CEO Tim Cook của nhà Táo Apple lần đầu thăm Việt Nam
Quả là một sự khác biệt đúng chất “nhà Táo” và đúng điệu ông Tim Cook. Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông Tim Cook, CEO của Apple, trong 2 ngày 15 và 16-4-2024, chỉ là một chuyến “thăm dân cho biết sự tình”, thăm thú thị trường, giao lưu với người dùng. Còn chuyện gặp nhà lãnh đạo sở tại chỉ mang tính chào xã giao (dự đoán theo trend thì có những hứa hẹn mở rộng đầu tư chi đó).
Hãng tin Anh Reuters ngày 15-4-2024 đưa tin chạy tít: “CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam để gặp gỡ người dùng, tăng cường mối quan hệ với nhà cung ứng” (Apple CEO Tim Cook arrives in Vietnam to meet users, boost supplier ties).
Trên tài khoản X (Twitter) của mình, ngày 15-4-2024, ông Tim Cook, CEO Apple, đã hào hứng chia sẻ hàng loạt hình ảnh của mình tại Hà Nội. Trong ảnh, ông Tim Cook uống cà phê cùng hai mẹ con ca sĩ Mỹ Linh. (Ảnh chụp từ tài khoản X của ông Tim Cook).
Ngoài các nhà cung ứng, ông Tim Cook chủ yếu muốn gặp các học sinh – những người chủ tương lai của đất nước đồng thời cũng là chủ tương lai của các sản phẩm Táo – và đặc biệt là tiếp xúc với các KOL – nhân vật của công chúng, những idol của cộng đồng mạng. Nói tóm lại là những người có sức ảnh hưởng sâu rộng đến giới trẻ – khách hàng đông nhất và hào hứng nhất của Apple.
Nhưng hãng tin Reuters của Anh cũng lưu ý: Việt Nam là một cứ điểm sản xuất then chốt cho nhà chế tạo iPhone này (Vietnam, a key manufacturing hub for the iPhone maker).
Apple nằm trong số các nhà sản xuất sản phẩm theo hình thức fabless, chỉ tập trung thiết kế sản phẩm rồi đưa đi gia công chứ không có nhà máy riêng. Từ nhiều năm nay, với sự đồng ý của Apple, nhiều nhà gia công và cung ứng đã xây dựng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Apple bắt đầu lắp ráp tai nghe AirPods tại Việt Nam vào tháng 3-2020. Sau đó, hàng loạt sản phẩm khác như AirPods Pro, iPad, MacBook và Apple Watch cũng được sản xuất tại Việt Nam. Gần đây, vào năm 2022-2023, khi Apple quyết định tái cơ cấu lại mạng lưới gia công theo hướng đa dạng hóa, không còn có thể tập trung tại Trung Quốc, nhiều iFan ở Việt Nam hy vọng nhà Táo sẽ chọn Việt Nam để chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone, nhưng cuối cùng thì Ấn Độ, thị trường lớn nhất thế giới với nhiều lợi thế và ưu đãi từ nhà nước, đã “trúng số”.
Trong danh sách các nhà cung ứng toàn cầu do Apple công bố, có khoảng 25 nhà cung ứng quốc tế của tập đoàn này đã có mặt tại Việt Nam, như Foxconn, Pegatron, Wistron Luxshare, Goertek… với 27 cơ sở sản xuất đặt tại 13 tỉnh. Theo lời ông Tim Cook nói trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội ngày 16-4-2024, từ năm 2019 đến nay, tổng số tiền mà Apple đã trả cho khoảng 150 nhà cung ứng và gia công ở Việt Nam lên đến 400.000 tỷ đồng. Tất nhiên, các doanh nghiệp ở Việt Nam này phải nộp các loại thuế cho Việt Nam.
Trên tài khoản X (Twitter) của mình, ngày 15-4-2024, ông Tim Cook, CEO Apple, đã hào hứng chia sẻ hàng loạt hình ảnh của mình tại Hà Nội. Trong ảnh, ông Tim Cook selfie cùng một iFan tại Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh chụp từ tài khoản X của ông Tim Cook).
Ngoài ra, cũng phải ghi nhận chính chuỗi cung ứng và gia công này cho Apple đã tạo công ăn việc làm cho hơn 200.000 lao động tại Việt Nam.
Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Apple ở Việt Nam và những lợi ích mà Apple đã mang trả lại cho Việt Nam.
Dù sao cũng phải thừa nhận là Apple là một thương hiệu “huyền thoại”, xưa nay chẳng cần đổ tiền cho truyền thông, quảng cáo ở Việt Nam mà vẫn được quảng bá viral rần rần và bán cháy hàng ào ào. Ào ào và rần rần. Apple làm theo phong cách nhà Táo!
P.H.P.