Phi vụ SpaceX CRS-12 mang siêu máy tính mới lên trạm quỹ đạo ISS
Sứ mạng tiếp tế thương mại (Commercial Resupply Service) CRS-12 của hãng SpaceX đã được phóng từ Mũi Cape Canaveral (bang Floria, Mỹ) sáng 14-8-2017 (theo giờ Mỹ). Khoang chuyên chở Dragon mới đã được tên lửa Falcon 9 đưa thành công lên vũ trụ. Trên Twitter sau đó, SpaceX loan báo tầng thứ nhất của tên lửa Falcon 9 đã đáp trở lại mặt đất an toàn ngay tại khu vực Land Zone 1. Với giải pháp tái sử dụng các thành phần như tên lửa đẩy, SpaceX hy vọng sẽ giảm được chi phí cho các chuyến du hành vũ trụ.
CRS-12 là sứ mạng tiếp tế thứ 12 do SpaceX thực hiện cung cấp hàng tiếp tế cho trạm quỹ đạo quốc tế International Space Station (ISS) hoạt động suốt từ tháng 11-1998 tới nay trên quỹ đạo Trái đất cách mặt đất 400km.
Trong số các hàng hóa tiếp tế có một chiếc siêu máy tính (supercomputer) mới được hy vọng sẽ dọn đường cho một phi vụ chở người tới sao Hỏa trong tương lai.
Siêu máy tính Spaceborne Computer này do hãng Hewlett Packard Enterprise phát triển. Điều đáng chú ý là thay vì một phần cứng đặc biệt siêu bền được thiết kế riêng, HPE đã dùng các thành phần thuộc loại thải ra khỏi kệ (off-the-shelf) vừa giảm chi phí, vừa nhằm thử nghiệm xem chúng có thể sống sót ra sao trong thời gian tới hơn 1 năm trong môi trường khắc nghiệt trên vũ trụ.
Trong một phi vụ tới sao Hỏa, khi khoảng cách giữa Trái đất và tàu vũ trụ càng xa, độ trễ của các thông tin gửi qua lại giữa hai bên càng lúc cũng chậm hơn, có thể lên tới 40 phút cho một thông tin đi và về. Vì thế sẽ thật là nguy hiểm nếu như tàu vũ trụ hoàn toàn phụ thuộc vào việc xử lý và lệnh điều khiển từ Trái đất.
Đó là lý do mà Cơ quan Hàng không – Không gian Mỹ NASA muốn trang bị cho các nhà du hành vũ trụ khả năng xử lý siêu mạnh để họ có thể tự mình ra quyết định ngay tức khắc khi gặp sự cố ngoài kế hoạch. Siêu máy tính Spaceborne Computer thuộc lớp máy tính HPE Apollo 40 class có tốc độ xử lý cực nhanh được đặt trong một vỏ kín tản nhiệt bằng chất lỏng. Nó chạy hệ điều hành mã nguồn mở Linux OS được tùy biến cho chuyến du hành vũ trụ.
Trong khoang chở hàng Dragon của CRS-12 còn có một vệ tinh cho Lục quân Mỹ tên là Kestrel Eye nằm trong kế hoạch sử dụng các vệ tinh nhỏ (microsatellite) phục vụ cho các cập nhật gần như với thời gian thực tại các khu vực đang diễn ra chiến tranh. Thay vì phải phụ thuộc vào cơ cấu vệ tinh hiện nay vốn mất thời gian, các chỉ huy chiến trường có thể nhận được sự hỗ trợ trực tiếp gần như ngay lập tức từ các vi vệ tinh như Kestrel Eye.
Theo kế hoạch, Dragon CRS-12 sẽ tới Trạm ISS vào ngày 15-8-2017.
Xin mời xem video:
ANH PHÚ
+ Ảnh từ SpaceX và Internet. Thanks.