Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển Internet quốc tế của Việt Nam đều bị sự cố

Toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển Internet quốc tế của Việt Nam đều bị sự cố
February 21
19:33 2023

Vào lúc 2g45ph sáng 21-2-2023, tuyến cáp quang biển SMW3 đã gặp sự cố lỗi cáp đoạn S2.7 (Singapore – BU12). Với tuyến cáp quang biển thứ 5 bị lỗi này, toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển Internet của Việt Nam lần đầu tiên gặp sự cố cùng một lúc. Tuy nhiên, việc đứt tuyến cáp thứ 5 này được coi là không gây nhiều ảnh hưởng tới tốc độ Internet quốc tế của Việt Nam, vì đây là tuyến cáp cũ (chính thức hoạt động vào ngày 30-9-1999), dự kiến sắp dừng hoạt động. Đặc biệt là nhà mạng VNPT không sử dụng dung lượng của tuyến cáp này cho các dịch vụ Internet băng rộng cố định của mình.

Như vậy, hiện nay, toàn bộ 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet quốc tế của Việt Nam đều đang gặp sự cố, bao gồm AAG (Asia America Gateway), AAE-1 (Asia – Africa – Euro 1), APG (Asia Pacific Gateway), TGN-IA (TGN-Intra Asia, Liên Á), và mới nhất là SMW3 (South-East Asia – Middle East – Western Europe 3, Sea – Me – We3).

Tuyến AAG trong năm 2022 đã nhiều lần gặp sự cố trên cả 2 hướng đi Singapore tại các nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu ở Brunei; và đi Hong Kong tại nhánh S1H và S1I. Theo thông tin từ các nhà cung cấp ISP, hiện nay mới chỉ sửa chữa xong sự cố tại nhánh S1H. Còn tuyến cáp AAE-1 đã gặp sự cố vào cuối tháng 11-2022 trên các nhánh S1H.1 hướng Hong Kong và S1H.3 hướng đi Singapore. Chỉ mới có sự cố trên nhánh S1H.3 được sửa xong vào ngày 14-1-2023.

Tuyến cáp quang biển TGN-IA được đưa vào hoạt động từ tháng 11-2009, dài 6.800 km, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản. Đây là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng Internet ở trong khu vực Đông Nam Á đến Châu Mỹ và Châu Âu. Nguyên nhân của sự cố ngày 28-1-2023 là do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore khoảng 130 km. Sự cố này làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore trên tuyến cáp TGN-IA.

Tuyến cáp quang biển mới bị sự cố SMW3 là tuyến cáp nối liền Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu có tổng chiều dài 39.000km, kết nối với 39 trạm cập bờ tại 33 nước và vùng lãnh thổ trên 4 châu lục. Trạm cập bờ của Việt Nam tại Đà Nẵng. Tuyến cáp được thiết kế vào năm 1996 này do ASN và Fujitsu cung cấp với tâp đoàn SMW3 Consortium gồm 92 nhà mạng viễn thông. Nó đã được nâng cấp 4 lần vào các năm 2006, 2007, 2009 và 2015.

Việc sửa chữa các tuyến cáp quang biển sâu dưới đại dương rất khó khăn và kéo dài. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Trong thời gian qua, trước tình trạng lần đầu tiên 4/5 rồi  toàn bộ các tuyến cáp quang biển quốc tế cùng gặp sự cố, đích thân Bộ Thông tin – Truyền thông đã phải chủ trì các hoạt động ứng cứu nhằm giảm tới mức thấp nhất có thể được sự ảnh hưởng tới hoạt động kết nối Internet quốc tế của Việt Nam. Các nhà mạng đã bổ sung kênh cáp đất, chia sẻ dung lượng cho nhau và triển khai nhiều giải pháp san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối và các dịch vụ. Đại diện VNPT cho biết nhà mạng còn làm việc với các đối tác cung cấp dịch vụ/ứng dụng quốc tế để tối ưu chất lượng streaming, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ và dịch vụ.

Theo sự điều hành của Bộ TT-TT, từ ngày 11-2-2023, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel đã chia sẻ dung lượng 100Gbps để hỗ trợ cho VNPT ứng cứu mạng lưới. Từ 18-2-2023, VNPT đã bổ sung thêm 30% dung lượng băng thông quốc tế từ các tuyến cáp đất liền theo hướng qua Cambodia – Thái Lan đến Singapore và qua đại lục Trung Quốc đến Hong Kong.

Do nhiều nguyên nhân và đặc thù, các tuyến cáp quang biển rất thường gặp sự cố, thậm chí bị kéo đứt, nhưng việc sửa chữa lại khó khăn và lâu do bị phụ thuộc vào nhà cung cấp quốc tế.

Theo báo Nhân Dân, sáng 7-2-2023, đại diện các nhà mạng trong nước cho biết hệ thống NOC (Ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế) đã thông báo kế hoạch sửa chữa 3 cáp quang biển APG, AAG và IA vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4. Cụ thể, với tuyến APG, lỗi trên nhánh S6 dự kiến sẽ được sửa chữa từ ngày 22 đến 27-3. Còn lỗi trên nhánh S9 từ ngày 5 đến 9-4. Sự cố trên tuyến AAG dự kiến được sửa chữa từ ngày 30-3 đến 4-4.

VnEconomy cho biết: Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam đã tham gia các liên minh để đầu tư xây dựng thêm 2 tuyến cáp biển mới là SJC2 – Southeast Asia-Japan Cable 2 (VNPT khai thác) và ADC – Asia Direct Cable (Viettel khai thác). Theo tiến độ đã đề ra, dự kiến trong năm 2023, 2 tuyến cáp quang biển này sẽ được xây dựng xong, đưa vào vận hành, nâng tổng số tuyến cáp biển Internet quốc tế mà Việt Nam khai thác, sử dụng lên 7 tuyến. Bộ TT-TT đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có tổng cộng 10 tuyến cáp quang biển Internet quốc tế, trong đó có 3 tuyến do Việt Nam làm chủ.

Theo VNPT,  tập đoàn đã tham gia xây dựng 5 tuyến cáp biển, gồm 4 tuyến đang hoạt động, và tuyến SJC 2 kết nối Singapore, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Nhật Bản, sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023. Tuyến cáp quang biển mới này do VNPT cùng các tập đoàn viễn thông công nghệ lớn như CHT, CMI, DHT, Facebook, KDDI, Singtel, SKB, Telin và TICC đầu tư hiện đã đạt tỷ lệ xây dựng khoảng 60% với 8/10 điểm cập bờ. Điểm cập bờ Việt Nam của cáp SJC2 tại Quy Nhơn đã được VNPT phối hợp tốt với nhà thầu hoàn thành vào tháng 8-2019. Khi chính thức được đưa vào hoạt động, tuyến cáp SJC 2 bổ sung thêm 18T dung lượng Internet quốc tế cho người dùng tại Việt Nam, gấp nhiều lần nhu cầu hiện nay.

NGÔ LÊ

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới