Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Tech MediaOnline

Samsung thừa nhận nguyên nhân pin làm Note7 cháy nổ

Samsung thừa nhận nguyên nhân pin làm Note7 cháy nổ
January 23
19:41 2017

 

Như đã râm ran trên truyền thông từ những ngày trước, ngày 23-1-2017, Công ty Samsung Điện tử (Hàn Quốc) đã tổ chức họp báo tại thủ đô Seoul chính thức công bố nguyên nhân khiến cho chiếc smartphone mà họ kỳ vọng nhất là Galaxy Note7 đã gây ra những vụ cháy nổ bất thường. Và Samsung chỉ đích danh chính viên pin lithium-ion của Note7 đã bị lỗi cả về thiết kế lẫn sản xuất khiến nó bị cháy nổ.

Samsung cho biết, trong cuộc điều tra này, họ đã phân công hơn 700 kỹ sư thuộc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển R&D để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến Note7 lâm sự cố, cùng với việc cho thử nghiệm hơn 200.000 chiếc Note7 và hơn 30.000 viên pin Note7 riêng rẽ.

Test độ bền chắc của pine Note7 tại nhà máy Gumi (Hàn Quốc).

Ngay từ đầu xử lý sự cố này, Samsung đã bắt tay ngay vào một cuộc điều tra riêng để tìm hiểu xem vì sao một số Note7 đã bị cháy nổ. Họ cũng đã thuê hãng tư vấn an toàn UL và hãng tư vấn kỹ thuật và khoa học Exponent để tiến hành các cuộc thử nghiệm độc lập riêng của mỗi hãng. Một hãng độc lập khác là TUV Rheinland của Đức cũng được thuê để khảo sát khâu hậu cần và các nhà máy của Samsung.

Samsung cho biết các nhà điều tra đã phát hiện được những lỗi thiết kế và sản xuất riêng rẽ ở những viên pin Note7. Mặc dù cho biết có 2 nhà cung cấp đã sản xuất những viên pin Note7 bị lỗi này, nhưng Samsung không công bố tên của hai đơn vị đó. Trong khi đó, báo Mỹ Wall Street Journal nói rằng hai nhà cung cấp pin Note7 bị lỗi là Samsung SDI (một công ty con của Samsung cung cấp 70% lượng pin cho Note7) và ATL (một công ty Trung Quốc cung cấp 30% lượng pin Note7).

Hơn 200.000 chiếc Note7 được test tại nhà máy Gumi.

Ngày 1-9-2016, chỉ gần nửa tháng sau khi Note7 bắt đầu chính thức mở bán trên thị trường, hãng Samsung đã phải quyết định tạm dừng bán tiếp sản phẩm này và sau đó tiến hành thu hồi toàn bộ số Note7 đã bán ra tại 10 thị trường trong đợt 1 để tiến hành đổi lại phiên bản mới sản xuất sau khi khắc phục lỗi. Tổng cộng có 2,5 triệu chiếc Note7 đã được bán ra. Cuối cùng vẫn không thể khắc phục triệt để lỗi kỹ thuật để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dùng, Samsung ngày 11-10 đã tuyên bố chính thức ngừng sản xuất Note7 để thu hồi. Note7 chiếm kỷ lục thế giới về tuổi thọ quá ngắn của một sản phẩm công nghệ cao, vòng đời chỉ có 2 tháng 8 ngày. Nó còn là một sản phẩm bị thu hồi (reall) tới 2 lần trước khi bị chính thức ngưng sản xuất.

Cuộc khủng hoảng Note7 đã làm tổn hại nặng cho thương hiệu Samsung và làm công ty bị tổn thất ít nhất là 5,3 tỷ USD.

Một kỹ sư Samsung đang nghiên cứu các viên pin Note7 được tháo ra khỏi máy được thu hồi.

Tuy nhiên, cách xử lý vấn đề nhanh chóng, chịu trách nhiệm, đặt quyền lợi và sự an toàn của khách hàng lên ưu tiên số một của Samsung đã giúp Samsung nhanh chóng thoát ra được cuộc khủng hoảng – ít nhất là về truyền thông và cộng đồng người tiêu dùng, giảm thiểu được mức độ thiệt hại về mặt này. Samsung đã thành công trong việc thu hồi lại số Note7 đã xuất xưởng và đưa ra thị trường. Theo Samsung, hãng đã thu hồi được 97% số Note7 đã xuất xưởng. Hơn một nửa trong số 3% còn lại kia cũng không còn hoạt động nữa (không được kết nối mạng di động). Báo Mỹ USA Today (23-1-2017) cho biết tỷ lệ này vượt quá xa tỷ lệ chung về thu hồi sản phẩm.  

Các viên pin Note7 được kiểm tra bằng máy chiếu tia X.

Samsung tuyên bố họ sẽ không để tái lặp sự cố này trong các sản phẩm tới đây, trước hết là với chiếc smartphone flagship Galaxy S8 dự kiến sẽ ra mắt trong mùa xuân 2017 này. Tim Baxter, Chú tịch và COO của Samsung Điện tử Mỹ, đã nói với báo USA Today: “Đó là nhiều tháng gay go đối với chúng tôi. Rõ ràng là nó ảnh hưởng tới những người tiêu dùng, ảnh hưởng của nó đối với các đối tác phân phối và các nhân viên của chúng tôi là không hề nhỏ…. Chúng tôi đã học được khá nhiều điều về việc quản lý cuộc khủng hoảng trong mấy tháng qua.”

Cũng nói với báo Mỹ USA Today, ông DJ Koh, người đứng đầu mảng di động của Samsung Điện tử, cho biết: “Chúng tôi đang làm việc ngày đêm để khôi phục lại hoạt động kinh doanh của mình, để chuyển sản phẩm tốt nhất và chinh phục trở lại lòng tin cậy của người tiêu dùng.”

Việc Samsung chính thức có kết luận về nguyên nhân gây ra sự cố của Note7 là cần thiết và chuẩn bị cho việc hãng này tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới. Bởi nếu nhà sản xuất vẫn chưa biết được nguyên nhân của Note7, người tiêu dùng sẽ không tự tin và an tâm để sử dụng các sản phẩm mới. Dù sao, đây cũng là một bài học quá đắt giá cho Samsung – nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Bao nhiêu công sức và tiền bạc đầu tư cho một Note7 “đỉnh của đỉnh” cũng đành trôi sông đổ biển chỉ vì một thằng cha căng chú kiết là cái cục pin.

LÊ NGÔ

+ Ảnh: Samsung Electronics và USA Today.

Phân tích các viên pin của hai lần thu hồi Note7, các nhà điều tra phát hiện phần ngăn cách giữa 2 điện cực của viên pin bị hư hỏng.

Ở viên pin A bị lỗi, các điện cực âm đã bị biến dạng khác thường (bạn có thể so sánh với các điện cực bình thường). Đây là lỗi thiết kế viên pin khiến các điện cực không có đủ không gian nên bị cong.

Viên pin B bị lỗi về sản xuất. Một sự bất thường trong quá trình hàn đã khiến các thành phần điện cực bị biến dạng dẫn tới chạm nhau.