Thứ Ba ngày 16 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

TFGI: thực trạng và triển vọng của nền tảng số – kinh tế số và kinh tế nền tảng ở Việt Nam

TFGI: thực trạng và triển vọng của nền tảng số – kinh tế số và kinh tế nền tảng ở Việt Nam
December 07
22:40 2021

Chiều 6-12-2021, Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (Tech For Good Institute – TFGI), với sự hỗ trợ của Grab Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Nền tảng số – Tăng trưởng trong tương lai” tại Hà Nội kết hợp với hình thức online.

Tọa đàm tại Hà Nội chiều 6-12-2021.

Buổi tọa đàm về nền kinh tế số (digital economy), kinh tế nền tảng (platform economy)ở Việt Nam trong thời chuyển đổi số của Cách mạng công nghệp lần thứ 4 này do ông Bùi Thế Giang, Nguyên Đại sứ, Phó Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, điều phối với sự tham dự của Tiến sĩ Ming Tan – Viện trưởng Viện TFGI; bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam; Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường – Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM); bà Phạm Khánh Linh – Nhà sáng lập & CEO Công ty Logivan, một startup của Việt Nam về công nghệ trong ngành vận tải; và ông Phạm Nguyên Bách – CEO của Công ty bePOS, một startup của Việt Nam về phần mềm quản lý bán hàng

Buổi tọa đàm đã chia sẻ kết quả nghiên cứu của Báo cáo “Kinh tế nền tảng: Chất xúc tác cho sự tăng trưởng số tại khu vực Đông Nam Á” do TFGI vừa thực hiện. Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã trao đổi một số vấn đề nhằm khai mở những tiềm năng của nền kinh tế số của Việt Nam.

Nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhiều ứng dụng nền tảng số ra đời và trở thành những mô hình dẫn đầu trong lĩnh vực kinh tế số. Cùng với đó là sự tăng trưởng lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp. Nền kinh tế số mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng, thúc đẩy tính cạnh tranh của nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, trở thành động lực cốt lõi khôi phục sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Theo Báo cáo “Kinh tế nền tảng: Chất xúc tác cho sự tăng trưởng số tại khu vực Đông Nam Á”, người dùng Internet của 6 nước lớn nhất khu vực (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam) sẽ tăng từ 400 triệu người vào năm 2020 lên 525 triệu người vào năm 2025, đưa khu vực Đông Nam Á trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về Internet. Đồng thời, tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang tạo được sức hút trong khu vực. Sau khi cán mức 100 tỷ USD trong năm 2020, nền kinh tế số Đông Nam Á dự đoán sẽ đạt mức 300 tỷ USD vào năm 2025 (nguồn: Báo cáo “Kinh tế nền tảng: Chất xúc tác cho sự tăng trưởng số tại khu vực Đông Nam Á” của Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng, Trang 23).

Tại khu vực Đông Nam Á, các nền tảng từ trực tuyến đến trực tiếp (online to offline hay O2O) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế khu vực bằng việc thu hẹp khoảng cách giữa hạ tầng vật lý và hạ tầng kỹ thuật số, vốn từng là một thách thức lớn đối với các chính phủ trong khu vực. Một thí dụ có thể kể đến là việc mở rộng các nền tảng O2O đến các khu vực nông thôn đã góp phần mở rộng mạng lưới logistics; và việc mở rộng thanh toán di động của các nền tảng fintech đã thúc đẩy lộ trình không dùng tiền mặt. Những lợi ích mà các nền tảng O2O mang lại càng trở nên ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi các nền tảng O2O đã giúp cho người dùng dễ dàng thích ứng với giãn cách xã hội bằng việc đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như đặt đồ ăn, mua nhu yếu phẩm, làm việc từ xa… nhưng vẫn bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, các nền tảng O2O còn cho phép các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMB) đa dạng hóa nguồn doanh thu và duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn giãn cách. Do vậy, các nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tính liên tục cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế, và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế và đổi mới sau đại dịch.

Việt Nam là thí dụ điển hình của xu hướng này. Năm 2020, khi nền kinh tế toàn cầu và khu vực đều suy giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt mức 16% – cao nhất trong khu vực ASEAN (cùng với Indonesia). Nền kinh tế số của Việt Nam đạt doanh thu 14 tỷ USD, ước tính chiếm khoảng 1% GDP của Việt Nam (nguồn: Báo cáo E-Conomy SEA 2020. Google, Temasek và Bain & Company).

Tuy nhiên, theo báo cáo nói trên, để bảo đảm tốc độ phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế số tại Việt Nam cũng như tại các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, các chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực cần thắt chặt mối quan hệ hợp tác trên nhiều khía cạnh để kinh tế số có thể phát huy được hết tiềm năng vốn có. Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần có những nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu nhằm đưa ra những giải pháp sáng tạo phù hợp với bối cảnh khu vực.

Buổi tọa đàm cũng chia sẻ một số số liệu khảo sát đáng chú ý (Nguồn: SEA-6 O2O Platforms Consumer Survey bởi Bain & Company, May 2021 (N=2.800); SEA-6 O2O Platforms MSME Survey bởi Bain & Company, May 2021 (N=666):

  • 77% số người dùng Việt Nam tham gia khảo sát đồng ý rằng các nền tảng đã có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng cuộc sống của họ. Đặc biệt, 88% người được khảo sát đồng ý rằng các nền tảng giao đồ ăn khiến cho việc mua thực phẩm trong dịch COVID-19 trở nên dễ dàng hơn, và 76% đồng ý rằng họ có thể tiếp cận thêm nhiều sản phẩm hơn qua các nền tảng thương mại điện tử. Ngoài ra, 76% cũng đồng ý rằng hình thức thanh toán điện tử tiện lợi hơn so với việc dùng tiền mặt.
  • 88% số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở Việt Nam tham gia khảo sát đồng ý rằng họ cần sử dụng nền tảng để thành công trong tương lai, trong đó 65% số doanh nghiệp này đồng ý rằng doanh số bán hàng của họ sẽ giảm trong giai đoạn dịch bệnh nếu họ không sử dụng nền tảng. 76% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thấy được sự cải thiện trong doanh số bán hàng sau khi họ bắt đầu sử dụng hình thức thanh toán điện tử, và 85% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sử dụng các dịch vụ cho vay qua nền tảng số, điều mà trước đây họ không thể làm được với ngân hàng hoặc các kênh tín dụng truyền thống.
  • Tuy nhiên, tiềm năng để tăng trưởng vẫn còn rất lớn. Theo dữ liệu của Viện TFGI, trong năm 2021 chỉ 4% doanh số bán lẻ và thực phẩm của Việt Nam là qua các kênh trực tuyến. Báo cáo cũng cho thấy trong 4 người tiêu dùng Việt Nam thì có 1 người đang sử dụng ít nhất ba dịch vụ số thông qua các nền tảng, và đây cũng là tiềm năng để mở rộng thị trường của các nền tảng số.

Tiến sĩ Ming Tan, Viện trưởng Viện TFGI, dẫn ra nhiều số liệu cho thấy ở khu vực Đông Nam Á số hóa và nền kinh tế số đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và tiếp tục có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, đại dịch đã thúc đẩy đáng kể sự tham gia vào các nền tảng số, nhưng chúng ta vẫn chỉ đang ở những bước đầu tiên.  Để bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số, chúng ta cần các giải pháp sáng tạo phù hợp với bối cảnh của Đông Nam Á.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam, cho rằngnền kinh tế số có thể và phải giữ vai trò là động lực trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế tiếp theo của Việt Nam, cho phép người dùng cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam tiếp cận công nghệ, các dịch vụ mới và từ đó tăng cơ hội thu nhập. Đây còn được coi là động lực tăng trưởng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Grab Việt Nam rất mong buổi tọa đàm sẽ mở ra không gian cho khu vực công – tư và các chuyên gia cùng bày tỏ quan điểm, chuyên môn, và hợp tác thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và kinh tế số, qua đó thúc đẩy, nâng cao năng lực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, bảo đảm sự phát triển đồng đều, bền vững đối với tất cả thành phần kinh tế trong quá trình chuyển đổi số.

Thảo luận về việc sự phát triển của các nền tảng số và công nghệ đổi mới sáng tạo đang đóng vai trò thế nào trong việc tạo ra những điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, nguồn lực, nhu cầu thị trường… nhằm thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM),nhấn mạnh đến quyết tâm và sự nhạy bén của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế số và kinh tế chia sẻ thông qua các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định số 999/QĐ-TTg năm 2019 “Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” và Quyết định số 749/QĐ-TTg “Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, ông Cương chia sẻ rằng việc thực hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phát triển kinh tế số ở mỗi ngành rất khác nhau và một số ngành còn chưa thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Do đó, điều quan trọng là phải có sự hiểu biết, chia sẻ và hợp tác đồng bộ giữa các ngành để cùng nhau thực hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Ông Cương nhấn mạnh rằng điều quan trọng là trong cuộc Cách mạng 4.0 Việt Nam đang đi cùng nhịp bước với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Vì cơ hội sẽ luôn đến nếu chúng ta không bỏ lỡ và đây là cơ hội tốt nhất để các nhà khởi nghiệp, các doanh nghiệp rút ngắn được khoảng cách từ phía chúng ta với các bạn bè trên thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường – Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành, Vụ Quản lý doanh nghiệp,chia sẻ rằng việc ban hành các cơ chế, chính sách chậm hơn so với thực tiễn hoạt động của kinh tế số không phải là câu chuyện riêng của Việt Nam mà là câu chuyện chung của khu vực và thế giới, ngay cả các nước phát triển ở Châu Âu cũng chỉ mới bắt đầu nghiên cứu để xây dựng hành lang pháp lý vì kinh tế số là lĩnh vực phát triển rất nhanh và chưa có tiền lệ. Trong chiến lược phát triển kinh tế số ở Việt Nam, nền tảng số được chọn là giải pháp đột phá. Kể từ năm 2015, với sự phát triển của nền tảng số, số lượng giao dịch điện tử tăng đột biến. Hiện nay, Bộ Thông tin – Truyền thông đang nghiên cứu và lấy ý kiến các bên liên quan về việc sửa đổi Luật Giao dịch Điện tử.Bộ mong muốn hợp tác và nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đồng hành cùng với Bộ để xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao dịch Điện tử phù hợp với thực tiễn của hoạt động kinh tế số rất sôi động như hiện và thúc đẩy kinh tế số phát triển trong tương lai.

Trao đổi về thực tế phát triển nền tảng số và thúc đẩy công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), chia sẻ về cơ hội và thách thức trong việc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Cơ hội:

  • Về kinh tế số, Việt Nam đang ở cùng điểm khởi đầu, tương đối tương đồng với các nước nên có cơ hội để vượt lên.
  • Ý chí và khát vọng của hệ thống chính trị và Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế số, coi đây là động lực chính phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai.
  • Việt Nam là thị trường lớn có tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới với cơ cấu dân số vàng, người dùng Internet và điện thoại thông minh lớn. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân Việt Nam về cuộc Cách mạng 4.0 là rất cao.
  • Việt Nam hiện nằm trong khu vực kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm của nền kinh tế số. Kinh tế số, kinh tế nền tảng là một lối ra cho sự phục hồi kinh tế trên cơ sở đổi mới sáng tạo (kinh tế khởi nghiệp, kinh tế số, kinh tế xanh).

Thách thức:

  • Nguy cơ bị bỏ lại phía sau của rất nhiều bộ phận người dân sẽ lớn nếu như không có một chiến lược phát triển bao trùm về kinh tế số, không đưa kinh tế số trở thành điều gần gũi với người dân ở vùng nông thôn và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
  • Hệ thống quy định của pháp luật về kinh tế số còn chưa có hoặc đi sau và chưa phản ánh được thực tiễn của các hoạt động kinh tế số.
  • Việt Nam hiện thiếu nguồn lực lao động phục vụ cho nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, ông Lộc cũng nhấn mạnh đến tiềm năng phát triển lớn nhất của kinh tế số đến từ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trí tuệ của cộng đồng này là vô tận, và trí tuệ đó sẽ được tiếp sức bởi công nghệ và nền tảng công nghệ. Kinh tế chia sẻ xóa đi ranh giới giữa các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cho nên làm sao có thể tạo nên hệ sinh thái để thúc đẩy sự tham gia của khu vực này vào nền kinh tế số là quan trọng nhất.

Ông Phạm Nguyên Bách – CEO bePOS và Bà Phạm Khánh Linh – CEO Logivan chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp: thể chế cho nền tảng số còn hạn chế, nhưng đang dần được cởi mở. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã chủ động chuyển đổi mạnh mẽ trong nền tảng số, với mong muốn tận dụng cơ hội phát triển, thế mạnh và tiềm năng của nền tảng số để phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về kinh tế số cũng tăng lên, ngày càng nhiều người dân sử dụng các dịch vụ chuyển đổi số. Vì thế, thị trường kinh tế số của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Các diễn giả tham gia tọa đàm đã đưa ra những đề xuất và kiến nghị nhằm tăng cường hợp tác công – tư để tạo dựng môi trường thuận lợi cho sự phát triển nền tảng số tại Việt Nam. Thí dụ như chính sách sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để tận dụng công nghệ số và công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất và mở rộng phạm vi tiếp cận người tiêu dùng.

Viện Nghiên cứu vì Cộng đồng – Tech For Good Institute (TFGI) là một tổ chức học thuật độc lập, phi lợi nhuận do Grab, một siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Đông Nam Á, khởi xướng thành lập nhằm tăng cường trao đổi chuyên sâu và nghiên cứu về các xu hướng xã hội, kinh tế và chính sách được thúc đẩy bởi nền kinh tế số. Viện TFGI cũng đặt mục tiêu định hình những triết lý về chính sách về đổi mới và sáng tạo ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời tạo ra không gian cho khu vực công – tư cùng hợp tác nghiên cứu, thảo luận và phát triển năng lực, thúc đẩy lộ trình công nghệ vì cộng đồng của khu vực.

KIM LÊ