chữ “thức” được đánh vần là [thờ-ức-thức-sắc-thức] hay [ư-cờ-ức-thờ-ức-thức-sắc-thức].
Như vậy, khi gặp một chữ mới, trong khi tía nó nhào vô ngay để đánh vần từng chữ mà ráp lại, thằng con sẽ phải nhớ lại bộ âm vần đã học và phân tích chữ đó gồm phụ âm và âm vần nào. Phải chăng tôi nên mừng vì con mình bác học hơn, hàn lâm hơn, và thậm chí có tiền đề của một nhà ngôn ngữ học tương lai. Chỉ biết có một thực tế rằng tôi đã tung tăng làm người Việt nói tiếng Việt, viết chữ Việt với hành trang chỉ gồm 29 chữ cái và các luật lệ; trong khi con tôi và thầy cô của hắn phải tốn nhiều công sức “đả thông” cho hắn học đánh vần như một nhà chuyên môn và phải ôm theo cả bộ chữ cái và âm vần cùng luật lệ gấp bội lần tía nó. Ấy là theo cách tôi hiểu mà thôi, có khi không đúng hén. Chắc chắn cũng có người cho rằng cách tía nó học đã cổ hủ rồi. Oh yeah, nếu con tôi được học theo cách tân tiến và hiệu quả hơn tía nó thì đích thực “con hơn cha, nhà có phúc”, xã hội không phát triển là xã hội tự diệt vong.
Chuyện bên lề
Nhưng đúng như những người chủ trương CNGD nói, phải là giáo viên được học hành bài bản mới có thể dạy học trò đánh vần theo CNGD được. Bởi nó cao siêu, rất phức tạp mà học trò được coi giống như những nhà ngôn ngữ học bẩm sinh. Các tác giả của nó đã công khai phủ nhận (tôi không dám dùng chữ tước bỏ) truyền thống những bà mẹ chỉ cần biết đọc, biết viết là có thể tự dạy con mình biết đọc, biết viết những chữ nghĩa quốc ngữ đầu đời.
Thôi thì thế này, tôi tôn trọng sự khác biệt, đường nào cũng tới thành La Mã. Người ta có thể dạy đánh vần theo cách mà mình ưng ý, miễn là tuân thủ các nguyên tắc ngôn ngữ học, ngữ âm học, để ra cùng một kết quả chuẩn. Không thể với chữ “người” mà người đánh vần thành “người”, kẻ đánh vần thành “khỉ”.
Cũng đừng phản ứng khi thấy những người từng học hay các phụ huynh có con em từng học CNGD tán dương cái mình hay con em mình học. Rồi những ông bố bà mẹ từng học đánh vần theo CNGD sẽ dạy con mình đánh vần như vậy. Mà suy cho cùng, sau khi học xong lớp 1, có ai còn quan tâm đến đánh vần chi nữa, thấy chữ là xáp vô đọc nguyên con thôi.
Trước sau như một, tôi luôn ủng hộ cả tứ chi cho việc có nhiều bộ sách giáo khoa cho các trường, các thầy cô có thể chọn lựa, thay vì “độc bản” từ “độc quyền” như hiện nay. Trước năm 1975, chúng tôi đã được học như vậy.
Nhân tiện, tôi đồng tình với ý kiến của PGS Bùi Mạnh Hùng, chuyên gia ngôn ngữ học, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt CNGD, không đồng ý với quan niệm “học sinh học tiếng Việt lớp 1 không quan tâm đến nghĩa mà chỉ để ý đến âm” như tác giả sách TV1-CNGD đưa ra. Hội đồng thẩm định đã kết luận: “Quan điểm “chân không về nghĩa” không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp”. Tôi thì trộm nghĩ cách dạy chữ “chân không về nghĩa” hình như giống như cách người ta dạy những con vẹt biết nói tiếng người. Ngay từ xa xưa, giáo dục đã phát triển theo một nguyên lý: dạy chữ là dạy người. Khi đứa trẻ lần đầu đánh vần [bê a ba] hay [mờ e me nặng mẹ], nó phải cảm được mình đang gọi ba mẹ mình chớ không đơn thuần chỉ là một chữ.
Nếu có nhận xét, tôi nghĩ rằng ý tưởng về công nghệ giáo dục là đúng, là tiên tiến và khoa học, nhưng có vẻ cách tiếp cận và triển khai nó chưa tới, còn nhiều bất cập. Khái niệm “thầy gợi ý, trò thực hiện” rất phổ biến ở các nước tiên tiến, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn Việt Nam thì có nhiều vướng víu bởi không đồng bộ với môi trường. Có lẽ nên hiểu chính xác là “ứng dụng công nghệ vào giáo dục” thay vì cách hiểu “công nghệ giáo dục” mang tính dao to búa lớn như trước nay. Chuyện ứng dụng công nghệ vào giáo dục là cực kỳ cần thiết trong tiến trình phát triển giáo dục, và đó mới thiệt là chuyện “trường tồn”. Bản thân giáo dục không thể là một cỗ máy sản xuất hàng loạt để rồi xuất xưởng các thành phẩm như robot giống nhau như đúc.
Và cũng nhân tiện, tôi xin phép không trở lại vấn đề này nữa. Cái bài này cũng chỉ nhằm thể hiện quan niệm riêng của tôi, nên các bạn cũng đừng bận tâm tranh cãi. Bản thân tôi ngán tới tận cổ những vụ việc gây tranh cãi, làm tốn thời gian, sự tập trung và năng lượng của xã hội một cách tào lao bí đao. Hơn nữa, vụ việc cụ thể này đang có những cái mùi ủ mưu khác thường. Cuộc sống quanh ta đang có quá nhiều chuyện bức xúc kia kìa.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.