Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Bám theo vòng bánh xe đạp Đỗ Khắc Cương (bài 3)

Bám theo vòng bánh xe đạp Đỗ Khắc Cương (bài 3)
August 17
22:19 2018

DU LỊCH QUÁ GIANG

NGÀY THỨ BA 18-7-2018 VÀ NGÀY THỨ TƯ 19-7-2018:

Anh Đỗ Khắc Cương, một người bạn của tôi làm ở Microsoft Việt Nam, vừa làm một chuyến hành phương Bắc bằng xe đạp, khởi hành từ sân bay Phú Bài (Huế). Là một người mê giong ruổi, thích đạp xe, yêu sử Việt, có tài viết lách, anh đã có những ghi chép thú vị dọc hành trình của mình. Được phép của anh, tôi xin mời bạn cùng làm một chuyến “du lịch quá giang” với anh bạn làm công nghệ, mê thể thao này, khoái di dịch này.

NGÀY THỨ BA 18-7-2018:

Sáng nay mưa quá, mới đi được 80km. Giờ quyết định nghỉ tại TP. Hà Tĩnh xem bão Sơn Tinh chiều nay vào đất liền như thế nào rồi tính tiếp.

Bạn Nhi Lê comment trên Facebook: “Nghỉ là đúng rồi, bão đi nguy hiểm lắm! Mình thì đi nghiêm túc nhưng lỡ các bác tài xe khách bị mưa che mờ kính rồi lái loạng choạng là mệt.”

Bạn Nguyen Van Anh cũng đồng tình: “Chuẩn rồi ạ. An toàn là số 1 ạ.”

Đỗ Khắc Cương selfie với trẻ em tại Nghệ An.

NGÀY THỨ TƯ 19-7-2018:

Cứ mỗi lần qua một ngọn đèo thì giọng nói địa phương thay đổi đi rất nhiều. Như người dân Nam Ô nằm ngay phía Nam chân đèo Hải Vân nói giọng Quảng Nam đặc sệt, thì chỉ vừa qua đèo giọng của người Lăng Cô lại rặt giọng Huế, là giọng nói rất khác giọng Quảng Nam. Hai ngày hôm nay, tôi cảm nhận rõ sự khác biệt rất lớn của ngữ âm, và cả từ ngữ nữa, của hai miền Quảng Bình và Nghệ Tĩnh, là hai miền chỉ cách nhau qua dải Hoành Sơn – Đèo Ngang. Thật tình là khi nghe người Nghệ Tĩnh nói chuyện với nhau thì phải lắng nghe một hồi mới biết, mới hiểu đang nói với nhau điều gì, nói chung giọng Nghệ Tĩnh rất đặc trưng, nghe nặng hơn và có nhiều từ mà người Bình Trị Thiên không thấy nói. Bữa trời mưa ghé quán nước ven đường, anh chủ quán nói: “Mưa trộ khôôn chi mô” làm mặt mình cứ đơ ra chả hiểu gì, sau may có chị vợ “dịch” giúp, có nghĩa là “Mưa từng chặp không có vấn đề gì đâu”. (Không biết ở miền Bắc có dùng từ “trộ” này không, trong miền Nam thì không có dùng). Còn hôm nay thì có em chủ quán nước hỏi câu mình chả biết trả lời thế nào: “Đạp xe cọ liệt khôôn?”, sau chắc thấy mặt mình ngu ngu nên giải thích rõ hơn “Đạp xe cọ mệt khôôn?. Còn từ “nỏ” thì nghe nhiều, có nghĩa là “không”, có khi người Anh mượn từ “nỏ” của tiếng Nghệ chăng? 😊

Hai ngày nay tôi đạp xe hơn 200km qua miền Nghệ Tĩnh, là mảnh đất của nền văn hóa Lam Hồng (Sông Lam – Núi Hồng Lĩnh), là mảnh đất đã sinh ra bao nhiêu nhân tài có nhiều cống hiến cho nhân quần xã hội và được lưu danh sử sách. Đây là vùng đất của các dòng họ khoa bảng ngày xưa, và ngày nay đã sản sinh ra nhiều học giả có đóng góp nhiều cho nền học thuật của Việt Nam. Các giáo sư nổi tiếng Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Phan Đình Diệu, Cao Xuân Hạo, Phan Huy Lê…đều quê Nghệ Tĩnh. Và chắc chắn ai cũng biết xứ Nghệ là vùng đất cách mạng với nhiều phong trào đấu tranh và nơi sinh ra của rất nhiều chí sĩ – Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh…

Hôm nay trên hành trình tiếp tục đạp xe ra Bắc, tôi chọn đến thăm nhà lưu niệm của hai nhà thơ lớn của Việt Nam, đó là đại thi hào Nguyễn Du và “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương.

Khu lưu niệm thi hào Nguyễn Du rất to đẹp trang trọng. Tượng cụ Tiên Điền bằng đồng. Tay phải cầm bút, tay trái có mấy cuốn sách

Truyện Kiều bản chữ Nôm.

Bên trong khu lưu niệm Nguyễn Du

Hồ sen trước nhà cụ Nguyễn Du

Nhà lưu niệm cụ Nguyễn Du là di tích cấp quốc gia đặc biệt, nằm tại huyện Nghi Xuân, cách đường 1 tầm 8km. Khu lưu niệm rất lớn, rất đẹp, lưu giữ nhiều sắc phong và có nhiều nhà cổ lớn nhỏ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Đến đây tôi mới biết, dù Nguyễn Du quê Nghi Xuân, nhưng lại được sinh ra ở kinh thành Thăng Long, và mẹ là người Kinh Bắc. Đây có phải là lý do Truyện Kiều rất ít phương ngữ Nghệ Tĩnh chăng? 😊. Nhưng mà tôi vẫn nhớ 1 câu Kiều dùng từ địa phương, đó là câu “người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không”. Người Thăng Long thì đã hỏi “người đâu gặp gỡ làm gì” rồi.

Khu lưu niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Bên trong khu lưu niệm Hồ Xuân Hương.

4 mặt bia nữ sĩ Hồ Xuân Hương dược khắc bằng 4 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hán.

Nhà bia tưởng niệm “bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương nằm tại quê của bà tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. So với nhà lưu niệm Nguyễn Du thì khu lưu niệm này nhỏ hơn nhiều. Tôi đạp xe vào làng tìm khu di tích, gặp em thiếu niên làng mặt mày rất đẹp trai sáng sủa chỉ dẫn rất tận tình.

Trên đường đạp xe qua xứ Nghệ, tôi thường đi khoảng 30km (1 giờ rưỡi) thì dừng ghé vào quán nước ven đường nghỉ ngơi và chuyện trò cùng người dân địa phương. Không biết có phải mọi người thấy tôi đạp vất vả hay không, mà ai ai cũng đối xử rất ấm áp thân tình. Có chị chủ quán chạy vào trong nhà lấy loại cà phê khác (không phải để bán) ra pha phin cho mình uống, nói là cà phê này mới ngon. Có cô gái thấy mình mưa gió ướt đầu ướt tóc chạy vào nhà lấy khăn lông cho mình mượn (nhưng tôi không dám nhận 😊). Có anh thì rửa xe và vô dầu nhớt tận tình và nhất quyết không lấy tiền. Các em nhỏ hai bên đường thì rất hay chào hello, và khi chụp hình selfie thì cười rất tươi. Nói chung, tôi ấn tượng về sự nhiệt tình của người xứ Nghệ. Duy chỉ có việc hôm nay bị chó ven đường dí 4 lần, làm mình phải đạp tăng tốc rất là mệt thôi!

Hôm nay nhìn đồng hồ 155km, đường dài kỷ lục trong 4 ngày qua. Ngày mai đạp về xứ Thanh, vùng đất 3 vua 2 chúa.

ĐỖ KHẮC CƯƠNG

+ Ảnh: ĐỖ KHẮC CƯƠNG

Formosa. Anh người địa phương nói ông Võ Kim Cự đi Canada rồi! Khốn nạn quá.

Bão Sơn Tinh gây ngập úng cánh đồng

Đi ngang qua chùa Hương nhưng không ghé vào thăm được.

Nghỉ mệt – phía sau là con đường bị nước ngập do bão Sơn Tinh. 

Đền Cuông, nơi thờ An Dương Vương.

Cu Đơ là một loại kẹo đặc sản Hà Tĩnh. Bảng hiệu này gợi nhiều suy nghĩ.

Chữ “phí” bị tháo thay bằng chữ “giá” (khác màu). Sao mấy bác chưa sửa lại chữ “phí”?

 

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới