Mật khẩu thiết bị là cái gì? Đó là câu hỏi cửa miệng của rất nhiều người. Và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc một số lớn người dùng Internet ADSL hay Wi-Fi không đặt mật khẩu cho thiết bị kết nối của mình. Nó cũng đồng nghĩa với việc ai muốn kết nối vào thiết bị của bạn và cấu hình lại nó ư? Xin mời!

" />
Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Digi liệt truyện: Chuyện phiếm về cái mật khẩu thiết bị

March 05
00:00 2011

Để phòng tránh việc này, hầu hết các sản phẩm đã được cài một mật khẩu mặc định, và người dùng lại tiếp tục phạm một sai lầm kế tiếp là giữ nguyên mật khẩu đó. Lúc này thì để truy cập vào thiết bị, kẻ tò mò chỉ việc hỏi “Doctor Google” xem mật khẩu mặc định của thiết bị bạn đang dùng là cái chi chi. Thế là xong!
OK, thế thì đổi mật khẩu vậy. Gì mà chẳng được, 123456, 111111, 112233, password, qwert,… và hàng loạt các mật khẩu mà ai cũng đoán ra được, sẽ được dùng để bảo vệ cấu hình thíết bị. Chỉ với một chương trình dò mật mã đơn giản và khoảng ba phút đồng hồ, thế là cái mật khẩu đã trở thành cái “bất mật khẩu” rồi.
Theo các chuyên gia bảo mật thì mật khẩu cần dài ít nhất 12 đến 14 ký tự, trong đó cần phải có chữ thường, chữ hoa, ký số, khoảng trắng và ký tự đặc biệt như !@#$%^&*(). Như vậy, các chương trình dò mật khẩu phải tốn ít nhất là cả năm với một máy tính có tốc độ xử lý như hiện nay. Vấn đề là những kẻ dò mật khẩu không chịu dùng một máy tính duy nhất, mà họ lại dùng đến hàng chục máy trong phòng vi tính. Thế là thời gian một năm có thể giảm xuống còn một tháng.

Ngoài ra các kẻ tấn công mạng còn dò mật khẩu theo kiểu từ điển, nghĩa là họ dò tìm theo một từ điển các từ có nghĩa trong tiếng Việt, hay tiếng Anh… Để đối phó với việc này, người quản trị thiết bị trong các doanh nghiệp sẽ phải cài một mật khẩu thiết bị phức tạp như trên, đồng thời mật khẩu phải vô nghĩa, và mật khẩu ấy cũng phải được thay đổi mỗi tháng một lần.


Quá ổn, hacker nào mà có thể bẻ nổi một mật khẩu như thế này bạn nhỉ? bb/Ks54^%&3=8)&FA!@n. Chắc chắn rồi, dùng mật khẩu như vậy bạn có thể tạo ra một hệ thống cực kỳ an toàn và bảo mật vì không ai có thể truy cập vào được, kể cả bạn, khi quên mất mật khẩu ấy! Cách tốt nhất để khỏi quên, là ghi mật khẩu đó ra một tờ giấy và dán nó lên trên mặt mỗi thiết bị sau mỗi lần thay đổi!
Đó là cái mật khẩu bảo vệ cấu hình thiết bị, còn cái mật khẩu, hay đúng ra là chuỗi bí mật dùng để cho phép người dùng kết nối Wi-Fi thì khác một chút, vì bạn phải cung cấp nó cho những người mà bạn cho phép họ sử dụng, thậm chí còn phải nói oang oang vào điện thoại khi sếp hỏi nữa ấy chứ!
Thế là cũng có lắm chuyện buồn cười về các mẹo nhỏ của các anh ai-ti (IT) khi đặt chuỗi bí mật này. Nào là không có mật khẩu, hay mật khẩu trắng. Nghe như vậy ai mà chẳng nhấn nút Enter khi bị hỏi mật khẩu. Thế nhưng kết quả là người dùng nhận được một thông báo sai mật khẩu! Thử đi thử lại nhiều lần, rồi quay sang tranh cãi với anh ai–ti, cuối cùng bạn sẽ thông minh hơn một tí khi biết mật khẩu cần gõ vào chính là khongcomatkhau hay matkhautrang.
Một anh chàng ai-ti láu cá hơn thì lại đặt chuỗi an toàn cho kết nối Wi-Fi là cuatuihoilamchi, hay bankhongduocxaidau. Thế là mỗi khi có ai đó hỏi đến chuỗi này, anh ta hất mặt lên và lên giọng xổ một câu: “Của tui hỏi làm chi?”, hay gằn giọng với một cô nàng nhân viên mới xinh đẹp: “Bạn không được xài đâu!”. Đáp lại cho hai câu đó là hàng loạt câu năn nỉ kiểu như: “Anh cho em xài với, em cần gửi e-mail gấp”, hay những câu hỏi giận dữ của nạn nhân: “Wi-Fi chung mà, làm gì mà ghê vậy?”, “Ủa, vậy ai mới được xài vậy anh?”.

SU SU
(Nhóm Mục Đồng)