Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tech MediaOnline

Những gì còn đọng lại sau “cái chết của con thiên nga” Note7?

Những gì còn đọng lại sau “cái chết của con thiên nga” Note7?
October 14
13:34 2016

 

Chắc chắn lịch sử công nghệ thế giới sẽ in đậm nét sự kiện smartphone Galaxy Note7 bị chính nhà sản xuất Samsung (Hàn Quốc) kết thúc quá sớm vòng đời. Và sự kiện như một trận đại địa chấn của làng công nghệ này sẽ tốn nhiều giấy mực cho các phân tích của không chỉ giới công nghệ mà còn nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống, đặc biệt là về kinh doanh và văn hóa tiêu dùng.

galaxy-note7-hands-on

Hồng nhan yểu mệnh

Có lẽ, Note7 chiếm kỷ lục thế giới về tuổi thọ quá ngắn của một sản phẩm công nghệ cao. Smartphone này được chính thức ra mắt thế giới tại New York (Mỹ) ngày 2-8-2016, tới ngày 19-8 bắt đầu có hàng ra thị trường, rồi ngày 2-9 bị thu đổi toàn cầu và cuối cùng ngày 11-10 bị chính thức ngừng sản xuất để thu hồi, vòng đời chỉ có 2 tháng 8 ngày.

Trong sản xuất, sự cố sản phẩm bị lỗi kỹ thuật là chuyện không hãng nào tránh khỏi. Có khác nhau ở mức độ và cách thức xử lý sự cố. Xui rủi cho Samsung là vận hạn lại rơi ngay vào sản phẩm di động đỉnh mà mình đặt quá nhiều kỳ vọng và được người tiêu dùng quá ưa chuộng, nhất là khi sản phẩm vẫn đang ở trong giai đoạn mở bán, còn quá nóng trên thị trường toàn cầu.

Khi ra mắt Note7, Samsung cho biết đây là chiếc smartphone xuất sắc nhất trước nay mà họ từng sản xuất được. Với slogan “the smartphone that thinks big” (smartphone dám nghĩ lớn), Note7 được Samsung nói rằng đại diện cho tinh thần tiên phong dẫn đầu xu hướng của hãng với các tính năng ưu việt, tạo nên chuẩn mực mới cho các thiết bị smartphone màn hình lớn. Giới công nghệ cũng đánh giá cao Note7. Rất nhiều người dùng, cho dù chỉ mới có thể xài Note7 trong thời gian rất ngắn, nhưng đều đồng tình đây là smartphone Samsung ưng ý nhất mà họ từng xài. Theo Samsung, Note7 là smartphone có lượng đặt hàng trước đạt mức kỷ lục, vượt cả dự liệu của chính nhà xuất, khiến họ lâm vào tình trạng cung không đủ cầu, phải áp dụng giải pháp bán hàng theo từng đợt lần lượt ở từng nhóm thị trường. Báo Hàn Quốc The Korea Helrald (9-8-2016) cho biết: theo các số liệu ngành công nghiệp công bố ngày 9-8, số lượng đặt trước cho Note7 trong 2 ngày đầu mở bán ở Hàn Quốc đã đạt hơn 200.000 chiếc, gấp đôi so với của Galaxy S7 khi ra mắt hồi tháng 2-2016. Đây cũng là số lượng đặt hàng trước cao nhất trong lịch sử dòng smartphone Galaxy. Riêng tại Việt Nam, theo Samsung Vina, số lượng đặt hàng trước Note7 trong 8 ngày đầu tiên sau khi ra mắt ở New York tăng hơn 300% so với lượng đặt hàng trước của Galaxy Note5 vốn từng tạo nên kỷ lục kinh doanh trước đây. Một số nhà phân phối trong nước đã phải tạm ngưng sớm thời gian đăng ký đợt đầu vì có số lượng đặt mua trước vượt mức, và một số chương trình dành cho người hâm mộ cũng phải hoãn lại do “cháy hàng”, nhà sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu.

“Dám nghĩ lớn”, Samsung đã đầu tư mạnh tay vào các chương trình quảng bá, giới thiệu Note7 trên toàn cầu. Ngay ở Việt Nam, hiếm có một sản phẩm nào mà các nhà phân phối lớn tổ chức riêng những sự kiện tốn kém nhiều tỷ đồng để ra mắt như với Note7. Tất nhiên, Samsung Việt Nam đã phải bỏ ra không ít tiền để tài trợ cho những sự kiện “đua nhau về độc, lạ và hoành tráng” như vậy.

Và chính vì đã đẩy Note7 lên chót vót tòa tháp Bitexco Tower, cú sẩy chân đột tử của sản phẩm này càng thêm đau và nặng nề với những ảnh hưởng sâu rộng hơn.

samsung-galaxy-note-7-box

Nguyên nhân vẫn là những dấu hỏi

Xét về công nghệ, Note7 có vẻ đẹp thiết kế của S7 edge kết hợp với công năng của Note5 (ra đời năm 2015) với hàng loạt bổ sung và cải tiến ấn tượng. Samsung nói rằng họ đã đầu tư rất nhiều cho cả khâu thiết kế lẫn nghiên cứu và phát triển (R&D) để cho ra một chiếc Note7 xứng tầm mở ra những chuẩn mực mới cho dòng smartphone.

Thật ra, bây giờ, vượt thoát ra được những trận lốc xoáy quảng bá ban đầu quá hớp mà Samsung đã tạo ra được, bình tâm lại, người ta có thể nhận ra “cái chết của con thiên nga” này là một “cái chết đã được báo trước”.

Vào ngày 21-8, tức chỉ 2 ngày sau khi Note7 được bán ra, trên Internet đã xuất hiện thông tin từ một thuê bao mạng Vodafone ở Úc cho biết chiếc Note7 của anh vừa mua về đã tự reset khoảng 7-8 lần sau khi chuyển dữ liệu từ thiết bị cũ sang Note7 bằng tính năng Smart Switch. Tiếp sau đó là hàng chục báo cáo sự cố khác. Một số người báo cáo bị mất dữ liệu do sử dụng tính năng Smart Switch. Ngoài ra, cũng có một số báo cáo về những sự cố như kẹt bút S Pen, rạn kính bảo vệ màn hình,… Một số người dùng Note7 đầu tiên ở Việt Nam cũng đã báo cáo những lỗi phần mềm tương tự. Theo báo SGGP (3-9-2016), chỉ mới lấy số liệu của 2 nhà phân phối là Viễn Thông A và FPT Shop đã ghi nhận được hơn 400 trường hợp Note7 bị lỗi phần mềm (với các tình trạng như tự khởi động nhiều lần, treo máy, sạc không vào, tự động tắt nguồn,…).

Trang chuyên về di động GMSArena cho biết Samsung đã cung cấp bản cập nhật phần mềm đầu tiên cho Note7 vào ngày 19-8, đúng ngày sản phẩm này được bán ra trên thế giới. Theo trang web của nhà mạng di động Mỹ Verizon Wireless, bản cập nhật phần mềm mới cho Note7 (phiên bản MMB29M.N930VVRS1APH1) “được thử nghiệm để tối ưu hóa hoạt động của thiết bị, giải quyết các vấn đề đã biết và ứng dụng những bản vá an ninh mới nhất”. Không rõ các máy bị lỗi phần mềm có phải do chưa cập nhật phần mềm mới nhất này?

Chưa xử lý dứt điểm chuyện phần mềm, Samsung đã phải đương đầu ngay với những lỗi chết người về phần cứng. Cho tới ngày 1-9-2016, thời gian Tập đoàn Samsung quyết định tạm dừng bán Note7 trên toàn cầu, Samsung cho biết mình có được thông tin về 35 trường hợp Note7 xảy ra sự cố cháy nổ pin (17 vụ ở Hàn Quốc, 17 vụ ở Mỹ và 1 vụ ở Đài Loan). Công bằng mà nói, số lượng 35 máy bị lỗi trong tổng số 2,5 triệu máy đã được bán ra ở hơn 10 thị trường trong đợt 1 (từ ngày 19-8-2016) là một xác suất quá nhỏ (24 phần triệu). Nhưng ngặt nỗi, đây lại là nguy cơ cháy nổ pin. Vì thế, để bảo vệ thương hiệu của mình – nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới và vì sự an toàn của người dùng, Tập đoàn Samsung ngày 2-9 đã quyết định thu hồi tất cả các Note7 đã bán ra trên toàn cầu trong đợt 1 để đổi lấy máy mới được sản xuất sau sự cố này.

Ngày 21-9, Samsung bắt đầu đổi cho khách hàng ở Mỹ những chiếc Note7 mới mà họ xác định là an toàn và được nhà chức trách về an toàn sản phẩm của Mỹ phê chuẩn. Nhưng họa vô đơn chí, ngay sau đó, một số chiếc Note7 mới đổi đó đã bị xì khói và bốc cháy. Báo The Wall Street Journal (10-10-2016) cho biết trong tuần qua có ít nhất là 4 chiếc Note7 bị bốc khói hay bốc cháy ở Mỹ. Nghiêm trọng nhất là vụ hành khách trên một chuyến bay nội địa Mỹ của hãng Southwest Airlines đã phải sơ tán ngay trước khi cất cánh vì chiếc Note7 mới của một hành khách bị bốc khói.

Hậu quả là Tập đoàn Samsung đã phải chấp nhận chọn một giải pháp đau đớn nhưng được coi là tốt cho tất cả là ngừng sản xuất và bán Note7 trên toàn cầu từ ngày 11-10-2016. Quyết định chấm dứt Note7 này được nhiều nhà chuyên môn đánh giá là đúng đắn và kịp thời.

Trong sự cố của đợt 1, Samsung cho biết kết quả điều tra cho thấy những viên pin lithium-ion do hãng Samsung SDI sản xuất cho Note7 bị lỗi kỹ thuật. Đây là một công ty con của Samsung cung cấp tới 70% số lượng pin cho Note7. Cụ thể là phần điện cực quá mỏng khiến hai cực “anode và cathode” (cực dương và cực âm) dễ bị chạm nhau khi bị chèn ép (có tin nói rằng kích thước của viên pin cũng bị nhỉnh hơn khoang chứa pin của Note7).

Thế nhưng, vì sao được tuyên bố là đã xử lý xong chuyện pin bị lỗi mà Note7 mới vẫn tiếp tục bị cháy nổ?

Vậy thì phải chăng Note7 đã có lỗi ngay từ khâu thiết kế toàn bộ thiết bị chứ không phải chỉ do lỗi của viên pin? Với lỗi từ gốc như vậy, pin nào gắn vào cũng đều có thể cháy nổ, trong đó, pin không đạt chuẩn sẽ càng dễ lâm nạn hơn. Rồi như vậy, suy diễn ra, liệu dần dần sẽ phát sinh ra những lỗi nào nữa?

Cũng không thể tránh được chuyện người ta nghĩ rằng để xảy ra lỗi tày đình này còn là do Samsung chịu áp lực phải sớm tung ra sản phẩm có thể cạnh tranh trực diện với chiếc iPhone 7 mà hãng Apple chính thức ra mắt sau Note7 chỉ hơn 1 tháng (ngày 7-9-2016).

Đương nhiên, Samsung nợ người tiêu dùng nói chung và các khách hàng trung thành của mình nói riêng lời giải thích tường tận về nguyên nhân Note7 “đột tử”. Samsung cho biết họ đang tiếp tục điều tra về nguyên nhân cái chết của Note7. Nhưng có rất nhiều khả năng Samsung sẽ giữ “bí mật” đó lại chứ không ngây thơ gì mà “vạch áo” cho đối thủ “xem lưng”. Có lẽ hầu như người tiêu dùng cũng chỉ muốn Samsung tìm ra nguyên nhân thật sự để tránh tái diễn cho những sản phẩm mới. Dù sao, Samsung cũng đã buông bỏ Note7 và đã có chính sách bồi hoàn tài chính cho các khách hàng đã mua Note7. Còn những thiệt hại phát sinh (như mua thêm phụ kiện) thì người tiêu dùng đành phải chịu do “xui rủi tiêu dùng”.

Tuy nhiên sẽ không phải là một cách xử lý bản lĩnh và đẳng cấp nếu như Samsung lẳng lặng xếp lại Note7, giải quyết xong các quyền lợi của khách hàng rồi coi như xong chương Note7, có gì thì nội bộ tự xử với nhau. Người tiêu dùng nói chung và các SamFan nói riêng vẫn cần Samsung sớm có một lời giải thích thấu đáo và thuyết phục về sự cố Note7. Âu đó cũng là một lẽ sòng phẳng trong kinh doanh và biết tôn trọng khách hàng của mình.

samsung-galaxy-note-7-2

Samsung thiệt hại nặng, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng

Thiết bị di động lâu nay là một trong những nguồn thu chính của Samsung Điện tử. Tình hình càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh ngành hàng này đang gặp nhiều khó khăn trên thị trường. Vì thế, cái chết tức tưởi của một sản phẩm được gọi là “đầu tàu” (flagship) và cao cấp như Note7 đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho Samsung cả về tài chính lẫn uy tín, giá trị thương hiệu.

Theo những nguồn tin nước ngoài, Samsung bị tổn thất khoảng 1 tỷ USD cho chương trình thu hồi Note7. Hãng tin MSN cho biết giá cổ phiếu của Samsung đã giảm 8% trong ngày 11-10-2016, mức giảm một ngày lớn nhất trong gần 10 năm qua. Các nhà phân tích ước tính sự cố Note7 có thể khiến Samsung bị tổn thất tới 17 tỷ USD hay thậm chí 22 tỷ USD. Tất nhiên giá cổ phiếu và giá trị thương hiệu có thể sụt giảm rồi sau đó tăng lại, nhưng nặng nề nhất vẫn là khoản lõm không hề nhỏ mà Samsung bị thất thu trong kế hoạch kinh doanh của mình. Đây là thiẹt hại kép, vừa không thu được lợi nhuận, vừa bị lỗ vì chi phí sản xuất và khắc phục sự cố.

Giới chuyên gia thị trường và công nghệ quốc tế nhận định rằng bất luận thế nào, sự cố Note7 là một cú trực diện vào Samsung mà ông lớn công nghệ Hàn Quốc này chỉ có thể xử trí ca sau chấn thương. Các nỗ lực xử trí đầy dũng cảm và khôn ngoan của Samsung sẽ giúp giảm bớt phần nào thiệt hại về hình ảnh và uy tín. Chắc chắn sẽ có một lượng khách hàng của Samsung, đặc biệt không phải là khách hàng chí cốt, ôm tiền sang nhãn khác. Không có Note7, Samsung bị hổng chân trong mùa mua sắm cuối năm nay, thời điểm mua sắm lớn nhất trong cả năm. S7 edge và Note7 là hai dòng sản phẩm dành cho những đối tượng khách hàng khác nhau, mà Note7 được coi là đối thủ trực tiếp của iPhone 7 Plus, còn S7 edge đương đầu vời iPhone 7. Ngoài ra, mùa mua sắm này còn thêm chộn rộn với chiếc smartphone Sony Xperia XZ mới ra mắt và thêm cả chiếc Pixel và Pixel XL của Google còn mới lạ hơn.  

Khác với Apple, cho dù iPhone có “thất thủ” thì cũng không ảnh hưởng gì đáng nói tới kinh tế và xã hội của Việt Nam. Do Apple chỉ coi Việt Nam là một thị trường tiêu thụ đơn thuần, họ cũng chẳng có văn phòng đại diện hay tốn tiền quảng cáo gì. Còn Samsung lại đặt nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới của mình ở Việt Nam. Samsung cho biết Note7 được sản xuất tại các nhà máy ở 3 nước Hàn Quốc, Việt Nam và Trung Quốc. Cả hai nhà máy Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đều tham gia chuỗi sản xuất Note7 toàn cầu. Có nguồn nói rằng có tới 30% Note7 trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, sự cố Note7 có ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Từ mấy năm nay, hoạt động sản xuất của các nhà máy Samsung đã giúp tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính Vietnam Finance của Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam (VAFIE), doanh số xuất khẩu điện thoại của Samsung chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 22,5 tỷ USD sản phẩm điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử. Điện thoại các loại và linh kiện đang là nhóm hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 19,9% cơ cấu hàng xuất khẩu). Như vậy, Note7 bị ngừng sản xuất cũng khiến cho Việt Nam bị thất thu một khoản không nhỏ lẽ ra được hưởng từ sản phẩm này trong tài khóa 2016-2017.

Vậy liệu sự cố Note7 có gây ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 110.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại các nhà máy của Samsung ở Việt Nam? Chắc chắn là công việc bị giảm sút rồi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Thông, Giám đốc Truyền thông Công ty Samsung Vina, trao đổi với chúng tôi chiều 13-10-2016: Các nhà máy Samsung ở Việt Nam khẳng định là họ không để sự cố Note7 gây ảnh hưởng đáng kể cho các công nhân. Bởi lẽ, sản lượng Note7 chỉ chiếm một phần nhỏ trong các chủng loại sản phẩm được sản xuất tại các nhà máy này. Tất nhiên cũng cần phải tính tới thực tế là sẽ có những khách hàng Note7 chuyển sang những sản phẩm khác có giá trị tương đương của Samsung, như bộ đôi Galaxy S7 và S7 edge, giúp tăng sản lượng của những sản phẩm này. Áp lực chắc chắn sẽ dồn lên chiếc Galaxy S8 theo kế hoạch sẽ ra mắt trong những tháng đầu năm 2017.

samsung-galaxy-note-7_resize

Xử lý khủng hoảng và giữ lại niềm tin của khách hàng

Ông Nguyễn Trí Thông chia sẻ: Tập đoàn Samsung giờ đây muốn xếp lại Note7, không đào sâu thêm gì nữa về nó, để có thể tập trung cho những sản phẩm tiếp theo.

Nhiệm vụ nặng nề nhất hiện nay của cả Tập đoàn Samsung nói chung lẫn Samsung Vina nói riêng là giải quyết thật tốt đẹp những hậu quả do sự cố Note7 gây ra cho người tiêu dùng. Samsung tuyên bố đặt sự an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng lên cao nhất.

Để bày tỏ lòng tri ân đối với tình cảm và lòng tin của người dùng đối với Samsung, đồng thời gọi là bù đắp phần nào những thiệt hại về tinh thần mà họ phải chịu, Samsung Vina đã quyết định ngoài chính sách thu hồi và hoàn lại 100% tiền mua Note7 áp dụng chung cho toàn cầu, công ty còn tặng thêm cho chủ nhân mỗi chiếc Note7 thu hồi phiếu mua hàng trị giá 1,5 triệu đồng. Khách hàng cũng được giữ lại các món quà khuyến mãi đã nhận khi mua Note7.

Trước thông tin có những khách hàng quyết định vẫn tiếp tục giữ lại những chiếc Note7 đang sử dụng tốt, ông Thông nói rằng Samsung Vina mong được các khách hàng giúp Samsung “đóng lại Note7”, hãy tham gia chương trình thu hồi, trước hết là vì an toàn cho chủ máy và người chung quanh, sau đó là vì tình cảm đối với Samsung.

Công bằng mà nói xác suất sản phẩm bị lỗi cho tới nay ở Note7 vẫn còn rất nhỏ. Nhưng kẹt cái, đó lại là một lỗi tiềm ẩn và có thể gây nguy hiểm chết người. Tới bây giờ, Samsung đã không còn có thể bảo đảm đâu là chiếc Note7 hoàn toàn an toàn.

Thực tế, việc chủ nhân Note7 không tham gia các chương trình thu hồi của Samsung sẽ gây khó, gây nguy hiểm cho chính mình và cho Samsung.

Bởi sau hạn cuối của chương trình thu hồi, các Note7 không còn được hưởng chế độ bảo hành của Samsung nữa. Xét theo luật, Samsung cũng không còn phải chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý nào khi những chiếc Note7 tới đó mới có chuyện. Những thiệt hại do sự cố Note7 gây ra cũng không còn được các hãng bảo hiểm chấp nhận bồi thường. Cũng có thể chủ nhân Note7 sẽ bị khép vào tình tiết tăng nặng khi thiết bị của mình gây ra thiệt hại, bởi cố tình tàng trữ vật nguy hiểm đã bị nhà sản xuất thu hồi.

Nỗi đau của Samsung sẽ phải kéo dài, không thể khép lại để bắt đầu cho chương đời mới. Bởi lẽ khi vẫn còn Note7 có mặt trên cuộc đời này, các quy định về Note7 vẫn còn bị duy trì và có thể gây ảnh hưởng lây lan tới những sản phẩm khác của Samsung. Cụ thể như quy định không được mở nguồn Note7 trên máy bay, thậm chí hành khách có thể bị cấm mang Note7 lên máy bay.

Dư luận đánh giá cao cách Samsung xử lý sự cố Note7, thể hiện rõ trách nhiệm và sự quan tâm tới khách hàng.

Có thể nói là Samsung đã quá thành công khi tạo ra chiếc Note7. Chưa từng thấy có một sản phẩm nào bị lỗi mà khiến người tiêu dùng tiếc thương như Note7. Cho dù Note7 bị lỗi kỹ thuật, người ta vẫn không hề chê bai Note7 mà càng thêm cảm thương cho một “hồng nhan bạc mệnh” và “nhân tài mệnh yểu”. Và với những gì Samsung đã làm lâu nay cho người tiêu dùng nói riêng và cho cộng đồng xã hội nói chung, những người hiểu biết đã không hề ném đá, nhận nước, giậu đổ bìm leo Samsung mà chỉ thấy xót xa cho vận hạn quá đen này của những ông bạn xứ sâm Cao Ly. Người ta hiểu Samsung không phải cẩu thả hay xem thường người tiêu dùng (mà chẳng có nhà sản xuất chân chính và muốn sống lâu, sống khỏe nào lại ngu dại làm như vậy). Và hy vọng rằng, Samsung sẽ luôn biết trân quý và hành xử xứng đáng với tình cảm này của khách hàng. Bởi mất tiền thì còn có cơ hội kiếm lại, còn để mất lòng tin yêu của khách hàng đồng nghĩa với “thất thủ toàn tập”.

Thôi thì đành mượn lời trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Để rồi như nàng Kiều của Tiên Điền Tiên sinh từng nỉ non:

Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin còn một chút này làm ghi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

TOPS IN THE WORLD

THAM KHẢO REVIEW

Cập nhật Đại Dịch COVID-19 Thế giới