Legatus
Thứ Tư ngày 16 tháng 4 năm 2025

Tech MediaOnline

Đâu chỉ đơn giản là làm cho mình già đi để vui chơi…

Đâu chỉ đơn giản là làm cho mình già đi để vui chơi…
July 19
12:44 2019

 

Ứng dụng FaceApp cho thiết bị di động iOS và Android được phát hành từ tháng 1-2017, nghĩa là đã 2 năm rưỡi rồi. Nó dùng thuật toán với sự trở giúp của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để xử lý các thông tin từ hình ảnh người dùng cung cấp mà biến hóa thành những hình ảnh mới, như làm già hay trẻ hơn, thay đổi sắc thái, dung mạo, thậm chí cả chuyển đổi giới tính.

Trong suốt thời gian qua, FaceApp nói chung chỉ được coi như một trò vui chơi mà thôi. Chỉ tới khi ngày 17-7-2019, Thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ ở Thượng viện Mỹ, Chuck Schumer, chính thức gửi văn bản yêu cầu Cục Điều tra Liên bang FBI và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (Federal Trade Commission, FTC) điều tra về tính an toàn, bảo mật, nguy cơ an ninh của ứng dụng này. Trong thư gửi Giám đốc FBI Christopher Wray và Chủ tịch FTC Joseph Simons, Thượng nghị sĩ Schumer bày tỏ quan ngại là ứng dụng FaceApp của Nga (có trụ sở ở Saint Petersburg) thu thập dữ liệu và hình ảnh của người dùng có thể bị cơ quan an ninh tình báo Nga khai thác cho hoạt động của mình để làm vũ khí chống Mỹ.

Ở đây, ta không bàn tới chuyện chính trị, cho dù FaceApp mang tội là một ứng dụng của người Nga. Cũng không nói theo thuyết âm mưu rằng đây là một công cụ để thu thập dữ liệu, hình ảnh của người dùng toàn thế giới. Ngay cả cái khả năng làm biến đổi ảnh chân dung người dùng mà có thể bị kẻ xấu lợi dụng.

Nhưng rõ ràng, để có thể sử dụng FaceApp này, người dùng phải cho phép ứng dụng truy xuất vào các file chứa trên thiết bị di động của họ – các file chứ không phải chỉ có hình ảnh. Vậy nên, người dùng cần cân nhắc thật kỹ và “vô tư đi” nếu như nghĩ rằng dữ liệu của mình là “của chung”. Ngoài ra, một khi đã được quyền sử dụng dữ liệu trên thiết bị của một người, ứng dụng hoàn toàn có thể mở rộng ra các người khác mà chủ nhân có mối quan hệ.

Chỉ nói tới chuyện FaceApp đang sở hữu ảnh chân dung của cả trăm triệu người dùng trên toàn thế giới mà nó thu thập được là đã thấy kinh khủng rồi. Ai biết được nguồn ảnh đó sẽ được chủ App sử dùng làm gì. Nhưng còn kinh sợ hơn thế nữa khi FaceApp cũng nắm trong tay kho dữ liệu cá nhân khổng lồ của người dùng toàn cầu khi nó bắt buộc người dùng phải cho nó truy xuất tất cả các file đang có trên máy người dùng. Có nghĩa tất cả dữ liệu, thông tin người dùng lưu giữ trong thiết bị đều sẽ rơi vào tay chủ App.

Trong một phỏng vấn qua e-mail với báo Mỹ Washington Post ngày 17-7-2019, CEO Yaroslav Goncharov của Công ty Wireless Lab – sở hữu FaceApp nói rằng ứng dụng không sử dụng các gương mặt của người dùng cho bất cứ việc gì khác hơn những gì ứng dụng làm, và hầu hết hình ảnh được xóa bỏ (delete) khỏi các máy chủ trong vòng 48 giờ sau khi được tải lên. Goncharov cũng khẳng định FaceApp không “bán hay chia sẻ dữ liệu người dùng với bất cứ bên thứ ba nào”; và trong khi các kỹ sư của họ ở Nga, các dữ liệu thu được ở Mỹ lại không được chuyển về Nga. Khi được hỏi liệu nhà chức trách Nga có truy xuất các hình ảnh người dùng Mỹ không, nhà lãnh đạo FaceApp trả lời là “Không”.

Cũng xin lưu ý điều quan trọng này: hiện nay rất nhiều ứng dụng di động có yêu cầu được cho phép truy cập dữ liệu trên thiết bị người dùng thì mới chịu chạy. Nếu có thể được, hãy nói không với chúng. Đừng nên tự rước ma xó, gián điệp nằm vùng vào nhà mình. Các ứng dụng đàng hoàng thì ngoài những yêu cầu phép tâc cơ bản theo quy định của Google Play (nay cũng có tùy chọn cho phép từng tính năng), chúng chỉ yêu cầu được dùng những thứ cần thiết và có liên quan. Hơn nữa, càng cài đặt nhiều ứng dụng, tài nguyên hệ thống càng bị hao tốn, máy càng chạy chậm hơn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Bạn có thể tham khảo thêm: Viral App FaceApp Now Owns Access To More Than 150 Million People’s Faces And Names.