Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Camera giám sát càng nét, kẻ xấu càng sợ

Camera giám sát càng nét, kẻ xấu càng sợ
November 03
06:35 2015

 

Xã hội càng nhiễu nhương và bất an, những người kinh doanh dịch vụ camera giám sát an ninh càng ăn nên làm ra. Những chiếc camera giám sát – gọi là “mắt thần” này – ngày càng “độc” hơn, không chỉ ghi hình rõ tới cọng râu con kiến mà còn có thể xem từ bất cứ nơi đâu có Internet.

Security Camera or CCTV on digital background

(STS:03.11.2015) Buổi tối bữa rồi đang ngồi uống cà phê ở quận 5, ông bạn tôi nói để coi công ty có chuyện gì không. Anh mở smartphone, lên Internet và truy cập vào hệ thống camera an ninh gắn ở văn phòng công ty tận quận Tân Bình. Mọi hình ảnh ở công ty hiện rõ ràng theo thời gian thật. Lần khác, cô bạn cũng dùng chiêu công nghệ cao thời Internet này để kiểm tra coi con mình ở nhà đang làm gì.

Nếu là khán giả trung thành của các series phim hành động về các đội điều tra hiện trường tội ác của Mỹ CSI, NCIS,… chiếu trên kênh AXN, bạn sẽ thường xuyên nhìn thấy cảnh các nhân viên điều tra tìm kiếm những kẻ tình nghi trong các băng ghi hình an ninh hay truy tìm xe của tội phạm đào tẩu trong dữ liệu hình ảnh của các camera giao thông gắn trên đường phố.

Việc các nơi, từ chỗ làm việc tới nơi công cộng có trang bị hệ thống camera giám sát có mặt tính cực là giúp bảo vệ an toàn cho mọi người. Nhưng đồng thời chúng cũng tạo cho con người áp lực là sự riêng tư cá nhân bị xâm phạm, mọi nhất cử nhất động của mình bất cứ lúc nào cũng có thể bị camera ghi hình.

 

Từ những chiếc nút áo…

Từ lâu rồi, người ta đã có thể chế ra những chiếc camera an ninh nhỏ xíu như những chiếc nút áo gắn trên người. Những chiếc camera dọ thám này có thể nằm trong chiếc kẹp cà-vạt hay trong cây bút.

Câu chuyện về chiếc kính Google Glass cũng thật thú vị. Chiếc kính thông minh thuộc dự án Project Glass của Google do hãng Foxconn sản xuất có một camera gắn trên gọng kính và truyền hình ảnh ghi được lên một màn hình tí hon nằm trong lòng mắt kính. Nó được cung cấp một cách hạn chế cho những nhà phát triển ứng dụng di động ở Mỹ vào đầu năm 2013, và hiện nay đã được bán rộng rãi. Ban đầu, thiên hạ như phát sốt lên vì chiếc kính thần kỳ này. Nó giống như gắn một chiếc màn hình smartphone lên mắt người dùng, cho phép người đeo truy cập dữ liệu, thông tin từ Internet. Nhưng thật chóng vánh sau đó, người ta bắt đầu khiếp sợ nó. Việc nó có thể ghi hình bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào gây nên những nỗi lo sợ về cuộc sống riêng tư cá nhân bị xâm phạm. Vậy là có thêm một loại biển cấm mới đối với Google Glass được gắn ở ngày càng nhiều nơi. Thậm chí có những ngôi nhà bên cạnh biển coi chừng chó dữ gắn trước cửa có thêm biển cấm đeo kính Google Glass vào nhà họ.

Cũng may là giá ban đầu của chiếc kính Google Glass lên tới 1.500 USD nên cũng tự giới hạn được số người có thể mua nó. Không ai phủ nhận được khả năng của thiết bị này. Vì thế, trong thời gian qua, kính Google Glass được ứng dụng chủ yếu cho giới chuyên nghiệp, như cảnh sát, chuyên viên kiểm tra,… và cả bác sĩ phẫu thuật.

IP_Camera_Pole

… tới những con mắt cú vọ

Ngày nay, người ta không xa lạ gì với hệ thống CCTV (Closed-circuit television, truyền hình mạch kín) – kỹ thuật giám sát bằng camera ghi hình rồi truyền qua mạng tới phòng kiểm soát. Hệ thống CCTV đầu tiên được hãng Siemens AG gắn ở Đức vào năm 1942 để quan sát việc phóng tên lửa V-2. Còn ở Mỹ, hệ thống CCTV thương mại bắt đầu có mặt từ năm 1949 với tên gọi Vericon.

Bây giờ, những chiếc camera ghi hình giám sát đó được trang bị các tính năng siêu việt. Với tính năng nối mạng Internet, chúng được gọi là những camera IP. Chúng có thể ghi vào ban đêm nhờ tia hồng ngoại, chất lượng hình ảnh có độ rõ nét cao, không chỉ coi tại chỗ mà còn có thể xem qua mạng Internet từ bất cứ nơi đâu trên thế giới.

ip-camerat

Camera IP công nghệ mới (trên) cho hình ảnh rõ nét hơn công nghệ analog cũ (dưới).

Các hãng đã thiết kế vô số chủng loại camera giám sát phục vụ cho mọi tác vụ, từ gia đình tới chuyên nghiệp. Được cái là công nghệ ngày càng cao mà giá bán của thiết bị ngày càng rẻ. Hiện nay, dưới 100 USD cũng đã có được những camera an ninh thương hiệu có tiếng thay vì phải tốn hàng ngàn USD như trước. Chẳng hạn như hãng thiết bị mạng D-Link liên tiếp đưa ra đủ loại camera IP kết nối với dịch vụ đám mây Cloud cho phép người dùng xem hình ảnh thời gian thực do camera đang ghi cho dù họ đang ở bất cứ nơi đâu. Có những camera được thiết kế để giám sát trẻ nhỏ có những cảm biến phát hiện khi nào trẻ quậy phá, la khóc và cho phép người mẹ ru con ngủ từ xa.

Trước đây, các camera an ninh chỉ đóng vai trò như những con mắt ghi hình rồi truyền tín hiệu hình ảnh về trung tâm để xử lý. Sau này, bản thân camera có thể làm được tất cả như một chiếc máy tính ghi hình. Trong sự kiện Ngày Internet của vạn vật IoE Day 2015 do hãng Qualcomm tổ chức tại Shenzhen (Trung Quốc) hồi hạ tuần tháng 10-2015, khách tham quan đã được giới thiệu chiếc camera an ninh đầu tiên trên thế giới có khả năng ghi hình ảnh có độ cực nét Ultra HD 4K. Chiếc camera này được trang bị sức mạnh xử lý riêng với CPU Snapdragon 618 có tới 6 nhân 64-bit, chip xử lý đồ họa GPU Adreno, modem mạng 4G LTE,… có khả năng tự xử lý tín hiệu hình ảnh theo lệnh của người dùng, có thể tiến hành các phân tích video ngay trên camera như dò tìm đối tượng, dò tìm và nhận diện khuôn mặt, theo dấu nhiều đối tượng cùng một lúc và phân loại đối tượng.

Xem phim hình sự Mỹ, bạn thường thấy những nhà điều tra có thể truy tìm nghi phạm bằng cách phóng to những hình ảnh do các camera an ninh ghi được để tìm xem trong những đám đông đó có đối tượng không. Với các camera an ninh có độ phân giải cực cao, người ta có thể thấy được những chi tiết nhỏ xíu trên ảnh. Mà trong điều tra tội phạm, nghi phạm có thể bị tố giác bởi những chi tiết nhỏ li ti đó.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Bài đã in trên báo Pháp Luật TPHCM Chủ nhật 1-11-2015

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

151101-baibao-phapluattp-02_resize

151101-baibao-phapluattp-03_resize

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới