Thứ Năm ngày 12 tháng 9 năm 2024

Tech MediaOnline

Cloud8 năm 2017 với nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái điện toán đám mây chuẩn bị cho Công nghiệp 4.0

Cloud8 năm 2017 với nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái điện toán đám mây chuẩn bị cho Công nghiệp 4.0
May 06
19:30 2017

 

Điện toán đám mây (Cloud computing) được xem là phương thức hiện đại giúp doanh nghiệp tiếp cận với nhiều công cụ hữu ích, tiết kiệm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, thực trạng của việc e dè, ngại tiếp cận với công nghệ này là một thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp Việt.

Nhận định này đã được đưa ra tại buổi lễ công bố Ngày hội công nghệ Cloud8 – 2017 với chủ đề “Siêu năng lực tính toán trong Công nghiệp 4.0” do Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp cùng Công ty VinaCIS tổ chức tại TP.HCM ngày 5-5-2017.

Ngày hội Cloud8 lần thứ 7 này được tổ chức nhằm xây dựng cộng đồng hệ sinh thái ứng dụng công nghệ điện toán đám mây tại Việt Nam. Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 26-5-2017 tại TP.HCM với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện toán đám mây, bao gồm các đơn vị phần cứng, phần mềm, hạ tầng dữ liệu, ứng dụng mobile và quỹ đầu tư.

Ông Vũ Anh Tuấn.

Tại lễ công bố sự kiện, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký HCA, nói rằng: “Tập trung dữ liệu “trên mây” là phương thức tiết giảm đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ hiện đại. Nhưng mối lo lớn nhất của doanh nghiệp tại Việt Nam đối với điện toán đám mây khi sử dụng dịch vụ là nếu xảy ra sự cố bị tấn công hoặc đột nhập, toàn bộ dữ liệu sẽ bị chiếm dụng.”

Ông Tuấn dẫn chứng: “Theo kết quả khảo sát nhanh về thực trạng và nhu cầu doanh nghiệp sử dụng, ứng dụng dịch vụ Cloud Computing do HCA thực hiện mới đây, 38% doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm về tính bảo mật, độ sẵn sàng của các trung tâm điện toán đám mây và hạ tầng mạng. Tuy nhiên, hơn 20% doanh nghiệp không biết đến và chưa từng sử dụng ứng dụng, hạ tầng cloud. Đây là thực trạng “không vui” cho doanh nghiệp Việt, vì ngoài các ứng dụng hữu ích, hạ tầng điện toán đám mây còn là nền tảng cho sự phát triển xã hội, tiến vào kỷ nguyên công nghiệp mới.”

Ông Giáp Hùng Cường.

Ông Giáp Hùng Cường, Tổng giám đốc VinaCIS, một nhà sáng lập và đồng tổ chức sự kiện Cloud8 thường niên, chia sẻ:Đây là lần thứ bảy, chương trình được tổ chức. Sự kiện năm nay tập trung vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các giải pháp về giao thông, an ninh công cộng, các ứng dụng tính toán dữ liệu lớn (big data) ứng dụng cho học sâu (deep learning) và máy học tự động qua phân tích dữ liệu (machine learning)… cho đến các lĩnh vực giải trí như kết xuất đồ họa (render), giải nén và mã hóa hình ảnh và âm thanh kỹ thuật số (encoding, transcoding). Ngày hội Cloud8 năm 2017 dự kiến thu hút được hơn 800 lượt khách tham dự, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp điện toán đám mây, 30 start-up và 10 quỹ đầu tư.”

Điện toán đám mây giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí dựa trên nguyên tắc tiết kiệm tài nguyên dư thừa, giúp hiện thực hóa các bài toán lớn với chi phí thấp. Ngày nay, sự phát triển của “tiêu chuẩn Cloud” đối với phần mềm ứng dụng để có thể tận dụng được năng lực hạ tầng lớn một cách hiệu quả trở nên ngày càng phổ biến hơn. Khi đạt tiêu chí “giá thành thấp”, ứng dụng Cloud sẽ tiếp cận được một số lượng khách hàng cực lớn là các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, bên cạnh các tiêu chí hiện đại vốn chỉ dành cho các doanh nghiệp quy mô lớn.

Ngày hội Cloud8 năm nay hướng đến xây dựng một hệ sinh thái điện toán đám mây bền vững ở Việt Nam qua việc các doanh nghiệp kết nối với nhau trong cung ứng hạ tầng và dịch vụ, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, tăng năng suất lao động, hội nhập với thế giới. Xây dựng hệ sinh thái Điện toán đám mây giúp các doanh nghiệp tận dụng và chia sẻ các nguồn lực với nhau.

Để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các doanh nghiệp tham gia Cloud8 đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng với sức mạnh xử lý của hơn 4.000 nhân CPU và dung lượng lưu trữ 2 petabyte (1 petabyte-PB bằng 1.000 terabyte-TB). Các nguồn lực này hiện đang gia tăng rất nhanh, dự kiến có thể đạt hơn 10.000 core và 20 petabyte trong năm 2018. Cloud8 định hướng các dịch vụ hạ tầng server, lưu trữ S3, CDN và Disaster Recovery đến khách hàng B2B và các ứng dụng quản lý doanh nghiệp, tương tác và hội họp, thương mại điện tử, chăm sóc khách hàng đến khách hàng B2C. Bên cạnh đó cộng đồng Cloud8 đang triển khai hỗ trợ miễn phí các gói hạ tầng năng lực CPU tính toán, hạ tầng lưu trữ, hạ tầng CDN cho các start-up và các nhà khoa học.

Ông Hà Như Hải.

Ông Hà Như Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh miền Nam của CMC Telecom, đơn vị tài trợ Bạch kim, chia sẻ: “Công nghiệp 4.0 cần các ý tưởng, cần các start-up táo bạo với các ứng dụng phần mềm, phần cứng thiết thực phục vụ cuộc sống, phục vụ kinh doanh…Tuy nhiên công nghiệp 4.0 cần hơn cả là một môi trường cộng tác, không ai có thể làm hết tất cả mọi thứ: Chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần hành lang pháp lý, sở hữu trí tuệ và thị trường sòng phẳng, đặc biệt là CP. DN SME, start-up cần vốn từ các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư. Và DN SME, start-up cần các đối tác cung cấp, đồng hành, hỗ trợ… trong đó có CMC Telecom.”

Cloud8 là một trong những sự kiện lớn nhất về điện toán đám mây tại Việt Nam, là cầu nối gắn kết các đơn vị trong hệ sinh thái công nghệ cùng nhau hợp tác để tồn tại và phát triển. Đây không chỉ nơi để các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, gặp gỡ giao thương mà còn là nơi giới thiệu các ứng dụng mới, hữu ích đến với cộng đồng, là sân chơi bổ ích cho các doanh nghiệp trẻ có cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngày hội Cloud 8 – 2017 giới thiệu hạ tầng, dịch vụ; trải nghiệm ứng dụng và tìm kiếm start-up trong lĩnh vực điện toán đám mây

– Hơn 30 gian hàng triển lãm từ các doanh nghiệp lớn về viễn thông, hạ tầng, hosting, ứng dụng, thiết bị, như Cloudserver, Cloudrender, S3 Storage, Hosting/Domain, CDN, Backup, Cloudsafe (WAF), Hardware, File sharing, Office 365, Application: Izihelp, AntBuddy,… Khách tham quan sẽ được tiếp cận và trải nghiệm trực tiếp sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng và nhận ưu đãi đặc biệt từ các gian hàng.

– Ngày hội start-up: nơi gặp gỡ giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn và đông đảo các startup trên cả nước, talkshow khởi nghiệp, thi phản biện, trao giải cuộc thi cho các startup có ứng dụng mang ý nghĩa thực tiễn tốt nhất.

– Đấu giá từ thiện, cơ hội sở hữu những sản phẩm công nghệ giá chỉ từ 0đ. Toàn bộ số tiền đấu giá thành công trong Cloud8 lần thứ sáu (2016) đều được quyên góp vào việc trao tặng 12.000 quyển tập cho học sinh cấp 1, cấp 2 trên huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

– Olympus Night: “God of Cloud”, chương trình Networking giữa hàng trăm lãnh đạo, quản lý (CXO) của các công ty công nghệ, phần cứng, phần mềm và Cloud.

MEDIA ONLINE

+ Ảnh: PHẠM ANH PHÚ

Điện toán đám mây (Cloud Computing) là gì?

Thuật ngữ “Cloud Computing” ra đời giữa năm 2007 để khái quát lại các hướng đi của cơ sở hạ tầng thông tin vốn đã và đang diễn ra từ các năm trước đó. Quan niệm này có thể được diễn giải một cách đơn giản: các nguồn điện toán khổng lồ như phần mềm và các dịch vụ sẽ nằm tại các máy chủ ảo (đám mây) trên Internet thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng (trên mặt đất) để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi họ cần. Với các dịch vụ sẵn có trên Internet, doanh nghiệp không phải mua và duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy tính cũng như phần mềm. Họ chỉ cần tập trung sản xuất bởi đã có người khác lo cơ sở hạ tầng và công nghệ thay họ. Họ có thể truy cập đến bất kỳ tài nguyên nào tồn tại trong “đám mây (cloud)” tại bất kỳ thời điểm nào và từ bất kỳ đâu thông qua hệ thống Internet. Cụ thể là họ không cần phải tốn tiền đầu tư để sở hữu và sau đó là chịu gánh nặng chi phí vận hành cơ sở hạ tầng và công cụ, mà khi nào cần tới, họ có thể thuê lại từ nhà cung cấp dịch vụ Cloud. Có thể nói điện toán đám mây tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thông minh và tiết kiệm chi phí hơn.

Công nghiệp 4.0 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Về bản chất, hai cụm từ này tương tự nhau, nói về việc ứng dụng tự động hóa ở một tầm mức mới với những tiến bộ công nghệ đỉnh hiện nay bao gồm trí tuệ nhân tạo AI và Internet của vạn vật IoT. Trong Công nghệ 4.0 này hiện có những điểm nhấn như xe hơi tự lái, in 3D, nano,… Tuy nhiên, quy mô và ý nghĩa của hai thuật ngữ này có những khác nhau.

Công nghiệp 4.0 hay Công nghiệp phiên bản 4.0 (Industry 4.0) vốn xuất phát từ một dự án trong chiến lược phát triển công nghệ cao của Chính phủ Đức, khi họ muốn cổ vụ cho việc điện toán hóa ngành công nghiệp. Theo từ điển bách khoa Wikipedia, thuật ngữ “Industry 4.0” đã được làm cho sống lại vào năm 2011 tại Triển lãm công nghệ Hannover Fair. Vào tháng 10-2012, Nhóm Công tác về Công nghiệp 4.0 đã trình cho Chính phủ Liên bang Đức một bộ các khuyến cáo thực thi Industry 4.0. Và các thành viên của Nhóm này được công nhận là cha đẻ và đứng sau Công nghiệp 4.0.

Như vậy Công nghiệp 4.0 là nói về lĩnh vực sản xuất, chế tạo – nghĩa là nói về bản thân ngành công nghiệp với một thời kỳ phát triển mới và những chuẩn mực, cung cách vận hành mới.

Trong khi đó, thuật ngữ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (the Fourth Industrial Revolution) lại mang tầm vĩ mô, nói về sự chuyển đổi mang tính hệ thống và của cả hệ thống bao gồm ảnh hưởng của Công nghiệp 4.0 đối với xã hội dân sự, các cơ cấu chính quyền, sự nhận diện con người, bao trùm cả hệ thống kinh tế.

Nói một cách dễ hình dung hơn, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự ứng dụng Công nghiệp 4.0 vào trong cuộc sống và xã hội.

4 cuộc cách mạng công nghiệp. Lần thứ nhất (cuối thế kỷ 18): ứng dụng động cơ chạy bằng nước và hơi nước vào sản xuất và máy móc. Lần thứ hai (đầu thế kỷ 20): ứng dụng dây chuyền sản xuất để sản xuất hàng loạt. Lần thứ ba (đầu thập niên 1970): dùng điện tử và IT để tự động hóa cao hơn. Lần thứ tư (hiện nay): tự động hóa dựa trên các hệ thống trí tuệ nhân tạo, thực-ảo (Cyber-Physical Systems).

Nhân tiện, xin phép lưu ý rằng chỉ có Công nghiệp 4.0 và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chứ chớ hề có “Công nghệ 4.0” và “Cách mạng công nghệ lần thứ 4”. Công nghệ chỉ là một trong những lĩnh vực chịu sự chi phối trong Công nghiệp 4.0.

PHẠM HỒNG PHƯỚC