Huawei ra mắt Sách Trắng về Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo 2020


Vào lúc 15g ngày 16-3-2021 (theo giờ VN), Huawei đã tổ chức sự kiện ra mắt Sách Trắng về Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo của Huawei 2020 (Huawei Innovation and Intellectual Property White Paper 2020). Sự kiện được tổ chức trên sân bên ngoài trụ sở chính của Huawei ở Thâm Quyến (Shenzhen, Trung Quốc) với sự tham dự của một số cơ quan truyền thông; đồng thời được Live stream toàn cầu trên nền tảng Zoom và YouTube.




Ông Francis Gurry, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO, trong bài phát biểu online dành cho Diễn đàn của Huawei nhấn mạnh rằng trong nền kinh tế số, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ càng trở nên bức thiết và quan trọng hơn. Các công ty đã chi rất nhiều tiền cho nghiên cứu sáng tạo dù chủ yếu phục vụ mục đích kinh doanh của họ, nhưng mặt khác cũng đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại, nâng cao chất lượng cuộc sống. Và theo lẽ công bằng, họ phải được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để ít nhất là có thể thu hồi được vốn đầu tư cho R&D, và trên hết là có thể tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu sáng tạo.

Trong khi đó, ông Song Liuping, Thành viên Ban Kiểm soát, Giám đốc Pháp chế, Giám đốc Tuân thủ của Huawei, đã nhấn mạnh tới việc cần thiết phải có sự cạnh tranh công bằng và minh bạch trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ. Ông đề cập tới việc trong năm 2020, Huawei vừa phải chống chỏi với tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19, vừa phải đương đầu với những chiến dịch từ Chính phủ Mỹ chống lại Huawei. Vì thế, việc phát hành Sách Trắng lần này được coi như mở ra những cánh cửa trong suốt để cho cộng đồng quốc tế nhìn thấy Huawei thật sự là ai, có những nỗ lực và đóng góp gì trong công cuộc nghiên cứu sáng tạo thông qua công nghệ phục vụ nhân loại.

Theo ông Jason Ding, Phó Chủ tịch, Người đừng đầu Bộ phận Sở hữu Trí tuệ của Huawei, Sách Trắng về IP 2020 của Huawei khác phiên bản 2019 là tập trung chi tiết hơn vào quá trình R&D và toàn bộ lịch sử sáng tạo của Huawei, cũng như xem xét việc nỗ lực sáng tạo đã đóng góp ra sao trong việc tạo thành Huawei như ngày nay. Trong suốt 30 năm qua, Huawei vẫn luôn giữ vững cam kết về R&D, chi 10-15% doanh thu hàng năm cho R&D. Và nhờ doanh thu của Huawei gia tăng hàng năm nên ngân sách dành cho R&D cũng liên tục tăng lên theo từng năm. Từ năm 2015 đã vượt ngưỡng 50 tỷ nhân dân tệ (CNY), từ năm 2018 vượt mốc 100 tỷ CNY. Tổng ngân sách đầu tư cho R&D của Huawei từ năm 2010 tới 2019 đã lên tới 600 tỷ nhân dân tệ (90 tỷ USD). Huawei xác định: sáng tạo bền vững chính là nền tảng cho sự thành công bền vững của Huawei.


Cho tới nay, Huawei đã đạt được hơn 100.000 bằng sáng tạo đang hoạt động trong hơn 40.000 patent đồng dạng (patent family)..

Trong sự kiện này, Huawei cho biết họ ước tính sẽ nhận được 1,2 tới 1,3 tỷ USD cho lệ phí cấp phép bằng sáng chế từ các công ty toàn cầu trong ba năm (2019-2021). Điều này khẳng định sức mạnh công nghệ của họ. Tuy nhiên, theo ông Jason Ding: “Doanh thu có được từ các bằng sáng chế không phải là nguồn doanh thu chính của Huawei, vì đây không phải là mô hình kinh doanh chính của công ty, nhưng nó là một trong những nguồn để Huawei tiếp tục đầu tư vào R&D của mình.”

Huawei chia sẻ: Riêng về công nghệ mạng 5G, Huawei thông qua các bằng sáng chế và nghiên cứu của mình, đã đóng góp lớn nhất trong việc thiết lập các tiêu chuẩn 5G toàn cầu. Huawei bắt đầu nghiên cứu công nghệ kết nối 5G vào năm 2009 và hiện đang nắm giữ số lượng lớn nhất các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn 5G (standard essential patents, SEP), chiếm 18,3% trong số các gia đình bằng sáng chế (patent family) 5G toàn cầu đã được cấp và đang hoạt động. Theo sau là 14,6% của Nokia; 12,9% của Samsung và 11,2% của LG (theo một báo cáo chung trong tháng 3-2021 của các công ty tư vấn Amplified và GreyB). Trong khi đó, một báo cáo hồi tháng 2-2021 của IPlytics về tổng thể các bằng sáng chế 5G được công bố cũng ghi nhận Huawei dẫn đầu với 15,39% thị phần, tiếp theo là Qualcomm với 11,24% và ZTE với 9,81%. Trong khi đó, Samsung và Nokia lần lượt chiếm 9,67% và 9,01%. SEP là không thể thiếu khi triển khai một công nghệ tiêu chuẩn hóa mới và số lượng các bằng sáng chế quan trọng như vậy thường được xem như một chỉ số về sức mạnh công nghệ của chủ sở hữu.
Ông Francis Gurry từ tổ chức WIPO cho biết: Riêng trong năm 2020, Huawei tiếp tục đứng đầu danh sách các đơn đăng ký bằng SHTT quốc tế, nộp 5.464 đơn, gần gấp đôi so với nhà sản xuất đứng thứ hai, Samsung Electronics, đã nộp 3.093 đơn.
Tổ chức WIPO hồi đầu tháng 3-2021 cho biết: Trung Quốc là nước nộp đơn SHTT lớn nhất thế giới trong năm thứ hai liên tiếp vào năm 2020. Trước đây, Hoa Kỳ đã giữ vị trí số 1 hàng năm kể từ khi hệ thống hiệp ước hợp tác bằng sáng chế WIPO bắt đầu hoạt động vào năm 1978. Báo cáo của WIPO cho biết các đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc đã tăng hơn 16% trong năm 2020 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, trong khi các đơn xin cấp bằng sáng chế của Mỹ tăng 3%.
Theo hãng tin kinh tế Nhật Bản Nikkei Asia, Trung Quốc đã coi việc triển khai công nghệ 5G trở thành ưu tiên trong sáng kiến cơ sở hạ tầng mới của họ kể từ đầu năm 2020, cố gắng sử dụng việc triển khai để thúc đẩy nền kinh tế địa phương trong bối cảnh đại dịch. Việc tăng tốc 5G của Bắc Kinh đã cung cấp cho Huawei sự hỗ trợ đáng kể khi công ty này gặp phải sóng gió ở thị trường nước ngoài do chiến dịch chống họ của Washington. Theo hãng nghiên cứu Dell’Oro Group, mảng kinh doanh smartphone của Huawei đã mất gần 3 điểm phần trăm trong thị phần toàn cầu vào năm 2020, nhưng mảng kinh doanh thiết bị viễn thông, nơi chứa các công nghệ chủ chốt của công ty, vẫn giữ vị trí số 1 toàn cầu với 31% thị phần, tăng từ mức 28% của năm 2019, chủ yếu nhờ Huawei đang giành được thị phần tại Trung Quốc. Tập đoàn công nghệ Trung Quốc này đã tìm kiếm các công nghệ ngoài điện thoại thông minh và các sản phẩm hiện có khác của mình như một phương tiện để tồn tại lâu dài hơn. Các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển của Huawei đạt tổng cộng 131,7 tỷ nhân dân tệ (20,26 tỷ USD) vào năm 2019, chiếm 15,3% tổng doanh thu năm (so với 13,86% hồi năm 2018).
Vào cuối năm 2020, Huawei có 105.000 người làm R&D (chiếm tới 53,4% tổng lực lượng lao động của công ty). Con số này là 80.000 người hồi năm 2018.
Trong cuốn Sách Trắng về Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo của Huawei 2020, Huawei nhấn mạnh: “Nghiên cứu và đổi mới là lẽ sống còn (bread and butter) của Huawei. Trong tương lai, chúng tôi sẽ chuyển đổi từ đổi mới sáng tạo theo định hướng công nghệ và kỹ thuật sang tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy đột phá trong nghiên cứu cơ bản (basic research) và phát minh ra các công nghệ nền tảng (fundamental technologies) mới.”
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh chụp qua màn hình từ Live Stream sự kiện Huawei.