Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Giàng ơi, Bắc Đẩu Beidou chạy đầy đường kia kìa

May 31
17:13 2015

How-GPS-Works-1

 

 

Họa vô đơn chí mà. Tội nghiệp em Bphone biết chừng nào. Trong cái phong trào nhà nhà săm soi, người người bới lông tìm vết, em lại bị nghi ngờ chung chạ với gã Mã Giám Sinh thời ICT danh tính Beidou – Bắc Đẩu. Cái mối lương duyên của em cũng bị liên kết với vụ scandal Trọng Thủy – Mị Châu thời xa xưa mà những chiếc lông ngỗng ngày xưa giờ thay bằng những tín hiệu vô tuyến.

Trong khi em Bphone nước mắt lưng tròng lòng đau như cắt bởi bị những đồng hương của mình dập liễu vùi hoa, gã Beidou mắt long sòng sọc xổ hàng tràng tiếng “lạ” giận mình “thập diện mai phục” bấy lâu nay im ru bà rù giờ chịu văng miểng từ “quả bom B” mà hiện nguyên hình.

Thiệt đó, hệ thống định vị toàn cầu GPS Beidou (BDS) của Trung Quốc lâu nay đã được tích hợp trong nhiều mẫu smartphone “đỉnh” của không ít thương hiệu lừng danh quốc tế bán ở Việt Nam mà chớ hề ai quan tâm. Trong bảng liệt kê cấu hình của mình công khai trên website chính chủ, Bphone cũng được cha mẹ mình là Bkav cung khai đầy đủ, chẳng hề “khai man lý lịch” hay “cố tình giấu diếm”. Báo điện tử Tri thức Trực tuyến – Zing ngày 30-5-2015 hài danh hài tánh rõ ràng rằng: “Hiện tại, Bắc Đẩu (Beidou) hiện hữu trên tất cả các thương hiệu lớn ở Việt Nam. Hầu hết các smartphone của Samsung, Sony, HTC, Microsoft, Huawei, Xiaomi… trên thị trường đều tích hợp cả ba công nghệ định vị của Mỹ, Nga và Trung Quốc trên sản phẩm của mình. Trong số này, có những model quen thuộc như Galaxy S6 bản chip Exynos, Galaxy Grand Prime, Sony Xperia Z3, HTC One E9+, Nokia Lumia 730…”

Vậy nên mới nói Beidou chạy đầy đường đó mà…

a-gps-agps

Công nghệ A-GPS với sự phối hợp giữa vệ tinh GPS và hệ thống máy chủ dưới đầt cùng hệ thống các trụ ăngten để gia tăng cường độ sóng và độ phủ của tín hiệu GPS.

Mà lẽ ra chuyện đâu có gì phải ầm ĩ. Xét về mặt công nghệ, thiết bị ngoài hai hệ GPS lớn nhất thế giới là GPS (Mỹ) và GLONASS (Nga) nay được tích hợp thêm hệ GPS lớn thứ ba là Beidou phải được cho điểm cộng đó chớ. Giữa chốn giang hồ tứ xứ, càng có tính tương thích rộng mở bao nhiêu, càng đáng quý. Trong cái vụ định vị vệ tinh này, càng bắt được sóng của nhiều vệ tinh mà tham chiếu, càng có được vị trí chính xác. Mà trong cái vụ tìm kiếm và dẫn đường này, định vị đối tượng càng nhanh và càng chính xác bao nhiêu, càng tiện lợi và an toàn tính mạng bấy nhiêu. Hơn nữa, do các thiết bị di động hàng hiệu này được bán ra khắp thế giới, chúng cần phải có nhiều tùy chọn cho người dùng rộng tay hành xử. Sang Nga, liệu có hệ thống GPS nào qua mặt nổi GLONASS. Qua Trung Quốc, Beidou là thiên hạ vô đối. Còn lang thang trong thế giới còn lại, người ta tự tin với GPS.

Bản thân Beidou (BDS) là một thành quả công nghệ có thể đem lại nhiều lợi ích cho toàn nhân loại. Chuyện nó bị ai đó lợi dụng mần điều ám muội lại là chuyện khác, không phải lỗi ở nó. Được thử nghiệm từ năm 2000, tới năm 2012, BDS đã phủ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay nó vẫn còn trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện. Theo kế hoạch, tới năm 2020, Beidou sẽ chính thức phủ sóng toàn cầu. Beidou cũng đã trở thành một chuẩn quốc tế. Vào tháng 11-2014, BDS đã được Ủy ban An toàn Hàng hải của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thuộc Liên Hiệp Quốc gồm 171 nước thành viên và 3 thành viên tổ chức phê chuẩn đưa vào Hệ thống Hoa tiêu Vô tuyến Toàn thế giới (WWRNS).

Tuy chưa hoàn thiện, nhưng chớ có coi thường nội lực võ công của Beidou. Theo từ điển Wikipedia, độ chính xác của nó khoảng 10 mét (so với 15-20 mét của các hệ khác). Thời gian phát sóng của vệ tinh Beidou cũng siêu, chỉ 10 nanosecond (ns); so với 14 – 100ns của GPS hay 200ns của GLONASS. Ông bà ta đã nói: “sai một ly (trên bản đồ) đi một dặm (trên thực địa)”.

gps-beidou

Hệ thống vệ tinh GPS (Mỹ) và Beidou (Trung Quốc) vào ngày 28-12-2011. Hiện nay, phiên bản Beidou quân sự được sử dụng trong quân đội hai nước Trung Quốc và Pakistan.

Rõ ràng, hệ Beidou ắt đã được người Việt mình hăm hở mà xài nếu như nó không phải của Trung Quốc hay trong bối cảnh Bắc Kinh không ỷ to xác và là đệ tử chân truyền của Khổng Minh – Gia Cát Lượng hung hăng giành đảo lấn biển với nước Việt láng giềng.

Người Việt mình ác cảm với Beidou (cũng như với các thứ có cái nhãn “Made in China”) là vì nặng lòng yêu nước, đâm ra dị ứng. Cái chuyện cực đoan ở đây dễ được cảm thông. Nhiều người sợ bị vệ tinh Trung Quốc theo dõi (thật ra thì có lẽ đã nằm trong vòng ngắm từ lâu rồi). Theo nguyên lý, các vệ tinh GPS chỉ làm nhiệm vụ là những điểm chuẩn để thiết bị GPS tham chiếu và tính toán hầu xác định chỗ đứng chân chính xác. Các vệ tinh này chỉ liên tục phát tín hiệu để bất cứ bộ nhận sóng GPS tương thích nào cũng có thể bắt được. Một sự thi ân bất cầu báo. Các chip GPS cũng chỉ có chức năng nhận sóng. Nhưng trong thời buổi Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều này, nào ai biết ngoài tín hiệu GPS, các vệ tinh GPS của “xứ lạ” còn kèm theo những ám khí nào. Coi mấy bộ phim cảnh sát điều tra hiện trường CSI của Mỹ trên kênh AXN riết rồi bị lậm và đâm ra sợ: chỉ cần điện thoại di động mở nguồn là các chuyên gia mạng có thể phát hiện chính xác vị trí của nó. Bởi vậy làm sao ăn ngon ngủ yên cho được khi cầm trên tay một thiết bị có dính dáng tới vệ tinh “xứ lạ”.

Thật tình, trong vụ này, tôi không rành lắm. Hy vọng các bậc thầy, giới chuyên môn giải thích cho tận tường để bà con có thể an tâm. Còn thì cứ “cẩn tắc vô áy náy”.

Car-GPS-Tracker-GPS-Alarm-Tracking-System-1

Cũng xin thiệt thà khai báo mong được “ai đó” khoan hồng. Mới nhìn thấy cái chữ Beidou trên bảng cấu hình của Bphone, tôi nghĩ rằng Bkav chủ quan, khinh địch. Đành rằng việc tích hợp thêm hệ GPS này sẽ làm tăng điểm cho Bphone trên thị trường quốc tế. Nhưng ở Việt Nam bây giờ thì đó lại là một gót chân Achilles, có khi là lỗ mọi mà đắm thuyền. Tới chừng tham khảo thêm, tôi mới vỡ lẽ ra rằng không phải đó là chủ ý của Bkav. Tính năng hỗ trợ Beidou đó nằm ngay trong nhân của con chíp vi xử lý di động Qualcomm Snapdragon 801 mà Bphone được trang bị. Con chip SoC này được Qualcomm tích hợp sẵn module GPS hỗ trợ cả ba hệ định vị A-GPS, GLONASS và Beidou. Mà Snapdragon 801 đâu phải chỉ có mình Bphone sử dụng. Và Qualcomm cũng đâu phải nhà sản xuất chip SoC duy nhất tích hợp module GPS hỗ trợ cả ba hệ định vị này.

Chuyện đâu ra đó, cái gì làm tốt thì khen, cái gì làm tệ thì chê (chê ở đây xin hiểu theo nghĩa “góp ý” để mà phấn đấu chứ không phải trù dập cho chết luôn đâu). Vì thế, trong cái vụ GPS này, chớ nên trách Bkav. Nếu muốn “thoát Trung”, họ phải tìm một CPU chỉ hỗ trợ A-GPS và GLONASS hay không có tích hợp module GPS (nhà sản xuất thiết bị phải tốn tiền mua riêng chip GPS). Đây mới chỉ là “thoát Trung” về món GPS thôi, chứ để có thể “thoát Trung” triệt để và toàn diện lại là chuyên khác – không phải dạng vừa đâu, phức tạp lắm.

Trở lại chuyện nhiều nhà sản xuất chip xử lý di động tích hợp hệ GPS Beidou. Ngày nay, các chip vi xử lý không còn là một con chip chỉ có chức năng xử lý dữ liệu (CPU) mà được tích hợp nguyên cả một hệ thống lên trên một con chip (SoC, system-on-chip). Nhà sản xuất OEM chỉ cần một con chip SoC như thế là đủ để ráp thành một thiết bị. Ở mảng chip cho thiết bị di động, ngày càng có thêm nhiều hãng tích hợp cả module GPS. Và cái module này cũng được nâng cấp để có thể hỗ trợ các hệ định vị đa dạng hơn. Các hãng sản xuất CPU của Trung Quốc như Hisilicon của Huawei… tích hợp hệ Beidou BDS là lẽ đương nhiên. Mới nhất là CPU HiSilicon Kirin 930/935 quad-core 2GHz Cortex-A53 & quad-core 1.5GHz Cortex-A53 trên chiếc smartphone Huawei P8 mới ra lò tháng 4-2015. (Hãng Huawei nói rằng tùy thị trường mà P8 có hay không có Beidou). Hãng MediaTek (Taiwan) cũng thế.

Ngay từ đầu năm 2013, hãng chip MediaTek (Taiwan) đã giới thiệu hai chip SoC GPS MT3332/MT3333 hỗ trợ tới 5 hệ định vị GPS, Beidou, GLONASS, Galileo (châu Âu) và QZSS (Nhật Bản).

Hồi đầu tháng 12-2013, hãng Broadcom (Mỹ) đã công bố chip GNSS (Global Navigation Satellite System, hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu) mới BCM47531 bổ sung thêm hệ Beidou vào 4 hệ đã có sẵn là GPS, GLONASS, QZSS và SBAS (satellite-based augmentation system, Hệ thống vệ tinh Augmentation). Ông Mohamed Awad, Giám đốc tiếp thị mảng di động và không dây của Broadcom nói với báo EE Times, việc bổ sung thêm hệ Beidou là rất quan trọng cho việc dẫn đường chính xác ở Trung Quốc và những nơi khác, đặc biệt là ở các thành thị – nơi các cao ốc ảnh hưởng tới sóng từ vệ tinh. Ông nói: “Càng quan trọng hơn khi việc bổ sung thêm hệ Beidou sẽ giúp người dùng ở bất cứ đâu trên thế giới, bất luận Paris hay San Francisco, có thêm được thông tin định vị chính xác hơn.”

gps-broadcom-BCM47531

Riêng với Qualcomm, một nhà sản xuất chip di động hàng đầu thế giới hiện nay, họ đã bắt đầu tích hợp hệ định vị Beidou vào giải pháp định vị Qualcomm IZat trong module GPS của những phiên bản chip SoC Snapdragon từ cuối năm 2013. Và điều đáng nói là Qualcomm đã phối hợp với Samsung để đưa ra thị trường những smartphone chạy chip Qualcomm hỗ trợ Beidou đầu tiên. Đó là chiếc Galaxy Note 3 (phiên bản chạy chip Qualcomm Snapdragon 800 (MSM8974). Các chipset GNSS trong các công nghệ định vị iZat phiên bản mới (Gen8C) của Qualcomm đều hỗ trợ 3 hệ định vị.

qualcomm-801

Tôi không rõ chip SoC Exynos của Samsung có tích hợp hệ Beidou không. Nhưng Galaxy S6/S6 edge chạy chip SoC 14nm đầu tiên của Samsung là Exynos 7 Octa 7420 64-bit không thấy ghi hỗ trợ Beidou trong bản bán ở Mỹ, trong khi ghi hỗ trợ cả 3 hệ định vị trong các bản bán ở Anh, Singapore, Việt Nam,… Các dòng Galaxy phiên bản Exynos trước đó như A7, E7,… cũng tùy CPU (chạy cả Qualcomm và Exynos) mà có hay không hỗ trợ Beidou. Riêng dòng Galaxy A5 chạy CPU Qualcomm Snapdragon 410 thì chỉ hỗ trợ A-GPS và GLONASS.

Sony Xperia Z3 chạy Qualcomm MSM8974AC Snapdragon 801 (2.5GHz) như Bphone có hỗ trợ thêm Beidou, trong khi Xperia Z2 chạy Qualcomm MSM8974AB Snapdragon 801 (2.3GHz) lại chỉ hỗ trợ 2 hệ A-GPS và GLONASS.

Do chạy CPU Mediatek MT6795M octa-core 2GHz nên HTC One E9+ ra tháng 3-2015 tất nhiên hỗ trợ cả Beidou rồi mà. Trong khi HTC M9 cũng được công bố hồi tháng 3-2015 chạy CPU Qualcomm MSM8994 Snapdragon 810 (quad-core 1.5 GHz Cortex-A53 & quad-core 2 GHz Cortex-A57) lại chỉ hỗ trợ A-GPS và GLONASS.

Microsoft Lumia 730 dual-SIM ra tháng 9-2014 chạy CPU Qualcomm Snapdragon 400

quad-core 1.2 GHz cũng hỗ trợ cả 3 hệ định vị. Nó cũng y chang đàn em Lumia 640 công bố tháng 3-2015. Chỉ có Lumia 504 dual-SIM công bố tháng 4-2015 chạy CPU Qualcomm Snapdragon 200 quad-core 1.2GHz là chỉ hỗ trợ A-GPS và GLONASS.

Còn LG G3 công bố tháng 5-2014 cũng chạy CPU Qualcomm MSM8975AC Snapdragon 801 quad-core 2.5GHz y chang Xperia Z3 và Bphone lại khai báo không hỗ trợ Beidou. Tình hình này cũng tương tự như LG G4 công bố tháng 4-2015 chạy Qualcomm MSM8992 Snapdragon 808 dual-core 1.82GHz Cortex-A57 & quad-core 1.44GHz Cortex-A53.

Vón là kẻ có võ vẽ đôi ba thành công lực võ công công nghệ, tôi buồn ơi là buồn khi phải ngồi soi cái nhân vật võ lâm Beidou như thế này. Lẽ ra tôi phải mừng cho gã vì ngày càng được nhiều môn phái cho ngồi nhậu chung. Lẽ ra tôi phải mừng cho nội lực của những môn phái được gia tăng khi tích hợp thêm sự hỗ trợ một hệ định vị mới. Vậy mà… Ôi oan nghiệt thay! Cha chả tức tối thay! Cho cái sự đời….

Thôi thì chớ có nên quạu quọ với em Bphone về vụ em mang trong người mình cái “nghiệt chủng” Beidou nữa. Có ngon thì tính sổ với các đại gia đi. Hay lại xoay qua truy sát em tới cùng bằng lập luận “ai biểu xưng là người Việt Nam làm chi”. Bkav đã giải thích là phiên bản Bphone bán ở Việt Nam không hỗ trợ Beidou. Không biết họ có cách nào, vì hệ Beidou được hỗ trợ ngay tận trong con chip SoC Snapdragon kia. Nhưng LG nói là làm được mà.

Có lẽ nhiều người chấp nhận “thà để Mỹ soi, Nga ngó còn hơn bị Trung Quốc dòm”. Nghĩ cũng ấm ức, mình là con Rồng cháu Tiên, hậu duệ chính danh của Quang Trung, Trần Hưng Đạo há lại sợ cái gã Beidou kia ư? Dân Mỹ, dân Tây còn không quan tâm mà mình lại chịu kém họ sao hén. Đó là tôi nghĩ vậy mà! Tâm tư dữ lắm à nghen.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 31-5-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới