Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024
Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Tech MediaOnline

Bám theo vòng bánh xe đạp Đỗ Khắc Cương (bài 2)

Bám theo vòng bánh xe đạp Đỗ Khắc Cương (bài 2)
July 24
23:28 2018

DU LỊCH QUÁ GIANG

NGÀY THỨ HAI 17-7-2018:

Anh Đỗ Khắc Cương, một người bạn của tôi làm ở Microsoft Việt Nam, vừa làm một chuyến hành phương Bắc bằng xe đạp, khởi hành từ sân bay Phú Bài (Huế). Là một người mê giong ruổi, thích đạp xe, yêu sử Việt, có tài viết lách, anh đã có những ghi chép thú vị dọc hành trình của mình. Được phép của anh, tôi xin mời bạn cùng làm một chuyến “du lịch quá giang” với anh bạn làm công nghệ, mê thể thao này, khoái di dịch này.

Anh Đỗ Khắc Cương ở Đèo Ngang.

Các bạn 8x 9x chắc là ít nghe đến cái tên địa danh Bình Trị Thiên, vì nó chỉ tồn tại đến năm 1989. Bình Trị Thiên là một tỉnh cũ, gồm ba tỉnh hiện hữu Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế được gộp lại năm 1976 nhưng rồi sau đó tách ra lại làm ba tỉnh vào năm 1989. Bình Trị Thiên là dải đất kéo dài từ phía nam đèo Ngang đến phía bắc đèo Hải Vân, là nơi mà chiến tranh xảy ra khốc liệt nhất trong giai đoạn 1954-1975. Hiệp định Gevene 1954 quy định lấy sông Bến Hải vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời, nhưng sau đó sông Bến Hải thành luôn ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc trong suốt mấy chục năm.

Cầu Hiền Lương bác qua sông Bến Hải được sơn 2 màu, nửa màu xanh thiên thanh ở mạn Bắc và nửa màu vàng ở mạn Nam.

Các bạn đi qua Quảng Trị nhớ ghé thăm khu di tích sông Bến Hải này để biết thêm về mấy vụ “chọi cờ” và “chọi loa” của miền Bắc – Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và miền Nam – Việt Nam Cộng Hòa. “Chọi loa” là cuộc chiến âm thanh – hai bên thay hệ thống loa tăng công suất liên tục nhằm phát tuyên truyền xa hơn, mạnh hơn bên kia. Còn “chọi cờ” cũng tương tự, hai bên thi nhau xây dựng cột cờ cao hơn với lá cờ to hơn trong suốt quá trình dài chia cắt. Rất tiếc hiện nay di tích chỉ còn giữ lại cột cờ và hệ thống loa của bờ phía Bắc, mà không còn dấu tích gì của hệ thống bờ phía Nam.

Hôm qua tôi có nói việc đi qua di tích Hiền Lương sông Bến Hải mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc, vì một phần tôi vốn thích lịch sử, nhưng phần lớn hơn chính là bản thân gia đình tôi – cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác, là gia đình có người thân ở hai bên chiến tuyến – cũng bị chia cắt bởi làn ranh giới đó, mà đến sau năm 1975 cho dù đất nước có thống nhất thì vẫn không gặp lại được người thân vì các chú đã hi sinh ở chiến trường Nam Bắc.

Giờ chém gió chút – cuộc đời cá nhân tôi cũng có liên quan ít nhiều đến vĩ tuyến 17 đó, vì nếu ranh giới vĩ tuyến 17 vẫn y như hiện trạng năm 1954 (như Bàn Môn Điếm) thì giờ đây tôi không biết thằng Ku Ram con trai tôi đang ở nơi mô, và tôi làm sao làm quen và biết được bao nhiêu bạn yêu quý của mình ở phía bắc sông Bến Hải bây giờ.

Sáng nay dậy sớm, ăn sáng sớm và tranh thủ khởi hành sớm vì đang lo thời tiết mưa gió không thuận lợi để đạp nhanh. Nhưng hôm nay thời tiết lại thuận lợi, chỉ có buổi sáng trời có mưa nhỏ mưa to từng đoạn nhưng buổi chiều trời lại nắng ráo. Đất Quảng Bình có nhiều danh lam thắng cảnh như hệ thống hang động dài đẹp lớn nhất thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, nhưng tất cả đều nằm ở phía Tây, mà tôi lại muốn đi theo Quốc lộ 1A cho kịp thời gian nên không đạp xe đến danh thắng đó được. Tuy nhiên hôm nay tôi có trải nghiệm đạp xe thưởng ngoạn cung đường rất tuyệt vời. Đoạn Quốc lộ 1A mới (đường mới ven biển) từ Lệ Thủy đến Đồng Hới dài 35km với rất nhiều đồi cát trắng mịn do gió biển thổi tạo thành rất đẹp, nhiều đồi cát nhìn rất trinh nguyên không cỏ cây, không vết chân người. Cung đường cứ uốn lượn và lên dốc xuống dốc theo các đồi cát xung quanh. Vì đây là đường mới nên chẳng có hàng quán hay nhà dân hai bên đường suốt hàng mấy chục cây số, do vậy cảm giác đạp một mình có phần hơi buồn dù cảnh rất đẹp. Sáng nay đạp cung này lên dốc liên tục làm tôi nhớ đến “em gái mít” Gio Linh, giá như cũng có quán hàng của em nào đó ở cung này thì hay biết mấy, chắc tôi sẽ tấp vô uống nước ngay! Các anh đạp xe đến Quảng Bình nhớ khám phá cung này (đường mới), cảm giác sẽ rất khác so với đạp theo đường quốc lộ cũ.

Qua Đồng Hới tôi ghé tham quan di tích Quảng Bình Quan của hệ thống phòng thủ Lũy Thầy, do quân sư Đào Duy Từ của chúa Nguyễn xây trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh. Đào Duy Từ là tài năng kiệt xuất về quân sự và văn hóa người gốc Thanh Hóa, là người có ảnh hưởng lớn đến công cuộc Nam tiến của người Việt. Các bạn ghé Đồng Hới có thể ghé thăm Lũy Thầy thuận tiện, vì di tích này nằm ngay trung tâm thành phố.

Tôi kết thúc ngày thứ 2 đạp xe theo cách không thể tốt hơn. Số là đạp đến đèo Ngang lúc 5g chiều đúng lúc bóng xế tà thật (nhớ bài thơ Qua Đèo Ngang của nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan mở đầu bằng câu “Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà”).

“Đạp tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen lá đá chen hoa

Lang thang trên núi, bò vài chú

Lủ khủ bên sông, rất nhiều nhà”

(Xin lỗi Bà Huyện vì nhại thơ của bà.)

Vì muốn đạp leo đèo chứ không đi hầm nên tôi hơi lo sẽ mất nhiều thời gian và sẽ không tìm được khách sạn trước khi trời tối, vậy mà ngay sau khi xuống hết đèo Ngang tôi tình cờ thấy khách sạn Hoành Sơn quá đẹp kiểu biệt thự sát biển, cảnh nhìn ra biển, có thể nghe tiếng sóng vỗ từ phòng mà giá chỉ 300.000 đồng/đêm. Đúng là đang buồn ngủ mà gặp chiếu manh – quá tuyệt.

Hôm nay đạp 150km (hôm qua là 120km). Ngày mai dự báo thời tiết bão đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh, chắc sẽ không đi được nhiều.

ĐỖ KHẮC CƯƠNG

+ Ảnh: ĐỖ KHẮC CƯƠNG

Phía trước cột cờ ỏ bờ bắc Bến Hải là nhà làm việc của ban giám sát quốc tế.

Một dàn loa tuyên truyền bờ Bắc vẫn còn được giữ lại.

Loa khủng do Liên Xô viện trợ cho miền Bắc

Loa ở bờ Nam.

Ngay phía bờ Nam có tượng đài người mẹ bồng con gái nhìn về phía Bắc, tượng trưng cho việc vợ con chờ chồng tập kết ở miền Bắc giai đoạn 1954-1975. Tôi thì thấy trong cuộc chiến nào phụ nữ trẻ em là thiệt thòi nhất. Ngay sau 1975 nhiều chục ngàn sĩ quan VNCH cũng phải học tập cải taọ ở miền Bắc, và vợ con họ vẫn chờ họ ở miền Nam từng ngày.

Đặc sản Quảng Bình – cát trắng

Quốc lộ mới qua Quảng Bình, tầm 30km không nhà cửa quán xá ven đường.

Một phần của chiến lũy Đào Duy Từ

Bia di tích thành Đồng Hới

Một góc thành Đồng Hới

Sông Gianh – là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn phân tranh

Đến đèo Ngang lúc 5:00 giờ chiều.

Hầm Đèo Ngang.

Khách sạn Hoành Sơn ngay dưới chân đèo – Lưng tựa núi, mặt nhìn biển quá đẹp – nhưng lại rất rẻ.

 

Bánh lọc 2 cái gói trong 1 lá

Bánh bèo đổ mỏng hơn bánh bèo Huế

 

 

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới