Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Cuộc chạy đua CPU nhiều nhân lại tiếp diễn giữa Intel và AMD

Cuộc chạy đua CPU nhiều nhân lại tiếp diễn giữa Intel và AMD
June 06
13:19 2017

 

Với việc giới thiệu thế hệ CPU desktop mới Core X-series, Intel đang trở lại cuộc chiến về số lượng nhân xử lý với AMD mà đã lắng lại cách đây vài năm và khuấy động lại vào quý 2-2016 với dòng CPU Broadwell-E mà Intel xếp vào bộ Intel High End Desktop Processors. AMD từ đầu năm 2017 cũng đã tung ra thế hệ CPU hoàn toàn mới Ryzen với vi kiến trúc Zen tích hợp nhiều core.

Cách đây vài năm, giữa hai nhà sản xuất chip xử lý lớn nhất đã diễn ra một cuộc chạy đua về số nhân CPU thiệt là hoành tráng. Ở đây ta không nói tới loại CPU cho máy chủ hay máy trạm như Intel Xeon có tới 24 nhân, Intel Xeon Phi có tới 61 nhân và AMD Opteron có tới 16 nhân. Trong loại CPU dành cho máy tính để bàn, Intel từng có dòng Intel Core i7 có tới 10 nhân (Intel Core i7-6950X Broadwell-E có 10 core và 20 thread) và AMD có Phenom II có 6 nhân và FX series tới 8 nhân (FX-81xx series).

Chưa hết kinh hồn đâu. Đó là nói về số lượng nhân vật lý (physical core) thôi. Các CPU Intel và sau này có thêm AMD còn có thêm công nghệ nhân ảo hay nhân luận lý (logical core) gọi là luồng (thread) nữa. Với công nghệ siêu phân luồng (hyper-threading) của Intel, 1 CPU vật lý sẽ báo cho hệ điều hành thành 2 CPU logic để hệ điều hành có thể phân công việc cho cả 2 em này. Chẳng hạn CPU Intel Core i7-7700K thế hệ thứ 7 (Kaby Lake) có 4 nhân vật lý và 8 luồng nên sẽ xuất hiện trong hệ thống của hệ điều hành là 8 CPU khác nhau. Nếu Intel là “sư tổ” về vụ siêu phân luồng và CPU logic, AMD sau này cũng quyết chẳng ở ngoài cuộc chơi thực thực ảo ảo cho khách hàng mê mà mắt này. Các CPU FX-43xx Series, FX-63xx series và FX-83xx series có cả core lẫn thread.

Hồi đầu thập niên 1970, những con CPU to đùng mà chỉ có độc 1 nhân và chứa được khoảng 2.700 transistor. Tới năm 2016, nhờ phát triển quy trình sản xuất chỉ còn 14nm, các transistor nhỏ xíu, nên trên các CPU nhỏ nhắn xinh xinh lại có thể chứa tới 4 nhân và tích hợp tới nhiều tỷ transistor.

Cuộc đua CPU nhiều nhân của Intel bắt đầu từ dòng CPU desktop Core i7 Gulftown hồi tháng 3-2010 với các CPU Core i7-9xxX Extreme Edition và Core i7-970 dựa trên công nghệ 32nm với 6 nhân vật lý. Suốt từ đó, Intel gần như vẫn giữ số lượng nhân xử lý tối đa cho dòng i7 cao cấp là 6 core. Chỉ có hai lần “đột biến” là có thêm Core i7-5960X Haswell-E công nghệ 22nn có tới 8 nhân (tháng 9-2014), rồi Core i7-6900X có 8 nhân và Core-i7-6950X có 10 nhân cùng thuộc gia đình Broadwell-E công nghệ 14nm (quý 2-2016). Core-i7-6950X chính là CPU cho người tiêu dùng đầu tiên có tới 10 nhân của Intel. Nó được trình làng ngay tại triển lãm công nghệ lớn nhất châu Á COMPUTEX Taipei 2016 (ở Taiwan cuối tháng 5 tới đầu tháng 6-2016).

Về phía AMD, vào tháng 4-2010, nghĩa là chỉ 1 tháng sau Intel, nhà sản xuất chip xử lý lớn thứ 2 thế giới đã đưa ra dòng CPU desktop Phenom II X6 mã Thuban công nghệ 45nm có 6 nhân (Phenom II X6-1000T series). Từ năm 2011 tới 2014, AMD có gia đình FX Series gồm FX-6xxx series có 6 nhân và FX-8xxx series có 8 nhân cùng với công nghệ 32nm.

Bước vào năm 2017, trong xu hướng thoái trào nên lặng lẽ của thị trường CPU desktop, cả hai nhà Intel và AMD đã có nỗ lực khuấy động lại với các CPU nhiều nhân dành cho máy tính High-end Desktop PC.

Dạo tháng 2-2017, AMD tung ra thế hệ CPU Ryzen mới toanh của mình với công nghệ 14nm. Đặc biệt, thế hệ CPU AMD mới này cũng hỗ trợ công nghệ tương tự siêu phân luồng của Intel. Đầu tháng 3-2017, AMD có Ryzen 7 có tới 8 nhân (core) và 16 luồng (thread) dành cho phân khúc Performance PC. Trung tuần tháng 4-2017, Ryzen 5 ra mắt với 6 nhân và 12 luồng cho phân khúc Mainstream PC. Thừa thắng xông lên kẻo mất đà, AMD đã công bố vào mùa hè 2017 có thêm CPU Ryzen Threadripper có tới 16 nhân và 32 luồng cho phân khúc High-end PC chạy trên nền chipset AMD X399 với socket mới TR4. Giá của CPU AMD tất nhiên vẫn luôn rất cạnh tranh so với Intel rồi. Con mạnh nhất hiện nay Ryzen 7-1800X với 8 nhân và 16 luồng có giá 499 USD.

Xin mời xem video:

Tại Triển lãm COMPUTEX Taipei 2017 vừa diễn ra từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 6-2017, Intel đã có một màn “tổng tấn công” qua việc các hãng đối tác đồng loạt đưa ra các dòng bo mạch chủ chạy chipset mới Intel X299 hỗ trợ thế hệ CPU mới Core X-series. Nhưng ấn tượng nhất là việc Intel bổ sung thêm một thành viên mới vào gia đình CPU Intel Core là Core i9 tên thương mại Core i9-79xxX/XE có từ 10 nhân và 20 luồng (Core i9-7900X) tới 18 nhân và 36 luồng (Core i9-7980XE). Giá rẻ nhất trong dòng Core i9 là 999 USD (Core i9-7900X) và 1.999 USD (Core i9-7980XE).

Xin mời xem video:

 

Như vậy, dòng CPU Core X-series 2017 của Intel sẽ gồm Core i5, Core i7, Core i9 và Core i9 Extreme ở cả hai thế hệ Core Gen 6 (Skylake) và Core Gen 7 (Kaby Lake) có socket hoàn toàn mới LGA 2066 chạy trên nền chipset Intel X299 Express.

CPU có nhiều nhân và nhiều luồng thì hệ thống sẽ chạy mạnh hơn, mượt hơn. Nhưng để có thể trải nghiệm cái sướng đó, bạn sẽ phải tốn tiền, bắt đầu từ chuyện đầu tư cho cái bo mạch chủ mới rồi sau đó là chi phí vận hành (tốn nhiều điện hơn). Máy tính desktop giờ mạnh như máy trạm workstation. Vậy phải chăng nên cân nhắc chuyện đầu tư giữa máy trạm và máy tính High-end mới? Thật ra, mỗi loại có mục đích và đối tượng riêng. Hơn nữa, hệ thống mới sẽ hỗ trợ những công nghệ mới, những loại thiết bị mới. Thôi thì nghề chơi nào cũng lắm công phu và đầy tốn kém mà dân chơi thì nào sợ mưa rơi!

Ảnh vui về Intel Core i9 trên diễn đàn công nghệ AnandTech.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới