Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Ổ đĩa cứng Western Digital bị làm giả quá siêu….

Ổ đĩa cứng Western Digital bị làm giả quá siêu….
June 07
18:01 2017

 

Ông bạn Hinh Bui lỡ “phải lòng con gái da-ua” nên giờ đi bán thiết bị giám sát IP Dahua sáng nay la làng rung rinh cả Facebook khi bị khách hàng đem tới nhờ bảo hành hai ổ đĩa cứng HDD của hãng Western Digital (WD) còn mới toanh nhưng đã banh, mà kiểm tra website của hãng mới biết đó là “hàng không có tên trong danh sách”.

Trên nhãn của hai HDD này ghi là thuộc dòng Tím Purple tức thuộc dòng cao cấp dành cho các thiết bị giám sát được thiết kế để hoạt động 24/7. Dung lượng tới 4TB chớ nào ít. Giá chính hãng hôm nay là 4.350.000 đồng.

Nhãn của HDD chính danh và nhãn của HDD lụi thiệt khó mà phân biệt.

Nhìn nhãn dán trên HDD, bạn ắt chẳng nghi ngờ chi. Chỉ có điều là đặt hai ổ HDD cùng dòng, cùng dung lượng, cùng model number, cùng được sản xuất tại Thái Lan (chỉ khác ngày sản xuất cách nhau đúng 1 năm) ở bên nhau mới thấy chúng khác nhau về hình thức và một số chi tiết trên nhãn. Mà thôi, cũng có thể do có thay đổi về thiết kế sau 1 năm. Và thực tế, cho dù được sản xuát cùng năm, nhưng cũng có mẫu khác nhau cho thị trường khác nhau. Thiệt là rối hàng tiền đạo.

Mẫu năm 2014.

Mẫu năm 2016 cho thị trường China.

Mẫu năm 2016 cho thị trường Nga.

 

Tới chừng vào website của hãng WD, mở công cụ tra cứu sản phẩm chính hãng, nhập số serial number (S/N) vào và kiểm tra mới phát hiện chuyện bất thường.

Với HDD bên trái, WD báo đúng model và đúng dòng sản phẩm Purple, nhưng xác nhận số S/N không có giá trị.

Với HDD bên phải, WD xác nhận số S/N có thiệt nhưng lại là của model khác và thuộc dòng WD Elements Desktop chứ không phải dòng Purple. Công cụ kiểm tra cũng báo là hàng đã hết hạn bào hành ngày 3-5-2017.

Trong khi đó, với HDD WD Tím mà một bạn chia sẻ trên Facebook, công cụ kiểm tra của WD xác định rõ nó là hàng xịn. Ban đầu, tôi để tên nước sử dụng là Việt Nam, rồi Thái Lan (nơi sản xuất) thì đều bị báo là Out of Region (không phải khu vực hàng được ship). Khi chỉnh lại là ở Mỹ thì WD lập tức xác nhận chính danh. Vậy là lô hàng này được bán trên thị trường Mỹ và sẽ không được bảo hành ở các nước khác.

Tôi kiểm tra bằng cách dùng ứng dụng quét code QR in trên tem của cả hai HDD “đáng ngờ” này thì thấy nó báo đúng địa chỉ website của WB và dòng sản phẩm WD Purple. Tất nhiên khi truy cập theo địa chỉ đó, nạp số S/N vào kiểm tra thì vẫn lộ hàng “ngoài sổ lương”. Khi quét dòng mã vạch (barcode) của S/N thì đúng như số S/N in bằng chữ số. Chỉ có điều hàng mã vạch thứ hai lại hiện ra một chuỗi số chứ không phải là thông tin MDL (model number). Thực tế đây cũng là điều gây hoang mang. Khi quét mã vạch MDL in trên nhãn của HDD được xác nhận là xịn kia, kết quả xuất hiện cũng là một chuỗi số chứ chẳng phải là số MDL. Trong khi đó, kiểm tra trên cảc ổ WD mà tôi đang sử dụng, cả hai dòng barcode S/N và MDL đều hiện lên rất chính xác.

Tôi có gọi điện hỏi bạn Nam ở Trung tâm Bảo hành WD tại TP.HCM thì được cho biết là nên mua các sản phẩm WD tại các cửa hàng có uy tín và có dán tem của các nhà phân phối chính thức.

Bác Hinh Bui cho biết hai HDD WD dởm kia có dán tem của một đại lý ở Hà Nội. Hỏi bác tên cụ thể để mọi người biết mà tránh, nhưng có lẽ bác ấy còn quá yêu đời nên từ chối lời “đề nghị đáng sợ” của tôi.

Quả thật là trình độ làm hàng nhái, hàng dởm bây giờ quá siêu mà người tiêu dùng bình thường thiệt là chẳng biết đâu mà lần. Bởi vậy, lời khuyên luôn luôn đúng là chớ có ham hàng rẻ mà mua hàng ở những “thằng cha chèo ghe bán chiếu” nào đó. Sau khi khảo sát giá, tham khảo giá chính hãng, ta chỉ nên chốt hạ mua hàng từ những nơi mà mình tin tưởng, các đại lý chính hãng. Có tem kiểm soát thì cũng chỉ giúp thêm tự tin chút thôi chứ tem giả mà còn thật hơn cả tem thật đầy ra kìa. Dù sao, có tem cũng hơn trần trụi.

Trong bài này, tôi dùng từ “hàng chính thức” để chỉ hàng chính hãng và chính danh. Bởi trong thực tế, có những HDD do chính hãng sản xuất nhưng bị thay nhãn khác để nâng cấp lên các dòng cao cấp và đắt tiền hơn. Chẳng hạn, giá chính hãng vào đầu tháng 6-2017 cho ổ WD 1TB là 1.135.000 đồng (dòng WD Blue), 1.770.000 đồng (dòng WD Black), 2.300.000 đồng (dòng WD SE). Đó là hàng chính hãng mà không phải chính danh. Còn hàng nhái, hàng giả có thể là hàng được gia công từ “xứ lạ”.

Với sản phẩm của Western Digital, bạn nên kiểm tra hàng chính hãng và chính danh trước khi mua. Có 2 cách:

CÁCH 1: DÙNG TRANG WEB CỦA WD

1-Truy cập vào website của Western Digital https://support.wdc.com/

2-Nhấn lên menu Warranty & Returns và chọn mục Warranty Status trên danh sách xổ xuống.

3-Trên màn hình kiểm tra, bạn chọn nước mình đang ở, nhập số serial number (S/N) in trên nhãn HDD vào, click chuột đánh dấu vào mục “I’m not a robot” để xác nhận mình không phải là máy, rồi nhấn nút Submit.

3-Kết quả trả lại sẽ cho biết tính xác thực của số S/N này. Nếu số S/N chính xác, nó sẽ báo tình trạng HDD còn hay hết bảo hành, kiểm tra thêm số model và dòng sản phẩm.

5-Trong trường hợp các thông tin chính xác hết ráo, nhưng lại có dòng Out of Region, có nghĩa là HDD này là hàng chính thức nhưng được xuất bán ở khu vực khác nước mà bạn đang ở.

 

CÁCH 2: DÙNG MÃ QR CODE

1-Bạn bật ứng dụng đọc mã QR Code trên smartphone có kết nối Internet lên, soi ống kính camera sau lên khu vực mã QR Code trên nhãn của HDD.

2-Khi xuất hiện kết quả có địa chỉ trang web của WD, nhấn nút Open Link.

3-Chọn mục Warranty Information trong nhóm Product Support nằm ờ cuối trang web.

4-Chọn nước mà mình đang ở và nhập số serial number (S/N) in trên nhãn của HDD cần kiểm tra. Nhấn nút Submit.

Bạn sẽ thấy kết quả được trả về cho biết thông tin HDD muốn kiểm tra là hàng chính thức hay không.

Bạn có thể kiểm tra sản phẩm và giá chính hãng của ổ lưu trữ Western Digital ở Việt Nam trên website Western Digital Việt Nam.

KIỂM TRA TRONG WINDOWS

Còn trong trường hợp muốn kiểm tra xem HDD mà mình đang gắn trong máy tính có đúng chính thức không, bạn có thể dùng ngay tính năng Device Manager của Windows và mở mục Disk drivers. Tên hãng và mã hàng của HDD sẽ xuất hiện.

Nếu muốn kiểm tra kỹ hơn, bạn ghi lại mã hàng của HDD đó và nhập vào công cụ Google Search để tìm thông tin trên Internet.

Anh Bùi Hinh, Giám đốc DSS miền Nam, nhà phân phối thiết bị giám sát IP camera thương hiệu Dahua, giải thích: Sở dĩ có những ổ lưu trữ gắn sẵn trong các thiết bị giám sát (như bộ camera) khi kiểm tra từ website hãng HDD đều báo các thông tin chính xác, chỉ có ghi là “Out of Region” là vì có một số nhà phân phối camera thường nhập luôn ổ HDD chính hãng và đầu ghi để có trọn bộ giúp giảm giá thành. Do đó, các HDD gắn trong bộ đầu ghi là hàng chính hãng nhưng được bán ở nước sản xuất đầu ghi hay thiết bị giám sát. Khi qua bán ở nước khác sẽ bị báo là “khác khu vực”. Trong các trường hợp này, nếu xảy ra trục trặc với HDD, nhà phân phối sẽ có trách nhiệm bảo hành cho khách hàng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Trong bài có sử dụng hình chụp các HDD trên Facebook của anh Hinh Bui và bạn Duy Tân. Xin chân thành cảm ơn. Có sử dụng một số ảnh từ Internet. Thanks.