Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Quản lý chặt hơn sản phẩm và dịch vụ mật mã dân sự

Quản lý chặt hơn sản phẩm và dịch vụ mật mã dân sự
December 22
14:58 2016

 

Một cuộc tọa đàm sôi động trọn thời gian về việc quản lý các sản phẩm và dịch vụ mật mã dân sự (MMDS) vừa được Cục Quản lý Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm Mật mã thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức tại TP.HCM hồi hạ tuần tháng 12-2016. Đây là một cuộc gặp gỡ và trao đổi trực tiếp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp về việc triển khai thực hiện Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm và dịch vụ MMDS, cũng như xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS.

Nghị định này ra đời nhằm cụ thể hóa lĩnh vực MMDS trong Luật An toàn thông tin mạng ngày 19-11-2015. Theo giải thích của Nghị định 58/2016, sản phẩm MMDS được mô tả là các hệ thống, thiết bị, các mô-đun và mạch tích hợp, các phần mềm được thiết kế chuyên dụng nhằm mục đích bảo vệ thông tin bằng kỹ thuật mật mã, sử dụng “thuật toán mật mã đối xứng” hoặc “mật mã không đối xứng”. Nguyên tắc cơ bản là chỉ quản lý các sản phẩm và dịch vụ MMDS chuyên dụng cũng nhưng các sản phẩm và dịch vụ tạo ra hay cung cấp MMDS chứ không phải là các sản phẩm và thiết bị đầu cuối có ứng dụng MMDS như một tính năng bảo mật, bảo vệ. Nói cách khác, các sản phẩm không chịu quản lý của Nghị định này khi có MMDS không phải là một tính năng chính của sản phẩm.

Ông Võ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm Mật mã

Để giúp các bên liên quan dễ nhận diện các sản phẩm và dịch vụ MMDS, Nghị định 58/2016/NĐ-CP đã chia thành 8 nhóm sản phẩm: sinh khóa mật mã, quản lý hoặc lưu trữ khóa mật mã; thành phần mật mã trong hệ thống PKI; bảo mật dữ liệu lưu giữ; bảo mật dữ liệu trao đổi trên mạng; bảo mật luồng IP và bảo mật kênh; bảo mật thoại tương tự (analog voice) và thoại số (digital voice); bảo mật vô tuyến; và bảo mật fax, điện báo. Hai phụ lục kèm theo Nghị định này cũng liệt kê danh mục những sản phẩm và dịch vụ MMDS được loại trừ không chịu sự quản lý theo Nghị định này, như hệ điều hành, trình duyệt Web, máy tính bảng, smartphone, …

Ông Hồ Văn Hương, Cục phó Cục Quản lý Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm Mật mã, đang giới thiệu nội dung Nghị định 58/2016.

Tuy nhiên, cả đại diện nhiều doanh nghiệp lẫn của ngành hải quan tham dự tọa đàm đã bày tỏ sự băn khoăn về việc xác định đâu là những sản phẩm cụ thể phải chịu sự quản lý theo Luật An toàn thông tin mạng 2015 và cụ thể là Nghị định 58/2016. Họ cho rằng việc trưng cầu giám định để xác định đó có phải là sản phẩm MMDS chịu quản lý không sẽ làm mất thời gian và gây thêm tốn kém cho doanh nghiệp.

Hai nhà lãnh đạo của Cục Quản lý Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm Mật mã và Cục Giám sát quản lý về hải quan (ngồi bên trái) đang nghe ý kiến từ đại diện Cục Hải quan TP.HCM.

Các lãnh đạo Cục Quản lý Mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm Mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ) và Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) dự tọa đàm hứa sẽ lắng nghe ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp và đơn vị hải quan cửa khẩu để bảo đảm triển khai thực hiện Nghị định 58/2016 tốt hơn mà không gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng của Nghị định 58/2016 là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm – dịch vụ MMDS; xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS; và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

MEDIA ONLINE

+ Ảnh: PHẠM HỒNG PHƯỚC

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới