Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Huawei tuyên bố ở Đức: Không có bức tường nào nữa (No More Walls)

Huawei tuyên bố ở Đức: Không có bức tường nào nữa (No More Walls)
May 25
08:41 2019

 

Sau khi Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei chịu một loạt những vụ tạm ngưng hợp tác và hợp đồng mang tính sinh tử từ những đối tác lớn ở Mỹ và một số nước khác do tác động của việc Chính phủ Mỹ vừa ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với các công ty nước ngoài thuộc diện đe dọa an ninh quốc gia, ông Hu Houkun, Phó Chủ tịch Huawei, ngày 23-5 trong dịp là một diễn giả tại Hội nghị Potsdam về An ninh mạng quốc gia (National Cyber Security Conference) diễn ra tại khuôn viên Đại học Potsdam (Đức) trong 2 ngày 23 và 24-5-2019 đã thể hiện quan điểm của mình về cuộc khủng hoảng Huawei đang ngày càng nóng và phức tạp này. Nhà lãnh đạo Huawei nói rằng: “Trong những ngày gần đây, các hạn chế, dựa trên các cáo buộc không có căn cứ, đã được áp đặt với Huawei nhằm làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng hành động này là hoàn toàn phi lý.”

Ở Châu Âu, khoảng ba phần tư người dùng điện thoại thông minh là các sản phẩm điện thoại dựa trên nền tảng Android. Huawei chiếm khoảng 20% ​​thị trường này. Vì thế, theo ông Hu, những “quyết định liều lĩnh” như vậy có thể gây ra nhiều tác hại to lớn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở Châu Âu.

Ông Hu Houkun, Phó Chủ tịch Huawei, tại Hội nghị Potsdam về An ninh mạng quốc gia ngày 23-5-2019.

Nhà lãnh đạo Huawei cảnh báo rằng: “Điều này đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Nó đi ngược lại các giá trị của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, cắt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu và phá vỡ sự cạnh tranh công bằng trên thị trường. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ngành, lĩnh vực và công ty nào khác trong tương lai nếu chúng ta không cùng nhau đối mặt với những vấn đề này.”

Và nhập gia tùy tục, ông Hu đã liên tưởng tới Bức tường Berlin từng ngăn đôi nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai, được phía Đông Đức dựng lên vào tháng 8-1961 và bị dỡ bỏ vào tháng 11-1989 tiến tới thống nhất nước Đức vào năm 1990. Phó Chủ tịch Huawei nói: “Khi tôi đến sớm hơn, tôi được cho biết rằng chúng tôi đang ở một địa điểm lịch sử nơi Bức tường Berlin (Berlin Wall) từng được dựng lên. Điều này nhắc nhở tôi về một thực tế rằng chúng ta không muốn nhìn thấy một bức tường khác và chúng ta không muốn trải qua một trải nghiệm đau đớn khác. Tương tự, chúng tôi không muốn xây dựng một bức tường mới về thương mại, chúng tôi cũng không muốn xây dựng một bức tường mới về công nghệ. Chúng ta cần một hệ sinh thái toàn cầu tích hợp có thể giúp chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ nhanh hơn và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, đó là những gì chúng ta phải dựa vào để duy trì và bảo đảm sự thịnh vượng cho xã hội loài người.”

Tất nhiên cần đặt cuộc “khủng hoảng Huawei” trong cao điểm của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay để thấy rằng chuyện Huawei không đơn thuần là của Huawei. Theo trang Business Insider (25-5-2019), nhiều năm nay, nhà cầm quyền Trung Quốc đã dựng lên bức Vạn Lý Trường Thành Internet (Great Firewall) cấm hàng loạt công ty công nghệ Mỹ hoạt động tại thị trường có đông người dùng Internet nhất thế giới (tới 800 triệu người dùng). Trang này đã liệt kê danh sách các công ty và dịch vụ Mỹ bị cấm ở Trung Quốc gồm Facebook, Google, Dropbox, Instagram, WhatsApp, Messenger, YouTube, Twitter, Gmail, Google Play, Google Maps, Google Drive, Hangouts, Blogger, Periscope, Reddit, Tumblr, Pinterest, Vimeo, Wikipedia, Flickr,… Để truy cập các dịch vụ Internet xuyên quốc gia này, những người dùng ở Trung Quốc phải dùng các ứng dụng vượt tường lửa, mạng cá nhân ảo VPN,…

MEDIAONLINE

+ Ảnh: Internet. Thanks.



 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới