Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Thương mại điện tử Việt Nam 2020: mất 1 còn 4

Thương mại điện tử Việt Nam 2020: mất 1 còn 4
January 08
11:15 2020

 

“Toang nữa rồi ông giáo ạ!” Cuối năm, những lời cảm thán buồn nhiều hơn vui đó liên tục xuất hiện trên mạng xã hội nói về những trang thương mại điện tử – nói nôm na là “bán hàng online” – ở Việt Nam đột ngột tuyên bố ngừng hoạt động. Cái nghiệt ngã của kinh doanh trên mạng càng thêm chua xót cho phận người khi nó rơi vào thời điểm năm hết tết đến mà phải mất việc.

Nhưng có phải đã tới lúc hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam bị vỡ trận – nói theo ngôn ngữ trend mạng là “toang”?

Theo chúng tôi, sự kiện một loạt trang TMĐT rủ nhau cùng nghỉ cuộc chơi lúc này chỉ là một sự trùng hợp của thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới 2020. Thực tế có 2 nguyên nhân chính: hoặc tái cơ cấu lại bộ máy, hoặc thật sự kiệt sức, hết kham nổi (mà cái lý do “hết tiền” này cũng có thể là tiền đề cho cái hệ quả “tái cơ cấu”).

Cái dấu chấm trên chữ i của sự kiện TMĐT “chết tập thể” ở Việt Nam có lẽ là việc website TMĐT Lotte.vn của Hàn Quốc thông báo đóng cửa từ ngày 20-1-2020. Thông báo này đã được ông Kim Kyou Sik, Tổng giám đốc Lotte.vn, gửi tới các nhà cung cấp, khách hàng của Lotte.vn hôm 25-12-2019. Hệ thống siêu thị Lotte Mart tiếp quản trang Lotte.vn và sáp nhập nó vào trang TMĐT Speedl.vn của mình. Cả Lotte.vn lẫn Lotte Mart đều là công ty con của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc).

Lotte.vn ra mắt vào cuối năm 2016 với tham vọng sẽ chinh phục thành công thị trường Việt Nam như Lotte đã làm được ở quê nhà. Nhưng nó đã bị “toang” sau 3 năm tham gia đua tranh trong cuộc chơi “đốt tiền” trên thị trường online ở Việt Nam.

Việc Lotte.vn về Lotte Mart có thể được coi là một thương vụ sáp nhập nội bộ. Theo giải thích, Lotte.vn được sáp nhập vào Speedl.vn với mục đích phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp xu thế kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và trực tuyến. Và động thái này được giới quan sát nhận định rằng nó cho thấy Tập đoàn Lotte chưa muốn buông bỏ thị trường TMĐT được đánh giá là còn nhiều tiềm năng của Việt Nam.

Ngay trước vụ Lotte.vn nửa đường đứt gánh, thị trường xôn xao với một loạt quyết định “khắc nhập, khắc xuất” của các trang TMĐT thuộc Tập đoàn Vingroup. Mà ấn tượng nhất là với số phận của sàn TMĐT Adayroi.com (A Đây Rồi).

Bất ngờ, bất ngờ và bất ngờ khi ngày 17-12-2019 trên Facebook đột ngột xuất hiện bản chụp thông báo của Công ty VinCommerce – chủ sở hữu và vận hành của Adayroi “về việc dừng bán hàng trên Adayroi”. Bất ngờ tới khó đỡ khi thông cáo ký tại Hà Nội ngày 17-12-2019 và có hiệu lực ngay trong ngày, từ 18g00 ngày 17-12-2019 (Ngày Cut-off).  VinCommerce giải thích lý do như sau: “Với mong muốn đánh giá và tái cấu trúc hoạt động của công ty nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và khách hàng trong giai đoạn phát triển mới, Ban lãnh đạo công ty đã quyết định sẽ tạm dừng toàn bộ hoạt động bán hàng trên Website Adayroi.”

Sàn TMĐT Adayroi đã được Vingroup rót vốn đầu tư từ năm 2014. Tuy hoạt động không sôi động, thậm chí bị đánh giá là cầm chừng, cho có với người ta, Adayroi vẫn được coi là 1 trong 5 sàn TMĐT chính ở Việt Nam (bốn sàn kia là Lazada, Sendo, Shopee, và Tiki).

Trong khi thiên hạ đang đồn đoán số phận thât sự của Adayroi và nghiêng ngó qua website Vinpro.vn anh em thì ngay hôm sau, 18-12-2019, Tập đoàn Vingroup – chủ của Adayroi và VinPro, chính thức công bố quyết định rời bỏ mảng bán lẻ để tập trung mọi nguồn lực cho lĩnh vực ưu tiên cốt lõi là công nghiệp (VinFast) và công nghệ (VinSmart). Adayroi được sáp nhập vào VinID, còn VinPro thì bị giải thể.

Website TMĐT chuyên bán hàng công nghệ Vinpro của Vingroup ra đời năm 2015 và “hy sinh” 4 năm sau đó. Nhưng cái chết của Vinpro được quan tâm đặc biệt vì là cái “chết chùm” khi nó gắn với website Vienthonga.vn của hệ thống bán lẻ điện thoại di động lâu năm nhất của Việt Nam (Viễn Thông A ra đời năm 1997). Trước đó không lâu, website Vienthonga.vn đã được hợp nhất với Vinpro.vn từ ngày 6-11-2019 sau khi Viễn Thông A được Vingroup mua lại hồi tháng 10-2018.

Tạm không tính Lotte.vn vì sang tháng 1-2020 mới ngừng hoạt động, trong năm 2019, có 2 sàn TMĐT ở Việt Nam đã phải chấm dứt cuộc chơi. Ngày 27-3-2019, sàn TMĐT chuyên thời trang Robins.vn của Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã thông báo đóng cửa ngay trong ngày sau 2 năm hoạt động ở Việt Nam.

Ở đây, chúng tôi không bàn tới chuyện tái cơ cấu bình thường của doanh nghiệp, mà chỉ nhìn sự kiện cả loạt website TMĐT ở Việt Nam vừa bị đóng cửa này như minh chứng cho sự khắc nghiệt của hoạt động TMĐT và kinh doanh sản phẩm công nghệ ở Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT của FPT, chủ của sàn TMĐT Sendo (ra đời năm 2012), khi chia sẻ với các bạn trẻ tại Hội thảo “Hành trình từ 0 đến 1 – Những bài học trong 5 năm đầu vượt sóng” hồi tháng 11-2019 đã đưa ra một khái niệm mới là “thuần điện tử” để chỉ những lĩnh vực chỉ hoạt động trên nền tảng điện tử như gọi xe, thương mại điện tử, ví điện tử,… Và ông gọi đó là là những cỗ máy đốt tiền. Ông Bình đưa ra cái dự đoán có thể làm kinh hoàng ai đó: “Các bạn đều biết Tiki, Lazada, Shopee, Sendo… tất cả đang đến ngưỡng 1 tỷ USD giá trị công ty. Và kết thúc của trò chơi này là thế nào? Sẽ có một ông trên thế giới “cá cược” vào một trong mấy doanh nghiệp này, và trò chơi kết thúc. Mà người ta “cá cược” có nghĩa là người ta bỏ 1 – 2 tỷ USD nữa để đốt.” Theo ý ông, các sàn TMĐT này vẫn đang hùng hục trong “cuộc đua đốt tiền”.

Một bài viết trên trang CafeF (19-12-2019) cho biết: Nếu như năm 2016, mức lỗ của nhóm “Big 4” ngành TMĐT (Lazada, Sendo, Shopee, và Tiki) chỉ có 1.700 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng gấp đôi lên 3.400 tỷ và năm 2018 tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 5.100 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế tính đến hết năm 2018 của 4 ông lớn này đã vượt 12.500 tỷ đồng.

Điều an ủi cho TMĐT Việt Nam là tình hình đua nhau đốt tiền và thua lỗ dài dài này cũng là của cả thế giới.

Ngoại trừ Amazon của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos hoạt động từ năm 1994, Alibama của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma làm ăn từ năm 1999 hay eBay của tỷ phú Mỹ Pierre Omidyar ra đời năm 1995 được coi là những điển hình thành công của TMĐT toàn cầu, còn lại hầu hết các sàn TMĐT đều bị thua lỗ triền miên, đặc biệt là trong những năm đầu, sau đó tồn tại được – dù sống cầm chừng – cũng là giỏi và hên lắm rồi. Thực tế, hầu hết các sàn TMĐT hiện nay hoạt động nhờ huy động vốn từ các nhà đầu tư – đặc biệt là qua các vòng gọi vốn. Còn chuyện vì sao thua lỗ từ năm này qua năm khác, thậm chí ngày càng lỗ nặng hơn, mà các sàn TMĐT vẫn tồn tại lại là một câu chuyện khác. Có lẽ có một cách hiểu của thực tế đốt tiền ở đây là “mất tiền” không phải là “thua lỗ” (hay “lỗ” chứ không “thua”) mà chỉ là một dạng “đầu tư”. Phải chăng vì thế mà dù lỗ ngày càng nặng hơn, có những sàn TMĐT vẫn gọi được vốn ầm ầm từ các nhà đầu tư và không ngừng gia tăng giá trị thị trường của mình? Chẳng hạn như Sendo, theo CafeF, tổng lỗ lũy kế đến hết năm 2018 là 1.253 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 11-2019 vẫn huy động được vốn từ nước ngoài thêm 61 triệu USD cho 14,6% cổ phần và được định giá thị trường lên đến 400 triệu USD.

Bất luận thế nào, chúng ta hãy cùng nhau an tâm với nhận thức rằng TMĐT là hoạt động cần phải có trong một nền kinh tế số và xã hội số. Thế giới vẫn đang ngày càng chuyển mạnh sang TMĐT trên lộ trình chuyển đổi số.

Theo Cục Thống kê Hoa Kỳ, doanh số bán hàng online ở Mỹ đạt gần 500 tỷ USD trong năm qua, chiếm khoảng 9% tổng doanh số bán lẻ. Ngành bán lẻ online đạt tốc độ tăng trưởng 15 – 17% mỗi năm (so với mức tăng trưởng khoảng 5% của toàn bộ ngành bán lẻ).

Trên quy mô toàn cầu, khoảng 1,66 tỷ người mua hàng online đã chi 2.300 tỷ USD trong năm 2017 (tăng 24,8% so với năm trước). Dự báo vào năm 2021, doanh số bán hàng online toàn cầu sẽ tăng gấp đôi so với mức hiện nay.

Các công ty TMĐT lớn nhất thế giới hiện nay (xếp hạng theo GMV – tổng giá trị giao dịch).

Công ty Tổng giá trị giao dịch (GMV) Dạng kinh doanh TMĐT
Alibaba >768 tỷ USD B2B, C2C
Amazon 239 tỷ USD B2C, C2C
JD.com 215 tỷ USD C2C, B2C
eBay 93 tỷ USD C2C, C2B
Shopify 33 tỷ USD C2C
Rakuten >31 tỷ USD B2C
Walmart >19 tỷ USD B2C, C2C
Nguồn: The Motley Fool 8-2019

(Data source: Alibaba, Amazon, JD.com, eBay, Shopify, Rakuten, Walmart.)

Có thể nói rằng, trong hoạt động TMĐT hiện nay, hưởng lợi nhất vẫn là người tiêu dùng và người bán hàng. Còn các chủ chợ thì vẫn đang lỗ nặng. Cũng phải thừa nhận một thực tế: kinh doanh trên mạng thành công nhất hiện nay là những cá nhân chào bán hàng hóa trên mạng xã hội và túc tắc kiếm ăn được. Làm nhỏ thì ăn thật, mà làm lớn thì lỗ thật.

Năm 2020 ai còn ai mất? Cuộc chơi TMĐT ở Việt Nam vẫn ngày càng nóng và nghiệt ngã mà bước sang năm mới sẽ là chiến trường của 4 nguyên soái Lazada, Sendo, Shopee, và Tiki. Trong khi Lazada có “hậu phương lớn” là Alibaba của ông trùm TMĐT tỷ phú Jack Ma, và Shopee là sàn TMĐT quốc tế (trụ sở ở Simgapore), 2 sàn TMĐT Việt Nam còn lại thực chất cũng chỉ là “hồn Trương Ba, da hàng thịt” khi có tỷ lệ vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Có một nghịch lý, người Viêt ngày càng thêm quen với shopping online – thậm chí có một bộ phận đã lậm đã ghiền thú vui mua hàng trên mạng. TMĐT quả thật đem lại nhiều lợi lộc cho người tiêu dùng và người bán hàng, bất kể chuyện nó đốt tiền của các chủ sàn chủ chợ.

Thực tế, các sàn TMĐT đốt tiền chủ yếu để lôi kéo khách hàng, tập cho người Việt thói quen mua sắm online. Họ tập cho người ta thói quen mua hàng trên mạng, nhưng lại là thói quen tiêu cực: có khuyến mại khủng mới mua. Trong khi bản chất của TMĐT vững bền là sự thoải mái, tiện dụng trên nền công nghệ và Internet mà tất cả cùng có lợi.

Có một sự thật nghiệt ngã là các sàn và website TMĐT Việt Nam có thể đốt tiền để tập cho người tiêu dùng Việt Nam thói quen mua sắm online rồi chúng lần lượt chết thảm vì không còn đủ sức đeo bám cuộc chơi nữa. Thế rồi, các ông lớn TMĐT quốc tế như Amazon, Alibaba,… bấy lâu nay mai phục hoặc nằm yên, hoặc cầm chừng sẽ nhảy vào thị trường TMĐT Việt Nam mà hưởng lợi. Hình như giai đoạn đó đang ẩn hiện phía trước ngày càng gần hơn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Nội dung này có bản được in trên báo Thế Giới Tiếp Thị ngày 1-1-2020.



TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới