Nếu tính theo thời gian Tết âm lịch, thị trường nói chung mới khởi động chỉ có vài tuần. Chưa có đủ cơ sở để bình luận yếu hay mạnh, nhưng những tác động từ giá cả những mặt hàng chiến lược như điện, nước, xăng, tỷ giá liên ngân hàng tăng đã làm giới kinh doanh lo ngại cho một năm khó khăn…

" />
Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Thị trường hàng số đầu năm: thuận ít, nghịch nhiều!

March 07
02:20 2010

Điện thoại di động, máy ảnh số… bán được hàng!

Lẽ ra ông Vinh (Q.10, TP.HCM) mua một chiếc điện thoại trước Tết nhưng vì tiền thưởng có muộn nên để dành sau Tết mới mua hàng. “Có thì dùng, còn không kịp sau Tết mua cũng được. Nghe nói nhiều mặt hàng sẽ lên giá nên ăn Tết xong là tôi quyết định mua ngay”, ông Vinh chia sẻ. Chiếc điện thoại Nokia 2700 với giá 1,7 triệu đồng không phải là món hàng có giá trị, nhưng với mức thu nhập của một nhân viên giao hàng thì số tiền trên không phải là nhỏ.

Nhóm hàng số và công nghệ thông tin từ khi mở cửa trở lại đã khá đông khách. Nhóm hàng ĐTDĐ khai trương bán hàng năm mới vào mồng 4 Tết (ngày 17-2-2010). Theo nguồn tin từ các hệ thống bán lẻ ĐTDĐ, doanh thu của họ trong những ngày sau Tết Nguyên đán đã tăng từ 15 cho đến 30% so với những ngày trước Tết. Theo bà Hoàng Ngọc Vy, Giám đốc Viễn Thông A, mức tăng doanh thu đầu năm chủ yếu của nhóm hàng phân khúc giá từ 3 triệu đồng trở xuống. Còn thông tin từ hệ thống Thế giới Di động, doanh thu bán hàng tăng khoảng 30%, trải ở các phân khúc giá nhưng cũng như hệ thống Viễn Thông A, chủ yếu ở phân khúc giá thấp.

Tại Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim, hệ thống Siêu thị Chợ Lớn…, lượng khách “xông đất” khá đông với những mặt hàng được quan tâm nhiều hơn cả là máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim số, ĐTDĐ và máy tính, chủ yếu là máy tính xách tay… Ông Liên An Thạch, Giám đốc Kinh doanh của hệ thống điện máy Chợ Lớn, xác nhận những mặt hàng trên khá mạnh, nhưng vì chưa tới thời điểm thống kê nên chưa thể công bố số liệu. Theo ý kiến của ông Thạch, hiện tượng nhiều mặt hàng số bán được là do nhu cầu sử dụng của những người được nghỉ bù Tết, tiền thưởng có chậm và cả tâm lý tính toán chi tiêu sau Tết. “Nhưng quan trọng nhất là nhiều model của nhóm hàng số đang được các siêu thị khuyến mãi bằng hình thức giảm giá. Thấy giá chấp nhận được là người tiêu dùng mua để có dịp dùng đến”, ông Thạch phân tích. Một nhà nhập khẩu máy tính cũng xác nhận lượng hàng xuất ra cho các đại lý trong những ngày đầu năm khá mạnh. “Nhiều đại lý ở các tỉnh báo về là lượng hàng bán ra đầu năm khá mạnh, chủ yếu là những dòng máy tính giá thấp, dưới 10 triệu đồng. Chúng tôi đã tìm hiểu, được biết, khách hàng chủ yếu là nhóm trẻ tuổi với những sản phẩm: MTXT và linh kiện máy tính. Theo tôi, họ mua hàng vì nhu cầu sử dụng hơn là mua chạy giá”.

Hàng sẽ tăng giá

Cho đến ngày STS đi in, nhóm hàng điện máy, CNTT vẫn chưa thấy tăng giá (nếu không muốn nói là giảm giá một vài model hàng tồn, hàng bỏ mẫu) vì lượng hàng dự trữ từ cuối năm trước vẫn còn khá nhiều tại các kho của các siêu thị. “Chúng tôi đã biết những thông tin như điều chỉnh tỷ giá, giá xăng, rồi giá điện cũng tăng… là những yếu tố mà chắc chắn là giá thành sản phẩm sẽ tăng, nhưng vì đầu năm mới nên chưa tiên liệu thực tế sẽ như thế nào. Chúng tôi đang tính toán lại giá sản phẩm, chắc phải giữa tháng 3 này mới có những thông tin cụ thể”, ông Trần Quang Trí, Giám đốc Công ty MMC, nói. Ông Trí cũng xác nhận là doanh nghiệp còn đang lúng túng trước những tác động “ngoại cảnh”, nhưng để có một mặt bằng giá mới trên thị trường, cần có sự nghiên cứu kỹ từ các đối thủ, chính sách của nhà sản xuất, trong đó quan trọng nhất là “cân đo” sức mua trên thị trường. “Nếu không nghiên cứu kỹ trên thị trường mà tăng giá, nhà bán lẻ sẽ “chết” trước”, ông Trí nói thêm. “Tăng hay không vẫn còn tính toán nhưng tăng giá vào lúc này sẽ làm doanh nghiệp khó khăn hơn, cho dù sức mua đầu năm có những dấu hiệu tốt hơn năm ngoái”, ông Lương Lễ Trân, Giám đốc Công ty CMS chi nhánh TP.HCM, ủng hộ ý kiến của ông Trí. Theo quan điểm của ông Trân, nhiều chi phí tăng sẽ làm giá thành tăng lên, đó là quy luật tất yếu. Nhưng với thị trường năm 2010, nên xem xét lại sản phẩm để giảm giá thành hơn là giữ nguyên công nghệ sản phẩm mà tăng giá. “Với những gì đang xảy ra trên thị trường, năm 2010 sẽ là một năm phức tạp. Nhiều chuyên gia có vẻ lạc quan, nhưng theo chúng tôi, tình hình đang diễn tiến theo chiều hướng xấu. Doanh nghiệp cần bình tĩnh, còn người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen tiêu dùng như chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và túi tiền, không nên chạy theo những mặt hàng cao cấp mà lãng phí”, ông Trân bình luận thêm.

Nhiều nhà bán lẻ lo ngại giá nhiều mặt hàng trên thị trường sẽ tăng khi nhịp độ kinh doanh bình thường trở lại trong tháng 3 này. Dù chưa có thông tin chính thức, nhưng theo nguồn tin riêng từ nhóm siêu thị điện máy cho biết, trong tháng 3, giá nhiều mặt hàng điện máy gia dụng, điện lạnh, chủ yếu là nhóm hàng mới nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước sẽ tăng. Cụ thể, nhóm hàng sản xuất trong nước tăng từ 3 – 5%, còn nhóm hàng nhập khẩu sẽ tăng từ 5 – 7%. Riêng nhóm hàng số, ĐTDĐ và máy tính vẫn chưa có thông tin tăng giá, nhưng khó tránh khỏi chuyện tăng giá vì tác động của nhiều yếu tố, trong đó có chuyện tỷ giá của tiền đồng so với ngoại tệ mà những nhóm hàng này được tính toán trên đồng ngoại tệ, chủ yếu là đồng USD và nhân dân tệ.

Thế Chân 

(Sieu Thị Số 49, ngày 05-03-2010)