Thứ Bảy ngày 20 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Số phận những con người trong cái bóng Nokia

Số phận những con người trong cái bóng Nokia
May 19
08:34 2016

 

Có quá nhiều người lao động trong mảng di động đã bị mất việc làm trong những hoạt động có dính tới cái tên Nokia.

Theo nội dung thông cáo báo chí của Tập đoàn Microsoft phát từ tổng hành dinh tại Redmond (bang Washington, Hoa Kỳ) chiều 18-5-2016 (theo giờ Việt Nam), thỏa thuận của Microsoft bán lại mảng sản xuất kinh doanh điện thoại chức năng (feature phone) cho hai hãng Đài Loan và Phần Lan với giá 350 triệu USD có liên quan tới số phận khoảng 4.500 người lao động, chủ yếu là công nhân sản xuất điện thoại. Thông cáo ghi rằng số người này “sẽ chuyển sang hay có cơ hội để gia nhập”  (will transfer to, or have the opportunity to join) hai hãng mua mảng điện thoại này là FIH Mobile Ltd. (Đài Loan) hay HMD Global, Oy (Phần Lan), phù hợp với luật pháp nước sở tại.

Có nguồn tin nói rằng đây chỉ là 50% trong tổng số nhân sự của Microsoft Mobile. Số còn lại kia sẽ được sáp nhập nhóm Microsoft Surface hiện đang sản xuất tablet lai laptop Surface và nghe đồn sắp sản xuất thêm Surface phone.

nokia-foxconn

Nokia trong mối lương duyên mới. (Nguồn: Internet. Thanks).

Nhân tiện cũng xin nói thêm rằng việc Microsoft bỏ ra một đống tiền để mua lại mảng điện thoại của Nokia (Nokia Devices and Services business) hồi tháng 4-2014 cho tới nay vẫn còn là một ẩn số. Chỉ thương là thương hiệu Nokia xuống giá như xe tuột thắng khi đổ dốc. Từng trị giá 300 tỷ USD vào thời đỉnh điểm hoàng kim, xuống còn 7,17 tỷ USD khi được Microsoft mua vào năm 2014 và bây giờ chỉ còn 350 triệu USD lúc bị Microsoft bán đi. Chưa tính lời lỗ trong 2 năm qua, chỉ nội với giá bán như vậy, về thực tế, Microsoft đã mất bộn tiền trong thương vụ mua Nokia. Chính thương vụ mua Nokia này đã khiến Microsoft phải thực hiện “thủ thuật tài chính” cắt bỏ (write down) khoản tiền lớn đó trong sổ sách kế toán của mình, coi như cho bốc hơi hợp pháp để làm đẹp hình ảnh kinh doanh. Còn nhớ trong email nội bộ gửi các nhân viên Microsoft ngày 8-7-2015, ông Satya Nadella, CEO của Microsoft, có viết: “Hôm nay, chúng tôi thông báo việc tái cơ cấu về cơ bản mảng kinh doanh điện thoại của mình. Kết quả là công ty sẽ có một khoản chi phí mất đi tương đương 7,6 tỷ USD có liên quan tới các tài sản dính tới vụ sáp nhập mảng thiết bị và dịch vụ Nokia, cộng thêm vào khoản chi phí tái cơ cấu khoảng 750 triệu USD tới 850 triệu USD.” Tội nghiệp cho ông Nadella phải gánh công việc của người đổ vỏ ốc. Người tiền nhiệm là CEO Steve Ballmer chính là người khởi xướng quyết liệt nhất việc thâu tóm Nokia. Thậm chí ông này còn muốn mua cả bộ phận làm bản đồ với ứng dụng dịch vụ HERE Maps rất nổi tiếng của Nokia. Ông này đã từ chức CEO Microsoft vào tháng 2-2014 sau 14 năm ngồi chiếc ghế nóng này và chỉ 2 tháng trước khi Microsoft hoàn tất thương vụ mua lại mảng điện thoại Nokia (được khởi sự vào năm 2013).

nokia-ceo-stephen-elop-microsoft-steve-balmer

Stephen Elop của Nokia (trái) và Steve Ballmer của Microsoft nồng nàn hạnh phúc trong ngày đầu hợp hôn. (Nguồn: Internet. Thanks).

Có thể nói là thương vụ Microsoft – Nokia đã làm hao binh tổn tướng dễ sợ. Đại công thần kiêm tướng tiên phong Stephen Elop cũng đã phải bỏ mạng sa tràng. Ông này từng được ví như Trọng Thủy do Triệu Đà cử vào làm nội gián trong tận hậu cung (làm tới chức…. phò mã, chồng của con gái vua) của Thục Phán An Dương Vương trong lịch sử Việt Nam. Elop từng là chủ tịch kinh doanh toàn cầu của hãng Adobe đã gia nhập Microsoft năm 2008 giữ cương vị đứng đầu Business Division, trực tiếp phụ trách các dòng sản phẩm Microsoft Office và Microsoft Dynamics. Tới tháng 9-2010, Elop bất ngờ nhảy qua làm CEO của hãng Nokia, trở thành người nước ngoài đầu tiên lãnh đạo hãng Phần Lan này. Và 6 tháng sau, vào tháng 2-2011, Elop chính thức công bố chiến lược mới với 2 mũi tiến công “thoát Symbian” và “nhập Windows Phone”. Ngay tháng 11-2011, Nokia đã cho xuất xưởng smartphone Nokia Lumia 800, chiếc Nokia Windows Phone đầu tiên và cũng được sản xuất theo phong cách “thiết kế đồng phục” (device design identically similar) có hình thức y chang (chỉ thêm có cái nút chụp ảnh) như chiếc Nokia N9, smartphone đầu tiên chạy hệ điều hành MeeGo xuất xưởng trước đó 2 tháng. Tới tháng 2-2014, Nokia còn tung ra chiếc Nokia X là smartphone Nokia đầu tiên chạy hệ điều hành Android. Cuối cùng, Elop đã trở về với gia đình Microsoft sau khi thắng lợi vẻ vang trong thương vụ bán mảng điện thoại Nokia cho Microsoft. Từ ngày 25-4-2014, bộ phận Nokia Devices and Services (Kinh doanh Thiết bị và Dịch vụ) của Nokia trở thành Devices Group, một division mới của Microsoft. Và cựu CEO Nokia là Elop đã được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch điều hành Microsoft Devices Group, phụ trách các thiết bị như smartphone Lumia, tablet Surface Pro 3 và máy chơi game Xbox One. Sau thời gian trăng mật nhiều “dập mật”, trong cuộc tái cơ cấu lại mảng kinh doanh di động không ngon ăn như kỳ vọng, Microsoft đã cắt đứt dây chuông với Elop. Ngày 17-6-2015, Elop bị cho nghỉ việc (laid off) với lời tâm tình trước lúc chia ly của CEO Nadella: “Stephen và tôi đã đồng ý rằng đây là đúng thời điểm cho ông ấy nghỉ hưu khỏi Microsoft. Tôi lấy làm tiếc về việc mất đi người lãnh đạo này và mong được nhìn thấy nơi đến kế tiếp của ông ấy.” Nơi đến mới đó của ông Elop là chức vụ lãnh đạo kỹ thuật của Khoa Kỹ thuật (Faculty of Engineering) thuộc Đại học McMaster (Canada). Và ngày 16-3-2016, Công ty Telstra, nhà mạng viễn thông lớn nhất của Úc, loan báo ông Elop sẽ về đội của mình với chức vụ Group Executive Technology, Innovation and Strategy mới thành lập.

Đau nhất là có quá nhiều người lao động trong mảng di động đã bị mất việc làm trong những hoạt động có dính tới cái tên Nokia. Theo thỏa thuận, sau khi hoàn tất thương vụ Microsoft-Nokia, 32.000 người trong số 88.000 nhân viên của Nokia sẽ trở thành nhân viên của Microsoft, trong đó có 4.700 người đang làm việc ở Phần Lan. Nhưng ngày vui chỉ tày gang, vào tháng 7-2014, vài tháng sau thương vụ mua lại mảng điện thoại của Nokia, Microsoft đã tiến hành tái cơ cấu lại hoạt động, cho nghỉ việc 18.000 người. Trong số này có tới 12.500 người là cựu nhân viên hãng Nokia mới chân ướt chân ráo về Microsoft. Có 13.000 người đã bị cho nghỉ việc ngay. Tới trung tuần tháng 9-2014 có thêm 2.100 người trong số 5.000 người còn lại tiếp tục ra đi. Vào tháng 7-2015, Microsoft công bố đợt cắt giảm nhân sự mới với danh sách 7.800 người, chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại.

nhamay-microsoft-mobile-vietnam

Nhà máy sản xuất điện thoại của Microsoft tại Bắc Ninh. (Nguồn: Internet,. Thanks).

Và bây giờ là thương vụ bán lại mảng điện thoại chức năng. Có lẽ chuyện nhân sự cho bộ phận này không còn do Microsoft quyết định nữa. Hai hãng kia sẽ phải chọn nhận người tùy theo nhu cầu thực tế của mình. Hy vọng là ở nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam, nhiều người sẽ được ông chủ mới FIH Mobile lưu dụng để có thể hoạt động được ngay. Nhưng chắc chắn, hai hãng mua lại sẽ không thể tiếp nhận hết toàn bộ 4.500 người của Microsoft Mobile, cho dù không ít trong đó từng là người của Nokia trước đây.

Trong chuyện làm ăn, tình trạng này là lẽ đương nhiên. Chẳng ai có thể trách được anh hay ả. Nhưng chắc chắn sẽ là một điều an ủi cho những người lao động kém may mắn nếu như nhà chức trách sở tại giám sát việc các doanh nghiệp bảo đảm đầy đủ các chính sách cho người lao động khi bị mất việc do chuyện làm ăn của các ông chủ bà chủ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC  – NGÔ LÊ (Media Online USA)

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới